Nhà văn Phi Vân: Người kể chuyện nông thôn Nam Bộ
Nông thôn và nông dân là đề tài chưa bao giờ bớt đi sức hấp dẫn trong sáng tác văn chương. Khi quá trình đô thị hoá càng mạnh mẽ thì những trang viết phản ánh phong tục và tập quán sau luỹ tre làng càng trở thành một bảo tàng ký ức lấp lánh. Nhà văn Phi Vân (1917-1977) là một trong những cây bút đầu tiên phản ánh trực diện đời sống nông thôn Nam Bộ một cách lôi cuốn và thuyết phục.
Nhà văn Phi Vân, tên thật Lâm Thế Nhơn, sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Từ tuổi đôi mươi, ông đã gắn bó với những tờ báo tiến bộ như Tiếng Chuông, Dân Chúng, Tiến Dân… Chính nhờ sự ngụp lặn với những mảnh đời nơi sông nước khẩn hoang, ký giả Phi Vân trở thành nhà văn Phi Vân như một duyên phận “tôi bắt đầu thực sự theo đuổi nghiệp văn chương bằng một thời kỳ lãng mạn, thích phiêu lưu và, sau một dạo ngao du nhiều nơi”.
Sau hai truyện dài “Trên bãi cát vàng” và “Chim trời bạt gió”, ông chuyên tâm viết về nông thôn với một loạt tác phẩm “Đồng quê”, “Dân quê”, “Tình quê” và “Cô gái quê”. Ngoài ra, ông còn có một tiểu thuyết dang dở, từng in nhiều kỳ trên báo, có tên gọi “Nhà quê trong khói lửa”.
Hãy hình dung xã hội Việt Nam cách đây một thế kỷ, nông dân cực khổ trăm bề dưới ách phong kiến và chế độ cai trị thực dân. Ở miền Bắc, Ngô Tất Tố viết “Tắt đèn”, Nguyễn Công Hoan viết “Bước đường cùng”, Vũ Trọng Phụng viết “Vỡ đê”… thì ở miền Nam có Hồ Biểu Chánh và Phi Vân đi vào thân phận những con người thấp cổ bé họng.
Tuy nhiên, Hồ Biểu Chánh và Phi Vân lại hoàn toàn khác biệt. Hồ Biểu Chánh có sở trường dựa trên cốt truyện phương Tây để lý giải những oan khiên của kẻ nghèo, theo kiểu tiểu thuyết luân lý. Còn Phi Vân sự dụng thực tế khốc liệt mà ông chứng kiến về những số kiếp “ở đời không làm được Phật, thì làm ăn cướp chớ có gì mà lo”, để viết tiểu thuyết phóng sự.
Tác phẩm “Đồng quê” của Phi Vân, gồm 11 phóng sự ngắn và tiểu thuyết phóng sự “Dưới đồng sâu”. Mặc định thể loại phóng sự ngắn là thái độ khiêm nhường của Phi Vân, bởi lẽ 11 phóng sự ngắn ấy đều có tầm vóc truyện ngắn cực kỳ sinh động.Trong tác phẩm thành công nhất của Phi Vân là “Đồng quê” in năm 1942, được Hội Khuyến học Cần Thơ trao giải thưởng năm 1943, ông bộc bạch: “Hình ảnh những nhân vật trong chuyện, những người đã cùng tôi sống chung, ngày nay đã mờ trong ký ức. Kể lại một quãng đời, phải chăng là sống lại những ngày qua? Có lẽ thế, nhưng tôi muốn xa hơn: vẽ một bức tranh phong tục và tập quán. Thật là quá cao vọng. Tự thấy còn thấp kém, nhưng tôi vẫn cố gắng”.
Thử đọc một đoạn trong phóng sự ngắn “Đổng Trách biết sập giàn” thì ít nhiều cũng hiểu được văn hoá khẩn hoang của người Nam Bộ lúc ấy: "Khi tiếng trống thùng thùng nổi lên trên xóm đình, thì dọc theo bờ ruộng đã thấy lũ lượt kẻ năm người ba kéo nhau đi xem hát.
Sân đình trước là một đám cỏ cú cao nghều nghệu, chỉ sơ sơ trong nửa buổi là bị dấu chân người giẵm lên sát rạt. Trước rạp, người ta dọn sạch sẽ, sắp một hàng ghế dài để dành riêng cho các bậc kỳ lão và hương chức; kế đó là ghế của tư nhân. Họ khuân từ nhà đem lại, chen nhau giành chỗ. Hai ngọn đèn măng sông được treo tòn ten trên cao, trước rạp.
Ba hồi trống cơm tùm tum báo rằng đào kép sắp ra tuồng, mà, tội quá, dám con nít cứ chen lấn nhau kêu la ầm ĩ. Chúng trèo níu đánh đeo ở hai bên giàn coi dàn kèn và coi các ông tướng vẽ mặt. Hai anh cai tuần lãnh coi trật tự đuổi thế nào chúng cũng không đi. Tức quá, họ bẻ roi quất bổ trên đầu, trên lưng làm chúng kinh hoảng lấn nhau té đùn cục. Nhưng một lát, chờ anh cai tuần rỏn đi chỗ khác, chúng lại leo lên bu chung quanh như kiến…
Đêm ấy hát tuồng Phụng nghi đình. Chính ông sáu Lý ốm tong, bây giờ độn cái bụng to, mặc áo rộng thùng thình đóng vai Đổng Trác. Mỗi lẫn ông đi khệ nệ, vuốt râu, đưa quạt lên trời hất hất, là mỗi lần người ta lo ó dậy… Có vài chị đàn bà bồng con, tay vạch áo đưa vú cho con bú mà mắt chăm chăm lên sân khấu, hồn gởi trọn cho Điêu Thuyền. Đứa con ngậm vú không được vùng khóc ré lên. Chị ta không kể đến, cứ đứng sững giơ tay đánh chan chát vào đít đứa con. Đứa bé khóc ngất…”.
