Người may áo cưới - Văn Tuấn

30.12.2016

Chiều ngoại ô thành phố có phần ồn ào náo nhiệt hơn vì ngưòi lớn, trẻ nhỏ dần trở về sau một ngày đi làm, đi học. Người thợ may ngồi trước cửa căn nhà nhỏ, thong thả ngắm những vệt chổi đều tay còn lưu lại trên nền đất pha cát ngoài sân. Những cánh hoa giấy rơi lã chã phủ lên trên ấy một lớp lưa thưa hồng. Hẳn là người quét đã bắt đầu công việc của mình từ rất sớm. Trên nền còn có vết bánh xe máy hằn sâu hơn vết chổi, có lẽ cũng từ lúc sớm. Cạnh đó là vết bánh xe đi vào của chính người thợ may. Và rải rác dấu dép ra vào, chắc của bà mẹ già.

Người may áo cưới - Văn Tuấn

Khoảng sân và con đường ngoại ô cách nhau một hàng rào hoa giấy cao quá đầu người, trụi lá nhưng đơm đầy hoa. Hai bên trái phải của cái sân vuông vức ấy là hai hàng nguyệt quế san sát. Mười hai cây mỗi bên - người thợ may trong lúc chờ đợi đã đếm thử. Mỗi gốc chắc đã bốn năm tuổi. Trên cành những chùm hoa đang lú nhú màu trắng, đợi đêm đến sẽ bung hương.

Giữa sân là một lối đi nhỏ vừa một hàng người - đi ra hoặc đi vào. Nhưng những viên đá đã lún khá sâu thành ra như một lối mòn giữa nền đất pha cát.

Điểm nhấn của cái sân chưa được tráng, lát chỉ có vậy.

Người thợ may hết ngắm những vệt chổi trên nền sân lại nhìn bóng người lao vụt qua trước cổng. Họ vừa tan ca hoặc đón con đi học về.

Người thợ may uống đến ly trà thứ ba, bình trà do người mẹ pha đã từ nóng thành âm ấm thì chú rể tương lai về tới. Anh đâm vội chiếc Wave vừa chớm cũ vào sân rồi dựng cạnh chiếc xe của ngưòi thợ may.

-  Xin lỗi anh, em về trễ.

Bà mẹ nghe tiếng xe thì từ nhà sau chạy lên niềm nở:

-  Chú ấy đợi con nãy giờ rồi đó.

Người thợ may nở nụ cười nhẹ thay cho câu nói cảm thông.

Chàng trai có dáng người hơi cao, da nâu gần gũi bước lên thềm, gãi đầu sồn sột vì mắc cỡ. Rồi cái bối rối bắt đầu tăng thêm vì người thợ may cứ ngồi yên đó, không nói gì chỉ hướng ánh mắt hấp háy, có phần bí ẩn quét lên cậu từ đầu đến chân.

Hai tuần trước, một cô gái tìm đến tiệm may áo dài uy tín nhất thành phố để đặt may chiếc áo cưới, ông chủ tiệm may tròn mắt nhìn cô rồi hỏi:

-  Chú rể có may đồ vest không?

Người vợ vừa lấy số đo của cô gái sẽ xuất giá vào tháng sau vừa đưa ánh mắt tò mò nhìn chồng mình.

Hai vợ chồng họ đã gầy dựng sự nghiệp từ một mặt tiền chừng 6 mét vuông, vừa may áo dài vừa may đồ vest. Chính xác là do ông cần mẫn may một mình, chỉ sau khi lấy ông thì bà mới bắt đầu cọc cạch học đạp máy may.

Từ một mặt bằng thuê mướn giờ họ có một căn tiệm kiêm nhà ở rộng rãi. Cả thành phố đều biết đến tay nghề của vợ chồng họ. Nhiều kiều bào mỗi khi về đều mang theo một bản dài số đo của những người thân bên ấy để đặt vợ chồng họ may giúp. Vợ chồng họ cùng bốn người thợ cứ ngập mặt trong các đơn hàng. Anh đành bỏ hẳn đồ vest vì nó mất thời gian, để chuyên tâm vào áo dài. Bốn năm nay khách nam bước vào anh đều lắc đầu, thậm chí họ năn nỉ anh cũng chối từ.

Cô gái trẻ đỏ mặt:

-  Anh ấy tính mướn ở tiệm đồ cưới.

