Nghìn năm vàng dấu cát – Văn Thành Lê

22.08.2013

Có một bãi cát vàng nằm giữa bốn bề trùng khơi, từ nghìn xưa đã lưu dấu hùng anh vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở nơi được xem như là một trong những ngọn hải đăng trên Biển Đông của Tổ quốc đó, lịch sử đã được viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ con dân Việt.

Nghìn năm vàng dấu cát – Văn Thành Lê

Đi an dưỡng nơi không có tiếng súng

Cầm danh sách những nhân chứng đã sinh sống và làm việc tại huyện đảo Hoàng Sa do Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng thống kê trên tay, tôi phân vân không biết chọn vị nào trong số đó để gặp mặt “mở hàng”. Cuối cùng, tôi quyết định chọn người thứ tư, ông Nguyễn Nhự ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Hôm đó, thôn Bắc An đang thu hoạch vụ mùa. Trời sắp chuyển mưa, mây đen sà sát dãy núi phía tây. Đón tôi là ông lão có đôi mắt sáng và chòm râu bạc trắng như cước. 82 tuổi, giọng ông vẫn ấm và khỏe. Mỗi khi nói về một điều gì đó thiêng liêng trong quá khứ, trán ông lại hằn lên những vết nhăn năm tháng.

Ông ra đảo cả thảy ba lần, từ 1969 đến 1972, được Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cử ra công tác ở Ty Khí tượng Hoàng Sa. Hồi đó, nhân viên khí tượng ai cũng ít nhất một lần trong đời ra “đo mưa đếm gió” ngoài đảo. Tùy vào tình hình thời tiết, một đợt công tác kéo dài ba tháng, nhưng thực tế có khi ít hơn mấy ngày và cũng có khi kéo thêm gần tháng nữa. Lần đầu ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy, ông không khỏi ít nhiều chạnh lòng, khi con tàu bỏ lại đất liền quê nhà phía sau vào tiến vào phía mênh mông trời nước.

Tới nơi, ông thấy đảo cũng như ở quê, chỉ khác là nhiều cát vàng và biển nước bao la. Rừng cây rậm rạp nhưng không cao lắm. Có mấy cây mù u, cây mít mang từ đất liền ra, chịu được khí hậu biển khơi và cho trái. Trên đảo, hai công trình xây dựng đáng kể nhất là đồn lính và nhà khí tượng cách nhau vài chục mét, nằm gần như ở trung tâm đảo. Mỗi ngày, ông cùng đồng nghiệp thả bóng thám không hai lần vào 6 giờ sáng và 12 giờ trưa; thực hiện tám lần quan trắc khí tượng, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Khi có bão, phải vất vả hơn chút, quan trắc và báo cáo hàng giờ về Sài Gòn để Nha Khí tượng thông báo dự đoán cường độ và hướng đi của bão...

Trời sập tối. Bản tin thời tiết lúc sáng cho biết có một cơn bão xa đang hình thành trên Biển Đông. Ông lão nhìn ra ngoài trời, chậc lưỡi: “Mỗi lần mưa bão là nhớ đảo quá, trước sau cộng hết cũng hơn một năm ăn dầm nằm dề ngoài đó, răng mà không nhớ cho được”. Tôi biết, hồi đó, qua hệ thống viễn thông phát đi từ Sài Gòn, cả vùng Đông Nam Á và Đông Á đều biết đến Hoàng Sa qua ký hiệu 48860; trong đó, 48 là vùng Đông Nam Á, 860 là Ty Khí tượng Hoàng Sa. Đóng góp cho việc quảng bá quần đảo của Tổ quốc ra thế giới bằng dự báo thời tiết ngày ấy có những người làm công việc thầm lặng như ông.