Hoặc trong phóng sự ngắn “Trao thân cho khỉ mốc” phản ánh sự nhiêu khê của đàng gái trong một lễ rước dâu, nhưng vẫn hé lộ nét đẹp ưa chuộng chữ nghĩa qua hình ảnh ông tộc trưởng “Lớp tuổi già đè nặng trên lưng nhưng ông cũng cố gượng ngước lên, tay giơ cây đèn cao khỏi đỉnh đầu, tay gõ bằng móng dài thườn thượt lên lớp liễn đỏ, dò từng nét, từng chữ một và chậm chạp đọc Thừa long lạc ỷ tam chi thọ- Gía phụng quan thành bách lượng xa..”
Bằng ngòi bút của mình, Phi Vân không bênh vực vô lối cho những người nông dân, mà miêu tả họ chân thành với mọi cái tốt và cái xấu phơi bày giữa nhân gian. Phóng sự ngắn “Sanh nghề tử nghiệp” kể về tệ nạn tự phong thần phong thánh để bói toán, Phi Vân giễu cợt “Nhắc đến Mét Văn Quang, tôi phải nhớ ngay đến các bác họ Mét và cũng không thể quên được những mánh khoé bịp đời của hạng người mang kiếng trắng có đủ thứ hình tay nâng cằm, tay chống nạnh đăng trên các báo…
Cái câu quảng cáo dán trước bàn “Một thiên tài đã từng được Tây, Nam khen tặng” chắc hẳn là câu nói không ngoa!”. Phóng sự ngắn “Cành tre cũ, cặp giò xưa”, Phi Vân lột tả bản chất của thầy hương quản lo chuyện xét xử phải quấy trong làng, qua cách đối thoại với nghi can: “Sao, thằng chó chết này, mày phải khai cho thiệt!”.
Đặc biệt, phóng sự ngắn “Tiếng hò trên đêm vắng” kể về đạo chính trên sông chiêu dụ con mồi nhờ giọng ca mùi mẫn của một cô gái, để rồi khi khách thương hồ trúng kế “Chị hò ơi… chị hò. Làm ơn cặp ghe cho mồi nhờ chút lửa, chị hò” thì giọng ca mùi mẫn lại đổi tông khủng khiếp: “Coi có con đàn bà nào ở trong mui, đè cổ lột cho tôi sợi dây chuyền!”.
11 phóng sự ngắn trong “Đồng quê” như một bước chuẩn bị để Phi Vân có tiểu thuyết phóng sự “Dưới đồng sâu”. Chia làm 13 chương, “Dưới đồng sâu” kể về chuỗi ngày ngây thơ và bi đát của nhân vật xưng “tôi” là Sáu. Không có phương tiện sản xuất, Sáu phải đi làm thuê cho hội đồng Nghĩa và bị bóc lột đủ kiểu.
Không những vậy, người mẹ của Sáu cũng bị hội đồng Nghĩa gây ra cái chết oan uổng. Sáu nghe lại tội ác ấy qua lời trăn trối của người mẹ: “Người đánh má là bà chủ! Thảm thiết chưa con, nhục nhã chưa con! Ông chủ lại đây, ổng ngồi lân la chuyện vãn, ổng mở lời chọc ghẹo má, ổng ôm đại má… thì bà chủ nhảy xổ vào… Bả níu đầu má, bả chửi, bả rủa…
Cùng với con ở trói má vô gốc cột, đánh má, đập má tơi bời… Mà con ơi, má đâu có tội tình gì”. Dù người mẹ khuyên can khi trút hơi thở cuối cùng: “Con đừng trả thù, mà trả thù không được đâu, con ạ. Sợ rồi làm luỵ thêm cho thân con… Mẹ con mình ở đây bơ vơ, mà người ta là người có thế lực…”, nhưng Sáu không chịu nổi uất ức và bị tù 15 năm.
Mãn hạn lưu đày, Sáu trở về quê cũ, dựng một cái chòi trên Hòn Đá Bạc với nỗi ngậm ngùi mỗi ngày trông sang chốn cũ: “Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng này sang đồng kia, ruộng này sang ruộng khác. Trong những đồng ruộng mệnh mông, hiền lành đó, ẩn trú biết bao nhiêu là tá điền và chủ điền… Mà thôi, dĩ vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa! Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ…”. Tâm sự của nhân vật Sáu trong “Dưới đồng sâu” cũng chính là tiếng thở dài trắc ẩn của Phi Vân!
Sau tập “Đồng quê” được đông đảo công chúng đón nhận, Phi Vân viết tiếp “Dân quê”, “Tình quê” và “Cô gái quê”. Khác với những nhân vật cam chịu và bẽ bàng trong “Đồng sâu”, những nhân vật trong các cuốn sau để biết phản kháng khi ánh sáng cách mạng lan toả đến những vùng tăm tối. Nhân vật Quyến và Tâm trong “Dân quê”, nhân vật Giác và Nhạn trong “Tình quê” hoặc nhân vật Thanh trong “Cô gái quê” đều ý thức được giá trị của họ giữa gông xiềng áp bức.
Và ngay trong lời tựa “Dân quê”, Phi Vân cũng đã cảnh báo những tàn dư phong kiến đang dựa hơi thực dân để hà hiếp dân lành: "Tôi muốn ghi một giai đoạn đã qua rồi, cho số người còn chậm tiến, những người đang mong mỏi và chờ đợi một cơ hội thuận tiện để trở về thời oanh liệt của họ đã đến ngày tàn".
Lê Thiếu Nhơn
(vnca.cand.com.vn)