Tặng sách và sách tặng

26.04.2024
Sương Nguyệt Minh
Sách được ví như đứa con tinh thần của tác giả sau bao nhiêu năm tháng lao tâm khổ tứ để sinh thành... Quý tác phẩm như vậy mà nhìn thấy nó lăn lóc ở đống đồng nát vỉa hè, vạ vật ở cửa hàng sách cũ với dòng đề tặng và chữ ký của mình thì có nỗi xót xa nào hơn? Xót xa và còn buồn hơn khi người được tặng lại là chỗ mình quý mến nhất, là người mà mình tin là họ sẽ trân trọng nâng niu, cất giữ sách của mình...

Tặng sách và sách tặng

Năm ngoái, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ai oán trên mạng xã hội vì có một bạn đọc ở Sài Gòn mua lại ở vỉa hè và tặng lại ông bộ ba tiểu thuyết của Milan Kundera do ông dịch, in năm 1999 đề tặng cho một bạn văn. Cũng vẫn bạn đọc ở Sài Gòn có duyên ấy lại mua được ở cửa hàng sách cũ một cuốn sách Nhà văn như Thị Nở có bút tích Phạm Xuân Nguyên đề tặng một nhà thơ đúng năm ra sách. Có nhiều con đường sách tác giả đề tặng nổi trôi đến chợ giời đồng nát, chưa hẳn là người được tặng đang tâm vô cảm quẳng đồ tặng, bán sách tặng như bán giấy lộn cho bà thu mua đồng nát. Một nhà văn lão thành nghe Phạm Xuân Nguyên ai oán, thì an ủi: “Có thể người mượn của người được tặng qua đời, người nhà thu dọn đồ đạc cũ gom tuốt bán cho bà ve chai... ” Ờ nhỉ, có thể lắm!

Dù đứa con tinh thần của nhà văn đã đem tặng, mà lăn lóc ở chốn đồng nát, hay hiệu sách cũ bằng con đường nào, hoàn cảnh nào... thì tác giả cũng vẫn cứ buồn. Đó đây không thiếu các hình ảnh sách ký tặng chìm nổi giữa dòng đời. Không chỉ ông Phạm Xuân Nguyên, mà còn nhiều nhà văn nhà thơ lớn tặng sách, nhưng cũng không còn trên giá sách nhà người được tặng, mà đi ở chốn đồng nát, ở nơi cửa hàng sách cũ.

Những quyển sách tặng đã có thời gian ấm hơi người được tặng còn thế, thì những quyển sách chưa kịp mở trang đã bị bỏ rơi còn ê chề đến mức nào? Nhà văn Vũ Xuân Tửu kể, các lần ông đi dự Hội nghị Viết văn trẻ, hoặc dự Đại hội Nhà văn... đều thấy sách tặng nhau bị bỏ lại trên bàn nước, hoặc bị giấu dưới chăn đệm khách sạn. Ông lặng lẽ đi các phòng thu nhặt, sợ chị em dọn phòng chê cười các nhà văn xứ ta. Khổ thế! Các nhà văn nhà thơ gặp nhau tay bắt mặt mừng cứ như quen biết nhau từ thế kỉ trước, không tặng sách thì trách móc, dỗi hờn, mà tặng thì bỏ rơi bỏ vãi...

Đời sách cũng như đời người vậy. Ý tưởng lớn ấp ủ, thai nghén, sinh thành, dù nâng niu bao nhiêu, thì nó cũng có số phận riêng, nhà văn chẳng làm được gì nữa khi tác phẩm ra đời. Nó gối đầu giường bạn đọc, nằm trên giá sách thư viện thì ít mà thành giấy lộn, thành đồ đồng nát trước khi vào máy nghiền... thì nhiều. Sách có đời của sách, có kiếp của sách. Sách được trân trọng nâng niu ở nơi này, nhưng bị thờ ơ, ghẻ lạnh ở nơi kia cũng là chuyện thế gian thường tình. Cho nên, đầu tiên sách muốn tồn tại lâu, được quý trọng, được đón nhận thì tự thân sách phải có hình thức và chất lượng, mà chất lượng là do cha đẻ của sách quyết định. Sau đó, mới là cái cách sách phải đến đúng nơi đúng người đọc.

Xưa nay, tài sản quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, vàng bạc... đem cho tặng rồi người được cho được tặng cũng đem đi bán có sao đâu? Dĩ nhiên, cũng có người buồn tủi. Buồn tủi vì có mảnh đất, cái nhà ông cha để lại, mong nó giữ làm nơi thờ cúng, làm nơi lưu giữ hơi ấm ông bà cha mẹ, lưu giữ kỉ vật đầy mồ hôi nước mắt của bậc sinh thành, nhưng bỗng chốc thuộc về người dưng. Tặng sách cho người không yêu sách, không quý sách, người ta sẽ không biết quý trọng nâng niu, họ mừng hơn nếu được cho một món quà bằng tiền hoặc vật chất. Người ta chẳng có lỗi gì trong câu chuyện này, bởi người ta sẽ chọn cái người ta cần, người ta muốn. Cũng giống như thổ dân da đỏ ở đầu nguồn sông Amazon sống khép kín giữa rừng già, chưa một lần nhìn thấy vàng bạc bao giờ, người ta thấy cái vòng cỏ, cái dây đeo móng vuốt hổ đẹp và thiết thực hơn cái vòng nguyệt quế bằng vàng đính kim cương.