Ông lần đầu ra đảo, bốn mươi năm trước, với tâm thế của một người đã có độ “chín” khi bước qua tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Nhưng một người trai trẻ, tuổi có khi nhỏ hơn con ông, lần đầu ra đảo thì hẳn sẽ có cái nhìn rất khác. Ngay hôm sau tôi đã gặp người này và cảm nhận được sự tương đồng giữa hai thế hệ từng sống ở Hoàng Sa.

Đó là anh Lê Lan, ra đảo lần đầu năm 1971. Ngày đó anh làm y tá cho Tiểu khu Quảng Nam trong Quân đội Sài Gòn cũ, cái nghề xem ra chẳng ăn nhập gì với nghề cơ khí hiện nay của anh ở tổ 13 phường Sơn Phong, thành phố Hội An. Anh nhớ lại: “Mười chín tuổi, chân ướt chân ráo ra đảo, ai mà không sợ. Mới bước lên cầu tàu, thấy đá san hô hai bên, ở giữa có đường ray để chuyển hàng bằng wa-gông, dây leo phủ bít bùng, mới ngó lên tưởng như lạc vào một cửa động âm u, huyền bí. Đến khi theo con đường độc nhất từ cầu tàu dẫn vào giữa đảo mới thấy nhà cửa”.

Ra Hoàng Sa, dù trai tráng hay đã có tuổi, riết một hồi rồi cũng đều cảm nhận ở nơi xa xôi ấy có gì gần gũi, thân thương chẳng khác đất liền. Bước chân lên đảo, việc đầu tiên là đến thắp hương nơi miếu Bà, một ngôi miếu nhỏ ở phía Nam đảo đã đi vào ký ức tất cả những ai từng đến công tác nơi hòn đảo xa xôi của Tổ quốc này. Ông Nguyễn Nhự nhiều lần đứng trầm ngâm nhìn ra vùng biển trước mặt miễu Bà, nơi không ai dám lai vãng, dù ở đó có rất nhiều cá. Ông từng nghe kể về cái chết của một viên đội người Pháp, khi anh này đem chất nổ ra đó đánh cá. Là lính công binh thì anh ta còn lạ gì với chất nổ, thế mà khi châm ngòi, anh ta chờ mãi không thấy lửa. Thì ra, lửa chỉ cháy nửa ngòi rồi âm thầm ăn sâu vào trong và nổ tung làm anh ta chết ngay tại chỗ!

Trai trẻ như anh Lan mà vẫn “lạnh tóc gáy” mỗi khi kể lại câu chuyện thương tâm về hai người lính Việt. Thấy có cặp cá bự xà lự lờn vờn gần bên các tảng đá phía trước miễu, hai người lính rủ nhau đi bắt. Một người châm ngòi nổ, lửa cháy, nhưng cứ đứng trân người ra như có ai giữ lại, không chịu ném đi. Anh kia thấy hoảng, co giò chạy. Thuốc nổ, người đứng lại chết ngay, người chạy đi bị thương nặng.

Từ đó, thanh âm gợi lên chết chóc của chiến tranh đã rời xa hẳn nơi miếu Bà linh thiêng. Mọi người tìm đến Bà với một nén nhang, một ngọn nến, như tìm một niềm an ủi, một chỗ dựa tinh thần ở nơi bốn bề bao la trời nước...

Một tia chớp rạch ngang bầu trời xám xịt kèm theo tiếng nổ ầm vang phía núi xa. Ông Nguyễn Nhự hối người nhà lo tuôn lúa vô bồ. Ông cúi xuống bên chén nước trà, chòm râu ánh lên màu cước trắng dưới ánh sáng hiếm hoi trời chiều hắt qua cửa sổ. “Ngoài đảo, giông bão khủng khiếp lắm – giọng ông chìm trong hoài niệm. Tui nhớ có ghi trong sổ lưu niệm của Ty Khí tượng Hoàng Sa cái trận bão dữ dằn năm 71 hay 72 chi đó. Chừ, mỗi lần nghe bão là muốn thót tim”...

