Tác giả "Con cò bé bé": Làm nghệ thuật thì không nên nghèo

05.11.2018

Hơn 10 năm nay, nhạc sỹ Lê Xuân Thọ chỉ rong chơi và viết thơ, viết nhạc. Ông có một trợ lý riêng, một tài xế riêng, lang thang tới những nơi mình muốn, gặp gỡ những người mình mến và trở về không gian riêng, một biệt thự nằm ở ngoại ô Hà Nội.
Tác giả “Con cò bé bé” có hai người con, một trai, một gái. Người con trai sinh năm 1980, là ông chủ của tập đoàn vàng bạc Phú Quí. Người con gái sinh năm 1984 thành công trên thương trường không kém anh trai, cũng đang là chủ của một tập đoàn có tiếng. 

Tác giả

Ông có một đàn cháu nội, ngoại, đủ cả “nếp lẫn tẻ”. Mỗi dịp sinh nhật của các cháu, Lê Xuân Thọ lại tặng một bài hát. Đến nay ông sở hữu một gia tài đáng kể: Khoảng 600 ca khúc, ngoài ca khúc thiếu nhi phần lớn là những ca khúc dành cho lứa tuổi 18+…

“Nổi” nhờ Xuân Mai

Khác với nhiều nhạc sỹ được đào tạo bài bản, Lê Xuân Thọ là mẫu nhạc sỹ trưởng thành bằng tự học. Ông vốn là kỹ sư cầu đường, khi còn công tác ông từng giữ vị trí giám đốc một đơn vị thuộc ngành đường sắt. Song với Lê Xuân Thọ chức tước không có nhiều ý nghĩa, sự nghiệp âm nhạc mới quan trọng. Ông tự học nhạc từ thời trẻ, là một cây guitar có tiếng: “Tôi tự mày mò đọc sách. Tự học thì vất vả hơn nhiều so với học trong trường lớp nhưng bù lại, người không được đào tạo bài bản lại không giống ai, tôi viết theo cảm nhận của chính mình”, Lê Xuân Thọ kể.

Những bài hát của ông có số phận riêng, nhạc sỹ “đại gia” chưa từng sử dụng một động thái nào để thay đổi số phận tự nhiên của chúng. Thí dụ, bài hát được nhiều người biết đến nhất của Lê Xuân Thọ, bài “Con cò bé bé” nổi tiếng ngoài tầm kiểm soát của ông : “Khoảng năm 66, 67 cơ quan tôi sơ tán về Vĩnh Phúc, cạnh dòng sông Cà Lồ thơ mộng.  Ăn một nơi, ở một nơi, ngày nào chúng tôi cũng đi từ đầu làng đến cuối làng. Một buổi chiều tôi nhìn thấy một người mẹ trẻ (tất nhiên là xinh rồi). Người mẹ ấy bế trên tay một đứa con thơ. Đứa trẻ đưa tay vẫy những chú cò đang run run đậu trên những cành tre. Tôi lại gần, muốn đưa tay cầm lấy bàn tay xinh xắn của đứa bé, bất ngờ nó rụt tay lại, bàn tay của tôi vô tình rơi vào lòng bàn tay của người mẹ trẻ xinh đẹp. Tôi rung động, đêm ấy viết một mạch đến 4 giờ sáng, hoàn thành bài “Con cò bé bé”. Viết xong, để đó, rồi quên đi. Mấy tháng sau, từ nơi sơ tán tôi đạp xe về Hà Nội, đi qua Hồ Tây, nhìn thấy nhạc sỹ Mộng Lân. Mộng Lân hỏi tôi dạo này có viết được gì mới không? Tôi mang “Con cò bé bé” ra khoe. Sau  khi nghe tôi hát, Mộng Lân thích lắm, cả hai cùng kiểm tra tiền trong túi, thấy đủ cho mỗi người một ly cà phê, liền ghé vào một quán. Tôi xin cô mậu dịch viên 2 vỏ bao thuốc lá, mượn cây bút, ghi lại “Con cò bé bé” rồi đưa cho Mộng Lân. Vài tháng sau, tôi nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát bài hát này, rồi nhận được giấy mời đến Nhà hát Lớn lĩnh giải thưởng… Cho đến khi, “Con cò bé bé” gặp ca sỹ nhí Xuân Mai, nó trở nên nổi tiếng”, Lê Xuân Thọ kể.

Khi viết “Con cò bé bé” nhạc sỹ tròn 26 tuổi, chưa vợ con. Đó cũng là một trong những ca khúc đầu tiên của ông. Là người khiêm nhường, nên ông khẳng định, nếu không nhờ có giọng hát của Xuân Mai, thì “Con cò bé bé” chỉ như “chim trong lồng” không bay xa đươc. Trước đây, cha con bé Xuân Mai từng đến gặp ông, nói lời cảm ơn nhạc sỹ đã viết nên ca khúc hay giúp Xuân Mai nổi tiếng. Ông không dám nhận lời cảm ơn của cha con Xuân Mai, mà nói ngược lại: “Con cò bé bé” “ăn theo” Xuân Mai mới được như thế. Nói về ca sỹ nhí lừng lẫy một thời, Lê Xuân Thọ không giấu được thoáng buồn thương: “Tôi vẫn thường xuyên theo dõi đời sống của Xuân Mai”. Trong mắt Lê Xuân Thọ, Xuân Mai là một nghệ sỹ bộc lộ tài năng từ nhỏ: “Thường những người có tài không may mắn lắm. Tài quá thì khổ, tài vừa vừa thôi”.  Về vấn đề tác quyền âm nhạc với một ca khúc thiếu nhi quen thuộc như “Con cò bé bé”, nhạc sỹ cho biết, vẫn nhận được tiền tác quyền mỗi năm, song không muốn bình luận gì nhiều, vì “bèo bọt quá”.
 
