Tập hồi kí “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" của Ma Văn Kháng gom góp những nhọc nhằn và kể lại những nhớ thương của tác giả. Qua từng trang viết, độc giả có thể thấy rõ được những khó khăn mà ông đã trải qua một cách đầy hóm hỉnh, những yêu thương mà ông đã cho đi và được nhận qua một cách thật tình.
Tập hồi kí sẽ cho ta nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều để nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời. Qua từng trang sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong gần một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn.
Ma Văn Kháng đã không chỉ khéo léo hay đủ sự tinh tế, nhạy cảm để chỉ kể lại một số nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà ông và bạn nghề ông đã trải qua như đói ăn và thiếu mặc, chỗ ở lại chật chội, đi khám bệnh phải chen chúc… Bởi kể lại được vậy, cùng lắm, mới là giỏi cái giỏi của một cây bút thạo nghề. Đó là một bức tranh đầy tâm trạng, có đủ bi ai, phẫn uất, buồn thương, mai mỉa… Điểm thú vị là qua bức tranh ấy, ta thấy rõ hành trình trở thành một trí thức mẫn cán, tận tụy để rồi có một nhà văn Ma Văn Kháng về sau. Phải rồi, Ma Văn Kháng, chính ông là một khối trí lực hơn người.
Có những tác giả làm cho cuộc đời xinh tươi hơn lên; cũng có những tác gia khiến cho con người thông tuệ thêm chút nữa; và cũng có những nhà thơ, nhà văn đã gợi giúp cho công chúng, quần chúng của mình biết cách hành động đúng đắn hơn và có hiệu quả hơn… Có phải Ma Văn Kháng, bằng sự mẫn cảm của một nhà văn đích thực, nên qua cả ngàn trang in của mình đang cho phép ta nghĩ rằng trong ông có cả mấy nhà như thế? Cái đích thực ở một nhà văn nơi ông vốn được dồn tụ từ cả mấy nguồn mà ông từng trải, có hăm hở và cả buồn tiếc..., là: một thầy giáo giỏi, một công chức mẫn cán (ông là Thư kí của một bí thư tỉnh uỷ), một người giàu lòng thương mến và có năng khiếu quan sát, có nghệ cầm bút bẩm sinh... rồi mới thành nhà văn. Đọc hồi kí của ông, ta quý ông hơn như quý một nhà văn tiêu biểu đương đại là vì thế./.Trong “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” tác giả có giọng hồi kí ôn tồn, chậm rãi, nhẹ nhàng mà từ đó, người đọc nhận ra vẻ bùi ngùi, có chỗ là rưng rưng đầy xót xa, lại cả thương mến và trân trọng. Và thỉnh thoảng vọt thoát ra khỏi sự đều đều của nhịp điệu văn xuôi cũng rất dễ sa vào ru rủ, lại vang lên trong mức đủ nghe như thì thầm muốn nén bớt nỗi bi thương, đôi lời chát chúa, đáo để ra trò.