Tôi mang theo nỗi niềm của ông lão ngoại bát tuần trên đường về và hôm sau đã có cái để có thể sẻ chia với anh Lê Lan. Anh thật thà: “19 tuổi mà ra đảo thì ai không chán, rứa mà đi một đợt là ‘ghiền’, lần sau trông không có ai đi thì mình đăng ký xin đi. Hồi đó ở đất liền sống rày chết mai, còn ra đảo thì như đi an dưỡng, quanh năm suốt tháng không biết tới tiếng súng”.

Ra đảo học... câu cá

Ông Hai Song tên thật là Tạ Song, năm nay 75 tuổi. Qua khỏi cầu An Hội, phường Minh An, thành phố Hội An, hỏi tên ông ai mà chẳng biết. Ông nổi tiếng vì nghề câu “xịn”, không có tay câu trẻ nào ở Hội An sánh kịp. Hôm đó, ông vừa ở dưới bến về, tôi chờ ông uống xong ly nước là “vào đề” luôn. Ông hỏi ngược lại tôi: Rứa chú có biết tui học cái nghề câu ni ở đâu không?

Câu trả lời của ông khiến tôi ngạc nhiên. Ra Hoàng Sa mà học được nghề câu cá thì cũng hơi bị lạ. Lạ chi, ba tháng trời ở không ngoài đó, không đi câu thì làm chi? – ông vặt lại. Ông ra đảo cuối năm 1970, đợt thứ 44, khi làm y tá trên Ban quân y Chi khu Điện Bàn. Ngày đó ở đảo, nói về câu cá thiện chiến là phải nhắc tới Hai Song, ông câu nhiều cá đến nỗi ăn không hết, phải phơi khô đem về nhà. Ông nằm trên cái giường sắt, nghĩ miết không biết tìm đâu ra lưỡi câu, trở mình, mấy cái lò xo kêu sột soạt. Ông bật dậy, la lên “có rồi”, rồi lật đật tháo cái lò xo đem ra mài cả ngày dưới đá, uốn thành lưỡi câu.

Cầu tàu dẫn vào đảo dài gần 200m, chân cầu có nhiều tảng bê-tông bám đầy rong rêu nằm ngổn ngang, là chỗ trú thân của nhiều loại cá ngon, nhất là những khi biển động. Cá cắn câu, rúc vào kẹt đá là mấy tay mơ đành bó tay, thường là mất luôn lưỡi câu. Ông Hai Song nhờ có cước cỡ lớn mang từ đất liền ra nên con nào cắn câu là ông lượm sạch. Mỗi lần vác cần ra đi, ông dặn anh em ở nhà lo nấu cháo. Ra cầu tàu, ông quăng lưỡi câu ra xa cùng với cái lon làm phao, thấy lon chạy là kéo vô. Có bữa ông lôi về con cá khế bề ngang to bằng cái bàn, bữa khác con cá đuối to như cái thúng chai, 3-4 người kéo mới xuể.

Xong đợt 44 ông về thì đợt 45 đồng hương với ông là anh Lê Lan ra đảo, được ông “bàn giao” lại cái lưỡi câu và “nghề” câu. Ba lần ra Hoàng Sa, anh Lan đã làm các cư dân ở đảo ngày đó nể phục vì tài câu cá, không hổ danh là “đệ tử ruột” của thầy Hai Song.

Kinh nghiệm đi câu của anh Lan là phải đi giày bố cho khỏi bị san hô cứa rách chân, mặc quần soóc, mang theo cái bao tời cát, không được quên lưỡi lê với trái lựu đạn. Lấy lưỡi lê đập con ốc mượn hồn lấy thịt móc vô lưỡi câu, quăng xuống câu được hai con cá mó nhỏ bằng hai ngón tay, cắt chúng ra làm ba khúc. Xong, móc vô lưỡi câu, quăng xuống hốc bên tảng đá, một chặp là cá cắn câu. Muốn câu cá to thì ban đêm chịu khó ra sát mí sóng, mà phải đi ít nhất hai người chứ ngoài đó vắng vẻ quá, ớn lắm. Câu ngoài cầu tàu, cá cắn câu kéo chạy là phải vừa ôm trụ cầu, vừa nới dây dìu nó, chứ căng quá là không biết nó đi đâu về đâu. Năm đó, nhờ lưỡi câu ông Hai Song để lại, anh Lan câu được con cá khế nặng khoảng 15kg, vác về một vác, anh em trên đảo ai thấy cũng lắc đầu thè lưỡi.

