Khói biên cương - Lê Quang Trạng
Ngày mười sáu tháng ba năm nào trong miếu khói nhang cũng bay mịt mù, đứng cách nhau khoảng vài thước khó nhìn rõ mặt. Ông từ giữ miếu từ lâu đã mướn tôi vào giúp đếm, đốt nhang, ghi tên họ những vong linh để cầu siêu kiêm thủ quỹ hòm công đức.
Xong đợt, ông sẽ trả hai trăm ngàn tiền công, có lập tờ hợp đồng rõ ràng. Tưởng dễ, nhưng làm mới thấy khó làm sao. Ai vào đền cũng hỏi, bộ con khóc hả. Đâu có, khói nhang nhiều quá làm mắt tôi lúc nào cũng cay xè, nhòa nhoẹt nước, không sao mở ra được.
Mười sáu tháng ba là giỗ hội làng. Năm nay, ông từ dọa cắt năm chục. Ông nói, mày việc mình không lo cứ hỏi người ta chi, chuyện cũ như con dao nằm trong miệng vết thương; cứa tới cũng đau, cứa lùi cũng nhói. Tôi cự, nhưng bắt người ta không nghĩ, không hỏi thì cũng như một cực hình. Man rợ hơn diệt chủng.
Nghe vậy, ông lặng thinh.
Bà nội tôi tóc bạc như khói nhang, chống gậy bước lại gần chỗ hầu chuông. Bà móc trong túi ra tờ giấy ghi chằng chịt, chữ chồng lên nhau như chất đống xác người. Bà dặn tôi phải đếm thật kĩ, không được sót. Tôi đếm đến số bảy mươi tám thì dừng. Ông từ hay kể với tôi về con số bảy mươi tám. Nghe ông kể, nhiều đêm tôi mơ thấy cánh đồng biên giới mênh mông, ngập ngụa máu. Tôi quờ quạng tìm chỗ bám vào, đâu đó vẳng tiếng ông: Biên giới chảy máu năm bảy mươi tám… Tôi hình dung, sau cái năm người ta “khóc ra máu” ấy, người ở làng chỉ còn nuôi lấy tên nhau khi nhìn ra cánh đồng Cầu Sắt hoặc ngọn núi Voi bằng những hi vọng mù mờ. Mỗi khi cái tên được xướng lên, cảm giác quen lắm, gần lắm, rồi chợt giật mình thấy ngăn cách xa xôi. Mỗi mùa giỗ hội, khói nhang mỏng te như biên giới của sự chia lìa, một bên sinh bên kia tử. Nhưng cũng có lúc, sợi khói lại là ranh giới của nửa hi vọng héo úa, nửa tuyệt vọng khôn cùng.
Bà nội tôi kể rằng, lúc lửa lùi về bên kia núi, người ta mỗi khi đi rừng về có tin mới, nhà nhà lại dắt nhau vào tận nơi nhận mặt, nhìn người thân mình nằm, ngồi, đứng chết ra sao. Người ta đem xác về, rồi cho ghi vào giấy lằng nhằng tên họ. Đám trẻ suốt mấy năm trời không được đến trường, nên cả một thế hệ không biết chữ. Những người biết thì già nua, nét thanh nét đậm, tay run run khi nhớ đến người mình đang đề tên vào giấy. Có khi nước mắt làm nhòe đi chứ không phải nhiều quá người ta không nhớ xuể.
- Bảy mươi mấy vậy cháu? - Bà nội hỏi tôi.
- Dạ là bảy mươi tám người, bảy mươi tám cây nhang hả bà?
Tai điếc, cố nghe mấy lần mới được, bà nhận nhang rồi nói:
- Bảy mươi chín mới đúng, cháu cho bà xin thêm cây nữa, cho con bé dại nhà con Tư…
Nói tới đó bà lặng thinh, tròng mắt đứng yên, khô hơn tôi nghĩ. Tôi đốt một nén nữa. Bà run run cầm lấy. “Hai năm nay bà cúng đủ gánh họ, năm sau thêm bà nữa là tám mươi chẵn nghen con!”. Bà nói như vừa buồn, mà cũng vừa vui. Như gánh nặng tìm cho đủ gánh họ của bà - một sự đầy đủ của chết chóc, đã xong. Tôi trân trân nhìn đôi mắt già nua đục lờ của bà và chợt thấy hiện lên trong ấy, mênh mông cánh đồng Cầu Sắt ngập ngụa, hoang tàn với những con quạ đen ngày đêm bay lượn.
