Nguyễn Bính - vừa đã trăm năm

04.03.2018

Nguyễn Bính mãi là thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của yêu thương, thi sĩ của hồn quê...

Nhà thơ Nguyễn Bính sinh ra tại làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000) với các tác phẩm: Gửi người vợ ở miền Nam, Đêm sao sáng, Nước giếng thơi, Lỡ bước sang ngang. Thấm thoắt, ông đã hiện diện tròn một thế kỷ (1918 – 2018).

Nguyễn Bính - vừa đã trăm năm

“Tồn nghi” và sự thật

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung viết trong Từ điển văn học(1) (tập 2) thì nhà thơ Nguyễn Bính sinh năm 1919 tại làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tên thật là Nguyễn Bính Thuyết. Thế nhưng, ở bài viết “Vài nét tiểu sử Nguyễn Bính” in trong tập Nguyễn Bính - thi sĩ của yêu thương (2) lại ghi rằng: Nguyễn Bính (thuở nhỏ tên là Nguyễn Trọng Bính, sinh khoảng cuối xuân, đầu hạ 1918).

Tác giả Thuần Hoa trong một bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) lại ghi: Nguyễn Bính có tên là Nguyễn Bính Ngọ. Đó là chưa kể về năm sinh của Nguyễn Bính, họa sĩ Nguyệt Hồ trong lời bạt Giai thoại Nguyễn Bính(3) - viết: “Anh (tức Nguyễn Bính) mất lúc 49 tuổi”; còn trong “Vài nét tiểu sử Nguyễn Bính” của cuốn Nguyễn Bính - thi sĩ của yêu thương(4) lại ghi rằng: “Nguyễn Bính chết đột ngột vào ngày 20.1.1966...

Năm đó Nguyễn Bính tròn 48 tuổi”; đó là chưa kể đồng tác giả Nguyễn Phan Cảnh - Phạm Thị Hòa trong bài Thông điệp Nguyễn Bính viết: “Nguyễn Bính đã được phân công công tác về lại chính quê nhà để chết rất thật trên điểm xuất phát đó, 47 tuổi”(5). Như vậy, ngay cả tên thật, năm sinh và năm mất của Nguyễn Bính hiện diện trên các tài liệu sách báo cho đến nay vẫn chưa được ghi thống nhất?

Thế nhưng, có điều chắc chắn là trước khi ông từ giã cõi đời vào ngày tất niên năm Ất Tỵ tại nhà một người bạn và mọi người vinh danh trân trọng là thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của yêu thương, thi sĩ của hồn quê... thì ngay từ khi Nguyễn Bính “5 tuổi đã đọc ra thơ” và trở thành một thần đồng trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng khi mới 13 tuổi, thơ ông đã từng đoạt giải thưởng của Tự lực văn đoàn (1937) và lọt vào mắt xanh của các tác giả “Thi nhân Việt Nam”.

Từ lâu, thơ Nguyễn Bính đã được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, chỉ tính mấy chục năm lại đây, thi phẩm của ông đã trở thành một “sự kiện” của ngành xuất bản.

Cùng năm 1986: 40.500 bản “Tuyển tập Nguyễn Bính”(6), 50.000 bản “Thơ Nguyễn Bính”(7), năm 1987, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh lại cho in 50.000 cuốn “Thơ tình Nguyễn Bính” và cũng số lượng như vậy với cuốn Cây đàn tỳ bà (15 truyện thơ hay của Nguyễn Bính), liên tiếp mấy năm liền NXB Giáo dục đều cho in thơ Nguyễn Bính.

Tập Chân quê đã in đến lần thứ 3 (1993) không kể Thơ tình Nguyễn Bính (loại sách bỏ túi) cùng đợt xuất bản thơ của các tên tuổi: Tản Đà và Xuân Diệu. Đó là chưa kể hàng chục cuốn sách của các Nhà xuất bản khác và dưới dạng này dạng khác trích tuyển thơ Nguyễn Bính.

Thiết nghĩ, số lượng ấn bản phẩm khổng lồ như vậy có thể phần nào thể hiện được mối quan hệ đặc biệt giữa tài năng Nguyễn Bính với đông đảo các tầng lớp, nhiều thế hệ độc giả. Nói cách khác, số lượng khổng lồ ấn bản phẩm ấy thể hiện sức sống lạ thường dường như lý tưởng của thơ Nguyễn Bính mà nhiều nhà thơ nổi tiếng khác khó dám mong. Và cũng chính vì lẽ đó, có thể nói, việc nghiên cứu tìm hiểu thơ Nguyễn Bính luôn luôn còn là đề tài hấp dẫn.

Định danh

Thực ra, để định danh Nguyễn Bính, ngay từ cách nay hơn nửa thế kỷ, các tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã phân tích: “Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm ra những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu...” và “tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải người thời xưa. Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay.

Tình cờ có đọc Nguyễn Bính họ sẽ bảo: “Thơ như thế này thì có gì?”. Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước”(8) (chúng tôi nhấn mạnh - N.T.H). Thế nhưng, như họa sĩ Nguyệt Hồ kể lại: “Dạo ấy theo tôi biết, nhiều tòa báo đều bàn luận và đón nhận nhiệt tình nhất với 3 thi sĩ: Đó là Tản Đà, Xuân Diệu và Nguyễn Bính. Ba vị này có ba vị trí đặc biệt.

Tản Đà là một nhà thơ lão thành, đại biểu cuối cùng của dòng thơ cũ, mặc dầu ông cũng đã tung phá niêm luật sáng tạo ra nhiều thể loại mới lạ. Xuân Diệu, đại biểu số một của dòng thơ mới, chủ trương triệt để “bình mới, rượu mới” có những tứ thơ táo bạo, cách thể hiện rất mới, ngôn ngữ rất Tây...