Đi câu có cái thú riêng, nhưng đi bắt cá cạn mới đúng là ngày hội. Mỗi khi anh em bên khí tượng dự báo thời gian biển động là cả đảo xôn xao rủ nhau đi kiếm cá dự trữ. Mỗi tháng, chỉ có khoảng 8 ngày để bắt cá cạn, từ mồng một tới mồng bốn và từ rằm tới mười chín, đó là thời điểm thủy triều xuống thấp nhất trong tháng, gọi là nước ròng thật sát. Lúc đó, dải đá ngầm phía bắc đảo rút hết nước, lộ ra những hang, hốc đá đầy các loại cá, tôm, ốc, mực… chỉ việc cầm khúc gỗ đánh xuống là bắt bỏ vô bao. Sáng sớm, cả đảo kéo nhau “hành quân” đi bắt cá cạn, vui như Tết. Hai người đi khoảng tiếng đồng hồ là vác về một bao 40-50kg các loại, khiêng méo miệng.

Nhưng thấy rứa, đừng ham – anh Lan đúc kết kinh nghiệm. Chớ dại dột ra xa tới ngoài mí sóng, nước thủy triều mà dâng lên là chạy vô không kịp, bỏ xác ngoài biển như chơi.

Nguồn thực phẩm trên đảo ngày đó còn có rau câu, con vích. Rau câu phơi khô, đóng bao đưa về đất liền. Thịt vích thì ngon không thua thịt bò. Vích to như cái bàn, chậm chạp như một ông lão. Những đêm sáng trăng, loài rùa biển này bò lên bãi cát đào lỗ đẻ trứng. Đuổi theo dấu chân vích để lại trên cát là bắt gặp nó ngay, chỉ cần lật chổng vó bốn chân lên trời là nó bơi trong không khí.

Sống trong môi trường trong lành nên ai cũng ăn ngon ngủ yên, lên cân vùn vụt. Thanh niên như anh Lan ngày đó mỗi bữa ăn hơn lon gạo là chuyện thường. Còn ông Hai Song thì chừ mỗi lần nói chuyện câu cá Hoàng Sa cho lớp trẻ giỏng tai ra nghe, làm chi ông cũng gồng cánh tay cho con chuột nổi lên rồi cất giọng sang sảng: Nhờ đảo mà chừ được như ri đây. Mà ông khỏe thật, 75 tuổi ông vẫn đi câu khắp Hội An có bữa được 4-5 trăm nghìn chứ đâu có ít. Hôm đó, nghe tôi hỏi có ưng ra lại Hoàng Sa không, ông trợn mắt: Chú khéo hỏi, nhớ quá chừng, răng lại không ra?! Cú ni mà tui ra lại, cá ngoài đó tui lượm sạch.

Tiễn tôi ra cửa, ông nói với theo: Nhưng mà tui không đi một mình mô nghe, dẫn theo một mớ mấy đứa trẻ tuổi trong nhóm đi câu Hội An nữa. Để chi chú biết không? Để tụi nó biết Hoàng Sa, mà thương, mà nhớ...

Kỷ vật biển đảo

Họ đã từng sinh sống, công tác ở Hoàng Sa, nhưng mỗi lần có ai hỏi “vậy có giữ kỷ vật nào không?”, là lòng họ lại dấy lên những buồn vui lẫn lộn. Ngày đó bình yên trên đảo, có mấy ai nghĩ đến chuyện ngày sau vật đổi sao dời...