Hình như năm đó đang là mùa cắt…
Sau mấy ngày Pol Pot chà nát, ngôi làng sơn cước bị san bằng, những cây cột nhà cháy dở đổ sập lên nhau, còng queo như những người đàn bà bị hiếp và phanh thây. Một năm sau, những người sống sót từ phương xa trở về thu dọn và tìm lại bà con. Những xác người sau một năm nằm phơi nắng gió, ngâm trong nước lũ tràn bờ, chỉ còn lại những khúc xương dang dở trên cánh đồng Cầu Sắt được gom lên xe bò chở về, chất thành đống ở kho dã chiến bằng tre lá dựng ở góc chợ, cạnh ngôi miếu hoang. Kề bên cây cột tre có một cái xác người khô queo, bị cụt một chân, cây nạng gỗ còn kẹp bên mình, mắt bị ruồi đục thủng. Xác chết nằm, nhưng khi dựng lên bên đống xương thì như người đứng gác. Sau đó người ta mang tất cả cốt về một nơi kiên cố hơn, để lại cái kho nhỏ hoang tàn mang mùi xương khô và tiếng cọt kẹt thân tre trong đêm gió. Ông từ trước đó nhà tan cửa nát vì bão máu của làng, nên tá túc ngôi miếu hoang này. Có người hỏi bộ không sợ sao, ông nói có chứ, nhưng đêm nào cũng thấy mấy thằng bạn nhậu đã chết về tâm tình, nên thấy không sợ nữa. Một thời gian sau ông lập bàn thờ, ghi tên tuổi những oan vong lên một tờ giấy trắng, treo giữa miếu để ngày ngày thắp hương. Ban đầu chỉ có một số, trong đó phần đa là tên gia đình ông. Sau người ta đến bổ sung thêm. Dần dần ngôi miếu là nơi ghi tên và thờ cúng oan vong cả làng.
Mỗi lần nhìn lên tấm bảng ghi tên những oan vong, tôi luôn tự hỏi, có biết bao danh sách thế này trong những năm biên giới chảy máu?
2.Có một lần, ông từ xin được một chỗ cho tôi đi làm việc. Khi làm hồ sơ, ông hỏi: “Nhà mày có ai là lính chính quyền cũ không?”. Lúc đó tôi hơi bất ngờ, vì trước giờ chưa nghe ai hỏi mình câu đó. “Có, bác ruột của con”. Ông nhìn tôi hồi lâu, như suy nghĩ điều gì. “Vậy thì hơi khó”. Thật ra, sau cảm giác bất ngờ, tôi không buồn, cũng không hối tiếc hay hận dỗi người xưa. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, và việc gì ắt cũng có nguyên do. Chỉ thấy man mác cảm giác mất mát. Như vết đạn trên vách tường thành, có cây đa con mọc ra từ đó, xanh xanh trên nền gạch đỏ, nhìn thấy nhẹ nhàng và thanh thản. Bỗng một ngày cây đa rớt khỏi tường, để lại dấu đường đạn xuyên năm nào. Cứ mỗi lần nhìn vào lại thấy bên trong sâu hút và thăm thẳm. Như có lô nhô tiếng người, nhưng nhìn mãi không thấy họ nơi đâu. Có thể, trong số những mặt người trong dấu đường đạn ấy, có người thân của mình… Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi không nghe kể một cách rõ ràng về người bác quá cố. Chỉ khi mười tám tuổi, năm ấy sắp thi đại học, tôi mới nghe ba nói. “Con có một người bác ruột. Bác tên Một, anh ruột của cô Ba và Tư. Bác bị lạc mất hồi năm bảy mươi tám ở kinh Vĩnh Tế”. Ba không dặn phải thế nào khi nói điều đó, nhưng sau này tôi mới hiểu ý ba muốn nhắn gửi điều gì. Còn lúc ấy, trong đầu tôi chỉ duy nhất ý nghĩ, không biết bác còn sống hay đã chết. Nếu còn, sao mấy chục năm qua bác không trở về, và nếu đã chết thì tại sao trong gò mộ gia tộc không thấy có mộ của bác. Ba không trả lời thắc mắc ấy của tôi. Còn bà nội, mỗi lần tôi lay tay hỏi, bà lại lặng im, mỗi lúc mắt bà mỗi buồn. Câu hỏi ấy bao năm treo lơ lửng trước mắt. Thấy gần kề bên mà bắt cứ vuột hoài. Nó quẩn quanh như chiếc lồng đèn, lâu lâu lại lóe lên, nhắc nhớ một điều gì đó vừa tò mò vừa gây một cảm xúc lạ.