Ngay cả người được tiếng là yêu sách, nhưng yêu quý sách vừa phải, chưa đến độ mê đắm sách thì cũng không phải bao giờ cũng giữ gìn, bảo quản sách đến hết đời mình. Yêu sách, quý sách nhưng nhà chật chội, loay hoay chuyện ăn ở ngủ nghỉ đã mệt nhoài, thời gian đâu mà ngắm nghía sách, thư thái viễn du cùng những trang sách, lại sống ở xứ sở mưa nóng ẩm ướt, sách giấy bị ố vàng, mủn mốc, bảo quản kém chẳng may lại rước bệnh tật từ sách cũ thì niềm vui với sách cũng giảm dần theo năm tháng.

Vả lại, thời đại internet, sách điện tử đang lên ngôi. Trước đây, rất nhiều sách cổ, sách quý hiếm chỉ có ở thư viện lớn, ở người sưu tầm sách quý... thì bây giờ đã được số hóa, tìm chẳng khó khăn lắm trên mạng, nếu bạn chịu bỏ ra một số tiền không quá đắt sẽ đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu tiện lợi của bạn đọc đã được ebook đáp ứng, cho nên tích trữ sách, sưu tầm sách giấy và làm thư viện trong nhà đang giảm dần. Ấy là chưa kể sách làng nhàng, không hay, đọc chỉ tốn thời gian thì lại càng bị chối bỏ. Tác giả của loại sách này đem cho tặng thì “kính chả bõ phiền”, vô tình làm khó, làm phiền cho người được cho tặng.

Vậy cần ứng xử thế nào khi sách tặng không còn cần thiết với người được tặng? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhân sách của mình ra đồng nát, đã có một ý nghĩ bất chợt: “Tôi sẽ xé trang có lời bạn đề tặng tôi nếu như tôi không thể mang được cuốn sách bạn tặng.” Ông cũng đề xuất với bạn văn: “Có lẽ, những ai biết mình không thể mang theo sách được tặng thì đều nên xé trang đề tặng đi. Phòng khi sách bị trôi nổi sa vào hàng sách cũ thì không làm xấu mặt mình và mặt người tặng sách mình. Dễ thôi mà, chỉ là đơn giản một động tác xé cái trang đầu sách.” Nghe có vẻ thật phũ phàng, nhưng cách hành xử này không phải không có lý.

Có một cách ứng xử nữa với sách tặng, là bảo toàn tính nguyên vẹn của nó, bởi sách đã thoát thai khỏi tác giả thì nó sẽ sống đời sống riêng, số phận riêng. Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Lê Giang cho rằng: “Không nên xé sách. Người chơi sách cũ rất quý sách có đề tặng của người nổi tiếng. Giá sách tăng vài chục lần nhờ chữ ký đó.” Quả thật! Tính nguyên vẹn của sách và đề tặng cùng chữ ký cũng có giá trị riêng đấy. Sách cũng có cuộc đời mà! Có khi chính sự nổi trôi, phiêu dạt ấy lại có ‘lịch sử vấn đề’ nên nó được gắn thêm huyền thoại và sống dài hơn vì huyền thoại ấy. Tôi thử hình dung nhà sưu tập sách nào đó bỗng bắt gặp tiểu thuyết Số đỏ in từ cách đây gần một thế kỉ có đề tặng và chữ ký của Vũ Trọng Phụng; hay tập truyện ngắn Gió lạnh in ở Nhà xuất bản Đời nay có bút tích của Thạch Lam năm 1937; hoặc tiểu thuyết Tắt đèn do Mai Lĩnh xuất bản năm 1939 có chữ ký của Ngô Tất Tố tặng ai đó... thì hẳn là nhà sưu tập ấy mắt sáng lên vì không phải cầm quyển sách cũ, mà cầm nhiều triệu đồng.

Nhận sách tặng rồi tặng lại nơi nào cần, người nào muốn cũng là phương án hay. Thế gian có chuyện lạ kì “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Ở phố phường thì ê hề sách báo, nhưng chỉ cần chạy nửa ngày đường vào vùng sâu, vùng xa ở miền núi, thậm chí ở ngoại đô vẫn nhiều nơi thiếu sách, học sinh muốn đọc nhưng không có sách. Vậy thì chuyển tiếp sách từ nơi thừa đến nơi thiếu, chỉ có điều làm cách nào đó để tác giả đã tặng sách nhìn thấy đứa con tinh thần của mình và chữ kí khỏi buồn. Nhà văn Nguyễn Thị Phước kể rằng, nhà thơ Vũ Quần Phương nghĩ ra một kế và khuyên bà nếu trong tình trạng muốn cho, tặng ai cuốn sách mình được tặng thì khắc cái dấu “Nguyễn Thị Phước tặng lại”. Nhà văn Văn Giá vừa rồi tặng mấy trăm quyển sách cũ cho nơi ông từng hơn chục năm công tác đã làm theo cách ấy, nhưng ông viết bằng bút bi chứ không khắc dấu đóng. 

Trường hợp “trôi nổi” trên đây, đối với bên mỹ thuật thì lại rất bình thường, thậm chí vui mừng. Họa sĩ đôi khi bắt gặp lại bức tranh từ lâu mình đã ký tặng ai đó, giờ thấy nó được mua đi bán lại rộn ràng trên thị trường thì cảm thấy thú vị, thậm chí tác giả còn muốn mua lại cho nó đi đủ một vòng đời khép kín. Cho nên, sách nhà văn ký tặng trôi nổi đến chợ giời đồng nát cũng có cái niềm vui khi bất chợt bắt gặp lại đứa con tinh thần trên hành trình chu du vô định...

(Văn nghệ số 16/2024)