Ông Khôi hiện ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, đi lính địa phương quân, ra Hoàng Sa đầu năm 1969. Ông bước chân lên đảo là quăng súng vô kho, cùng anh em tung tăn đi săn cá, bắt ốc. Ốc nhiều lắm, màu sắc, kích cỡ đủ loại, không sao gọi hết tên chúng được. Ông quy ra hai loại, căn cứ vào sọc màu trên vỏ của chúng: ốc gân và ốc hoa. Xen vào đó  những con sò khổng lồ, lỡ lọt tay vào miệng nó, nó kẹp lại là “trời gầm mới nhả ra”. Lựa tới lựa lui một hồi, ông Khôi quyết định chọn một số vỏ ốc hoa thật đẹp, đem về làm kỷ niệm với đảo xa.

Trên đảo có một giếng cổ, tương truyền chúa Nguyễn Ánh, lúc bị vua Quang Trung đánh riết quá, ra ngoài đó đào giếng mà sống. Nước giếng nóng thì uống được, để nguội quá mặn. Ông Khôi kể, mỗi lần hết nước mưa dự trữ phải uống nước giếng, nhưng uống 3 ngày là đau bụng, thuốc không chữa được, chỉ ăn xôi đường rồi uống nửa ly sữa là hết ngay. Vỏ ốc đem về ông tặng hết, chỉ giữ lại hai cái mà ông thường dùng để pha sữa chữa bệnh đau bụng hồi ngoài đảo, nhưng rồi cuối cùng ông cũng tặng luôn cho UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Chừ ngồi nghĩ lại, ông Khôi tiếc hùi hụi vì có lần câu được con cá nhám hơn nửa tạ mà không chụp được tấm hình mang về đất liền cho anh em “lạnh” chơi. Hồi đó, chỉ lính công binh họa may mới có máy ảnh, chứ các ngành khác thì dễ chi.

Ông Hai Song thì may mắn hơn, có tấm hình chụp ông ôm con cá he hồi ở ngoài đảo, bằng chứng cho cái “danh hiệu” tay câu thiện chiến của ông. Tấm hình quý giá là thế, nhưng chừ ông lục miết vẫn không biết nó lưu lạc ở đâu.

Hôm tôi đến gặp ông Nguyễn Nhự, ông bảo tôi tạt qua nhà anh Nguyễn Hoanh ở phía sau nhà họp thôn Bắc An gần đó để chụp lại mấy tấm hình của ông Nguyễn Giáo – cha anh Hoanh. Anh Hoanh vừa hối chị vợ đi tuôn lúa chạy mưa dông, vừa lật đật lục tìm trên kệ sách. Tay tôi run lên khi chạm vào những tấm hình chụp hơn 35 năm trước, nước thuốc đã ít nhiều phai nhạt nhưng vẫn rõ nét. Tấm thứ nhất chụp hai người đứng trên bãi cát, biển khơi mênh mông làm nền phía sau. Tấm thứ hai, anh Hoanh bảo, là hình cha anh đang ghi gì đó vào quyển sổ, mặt quay ra phía ống kính với nụ cười hơi nhăn nheo vì nắng. Tấm thứ ba chụp cha anh đứng trước cửa phòng làm việc, ba chữ “Ty Khí tượng” nổi bật phía trên, nhìn kỹ sẽ thấy hai cánh cửa gỗ được ghép cho chắc bằng các thanh gỗ hình chữ Z – kiểu ghép ván thường thấy ở miền Nam trước năm 1975.