Nguyễn Bính có lẽ là thi sĩ dung hòa được cả hai, có thể nói là gạch nối hai dòng cũ, mới. Tất nhiên có khác Tản Đà là Nguyễn Bính nghiêng về ủng hộ cái mới. Và cũng khác Xuân Diệu ở cách vẫn đứng vững chắc trên cái nền dân tộc của mình”(9).

Tác giả Đỗ Lai Thúy trong “Đường về chân quê” của Nguyễn Bính cũng thống nhất với các ý kiến trên đây của Hoài Thanh - Hoài Chân và Nguyệt Hồ nhưng cách nói cực đoan hơn: “Thơ Nguyễn Bính không phải là bản khải hoàn ca của cái mới; hay khúc bi ca của cái cũ. Trong thơ ông, cũ mới cùng hiện diện, cùng tồn tại trong một sự tương tranh không ngừng. Sự dùng dằng cũ - mới đó - về cạnh khía xã hội học, có thể là non yếu, nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật thì chưa hẳn đã thế, có khi còn ngược lại.

Thơ Nguyễn Bính thuộc trường hợp hiếm hoi này, bởi vì trong sự cọ xát cũ - mới ấy, đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân, mà cả của một dân tộc”(10). Cả ba ý kiến trên đây đều thừa nhận chất “quê mùa” - dân dã đậm đà đã song hành tương tác cùng chất hiện đại làm nên đặc sắc thơ Nguyễn Bính.

Nhưng ở những góc độ khác, tác giả Nguyễn Hoành Khung viết: “Trong khi phần lớn các thi sĩ thơ mới chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây thì Nguyễn Bính vẫn tha thiết với điệu thơ dân tộc, với lối ví von duyên dáng, ý nhị mà mộc mạc của ca dao”(11).

Còn các tác giả Nguyễn Phan Cảnh - Phạm Thị Hòa trong “Thông điệp Nguyễn Bính” lại nhận xét: “Chính cái dung dị quá tuyệt đối của hồn thơ Nguyễn Bính đã làm cho mọi thế hệ mến mộ thơ ông, sau phút đam mê đã không khỏi giật mình: Thi nhân muốn nhắn gọi điều gì đây, mà giữa cái ồn ào Âu hóa vào thế kỷ, người cứ lừng lững “chân quê” như thế?” (sđd, tr. 6).

Có thể nói: Những nhận xét này nghiêng về khẳng định chất dung dị, dân dã, kể cả so sánh, đối chứng với “cái ồn ào Âu hóa” đương thời Nguyễn Bính. Có lẽ: Sự dung dị, dân dã hay hiện đại nói trên bấy nay thường được nhìn nhận trong mối quan hệ so sánh về trường phái, xu hướng sáng tác của tác giả hơn là đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống và công phu để chỉ ra những đặc trưng nghệ thuật như là bản chất thẩm mỹ của tác phẩm thơ Nguyễn Bính, làm căn cứ khoa học và khách quan cho việc khẳng định những đóng góp đặc sắc của ông với văn học Việt Nam hiện đại.

Thoạt đọc Nguyễn Bính, có thể dễ dàng khẳng định: Thơ ông về cơ bản thể hiện chất “chân quê” dân dã, song đọc kỹ hơn lại có cảm giác đấy là cái nền để hồn quê hiện lên một cách đậm đà. Đó là cách đọc thông thường bằng kinh nghiệm cảm xúc và linh cảm trực giác - trong khi đó mỗi tác phẩm nghệ thuật đều tồn tại dưới dạng một sinh thể - nó có đời sống, có cấu trúc và những dấu hiệu biểu hiện đặc biệt.

Nhìn một cách tổng quát, những ý kiến bàn về thơ Nguyễn Bính từ hơn nửa thế kỷ qua chủ yếu dồn sự chú ý khai thác các yếu tố truyền thống và sự cách tân trong thơ Nguyễn Bính. Đó là cái nhìn xuyên thấm qua các bình diện nội dung, tư duy nghệ thuật, thể loại, chủ thể, đối tượng, ngôn ngữ... - những khu vực “có vấn đề” nổi trội dễ thấy giữa thơ Nguyễn Bính với các hiện tượng thơ đương thời.

Từ khi xuất hiện trên thi đàn, thơ Nguyễn Bính đã trở nên đặc biệt gần gũi với bạn đọc, đó là một thực tế. Sức sống, sức lan toả mãnh liệt và bền bỉ của thơ Nguyễn Bính bởi đặc trưng của đối tượng miêu tả của nội dung và hình thức chiếm lĩnh đời sống, của phương thức thể hiện... kết tinh ở hình tượng nghệ thuật thể hiện qua các phương diện: Cấu tứ độc đáo, sự miêu tả sinh động, kết cấu tài tình, ngôn ngữ gợi cảm, tạo ra được những rung động đặc biệt nhằm thuyết phục và cuốn hút người đọc.

Thơ Nguyễn Bính là một trường hợp như vậy.

Hơn mười tập thơ, tập kịch bản... mà Nguyễn Bính để lại trong đó không ít bài được tái bản với số lượng lớn - điều đó cũng đủ thấy vị trí quan trọng của ông đối với nhiều thế hệ người đọc cũng như đối với nền thi ca Việt Nam từ những năm 1930 trở lại đây.

TS Nguyễn Trọng Hoàn

laodong.vn