Tội ác chiến tranh in hằn lên những ký ức trẻ thơ

27.12.2018

Tội ác chiến tranh in hằn lên những ký ức trẻ thơ

Cuốn ký sự - tư liệu "Những nhân chứng cuối cùng" của tác giả Nobel 2015 Svetlana Alexievich tập hợp lời kể của vô vàn tuổi thơ bị hủy hoại bởi chiến tranh.

Năm 2015, nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel Văn chương với loạt tác phẩm Những giọng nói không tưởng: Những nhân chứng cuối cùng, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Những cậu bé kẽm, Lời nguyện cầu Chernobyl và Thời second hand.

Cuốn sách Những nhân chứng cuối cùng được viết năm 1985. Sau giải Nobel văn chương 2015, loạt sách Những giọng nói không tưởng đã được tái bản, có sửa chữa. Mới đây, cuốn sách được phát hành tại Việt Nam qua bản dịch của Phan Xuân Loan. Bản dịch này dựa trên quyển sách Những nhân chứng cuối cùng được tác giả hiệu đính, phát hành năm 2016.


Cuộc chiến tranh chống phát xít Đức cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng Xô viết sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông, và tại những ngôi nhà góa bụa đó, Svetlana thường nghe được hai câu chuyện: Một của người mẹ và một của đứa con.Tác giả Svetlana cho biết, ý tưởng cho cuốn sách này nảy ra khi bà đi thực tế thực hiện các cuộc phỏng vấn cho cuốn sách đã nhiều người biết tới ở Việt Nam: Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ (Nguyễn Ngọc dịch).

Nhờ đó, nhà văn, nhà báo phát hiện: “còn một kho cất giữ nỗi đau còn tinh khôi, hoàn toàn chưa được động tới”: ký ức trẻ thơ. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người đàn ông, đến Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ thì nữ giới được lên tiếng. Nhưng qua lời trẻ em, chiến tranh bộc lộ sự điên rồ, hung bạo, phi nhân không thể biện bạch.

Trong Những nhân chứng cuối cùng, Svetlana Alexievich ghi lại lời những “nhân vật trẻ em” khi họ đã trưởng thành. Đây là một công việc hết sức khó khăn. Bới khi tác giả đi tìm gặp, thì những "cậu bé", "cô bé" ấy đã trở thành người lớn.

"Một giáo sư sử học thì nói những điều rất khác, rất 'người lớn' về chiến tranh. Nên cần nhiều thời gian, bốn hay năm giờ đồng hồ để lộ ra được diện mạo một cậu bé có mẹ bị quân Đức lôi ra khỏi nhà đem bắn. Để cậu bé có thể nhìn tận mắt mình: 'Tại sao họ bắn mẹ. Mẹ đẹp như thế...'"

Cái khó của tác giả là phải đạt tới được những chi tiết chân thực, tinh khôi, trẻ thơ. "Vấn đề là gột sạch cái người lớn từ những chuyện kể này". 

Trong sách, hàng trăm câu chuyện trẻ thơ được kể. Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, những nhân vật từ 4 đến 12 tuổi ấy chứng kiến. Những chết chóc, mất mát, tang thương in hằn lên ký ức trẻ thơ, ám ảnh những cuộc đời ấy.

Dẫn lời Dostoyevsky, những "solo cho giọng trẻ em" trong cuốn sách đã minh chứng nước mắt trẻ thơ luôn nặng hơn mọi lý lẽ có thể dẫn ra bào chữa cho chiến tranh. Chiến tranh là phi nhân, là không thể nào biện bạch.


Tác giả Svetlana Alexandrovna Alexievich (sinh năm 1948 ở Stanislav , hiện thuộc Ukraine). Bà tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, rồi làm việc cho một số tờ báo và tạp chí. Trong nhiều năm, bà đã thu thập tư liệu và viết nên loạt sách Những giọng nói không tưởng. Cuộc Chiến tranh Vệ quốc của người Nga đã lùi xa vào quá khứ. Những trẻ thơ lớn trải qua cuộc chiến ấy giờ đã lớn lên, cao tuổi. Ký ức về chiến tranh trong họ phai dần, vì thế những giọng trẻ thơ trong cuốn sách này là "nhân chứng cuối cùng" của cuộc chiến. Sau họ, không còn ai trải qua cuộc chiến nữa. 

Các cuốn sách của bà có thể xếp vào thể loại phi hư cấu khi ghi lại hàng trăm hàng nghìn lời của những nhân chứng có tên, có tuổi, có địa chỉ cụ thể. Nhưng từ ý tưởng, kết cấu, tính văn chương đan cài trong đó khiến tác phẩm mang bóng dáng một tiểu thuyết, ở đó những giọng nói của mỗi con người nhỏ bé tập hợp lại thành một lịch sử lớn. 

Các tác phẩm của Svetlana Alexievich đã được dịch ra 35 thứ tiếng, là nền tảng cho nhiều bộ phim điện ảnh, kịch sân khấu và truyền thanh trên khắp thế giới. 

Tần Tần
(news.zing.vn)