Lực lượng viết trẻ nhìn từ một “tỉnh lẻ”

13.06.2022
Ánh Tuyết
Lực lượng những người trực tiếp sáng tác văn học nghệ thuật trẻ hiện nay thực sự là vấn đề sống còn cho sự phát triển của nền văn nghệ nước nhà. Thực tế hiện nay, lực lượng này có ở hai nguồn: Các hội văn học nghệ thuật địa phương và các Hội văn học nghệ thuật ở trung ương. Trong đó, các hội văn học nghệ thuật địa phương thường là những nơi phát hiện, đào tạo và phát triển để cung cấp “nhân lực” cho các Hội ở trung ương. Rất hiếm khi và hiếm nơi có hiện tượng ngược lại. Có một thực trạng đáng buồn là hiện nay độ tuổi hội viên của hầu hết các Hội văn học nghệ thuật ở địa phương và trung ương đều cao và quá cao đang chiếm đa số và đang khá phổ biến.

Lực lượng viết trẻ nhìn từ một “tỉnh lẻ”

Đó là một thực trạng đáng báo động khi nghĩ về tương lai phát triển của nền văn học nghệ thuật mỗi địa phương và trung ương. Có nhiều nguyên nhân của sự bất cập trên đây, như: Kết nạp hội viên không chú ý đến độ tuổi; không quan tâm bồi dưỡng phát hiện các tài năng trẻ; chính sách thu hút những người trẻ tham gia sáng tạo chưa tốt…

Ngoài ra còn phải kể đến chính sách quan tâm ưu tiên đúng mức dành cho văn học nghệ thuật chưa đủ sức hấp dẫn lôi cuốn đối với những người toàn tâm toàn ý cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Có thể kể ra rất nhiều chuyện phải bàn, phải thay đổi quyết liệt kịp thời, để đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật luôn có đông đảo những bạn trẻ tham gia. Xin được đơn cử như ở tỉnh Thái Bình của chúng tôi. Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình có bề dày truyền thống hơn 50 năm thành lập (từ năm 1971).

Đến nay chúng tôi có gần 300 hội viên với 9 chi hội chuyên ngành. Số hội viên từ 70 tuổi trở lên chiếm 30/%. Số hội viên tầm 50-60 tuổi chiếm chừng 40%. Hội viên “trẻ” dưới 50 tuổi chỉ ước khoảng 30%. Cá biệt, có chuyện ngành như Văn nghệ Dân gian, số hội viên cao tuổi chiếm 85% và hội viên dưới 50 tuổi được gọi là “trẻ” chỉ đạt chừng 15% tổng số hội viên. Trong vài năm tới, những hội viên quá già không đủ sức khoẻ, không còn sức sáng tạo sẽ tăng dần lên, không đủ sức đi thực tế, không cập nhật được kiến thức mới nhất theo yêu cầu của xã hội; không có những người đủ sức khoẻ về thể chất và sức sáng tạo đặng đáp ứng yêu cầu chung của các chuyên ngành và yêu cầu của xã hội. Người sáng tác trẻ với lực lượng quá ít ỏi, lại thường “yếu thế”, không đủ khả năng phát huy được tiềm năng sức mạnh của mình, nói gì đến tiếp nhận nhiệm vụ chuyển giao thế hệ cho một nền văn học nghệ thuật trong tương lai…

Bên cạnh lực lượng sáng tác trẻ ở các Hội văn học nghệ thuật “chính thống” địa phương và trung ương, hiện nay còn một nguồn những người sáng tác trẻ ở các tổ chức văn học nghệ thuật “tự do, tự phát”. Lực lượng này tương đối đông, họ lập thành các nhóm, các câu lạc bộ, các sân chơi… văn học nghệ thuật của mình; họ tự động viên, nâng đỡ nhau, tự tổ chức xuất bản, quảng bá, triển lãm… tác phẩm kiểu “tự biên, tự diễn”. Tuy nhiên họ thiếu kinh nghiệm, thiếu sự định hướng về chuyên môn; các Hội văn học nghệ thuật “chính thống” và các ngành chức năng ở các cấp rất cần giúp đỡ, ủng hộ, nâng đỡ… để họ phát triển tài năng một cách đúng hướng, tránh những chệch choạc đáng tiếc.

Thời nào cũng thế, văn học nghệ thuật luôn mang tính cảnh báo, vì vậy đòi hỏi xã hội phải quan tâm tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật “đi trước một bước”. Đồng thời văn học nghệ thuật phải luôn luôn mới mẻ sáng tạo, luôn có những bước đột phá táo bạo. Văn học nghệ thuật mà không mới lạ, không độc đáo… thì làm sao thu hút được công chúng? Đặc biệt thời đại 4.0 đang cần lắm những người sáng tác trẻ có thể “đổi vai” cho những tác giả thế hệ lớn tuổi. Đội ngũ người sáng tạo trẻ là sự sống còn của văn học nghệ thuật.

