Bình minh nửa đêm

28.11.2016

Bình minh nửa đêm

Cô gái miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, học Đại học Kinh tế nhưng lại mang duyên nợ với văn chương. Ra trường, chỉ một đôi lần làm việc đúng với chuyên môn, bởi những con số lại chẳng mấy hấp dẫn chị trong việc xây dựng một sự nghiệp lâu dài của một cô gái vốn suốt ngày ngẫm chuyện đời, chuyện người, chuyện nhân tình thế thái. Thế nên, chị đã không ngần ngại bỏ nghề để rồi ngày ngày cặm cụi, miệt mài bên bàn viết. Khá nhiều lần được đọc tác phẩm của chị, nhưng với tôi mỗi lần đọc lại mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đầy thú vị. Và một lần nữa, Bình minh nửa đêm, tập truyện ngắn mới nhất của chị lại tiếp tục mang đến cho độc giả nhiều sự bất ngờ.

Có lẽ, từng có những năm tháng bôn ba làm báo nên cây bút Huỳnh Mẫn Chi trải lòng với văn chương không quá khó. Văn chương như một cách để chị ghi nhận lại những câu chuyện cuộc đời, thân phận nghiệt ngã, những ngõ ngách trong cuộc sống ngổn ngang, bề bộn. Mỗi câu chuyện của chị cứ như một góc nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nét vẽ của họa sĩ, một cảnh quay của bộ phim, tất cả làm nên những lát cắt của cuộc sống. Trân trọng ở chỗ, những nét phác họa ấy luôn đáng để suy ngẫm, phong phú, sống động và đẹp đến ấn tượng. Những nhân vật của chị lúc chân chất thiệt thà, lúc hóm hỉnh nồng hậu, khi đau đáu nghiệt ngã. Mỗi tác phẩm của mình, như những dòng phù sa không ngừng bồi đắp cho quê hương, Huỳnh Mẫn Chi đều vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, trong trẻo, thú vị.

Trong Đôi bông cưới, giọng văn đầy nữ tính, trong trẻo của chị đưa người về với miệt vườn Nam bộ với những cơn mưa tối trời, những cơn nắng chang chang, với tình người nồng hậu, hào sảng và bao dung.

Ở Bình minh nửa đêm, những phận người ám ảnh của kiếp thương hồ đã tái hiện với những mảng màu đêm và ngày, bóng tối và ánh sáng, đau thương và hạnh phúc, phi lý và lẽ thường, đột ngột thay đổi kiếp sống của hai cha con gắn phận mình với sông nước lênh đênh: được lên bờ.

Riêng Ngày tôi về với má, dù đã đọc có đến chục lần vậy mà lần nào đọc lại, tôi cũng nghe cay cay sống mũi. Chiến tranh loạn lạc, mất mát, chia ly... trở thành những ký ức cuộc đời, không thể nào quên. Đáng quý hơn, Huỳnh Mẫn Chi còn là một trong số ít những cây bút trẻ hiện nay viết nhiều về đề tài chiến tranh cách mạng.

Ở Huỳnh Mẫn Chi, độc giả còn ghi nhận ở chị một sức làm việc bền bỉ, yêu nghề và nghiêm túc. Chị viết nhiều thể loại, kịch bản phim, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, nghiên cứu và giảng dạy, như một cách tìm kiếm chính bản thể của mình. Tuy nhiên, độc giả không khó để nhận ra một giọng văn dân dã, chân chất, một lẽ sống tích cực, một tâm hồn dung dị của ngọn gió đồng miền Tây Nam bộ. Có lẽ cái nét chân quê của chị dẫu có làm gì, dù sống ở đâu hay phiêu bạt phương nào đi nữa thì vẫn mãi thấm đẫm vào lòng, thấm đẫm trong từng câu viết, con chữ. Ngẫm cho cùng, trong bối cảnh lực lượng sáng tác đông đảo và hùng hậu hiện nay, để viết được phong cách như chị, quả thật không phải dễ.

Sinh năm 1975, Huỳnh Mẫn Chi đến nay đã có hơn chục tác phẩm văn thơ, lý luận phê bình, lý luận nghiên cứu, lận lưng khá nhiều giải thưởng báo chí, văn chương của Hội Nhà báo TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM, giải ba kịch bản phim truyện với tác phẩm Mong manh của Hội Điện ảnh Việt Nam và Cục Điện ảnh Việt Nam năm 2005, giải nhì kịch bản phim truyện với tác phẩm Bồng bềnh trên sông của Hội Điện ảnh Việt Nam và Cục Điện ảnh Việt Nam năm 2009. Phim Bồng bềnh trên sông do Hãng Phim truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2016 hiện đang phát sóng trên kênh VTV3. 

Tập truyện ngắn Bình minh nửa đêm do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TPHCM ấn hành.

Minh An
(sggp.org.vn)