Lao xao hồn phố - thơ Bùi Phan Thảo

10.12.2015

Lao xao hồn phố - thơ Bùi Phan Thảo

Bước vào con đường thi ca từ thời trai trẻ nhưng ẩn nhẫn cho đến khi đã ở tuổi ngũ tuần nhà thơ Bùi Phan Thảo mới trình làng tập thơ đầu tiên Lao xao hồn phố, với lời mở đầu của nhà văn Nhật Chiêu và lời cuối sách của nhà báo Nguyễn Thanh Bình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc để cảm hơn không gian thơ Bùi Phan Thảo.
Thơ là để “nhận về bao dung”.

 Dường như đi vào con đường thơ, Bùi Phan Thảo đã hướng tìm một thứ chân chất của thơ. Là bao dung.

 Bao dung thơ là không cô lập thơ. Thơ là tiếng nói đan xen trong mạng lưới của đời sống.

 Sống. Không có gì ngoài tương dung.

 Thơ nói rằng mọi chia chẻ chỉ là bề ngoài, chỉ là lầm lỡ trong cái nhìn mù sương.

 Thơ bao dung nên thơ là tiếng nói của tương thôi.

 Trong thơ cũng như trong đời, cái này thôi thúc cái nọ. Khoảnh khắc này thôi thúc khoảnh khắc kia mà sống.

 Những con người. Những phù du. Những phù dung. Cứ thôi thúc nhau mà sống.

 Tôi níu niềm vui dẫu sẽ nghiêng rơi

sẽ hụt hẫng sẽ biết mình mất mát

Trên sỏi đá một ngày bất chợt

đã lên mầm một đóa phù dung

 

     (Đã lên mầm một đóa phù dung)

 

Anh ngơ ngác hỏi tàu đi về đâu?

Về hành trình nghìn năm sau

Con tàu không dừng lại không có ga xép

Anh có đi nổi đến ga cuối không?

 

                    (Khúc hát phù du)

 

Tương thôi là thế ấy, thế thôi. Trong ta có nghìn năm trước và nghìn năm sau. Con tàu cứ lao đi không ngừng, không có ga xép.

Con tàu của Bùi Phan Thảo rất thực mà cũng rất huyền bí.

Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo như một con ong thôi thúc những bông hoa, những phù dung đời.

Vì thôi thúc ấy mà Thảo viết. Viết – để thôi thúc những nụ vô hình.

Vì thơ ca, như tôi hình dung, là mặt đất của những nụ vô hình. 

Không gian thơ “Lao xao hồn phố” mở ra một “khoảng lặng”. Ở đó, “chỉ có anh và buổi chiều gặp nhau / ly cà phê đen nhân chứng/ Chỉ có những giọt cà phê rơi/ rơi đầy khoảng lặng/ Chỉ có mùa hạ đang bước về/ buổi chiều trôi và anh cũng trôi…”

Trong khoảng lặng ấy, những độc thoại vô ngôn rỉ rả nhỏ giọt đặc quánh những suy tư đầy sức ám ảnh: “Giá như không có những giấc mơ/ thật dễ dàng biết bao nhiêu/ sẽ dịu lòng trước cơn mưa bất chợt/ Hình như anh bắt đầu quên rồi những giấc mơ/ ngụm cà phê tan trong vô thức/ cơn mưa đi qua hồi nào không hay”.

Từ “ly cà phê đen nhân chứng “ đến “những giọt cà phê đen/ rơi đầy khoảng lặng”, và rồi “ngụm cà phê tan trong vô thức”, hình ảnh “giọt cà phê đen” quen thuộc hốt nhiên được cấp giấy thông hành bước vào thế giới thơ của Bùi Phan Thảo như một hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa.

 Trong “Hết kiếp thiên di rồi cũng quay về”, nhà thơ lại một lần nữa tự sự:

“Thèm được làm giọt cà phê/ Nhẩn nha đặc quánh/ Thong thả/ Rơi/ Đầy một buổi chiểu”.
  “Chúng ta cũng như giọt cà phê/ đâu thắng nổi sức hút của trái đất/ giọt cà phê nhẩn nha còn ta tất bật/ thèm một lần / thật chậm chiều rơi…”

Là một nhà báo làm thơ, Bùi Phan Thảo dị ứng với “những câu thơ đèm đẹp”, “những câu thơ mỹ miều/ tuồn tuột/ rỗng/ trơn” hay “Những câu thơ ve vuốt nỗi buồn/ đem cái gọi là nỗi đau ra làm dáng/ đánh đố nhau bằng tù mù rối rắm/ khoe mẽ thiên tài/ huỳnh huỵch tuyên ngôn/ những câu thơ gieo vãi linh hồn / chờ cỏ mọc những mầm ngộ nhận” (Tản mạn về thơ).

Với anh, cần những câu thơ có“khoảng lặng giữa ngôn từ”, yêu những tiếng thơ “nói bằng sự im ắng/ mà vang vọng không bờ bến”. Đó là những câu thơ” vật vã hoài thai / con chữ rã rời / thơ thấm đẫm cuộc sinh thành đau đớn/ còn mắc nợ cuộc đời/ còn trời cao đất âm / thơ tan vào lòng đất / bay lên…”

Qua “Lao xao hồn phố”, Bùi Phan Thảo lặng lẽ chọn cho mình một “khoảng lặng”, không phải để “nhìn ngắm” đời sống, mà để âm thầm viết những dòng thơ  nghiệm sinh trữ tình như một hành động tinh lọc tâm hồn mình; tự giải phóng mình ra khỏi những thói quen, những cám cảnh của cuộc ngày, để tự trả lời cho mình nhiều câu hỏi riết róng được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trữ tình rất riêng.

Gấp lại tập bản thảo “Lao xao hồn phố”, hình như tôi cũng bị ngấm cái chất trầm tư ẩn hiện giữa những con chữ, bất giác cũng thấy “Thèm một lần/ thật chậm/ chiều rơi…”.

Nguyễn Thanh Bình
(nhavantphcm.com.vn)