Nếu không nghiêm túc nhìn nhận đánh giá vấn đề đội ngũ người sáng tạo trẻ hiện nay và tầm quan trọng của việc trẻ hoá đội ngũ người sáng tạo, thì nguy cơ các Hội văn học nghệ thuật tự kết thúc vai trò sứ mạng của mình là điều khó tránh khỏi! Một vấn đề đang được đặt ra là làm thế nào để thu hút người trẻ có khả năng tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật? Trong xã hội thời kinh tế thị trường hôm nay, để tồn tại và phát triển, người ta tập trung vào những lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống. Người có tài năng sáng tạo văn học nghệ thuật cũng buộc phải gác lại niềm đam mê để làm công việc nuôi sống bản thân và gia đình trước đã.

Thực tế hiện nay, lực lượng những người trẻ có khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật không ít. Có điều chúng ta chưa phát hiện, động viên được họ toàn tâm toàn ý với sáng tạo văn học nghệ thuật. Theo tôi, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực đồng bộ “ngay và luôn” để nhanh chóng thu hút những người trẻ có khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật. Trước hết, việc phát hiện và nâng đỡ các nhân tố mới trong đời sống xã hội đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết của người lãnh đạo các Hội, các chuyên ngành. Mỗi khi phát hiện thấy nhân tố mới là phải tranh thủ ngay, thẩm định tác phẩm cho họ, ưu tiên giới thiệu quảng bá tác phẩm của các tác giả trẻ trên các trang tạp chí chuyên ngành thuộc quyền quản lý và tạo cho họ những cơ hội giao lưu có thể. Đồng thời phải quan tâm trang bị cho người sáng tác trẻ những phẩm chất cần thiết, trước hết là bản lĩnh/nhãn quan chính trị đúng đắn để họ không bị lạc vào những quẩn quanh bế tắc. Điều này rất thiết thực vì họ còn trẻ, dễ bị lôi kéo cám dỗ vào những ma trận nghệ thuật nhân danh những “cách tân, đổi mới, trào lưu, xu hướng…”. Cần có cách thức định hướng người sáng tác trẻ tập trung vào những đề tài lớn, mang tính tư tưởng cao, vì những giá trị tốt đẹp của văn học nghệ thuật.

Hội văn học nghệ thuật tại chỗ cần bố trí người có chuyên môn tốt giúp đỡ bồi dưỡng những nhân tố mới; tổ chức cho họ được tham gia các lớp học bồi dưỡng chuyên môn, tham gia những trại sáng tác văn học nghệ thuật, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị về sáng tác văn học nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả trẻ tham gia các cuộc giao lưu giữa các thế hệ để hỏi các bậc tiền bối và học hỏi ngay trong lớp trẻ của họ... Người trẻ có tài thường có chút gọi là “tự kiêu, tự mãn”. Cần biết thông cảm, tôn trọng cá tính của tuổi trẻ; không nên vội vàng phủ nhận họ, thiếu tin tưởng họ. Trái lại nên lắng nghe tâm tư, tình cảm, sự hiểu biết và khả năng sáng tạo đóng góp của họ thông qua những sáng tạo nghệ thuật của họ. Người trẻ luôn có xu hướng bắt nhịp với số đông, bắt nhịp với thời đại, thế giới. Trẻ luôn có sở thích khám phá, tiên phong mở đường. Có thể họ thành công, có thể loay hoay thất bại. Các thế hệ đi trước hãy bình tĩnh đọc họ, nghe, xem họ viết, họ vẽ, họ sáng tạo như thế nào trước khi phán xét. Chẳng hạn như trong lĩnh vực văn học, những người làm thơ trẻ luôn phá cách tìm ra lối đi riêng, họ đã bỏ qua các yếu tố thi pháp truyền thống như yếu tố vần điệu, cấu tứ bài thơ, nhịp thơ, ngôn ngữ thơ, tính trữ tình… của thơ.

Người trẻ đã sáng tạo ra lối thơ không chỉ đọc bằng lời mà đọc bằng suy ngẫm, bằng lối tư duy “phi logic, phi truyền thống”. Tuy nhiên, bất chợt trong đám “rắc rối, khó hiểu, khó chịu” ấy loé lên ánh sáng của sự phát hiện, sự thể hiện rất độc đáo, rất thông minh thú vị… và nó cũng đã nói được điều nó cần nói. Thế nên xã hội hiện nay một số người chấp nhận loại thơ này. Những gì thật sự là nhịp rung của trái tim vì cái đẹp, vì con người và những gì thuộc về tài năng tâm huyết sẽ được ghi nhận. Sự “lập dị” là khó chấp nhận chứ không nói là hoàn toàn không chấp nhận. Tất nhiên, cũng không loại trừ một số người trẻ do thiếu kiến thức về mọi phương diện, lại không chịu học hỏi, thiếu khiêm tốn… nên họ đã đi quá đà, họ làm ra một thứ sản phẩm “độc” đến mức quái dị. Gây phản cảm thẩm mỹ, chưa kể gây độc hại khi định hướng thẩm mỹ ra xã hội. Người trẻ sáng tạo nghệ thuật cần được quan tâm, động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn… để họ tiếp nhận sự chuyển giao thế hệ, sáng tạo phục vụ tốt nhất cho dân tộc, đất nước, quê hương. Trách nhiệm đó thuộc về những thế hệ đi trước, những người làm công tác quản lý văn hoá, văn nghệ ở các cấp, nhất là với các địa phương “tỉnh lẻ” như Thái Bình quê tôi!

(baovannghe.vn)