Anh Hoanh nói cha anh ra đảo hai đợt, đợt cuối bị bắt khi Trung Quốc tấn công lên đảo ngày 19-1-1974. “Mấy tấm hình này ổng giữ bo bo trong sổ - giọng anh buồn buồn, hồi gần mất, ổng dặn tui cất kỹ, có ngày cần dùng tới chúng”. Mà đúng thế thật, mấy tấm hình đã làm sửng sốt những ai từng sống những ngày khó quên ở đảo. Ngay như ông Nhự, anh Hoanh kêu bằng bác, cũng bất ngờ: “Mấy chục năm rồi mà chú nó có cho tôi biết mô”. Ông Nhự nhìn tấm hình người em họ của mình đứng trước một cái hộp màu trắng có mái che (ông gọi là “lều khí tượng”), cửa mở thấy rõ máy móc bên trong, giọng như lạc đi: “Trời ơi, mấy cái máy đo nhiệt độ, đo độ ẩm ni thì hồi còn ngoài đảo, ngày nào mà tui không đụng tới”. Rồi ông chỉ cho tôi vị trí của cây phượng, cây dương liễu, bồn nước, cái ghế nơi ông và đồng nghiệp ngồi chơi cờ...

Tính đến nay, người ngoài đời già hơn người trong hình ít nhất cũng 35 năm. Không chỉ nhân vật trong hình mà ngay cả những người từng ra Hoàng Sa cũng không khỏi chạnh lòng nhớ lại cảnh cũ người xưa. Anh Nguyễn Văn Cúc hiện ở tổ 11 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, còn giữ được tấm ảnh chụp chung với chuẩn úy Thịnh bên cầu tàu Hoàng Sa trong lần thứ hai ra đảo để sửa chữa hệ thống nước ngầm trong nhà khí tượng do Pháp để lại.

Lần đó, anh Cúc ra đảo với anh em trong trung đội công binh, thêm một người thợ nề là ông Huỳnh Chánh hiện ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cả đoàn mang theo 2 tấn xi măng và 2 xe ben cát, nhưng lại không mang theo ống nước, do ngoài đảo điện vô nói không rõ ràng. Thành thử, cả ba tháng trời anh em được dịp đi chơi thả giàn. Bữa đó, ông Chánh kể, anh em xin đi qua đảo Robert, người Việt gọi là đảo Hữu Nhật, cách Hoàng Sa 3 hải lý, khoảng 5 cây số rưỡi, về phía Nam. Ở lại đêm, nửa khuya anh em dậy đi bắt 3 con vích to bằng nửa cái bàn, sáng khiêng ra ho-bo, nhưng máy bị pan tới quá ngọ, đành căng bạt che nắng, lấy dầm bơi về. Chuẩn úy Thịnh ở nhà, sốt ruột quá, sợ anh em gặp điều chi bất trắc, cứ lấy ống nhòm ra xem hoài.

Khi ho-bo cập bến, chuẩn úy Thịnh mới yên tâm. Sẵn cái máy ảnh, chuẩn úy Thịnh ngồi xuống bệ đá trên cầu tàu, anh Cúc đứng bên cầm cái điện thoại C25 có cây ăng-ten dài ngoằng, anh em chụp tấm hình kỷ niệm. Mấy tháng trước, qua sự giới thiệu của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao từ Hà Nội vào đã chụp lại tấm hình này và phóng lớn tặng anh Cúc một bản. 37 năm qua, không biết cái cầu tàu chừ ra răng – giọng anh Cúc đầy hoài niệm. Hồi đó, nó làm bằng xi-măng nên bị loang lổ nhiều chỗ, mấy cái cột sắt thì cũng đã gỉ rồi.

Sau từng ấy năm, chưa lần nào họ gặp nhau. Mới đây, mấy anh em ra đảo cùng đợt ngày đó như ông Trương Quá, ông Nguyễn Văn Lượng (hiện nay đều ở ngã ba Phú Lộc) đi đám cưới có ghé lại nhà ông Chánh chơi. Các ông bàn nhau liên lạc với anh Cúc, anh Thịnh (ông chuẩn úy ngày xưa hiện ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu), hẹn “làm một trận” một để ôn lại buồn vui kỷ niệm xưa. Khi tôi báo tin này, anh Cúc mừng ra mặt. Anh cẩn thận xếp tấm hình kỷ niệm Hoàng Sa lại, trầm ngâm: Một số người đã lớn tuổi rồi, không chừng gặp họ lần cuối cùng cũng nên...