Tôi cố nhớ lại những mảnh vụn về bác Một, gán ghép những câu chuyện rời rạc nội kể, ba kể, thành một bức tranh. Nơi xa nhất của bức tranh là ngọn núi Voi kề bên biên giới, có một dốc thoải trải ra cánh đồng như tấm thảm, nhiều cỏ và rất xanh… Đôi chỗ trên tấm thảm là những gò đất nhô cao. Trên đó, mọc lên năm bảy cây thốt nốt. Bóng của ngọn cây tua tủa như đầu người đàn ông, chơm bơm, có khi lại hệt cái quạt tròn ụp tối một khoảng rộng. Lần đầu tiên trong mơ, tôi thấy mình đi lạc vào nơi đó. Chỗ gò đất cao là bầy dê đang trú nắng. Người chăn nhỏ nhắn tóc hơi xoăn, da đen và già nhiều hơn so với tuổi hai mươi bảy. “Đi chăn dê nên nắng ăn đen vậy, chứ về nhà ở vài bữa, nắng nhả ra là trắng bóc cho coi”. Cậu ta vỗ vai tôi, nói như hai người thân với nhau từ lâu lắm rồi. “Ghé đây chơi một lát rồi về, cỡ này chưa yên đâu, nhỡ pháo rớt bất tử, không biết đâu mà lần”. Lúc đó không hiểu sao tôi không thấy sợ. Có lẽ tại do tôi chưa biết tiếng súng gầm hay mùi thuốc súng thế nào, và hơn thế, chưa biết thật sự chiến tranh. Cậu ta có đôi mắt xếch Võ Tòng, chân mày hình tam giác, trông lúc nào cũng lanh lợi và rất sáng. “Con này tên Súng, bạn thân của tao. Đó là con dê già nhứt bầy. Nó không sợ tiếng pháo, vì gốc gác nó ở Xuân Lộc, sinh ra ngay bữa trận cuối cùng. Ngoài ấy pháo gầm gừ dữ, nên mấy trái pháo trong này bay khơi khơi, với nó không ăn thua”. Lần mơ gặp thứ hai, cậu móc trong túi áo ra một thứ bảo là thẻ bài hộ thân. Tôi ngạc nhiên nhìn tấm kim loại màu bạc mà mình vẫn hay dùng để cạo gió. Chắc hiểu, nên cậu nói. “Thẻ này không phải thẻ lệnh bài như trong truyện cổ của tụi Tàu. Người ta cấp cho mỗi thằng lính hai cái để khi ra trận, phòng đau ốm, bị thương thì lật ra coi nhóm máu để truyền. Nó làm bằng chất gì đó, hễ cảm mà cạo là hút gió máy ra hết. Nhưng tao khoái ở chỗ, khi chết, một cái nhét vô miệng rồi chôn, một cái đem về để báo tử”. Nhìn ánh mắt vẫn còn thắc mắc của tôi, cậu cười. “Ý mày còn cái nữa đâu hử, tao đeo trên cổ này, để phòng khi chết bom chết đạn, thì bà già biết đây là xác tao mà đem về”. “Thế sao cậu không trốn lính để khỏi phải đeo nó…” - tôi hỏi. “Ai mà không muốn sống. Vì hồi đi trận, tao đâu có muốn. Bà già chạy cho tao tờ giấy tạm hoãn. Tao đi nuôi dê trên núi này, đâu đem giấy tờ theo. Vậy là một bữa lính đi qua, bắt tao nhốt rồi đưa ra trận. Ở trận chán lắm, tao không mê súng ống nên mấy lần trốn về. Lần đầu bị bắt nhốt, sau đó ra làm con chốt mồi đi thử bãi đạn. Tao trốn lần nữa thì bị bắt bỏ tù. Nhốt tới ngày giải phóng mới được mấy ông cách mạng phóng thích, lại về trên này chăn dê tiếp...”.