Nghèo thì cái gì cũng sợ

Lê Xuân Thọ không ngại nói về sự giàu, nghèo, thậm chí quan điểm của ông có thể gây tranh luận: “20 tuổi tôi đã tốt nghiệp đại học, vì học nhảy cóc, có khi 2 năm 3 lớp. Ngay khi ra trường tôi đã nghĩ: Phải làm giàu để làm âm nhạc, làm nghệ thuật. Tôi không chịu nghèo, vì nghèo không làm được gì cả, nghèo thì hèn, nghèo thì cái gì cũng sợ. Tôi làm kinh tế để làm âm nhạc, âm nhạc với tôi là cuộc chơi. Tôi tự do sáng tạo, không lệ thuộc vào nhuận bút, không ganh đua với ai. Tác phẩm của tôi hay thì mọi người khen, không hay thì mọi người cứ chê. Tôi tiếp nhận thoải mái, không sao cả”.

Cũng có tác phẩm để đời, là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhưng Lê Xuân Thọ chưa từng được vinh danh ở những kỳ, cuộc lớn. Tôi hỏi ông có chạnh lòng không khi chưa được nhận một giải thưởng cao quí nào, như giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật chẳng hạn. Ông cười vui vẻ: “Bây giờ người ta hay nói đến chuyện mua giải. Nếu tôi may mắn được giải cao quí nào đó, người ta lại đồn tôi bỏ tiền ra mua. Nên chẳng dại”. Người có tiền như Lê Xuân Thọ cũng có những nỗi khổ riêng.

Hơn 10 năm nay, cuộc sống của tác giả “Con cò bé bé” diễn ra êm ả. Ông sống trong một biệt thự ở Long Biên (Hà Nội). Ngày ngày, có hai bác sỹ tới chăm sóc sức khỏe. Ngoài thời gian chăm sóc sức khỏe, luyện tập thể thao, ông ngồi trong phòng đọc sách, làm thơ, viết nhạc. Một tháng ông dành vài ngày để gặp gỡ bạn bè cùng học phổ thông, bạn bè thời đại học, bạn bè cùng cơ quan, bạn bè làm nghệ thuật: “Tôi chiêu đãi họ, để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa”.

Nhạc sỹ khoe vừa hoàn thành một tập thơ mới, trong đó có không ít bài thơ tình. Rồi ông đọc cho tôi nghe 8 câu: “Ngày ấy ra về mây trắng bay/Mùa thu mỗi độ lại về đây/Áo em mỏng quá như sương sớm/Lay động hồn tôi trong phút giây”. Trước khi chia tay, Lê Xuân Thọ nhắc tôi, nhớ phải nghe bài hát thiếu nhi “Cu Tí” ông mới sáng tác đã tải lên youtube và nhất định phải hồi âm cho ông biết cảm nhận của tôi về bài hát này.

Mê Hà Nội, mê nhan sắc…

Tác giả “Con cò bé bé” thật thà thú nhận, ông có cảm hứng đặc biệt với nhan sắc phụ nữ và cũng tự nhận, ngày trẻ “tôi vô cùng đẹp trai”. Không có gì lạ khi ông viết nhiều thơ tình, nhiều bản tình ca, dành cho những người phụ nữ ông thoáng gặp trong đời hoặc người phụ nữ đã cùng ông đi suốt cuộc đời.

Nhiều người thắc mắc, tại sao một kỹ sư cầu đường lại đủ lãng mạn để viết thơ, làm nhạc? Lê Xuân Thọ cười, đáp: Kỹ sư cầu đường lãng mạn hàng đầu. “Có những vùng quê vắng lặng, mỗi ngày chỉ có một lần đò sang. Người đi xây  cầu đến đó dựng lán trại, sống với công nhân, khi chiếc cầu mọc lên đón những dòng người, dòng xe  qua lại, (biết đâu trong đó có cả những đôi lứa trở thành vợ chồng?), thì cũng là lúc những người đi xây cầu lại đi tiếp, mang niềm vui tới những vùng quê lam lũ khác”. Chính sự trải nghiệm qua nhiều vùng đất nước, đã giúp cho đam mê nghệ thuật trong ông thăng hoa. Tác phẩm của ông đa dạng về đề tài. Cùng với “Con cò bé bé” thì “Nhịp cầu sông Mã” cũng là một ca khúc thành công của Lê Xuân Thọ. Ông còn là một trong những nhạc sỹ có nhiều ca khúc nhất về lực lượng công an nhân dân.

Tập thơ mới hoàn thành của Lê Xuân Thọ mang tên “Qua phố cổ”. Ông ám ảnh về Hà Nội của quá khứ: “Trời xanh đến ngẩn ngơ/Những cột đèn qua năm tháng/Đứng cô đơn dưới mặt trời/Tiếng tàu điện leng keng/Đánh thức sớm mai”. Và Hà Nội của tiềm thức: “Em ở đầu ô/Làng xa cuối bãi thoáng sương mù/Heo may khẽ giục người đan áo/Người đẹp đi vào với nội ô”. 

Đào Nguyên
(tienphong.vn)