Ngày không quên và điều đáng nhớ

Hôm từ nhà ông Nguyễn Nhự về, lúc chờ sửa xe ở Cầu Đỏ, tôi gặp một anh chạy xe thồ tên là Phùng Mai, người thôn Tây An, xã Hòa Châu. Chuyện trò một lát, anh cầm tờ báo Thanh Niên số ra ngày 16-9-2009, chỉ cho tôi cái tít “Châu bản triều Nguyễn và việc thực thi chính quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa” rồi bức xúc nói: Tui từng là bộ đội đi chiến trường K, chừ nghe thông tin không hay về Hoàng Sa là thấy nhưng nhức cái đầu.

Tôi muốn nói với anh là, những người từng ở Hoàng Sa, nhất là những người cuối cùng rời hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình trước khi bị Trung Quốc tấn công cưỡng chiếm vào cái ngày lịch sử 19-1-1974 càng cảm thấy đau buồn, uất hận bội phần.

Ngày 14-1-1974, anh Nguyễn Văn Cúc ra Hoàng Sa lần thứ ba bằng Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 trong phái đoàn 7 người, trong đó có một người Mỹ, để khảo sát làm sân bay trên đảo. Xong việc, cả đoàn xuống tàu định về lại đất liền thì Trung Quốc tấn công lên đảo.

Anh Lê Lan kể, khoảng 3 giờ chiều ngày 20-1-1974, nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Quý Sửu, người cuối cùng của mình bị sa vào tay lính Trung Quốc và Hoàng Sa chính thức bị cưỡng chiếm. Sau này anh mới biết là khi đó, đất liền vẫn chưa rõ những người ở Hoàng Sa đi đâu về đâu. Tết, nhà như có tang. Mẹ anh Cúc đau buồn nhảy sông tự tử, may có người cứu được. Anh là con một, lúc đó vợ anh đang mang thai đứa thứ hai, sau đứa đầu là con gái. Còn anh Lê Lan thì chỉ một tuần nữa là về lại Hội An để tổ chức đám cưới, thế mà...

Ông Phan Ngọc Chung hiện ở khu phố 5 phường Minh An, thành phố Hội An, từng là lính truyền tin của Quân đội Sài Gòn cũ. Ông ba lần ra Hoàng Sa, nhưng lần cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi nhìn đảo từ xa chứ không còn được đặt chân lên đảo nữa. Đó là khi ông được lệnh lên chiến hạm ra tiếp cứu Hoàng Sa, tàu chỉ còn cách đảo khoảng hai cây số thì bị bốn máy bay MIG của Trung Quốc truy đuổi. Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 của Quân đội Sài Gòn lúc đầu ra lệnh cho chiến hạm tấp vô đảo Lý Sơn để tránh máy bay, nhưng sau đó đổi lệnh cho quay lại Hoàng Sa để tìm thi thể lính bị chìm tàu. Nhưng đảo đã bị chiếm. Ông Chung và đồng đội lặng lẽ chào vĩnh biệt những người lính ở lại cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bốc cháy và đang chìm dần nơi phía xa.

Đó là đêm 28 tháng Chạp, cả một vùng biển đảo của Tổ quốc chìm trong đau buồn, tang tóc.

Trong khi ông Chung quay về lại cảng Tiên Sa đúng giao thừa thì anh Cúc, anh Lan cùng 32 người khác ở Hoàng Sa bị lính Trung Quốc lùa xuống tàu đưa về đảo Hải Nam, tới trại thu dung tù binh Quảng Châu thì đã là mồng 3 Tết. Đó là cái Tết không bao giờ quên được trong đời các anh. Hơn tháng sau ngày bị bắt, các anh được đưa qua Hồng Kông, bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ quốc tế và bay về Tân Sơn Nhất trên chiếc Boeing 207. Khi bay ngang Hoàng Sa, nhìn lại lần cuối nơi mình vừa sống những ngày tươi đẹp với những kỷ niệm đã ăn vào trong gan, trong ruột, ai nấy rưng rưng nước mắt. Cái cảm giác như vừa đánh mất một cái gì đó thiêng liêng, cao quý vẫn mãi day dứt lòng người, dù họ được người dân Sài Gòn ngày đó ra tận sân bay Tân Sơn Nhất đón với biểu ngữ “Hoan hô Anh hùng Hoàng Sa đảo”.

