Về cuốn Tiểu thuyết "Tơ Vò" của tác giả Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân)

16.04.2019

  Về cuốn Tiểu thuyết

Tôi nhận “Tơ vò” của anh Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân) tặng nhân dịp lớp tôi họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường (Khoa Lịch sử, khóa 13 (1968 - 1972) Đại học Tổng Hợp Hà Nội).


50 năm biết bao đổi thay. Từ những cô cậu học trò, giờ là những ông bà già đã về hưu. Từ những sinh viên Khoa Lịch sử còn rất trẻ, giờ là những giáo sư, tiến sỹ, nhà báo, những cán bộ đầu ngành, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Chúng tôi tặng nhau những tập thơ, tập truyện ngắn, những cuốn hồi kí, tiểu thuyết và cả những bản nhạc trữ tình của một thời để nhớ, để thương. Những món quà “tay trái” thật đáng trân trọng.


Tôi viết ý kiến của mình về “Tơ vò” của anh Xuân Vũ không ngoài sự trân trọng một thành quả lao động nghiêm túc của anh. Một cuốn tiểu thuyết về hình thức là đầy đặn (11 chương sách gói trong 341 trang); về nội dung lại đề cập tới một vấn đề thuộc mặt trái của xã hội – vấn đề tham nhũng - mà hiện nay Đảng ta coi đó là một cuộc chiến quan trọng, chỉ có thể thành công trong cuộc chiến này mới đưa đất nước tiến lên được!


Tham nhũng là một vấn đề hết sức nhậy cảm và rất khó viết. Nhưng thực tế cầm bút mấy chục năm, từng là phóng viên chiến trường, từng là trưởng ban biên tập tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước… Vì thế vấn đề nhậy cảm và khó viết đã không hề làm anh lúng túng. Trong “Tơ vò” anh đã phân tích và giải quyết rất thấu đáo mục đích mà cuốn sách đề ra; chỉ rõ sự vững vàng của Đảng trong muôn vàn khó khăn đã lèo lái con thuyền dân tộc vượt qua biết bao ghềnh thác. Khó khăn bởi lẽ những cản trở, những mặt trái ấy nằm ngay trong mỗi con người. Họ là bạn bè của nhau, là đồng chí từng vào sinh ra tử, là thầy trò, là cấp trên cấp dưới hàng ngày chung sống công tác bên nhau mà nay phải hàng ngày đấu tranh không khoan nhượng với nhau. Có hai xu hướng trong những con người này: Một xu hướng là những cánh tay đang đẩy đất nước tiến lên phía trước, còn hướng kia là những cánh tay níu giữ, kéo đất nước lùi lại, chỉ lo cho lợi ích cá nhân, vun vén cho lợi ích nhóm của mình. Cuộc đấu tranh này hay nói đúng hơn cuộc chiến chống tham nhũng này đã diễn ra suốt một thời gian dài, âm thầm bên trong những làng quê nhỏ bé, bên trong các cấp chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh của Việt Nam khiến cho làng quê Việt Nam vốn yên bình thì nay suốt một thời gian dài ấy đã không thể yên bình được nữa!


Tham nhũng kinh tế còn có thể đo đếm được, nhưng tham nhũng quyền lực thì tinh vi, len lỏi trong xã hội như những đợt sóng ngầm giống như những tổ kiến đục vào thân đê vậy. Anh Xuân Vũ từng nói rằng tất cả những tư liệu để viêt nên “Tơ vò” là những tư liệu có thật 100% đã và đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam trong những năm qua. Tác giả “Tơ vò” chỉ sáng tác, hư cấu, thay đổi một số tên người, tên địa danh mà thôi. Tơ vò đã cho tôi hiểu rõ hơn những khó khăn nhức nhối của đất nước mình trong những năm qua, một giai đoạn của cuộc cách mạng phát triển đất nước tuy không còn tiếng súng mà vẫn đầy những hy sinh gian khổ và mất mát.


Cảm ơn tác giả - Nhà báo Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân), cảm ơn sự lao động nghiêm túc của anh; một người học lịch sử, làm báo đã góp cho xã hội một cuốn tiểu thuyết mang đậm tinh thần Sử học và đã cho tôi một cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm.

Nguyễn Thị Quế
(vanhien.vn)