Nhạc sĩ Nhật Lai: Hiện tượng âm nhạc độc đáo

22.05.2017

Một gia đình có hai người được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Anh là nhạc sĩ, em là thi sĩ, cả hai đều tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật từ lúc đất nước còn chiến tranh. Cách đây vừa tròn 30 năm, người anh đã đột ngột ra đi mãi mãi sau một chuyến lưu diễn thành công vang dội ở nước ngoài…
Vào một sáng mùa xuân ở Hà Đông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mời tôi cùng một vài bạn văn nghệ uống cà phê. Cả bàn đang trò chuyện rôm rả thì chợt nghe trong quán cất lên bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai do ca sĩ Quốc Hương thể hiện. Thấy tôi im lặng lắng nghe, mọi người cũng lặng im nghe theo. 

Nhạc sĩ Nhật Lai: Hiện tượng âm nhạc độc đáo

 

Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh
Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy
Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần

Bài hát khởi đầu bằng 4 câu rất… quê lụa “địa linh nhân kiệt” và kết thúc cũng bằng 4 câu với âm hưởng mênh mang:

Hà Tây! Vọng gác Thủ đô!
Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên
Hà Tây...

Với giai điệu mượt mà da diết, ca từ thật đẹp, bài hát lại được cất lên từ một giọng ca huyền thoại thì còn gì hay, quyến rũ cho bằng. Ra đời trong hoàn cảnh bi tráng khi không quân Hoa Kỳ tăng cường đánh phá miền Bắc, ca khúc Hà Tây quê lụa đã trở thành “tỉnh ca” của Hà Tây và là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây trong mấy mươi năm.

Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ năm 1976.

Do tên tuổi gắn với bài hát Hà Tây quê lụa nên có người tưởng nhạc sĩ Nhật Lai là dân Hà Tây hoặc một tỉnh nào đó ở miền Bắc, còn người hiểu biết âm nhạc hơn chút thì cũng nhầm ông là người Tây Nguyên bởi nhạc kịch Bên bờ Krông Pa cũng như nhiều ca khúc nổi tiếng khác của ông viết cho vùng cao này: Chim Kơtia, Đợi chờ, Xuống chòi mau lên em, Tiếng cồng đêm ngừng chiến… nên ông được mệnh danh Già làng âm nhạc Tây Nguyên!

Là người mê thi ca nên từ nhỏ tôi đọc và tìm hiểu về nhà thơ Nguyễn Mỹ, và được biết thêm về người anh ruột của ông là nhạc sĩ Nhật Lai. Nếu như Cuộc chia ly màu đỏ bất tử của Nguyễn Mỹ là một trong những bài thơ hay nhất, độc đáo nhất, mang tính đột phá của giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ thì nhạc kịch Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai đã đưa ông trở thành nhà soạn nhạc tiên phong của nền nhạc kịch Việt Nam.

Có điều thú vị, Nhật Lai có tên khai sinh trùng một nhà văn lừng lẫy người Hà Nội, đó là Nguyễn Tuân, nhưng nhỏ hơn tới 21 tuổi. Nhật Lai sinh ngày 12-5-1931 ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một vùng giáp núi xa xôi, mà theo nhà thơ Thanh Quế, một người đồng hương huyện Tuy An nhưng khác xã, trong bài Nhà thơ của những sắc màu viết về Nguyễn Mỹ, thì An Nghiệp có những điều kỳ lạ: “Ở đó có những ngọn đồi đất đỏ chập chùng, đất để trồng lúa ít hơn đất trồng khoai trồng sắn. Trong nhiều năm, tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không cắt nghĩa nổi vì sao những vùng đất nghèo và hẻo lánh như quê anh lại sinh ra nhiều người có tài năng và những cô gái đẹp”.