Anh chủ tiệm đề nghị:

-  Tháng này có ngày kỉ niệm khai trương của tiệm. Không cần biết em là khách quen hay khách mới, tiệm anh giảm giá may áo dài xuống còn một nửa, tặng vải và công may vest luôn cho chú rể. Em chịu không?

Cô gái trẻ kinh ngạc nhìn người thợ may trung niên tóc đã lún phún bạc, dáng không to béo nhưng bụng đã phệ theo đúng cái tuổi. Ngưòi vợ cũng tròn mắt nhìn chồng. Nhưng hẳn là có lí do, nên bà chỉ im lặng chờ một lời giải thích.

Sau một hồi e dè cô gái cũng gật đầu. Nhưng chú rể tương lai thì vẫn còn nhiều ngại ngần. Người thợ may đành đích thân đến tận nhà.

-  Em định không may anh ạ... - Chàng trai lại gãi đầu, ngồi xuống chiếc ghế gỗ còn lại ở hiên nhà.

Người thợ từ tốn:

-  Cứ may đi em, tiệm anh nói là làm. Miễn phí hết từ vải đến công, em cứ nhận.

Người thợ may đứng dậy, lấy ra sợi thước dây và sổ tay trong chiếc túi nhỏ. Chàng trai cũng ngập ngừng đứng dậy theo.

Người thợ may ra hiệu cho cậu quay lưng lại để ông lấy số đo. Vai. Tay. Lưng. Hông. Mông. Chân.

-  Tuần sau vợ em ghé lấy áo dài thì em ghé thử đồ luôn nhé. Có gì không hài lòng thì anh sửa cho vừa ý - Ông dặn dò.

-  Dạ... - Chàng trai ngượng ngùng nhưng không giấu được vẻ háo hức.

Người thợ may chào tạm biệt hai mẹ con họ rồi dắt xe ra về cho kịp giờ đón con tan học. Ông dắt xe đi dọc theo lối mòn, cố gắng không để nền sân trở nên chằng chịt vết hằn, làm nhòa đi các vết chổi quét.

Sáu tháng trước, người thợ may trên đường đưa con đi học đã tranh thủ ghé vào tiệm ăn bên đường. Ngồi cạnh họ là hai cô gái trong trang phục nhân viên văn phòng. Cô gái trông đứng tuổi hơn bắt đầu hỏi về chuyện tình cảm của cô bạn trẻ. Những câu hỏi của người từng trải ấy hướng đến gia cảnh của chàng trai nào đó. Cũng bằng sự từng trải của mình, cô gái lớn tuổi nói nhiều về những chông chênh trong tình yêu, hoàn cảnh gia đình là yêu thực tế chứ không phải thực dụng. Rằng trong tình yêu nếu không có sự tương đồng sẽ khó bền vững. Rằng không phải cứ sự hi sinh, chịu đựng nghĩa là tốt cho người nhận. Rằng càng về lâu người ta càng nhận thấy sự mệt mỏi...

Cô gái trẻ chỉ vâng dạ rồi thẹn thùng nói về cảm giác của mình với đôi mắt sáng rực:

-  Em thích nền nhà, nền sân chưa tráng lát như thế. Ngắm những vệt chổi in trên nền đất, em thấy thích một cách kì lạ. Em cứ tưởng tượng mỗi sáng thức dậy em sẽ cầm chổi quét, quét.

Người thợ may nói vói vợ:

- Đó là cô gái tuyệt vời.

-  Hẳn là chàng trai có gì đó đặc biệt – Người vợ góp lời.

Và họ mơ màng nghĩ về hai mươi năm trước, bà đã bỏ tất cả địa vị, vượt biết bao rào cản để về sống cùng ông - một tay thợ may nghèo.

-  Nếu sau này họ ghé vào tiệm chúng ta, và anh còn nhận ra cô gái đó, anh sẽ may miễn phí cho họ - Ông nói.

Sau bữa cơm chiều, người vợ hỏi:

-  Cậu ấy có gì đặc biệt?

-  Anh cũng không biết nữa - Ông trả lời sau một thoáng suy nghĩ - Chắc chỉ cô dâu mới biết chú rể của mình đặc biệt dường nào.

Ông trải tấm vải may đồ vest lên bàn, bắt đầu kẻ phấn theo số đo.

V.T