Sự gắn kết giữa xưa và nay
Hành trình kết nối
Cuốn sách không đơn giản chỉ là sự kết nối giữa ba phần trong tập sách: 9 truyện ngắn trong phần đầu “Nam Xương tửu quán”, các ký sự gởi trong “Ký sự Đà Thành” và du ký “30 ngày trên đất Mỹ”.
Trên cái nền khá rộng mở của vùng đất Quảng - Đà, câu chuyện kéo dài hơn mấy trăm năm, cứ thế nối kết, đan cài quá khứ, hiện tại và nối sang cả những cái nhìn lấp lánh sáng về phía tương lai. Thêm nữa là sự kết nối, lan tỏa của những con người, những câu chuyện từ vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này với phần còn lại của thế giới.
“Nam Xương tửu quán” là những câu chuyện dài gắn với lịch sử vùng đất Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ những con người dân quê hiền hậu chịu thương chịu khó đến những nhân vật lịch sử lừng danh một thời như Trần Cao Vân, Trần Hàn... và nhiều người của một thời, như số phận tiệm buôn Nam Xương, sau đó đổi thành “Nam Xương tửu quán”.
“Tiệm Nam Xương không còn cái tên cũ là Nam Xương Tửu Quán như lúc ông Hương còn sống, nhưng vẫn là nơi nhiều người lui tới vì ai cũng biết, nhưng không nói ra, cái gốc gác của bảng hiệu này”.
Câu chuyện của bà Hương, vợ người chủ quán còn kéo dài mãi tận sau này. Những phận số bị những biến động của thời cuộc cắt ngang, chia lìa, quăng quật mỗi nơi mỗi cách. Tuy nhiên, vẫn còn đó sự lưu giữ, níu kéo nên vẫn có được những nét đẹp đầy giá trị để lại ngày sau, mà đôi khi chỉ bằng một câu chuyện nhỏ: Lưu giữ cho được cây mai hạ qua câu chuyện của Huệ và ông Khoa (Cây mai hạ).
Hay như câu chuyện của người học kỹ sư công chánh khóa đầu tiên ở Trường kỹ thuật Phú Thọ, năm 1951, ra trường làm cho hãng thầu RMK, người tham gia xây dựng chiếc cầu sắt qua sông Hàn kéo dài hơn nửa thế kỷ có lẽ là sự “kết nối” rõ nhất liên quan đến số phận nhiều con người, nhiều vùng đất, trong và ngoài nước…
Đó là sự kết nối giúp những câu chuyện, sự hy sinh trong quá khứ được lưu giữ và tôn trọng. Truyện có chi tiết khá đẹp với trái tim vẽ trên nền cát biển Mỹ Khê và lời cầu hôn diễn ra trên bãi biển, giúp câu chuyện được mềm đi khá nhiều (Lời cầu hôn ở biển). Nhiều truyện ghi dấu sự kết nối những số phận nhiều con người trước và sau biến cố lịch sử 1975 như: “Đêm ấy ở Woodland” hay “Một giấc mơ dài”…
Những cuộc bể dâu
Phần “Ký sự Đà Thành”, như tên gọi, là những ký sự ghi lại biến đổi của Đà Nẵng từ khi Pháp xâm lược nước ta. Bắt đầu từ hình dung về một Đà Nẵng “vừa gần vừa xa xưa” với những phác thảo về một chợ Cồn xưa và vùng phụ cận với những: chợ/ngã tư chợ Cồn, ngã tư Thống Nhất, nhà thờ Tin lành, đường Quang Trung và Trường Trung học Phan Châu Trinh, bến Bạch Đằng và bến cảng, rồi biển, cảng hàng không… Những ký ức làm nao lòng người từng ở và đi xa xứ.
Đó là những trang kể lại “cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 19 tháng trước sức tấn công ồ ạt của hàng ngàn quân Pháp - Tây Ban Nha với tàu chiến và khí giới hiện đại vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858. Cuộc chiến đấu oai hùng đã để lại những tên tuổi Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Ông Ích Khiêm... và quân xâm lược đã phải rút lui để lại một “đồi hài cốt” nằm lưng chừng bán đảo Sơn Trà lịch sử (Cẩm Lệ - Hóa Khuê, miền địa linh).
Đó là những trang thuật lại quá trình xây dựng Đà Nẵng dưới cái nhìn vô cùng xa rộng của Toàn quyền Paul Doumer. Từ câu chuyện phải mất đến hai thế kỷ để có được một con đường đi từ Huế đến Đà Nẵng, trong đó Hải Vân là một thách thức vô cùng lớn không dễ dàng khuất phục (Hai thế kỷ đèo Hải Vân).
Đó là một câu chuyện dài từ một Đà Nẵng “chưa có gì” theo nhận định của Paul Doumer hồi cuối thế kỷ 19 đến sau này (Đà Nẵng cuối thế kỷ 19, Đà Nẵng, 130 năm sau…).
Đà Nẵng với sự hình thành những khu nghỉ dưỡng Bà Nà, đến những cung đường ven biển, có cả câu chuyện lý thú về một cung đường xe lửa Tourane - Faifo nối liền Đà Nẵng với Hội An dài 35,5 cây số tồn tại từ năm 1907 đến 1915 và chí sĩ Thái Phiên đã từng làm việc ở đây với vai trò thơ ký thương chính. Sự phát triển và kết nối Đà Nẵng với cả nước, với thế giới được ghi nhận rất rõ qua các ký sự: “Từ ký ức Hòa Xuân”, “Cuối năm với biển”, “Từ Đà Nẵng đế EWEC”…
Thiên ký sự dài “30 ngày trên đất Mỹ” chứa đựng nhiều thông tin bổ ích, trong đó có sự kết nối giữa những người Việt từng sinh sống ở Việt Nam và sau này sống và làm việc trên đất Mỹ.
Câu chuyện khá lôi cuốn như các tiêu đề của ký sự: “Làng Quảng ở Pensacola”, “Đám cưới Việt ở Texas”, “Từ NASA đến Intrepid”, “Những khu tưởng niệm chiến tranh” đến “’Nhật ký trong tù” dưới mắt một người Mỹ”... khép lại tập sách rất đáng tìm đọc này.
(QNO)