35 năm đã trôi qua. Cuộc hải chiến năm nào mỗi người nhìn và kể lại có thể khác nhau đôi chút, nhưng có một điểm không thể nào khác hơn được, đó là tất cả đều chung một nỗi đau từ tận cùng trái tim mình, rỉ máu như con chim cuốc đêm đêm khắc khoải những tiếng kêu thê thiết. Cha ông ta đã bỏ lại nơi quần đảo xa xôi có tên gọi dân gian là Bãi Cát Vàng ấy biết bao máu và nước mắt để giữ yên nơi được xem là “Ngọn hải đăng” thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc. Những trang sử bi tráng và cả thơ ca dân gian vẫn mãi khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tôi lặng người khi đọc những câu ca dân gian do PGS.TS Lê Trọng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Quốc tế học, người con của đảo Lý Sơn, kể lại. Người lính xưa ra đảo luôn mang theo bên mình chiếc chiếu để sống thì nằm, chết thì bó chôn: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Họ vâng lệnh vua giữ yên biển đảo, dù có thể một đi không trở lại: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”.

Chuyện vua cho lập chùa, đặt bia chủ quyền còn nhắc trong “Vè đảo Hoàng Sa” do ông Giáo Trợ làng An Hải sáng tác từ năm 1940, được anh Đặng Hòa, thuyền trưởng tàu du lịch Hàn Giang, ghi lại: “…Đã đành ngài ngự giá ra đây/ Nhìn xem phong cảnh có xây một sở chùa… Mười phần có được chín phần/ Để cho bảo hộ con dân lưới chài/ Chữ đề niên 1tạc hậu lai/ Kể ra niên hiệu một trăm hai mươi năm rồi…”.

Nghệ nhân Đinh Văn Ý, ông bạn vong niên của tôi, tuy đã ngoài tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi cùng anh em ngồi lại vẫn nghiêm giọng đọc bài học thuộc lòng thời ông học tiểu học ở Trường Tây Sơn, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, lúc ông tản cư lên đó năm 1946: “Hoàng Sa là Tổ quốc tôi/ Bốn ngàn năm tôi đã có/ Bốn ngàn năm lấy máu đắp giang sơn/ Bốn ngàn năm hoạt động để sinh tồn/ Nòi giống Việt luôn luôn khảng khái/ Không khuất phục quân thù khi thất bại/ Chả kiêu căng khinh địch lúc thành công…”.

***

Khi tôi khép lại thiên bút ký này thì tờ lịch trên tường cũng vừa mở ra năm mới 2010. Đất nước đang chuyển mình vào xuân mới, mùa xuân của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Trong niềm vui nghìn năm của toàn dân tộc, nào ai dễ nguôi quên một Hoàng Sa - Bãi Cát Vàng vẫn chưa đoàn viên cùng Đất Mẹ Tổ quốc. Những trái tim mang giòng máu Việt vẫn hừng hực ngọn lửa tiền nhân truyền lại, thừa sức đốt cháy bất cứ thế lực ngăn trở nào để một mùa xuân “châu về hợp phố”. Điều đó chắc chắn sẽ đến, tôi tin thế, bởi lẽ, lời minh quân Lê Thánh Tông răn dạy quần thần trước nỗi lo nhà Minh xâm phạm biên giới ngày nào vẫn mãi còn đó tính thời sự: Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại


V.T.L.