Hai anh em Nhật Lai và Nguyễn Mỹ may mắn sinh ra trong một gia đình có học thức. Cha là thầy thuốc nam, biết chữ Nho. Mẹ là thôn nữ vốn lớn lên trong cái nôi âm nhạc. Ông ngoại của Nhật Lai từng được triều đình nhà Nguyễn mời ra kinh đô Huế dạy nhạc trong cung đình. Cậu, dì của Nhật Lai là những nghệ nhân dân gian nổi tiếng cả vùng, chơi đờn ca tài tử, làm đào kép thủ diễn các vở tuồng, lập hẳn một ban nhạc cổ đi lưu diễn khắp Tuy An. Cái máu văn nghệ của Nhật Lai và Nguyễn Mỹ, nhất là tình yêu sáng tạo âm nhạc của Nhật Lai chịu ảnh hưởng lớn từ phía nhà ngoại. Từ nhỏ, ông đã được người cậu dạy đàn mandoline, thích thổi sáo trúc, cùng bạn bè ca vũ, diễn kịch. Ông đặc biệt yêu thích thổi sáo hai bài hát Giọt mưa thu của nhạc sĩ Đặng Thế Phong và Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao.

Sự nghiệp âm nhạc của Nhật Lai mở đầu bằng ca khúc lãng mạn Chiều trên cầu Bồng Sơn, tiếp đến là ca khúc bi tráng Căm thù thằng Tây cướp lúa đen, đã được lan truyền khắp vùng tự do Liên khu 5 thời chống Pháp. Ca khúc Căm thù thằng Tây cướp lúa đen là nỗi đau đớn, căm hận khi nhạc sĩ trẻ Nhật Lai trở về quê nhà, chứng kiến giặc Pháp càn quét cướp bóc, dùng máy bay thả bom phá đập thủy nông Đồng Cam, làm khô kiệt cánh đồng Tuy Hòa rộng lớn nhất miền Trung, gây nên thảm cảnh đói khát, chết chóc tang thương…

Năm 18 tuổi, học hết bậc trung học tại Quảng Ngãi giữa hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, Nhật Lai lên công tác ở Đắk Lắk, một tỉnh giáp giới với quê hương Phú Yên. Từ đây, ông dần dần lặn lội khắp các buôn làng, thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số để sưu tầm, nghiên cứu dân ca và sáng tác nhạc về Tây Nguyên. Ông hòa nhập rất nhanh vào Tây Nguyên, từ hình thức bề ngoài như đóng khố, mang gùi, đi chân trần lên nương rẫy trồng tỉa cho đến việc vót chông, cài bẫy, săn bắn thú rừng và đặc biệt hơn, tâm hồn ông dần “Tây Nguyên hóa” thực sự bằng sự học, am hiểu nhiều thứ tiếng Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Hơ Rê… để phục vụ cho công việc nghiên cứu, sáng tác âm nhạc.

Cả khi tập kết ra Bắc, nguồn cảm hứng chủ đạo của Nhật Lai vẫn là Tây Nguyên, mà đỉnh cao là vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa sáng tác năm 1968. Nhạc sĩ Nhật Lai trở thành tác giả nhạc kịch thứ hai sau nhạc sĩ Đỗ Nhuận với vở Cô Sao, góp phần mở đầu cho loại hình nghệ thuật opera Việt Nam hiện đại. Không những thế, theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một người cũng từng gắn bó và có những ca khúc hay về Tây Nguyên, thì nhạc sĩ Nhật Lai là người góp công đầu trong việc truy tầm, khai thác, nghiên cứu, phát huy những giá trị đặc sắc của âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số anh em Tây Nguyên. Ông cũng là một trong những người trực tiếp xây dựng, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho Đoàn văn công Tây Nguyên phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trên vùng đất gian khổ, ác liệt này.

Sau ngày đất nước hòa bình năm 1975, nhạc sĩ Nhật Lai vào sống và sáng tác tại TPHCM. Vào mùa xuân năm 1987, ông cùng một đoàn nghệ sĩ Việt Nam đi tham dự Liên hoan Giao hưởng quốc tế tại thành phố Riga của Latvia, mà ở đó, tổ khúc giao hưởng Đất lửa của ông được biểu diễn thành công vang dội. Có lẽ kiệt sức sau chuyến đi dài nhiều tâm huyết, ông đã đột ngột từ giã cõi đời khi mới trở về Tổ quốc, giữa lúc bao dự định âm nhạc còn dở dang. Năm 2002, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 30 năm đã qua, nhìn lại sự nghiệp phong phú của nhạc sĩ Nhật Lai, có thể khẳng định ông là một trong những hiện tượng độc đáo của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Phan Tấn Hùng
(sggp.org.vn)