Sau cuộc trò chuyện đó, tôi thấy cậu ta lùa bầy dê lên sườn núi, gần nơi con suối. Chỗ này những lúc đứng bóng, có thể ngó sang bên kia phía biên. Mấy hàng thốt nốt đứng không lay trong gió. Chỗ cậu ta để mắt ấy lâu lâu lại thấy tua tủa lên trời mớ khói ám, sau những đốm lửa ngùn ngụt.
Hai tháng sau, lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng tôi nói chuyện với cậu ta. Cậu ngồi bên tảng đá dưới chân cây thốt nốt già. Mặt cậu buồn buồn, ngó những đám mây (hay là khói) bay ở chân trời biên giới tít tắp xa. Ngó quanh không thấy bầy dê đâu. Hỏi thì cậu ta bảo, pháo tụi nó lạc sang, bầy dê chết gần hết. Còn mấy con không biết chạy nơi đâu. Con Súng chắc không chết, nó khôn lắm. Nhưng chắc là lạc đâu đó rồi. Cậu ta thất thần hồi lâu, rồi ôm mặt rấm rứt khóc. “Tụi nó tràn sâu qua núi, súng bắn rát tai, không biết người ta có chạy hết chưa nữa. Còn tụi con Súng, không biết có trốn thoát được không”. Nói xong câu ấy, cậu ta nhìn tôi, không chào, như không nghĩ rằng đây là lần cuối cùng tôi và cậu ta gặp nhau trong giấc mơ này. Cậu ta đứng dậy đi về phía đường chân trời biên giới, nơi có mấy cọng khói loằng ngoằng bay lên bầu trời cao thăm thẳm không có cách nào thấu được.
Tôi không gặp cậu ta nữa, kể từ giấc mơ thứ ba ấy.
3.Tôi kể cho bà nội nghe ba giấc mơ của mình. Bà im lặng, chấm chấm nước mắt vừa rỉ ra, gật gật đầu bảo. Bác Một mày đấy. Rồi giọng xa xăm như với ai đó chứ không phải tôi, bà bảo, sau trận vỡ bờ biên năm bảy tám, Pol Pot tràn qua sâu vào đất mình. Cả nhà trốn lên hang chữ Z ở ngọn núi Voi, riêng bác Một thì vẫn còn đâu đó với bầy dê bên kia núi. Trong một đêm lùng sục, chúng nghi ngờ chỗ hang đá có người trốn nên lấy dao quắm phạt tới phạt lui bên ngoài. Đứa con của cô Tư mới sinh thút thít rồi dần khóc lớn lên. Mọi người không ai nói với ai, nỗi sợ hằn trong mắt mỗi lúc mỗi trắng bệch. Dượng Tư nhìn mọi người, mắt không khóc nhưng có thể chứa được một biển nước rồi ôm lấy con, vừa ôm vừa vỗ nhẹ lên lưng. Ban đầu là van xin con đừng khóc, sau đó cái ôm siết chặt hơn, cũng là van xin nhưng là sự van xin tha thứ. Khi nước mắt ông ướt áo con, cũng là lúc đứa bé nín bặt - sự nín bặt mãi ở lại hang núi để những người sống sót trở về…
Sáng hôm sau, khi đã yên lắng, cả nhà trở về thì gặp bác Một. Bác hỏi, con bé đâu? Mọi người lắc đầu. Ba tôi bấm bụng, kể cho bác nghe đầu đuôi câu chuyện. Không ngờ, đó lại là lần cuối hai anh em nói với nhau. Sau bữa đó, bác đi về phía đồn cũ, kề bên kinh Vĩnh Tế...
