Viết bằng trí tuệ nhân tạo: Hệ quả của nhân tính thụt lùi
Muôn kiểu bắt chước để “sáng tạo”
Không khó để thấy các nội dung bắt chước trên TikTok. Những “nhà sáng tạo nội dung” mượn dùng ý tưởng, kiểu mẫu từ một người khác. Những kênh vũ công trên TikTok chỉ toàn những video bắt chước lại một điệu nhảy trending trên nền nhạc trending mà không hề có một bài nhảy nào của chính cá nhân họ sáng tạo.
Những video ngắn bê y hệt một video đã có bên Trung Quốc rồi diễn lại, và phần bình luận tràn ngập những câu như: “Đã bắt chước mà còn làm dở hơn,” nhưng rồi cũng đạt được hàng chục hàng trăm ngàn lượt thích, lượt xem đến hàng triệu. Những trang nội dung đăng bài giống nhau đến mức người ta tưởng tất cả do một người quản lý.
Tất thảy, đều là biểu hiện của sức ép “phải đăng thứ gì đó”, chứ không phải là “có được một thứ giá trị để đăng”.
Mục tiêu của họ là lượt xem, lượt thích (like), là độ lan tỏa bất kể giá trị chất xám. Tư duy của họ không phải là tư duy mang tới nội dung có bất kỳ giá trị nào đó cho khán giả, ngoại trừ giải trí kiểu “úng não”. Miễn người ta cắm mắt vào xem là được. Và chúng ta tiêu thụ những nội dung này quá mức dễ dàng.
Hay vượt ra khỏi ngành sáng tạo, đi đến những lĩnh vực đời sống khác thì sao?
Khi chuyển đổi sang chương trình giáo dục mới, các bên làm sách giáo khoa phải chuẩn bị hàng loạt tài liệu bổ trợ để thuyết phục giáo viên chuyển đổi. Từ giáo án, bài thuyết trình, bài giảng mẫu để thầy cô có thể sử dụng ngay sách mới mà không cần nghiên cứu thêm nhiều. Cứ y như cho sẵn mà dạy là được.
Hay một sự thật khác về truyền thông: nhiều giám đốc công ty bắt đội ngũ marketing của mình sử dụng AI để tạo nội dung cho mạng xã hội. Chỉ cần có chữ là được, bất kể chữ đó là gì. Chúng ta đã đi vào một thế giới như thế, một thế giới đói khát cần được lấp đầy liên tục, một thế giới buộc mọi người “phải làm ra thứ gì đó” thay vì hỏi “thứ đó nên là cái gì?”.
Viết không khó đến vậy
Đây chính là một sự thật về thế giới: chúng ta đã quen mượn, quen sao chép, quen sử dụng những mẫu có sẵn. Một tư duy lối mòn, khuôn sáo không muốn thừa nhận mình thua kém. Vì không muốn bị điểm thấp, nên sẵn lòng tìm đến văn mẫu. Và nếu đã cái mẫu đó vốn đã rất tốt, được người người công nhận thì cớ gì ta lại không dùng để được điểm cao?
Nhưng viết không khó đến vậy. Lầm tưởng viết là phạm trù của nghệ thuật và những người viết cần bay bổng có lẽ đến từ chương trình cũ quá mức tập trung vào các văn bản nghệ thuật. Yếu tố quan trọng nhất của viết là một thứ mà tất cả mọi người đều có: tư duy của chính mình.
Đó là sở thích, sở ghét, suy nghĩ về cuộc sống, trải nghiệm của mỗi người. Đó là tính người trong mỗi người chúng ta. Một tính người rất riêng của mỗi cá nhân, một thứ không ai khác thay thế được chứ đừng nói một cỗ máy.
Tự bản thân người Việt đã có câu “Chín người mười ý.” Dù cho cùng một sự việc, hai người có suy nghĩ về tổng thể là giống nhau thì vẫn có những điểm chi li khác biệt.Và khi đi vào các tình huống cụ thể hơn sẽ thấy được khác biệt rất rõ ràng.
Đó là bản chất của tính người, không ai là giống nhau hoàn toàn. Vậy nên, “thứ ta muốn nói” sẽ không thể nào là bản sao với của người khác được. Vậy nên, việc sao chép y nguyên của một người khác đã là một hành động đổi chác chính cá nhân mình, đắp lên nhân dạng của người khác.
Viết, hay nói đúng hơn là diễn đạt suy nghĩ của mỗi người, là một hành động tạo ra ý tưởng nguyên bản từ chính trải nghiệm tư duy của mình. Viết đúng nghĩa, chưa bao giờ, và không nên là hành động sao chép, nhắc lại thứ người khác đã nói, đã làm.
Bản chất của chuyện viết bằng AI
Còn AI đang được dùng bổ trợ cho viết ngày nay vốn dĩ là một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với khả năng dự đoán ngôn ngữ. Tự nó không “tư duy” như cách con người tư duy. Từ vô số điểm dữ liệu, nó “tạo” ra nội dung cho các câu trả lời bằng cách dự đoán tỷ lệ chính xác của trình tự sắp xếp câu từ. Tự AI không có ý tưởng nguyên bản. Thứ nó nói, là thứ một người nào khác đã nói.
Nếu AI cho ta kiến thức mới, đó là vì trước đó ta chưa biết đến kiến thức này, chứ không phải vì nó đã được AI tạo mới. Nếu ta thấy AI viết đúng với suy nghĩ của mình, đó cũng chỉ là một hiện tượng xác nhận lại suy nghĩ, chứ không phải là một cuộc trao đổi với chuyên gia để hiểu sâu hơn về lĩnh vực đó. AI là công cụ hỗ trợ tìm kiếm, tổng hợp, chứ không phải là nhà máy sản xuất nội dung đầu ra.
Nhưng, hiện nay, chúng ta bước vào một thế giới chỉ quan tâm đến kết quả là những con số. Với tư duy dùng mẫu ăn chắc có sẵn đó, cớ gì ta không sử dụng? Vậy nên mới nói AI chỉ là một triệu chứng cho căn bệnh đã tồn tại từ lâu. Nó không phải là một hiện tượng mới, mà chỉ là diễn biến trở nặng của bệnh cũ.
Ta ban cho nó cái tên “tạo sinh” chỉ để tự vỗ vai, tự an ủi mình rằng: chép từ AI tạo sinh vẫn hơn chép văn tả chó mèo từ sách văn mẫu.
Hay nói một cách khác: khi phải tìm đến AI tạo sinh, thì người đó không khác gì một đứa bé tiểu học mếu máo tìm đọc sách văn mẫu.
Chúng ta viết, vì chúng ta muốn diễn đạt điều gì đó trong lòng mình. Mỗi từ ngữ viết ra gửi đến người đọc nên là lời từ chính tác giả. Nếu chưa viết được, hay nói là “chưa biết viết gì”, hãy trau dồi cho bản thân thật tốt, và kiến giải đó sẽ tự hiển lộ từ trong tâm can ta.
(baoquangnam.vn)