Cái đồn cũ nằm sát bên con đê, lô cốt vẫn còn gần như nguyên vẹn. Sau ngày giải phóng, cách mạng trưng dụng nơi đây làm trụ sở xã đội. Khi bà tôi lên đó dò tin tức bác Một thì được người ta kể lại, lúc hai bên đánh nhau, bác Một có lần mò vào xã đội xin gia nhập. Nhưng mọi người nhìn bác đen thui, tóc quăn nên hơi nghi ngại. Hôm đó bác buồn lắm...
Sau đó ít ngày, một trận đánh giữa ta và Pol Pot diễn ra ngay trên bờ kênh. Lúc trận đang khốc liệt, bác mò vào coi. Thấy một người gục bên khẩu súng, bác lấy bắn sang. Không ai biết bác, cũng không ai nhận ra có phải phe ta hay không. Lúc đơn vị có lệnh lùi về sau, người ta giục bác rút, bác nhất quyết không chịu. “Tụi nó động tới đất mẹ của tui thì tui không để yên cho tụi nó. Mấy ông không cho, tui cũng bắn”.
Hai năm trước, có người móc đất dưới lòng kênh Vĩnh Tế, moi ra được tấm thẻ bài nằm trong túi chiếc áo lính cũ, mang tên và số quân cũ của bác. Tấm thẻ bài được chuyền qua nhiều người rồi mới đến tay bà nội tôi trong lần không biết bao nhiêu bà lên đó dò tìm tin tức bác Một. Bà run run nhận như đón một phần hình hài con mình. Kể từ đó, bà nội tôi không hi vọng tìm thấy hơi thở của bác nữa. Bà bắt đầu một cuộc tìm khác, mong lấy được ít nhất nắm xương tàn của bác. Bà nung nấu ý định thêm lần nữa - lần sau rốt, trở về đồn cũ, và cả những nơi người ta thấy bác lần cuối cùng, ôm súng bắn về phía bên kia đám lính khát máu áo đen. Nhưng tất cả những hi vọng về chuyến đi ấy đã bị những cơn bệnh tuổi già ngốn dần.
Không lâu sau ngày giỗ làng thì bà nội tôi qua đời.
Bà và ông nội lấy nhau lâu nhưng không có con, hồi chống Mĩ, một bữa trong chuỗi ngày tản cư loạn lạc bên kia núi, bà nhận nuôi đứa nhỏ mồ côi, bị đạn ăn một phần thịt bắp tay, vết thương đang vào lúc dòi lúc nhúc. Đứa bé được đặt tên là Một với niềm tin sau đứa con đỡ đầu sẽ có những đứa con thêm nữa. Sau đó bà sinh được bố tôi, cô Ba, Tư… Trước lúc nhắm mắt, bà dặn rằng, cáo chết ba năm còn quay đầu về núi, huống chi là con người, mấy đứa phải tìm cho ra thằng Một, đưa nó về bên kia núi, là đất mẹ quê cha của nó. Rồi bà kéo tôi lại, nói giọng buồn buồn, chắc thằng Một đã về đất mẹ nó rồi, nội nhớ, nội thương nó biết là bao nhiêu. Con ráng tìm nó, một nắm xương tàn, hay một nắm đất thịt của nó cũng được. Đem về nằm kề ông bà nội, vậy thì ông bà nội mới yên lòng...
4.Tôi trở về biên giới lần này, đứng ở dòng kênh Vĩnh Tế, không biết phải bắt đầu tìm bác tôi nơi đâu. Dấu vết đồn cũ không còn nữa, thay vào đó là một con đường to lớn và đẹp đẽ nối liền hai bờ biên. Biên giới dài và mênh mông, mây trắng vắt ngang hai dải đất. Chim chóc phía bên này sinh sản phía bên kia, con cá linh theo con nước lội sang, lội lại. Mùa bình yên ngọt lịm tận những chân trời khói xám xa xa.
Mùa nước giựt, đứng ở cột mốc biên giới, tôi thắp ba nén nhang, sợi khói bay ngang hai bờ biên. Tôi lấy hai nắm đất, mỗi bên một nắm, rồi hòa vào nhau chắp tay: Bác Một, xin bác chứng giám tấm lòng này, con xin đem bác về với nội…
Những sợi khói biên phương lửng lơ tạo ra muôn vàn hình hài vô định
L.Q.T
(vannghequandoi)