Chiến tranh trong mắt trẻ thơ

25.02.2019

Chiến tranh trong mắt trẻ thơ

Sự hồn nhiên trẻ con với bản chất tội ác của chiến tranh được Svetlana Alexievich kể theo cách riêng của mình trong tác phẩm "Những nhân chứng cuối cùng"

Những đứa trẻ ở đâu trong chiến tranh? Chúng còn quá nhỏ, liệu chúng sẽ nhớ? Hay chúng ta chỉ quen nghe về lịch sử chiến tranh bằng giọng của những sử gia, những anh hùng chiến trận? Trong tác phẩm "Những nhân chứng cuối cùng" (dịch giả: Phan Xuân Loan, NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2018) một lần nữa, Svetlana Alexievich khơi dậy được những tiếng nói ngủ say từ những con người không có tự sự, đã giải phóng những tiếng nói đó từ thế giới của im lặng, triệu hồi chúng trên trang sách để thêm một lần ta thấy Chiến tranh thế giới lần thứ hai dù có lùi xa, vẫn sống động như những câu chuyện mới vừa hôm qua.

"Những nhân chứng cuối cùng" có tựa phụ là "Solo cho giọng trẻ em", như một bản hòa tấu của những đứa trẻ, những đứa trẻ lúc Svetlana Alexievich gặp đã bước vào tuổi trung niên, cuộc chiến tranh đã lùi quá xa và lúc chiến tranh xảy ra, họ cũng còn quá nhỏ. Điều này càng khiến công việc khó khăn gấp bội, làm sao để những người lớn này nhớ lại thuở mình còn là một đứa nhỏ, nhìn thế giới qua đôi mắt trẻ thơ, làm sao để ký ức nguyên sơ, vẹn toàn như tâm hồn con trẻ chưa bị những thiên kiến chen vào. Như Zina Gurskaya khi ấy mới 7 tuổi, tự hỏi vào lúc quân Đức tấn công vào làng cô: "Ông ta đẹp thế sao lại giết người?". Một câu hỏi như thế sẽ khiến người lớn phải suy ngẫm, đối với cô bé Zina, chiến tranh xuất hiện dưới lốt một khuôn mặt thiên thần.

Đa phần những đứa trẻ này đều không biết đến chiến tranh là thế nào, trước khi chiến tranh tìm đến chúng. Lần đầu tiên chúng bị xô vào thế giới của người lớn, chúng thấy cái chết trước khi kịp "hiểu" về cái chết, như những đứa trẻ đã thấy ba mẹ mình bị giết nhưng sau đó vẫn đi tìm ba mẹ vì nghĩ chỉ là thất lạc. Hay như những đứa trẻ sau chiến tranh, lấy những bộ quân trang còn sót lại, chơi đánh trận giả trên những chiến hào thật. Trong mắt nhiều đứa trẻ, bom đạn chỉ như thứ đồ chơi, có thể "đong đưa, như chơi búp bê". Nhiều đứa trẻ sau chiến tranh đã bị giết bởi vì nghịch những món "đồ chơi" còn sót lại ấy.

Sự đối lập giữa sự hồn nhiên trẻ con với bản chất tội ác của chiến tranh đã khiến cho "màn solo" này không chỉ thuần một tông màu mà được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc: bình lặng, ngỡ ngàng, đau đớn, thù hận và khao khát lãng quên. "Tôi muốn quên tất cả" là ý được lặp lại nhiều lần trong cuốn sách này. Nó đi ngược hẳn với những gì ta nghĩ, rằng những đứa trẻ quá nhỏ để nhớ nhưng cuối cùng thật ra chúng quá nhỏ để quên, chúng nhớ đến từng chi tiết, chúng không hình dung chiến tranh trên quy mô những chiến dịch. Đối với chúng, sự bạo tàn của chiến tranh trú ngụ trong những tiểu tiết, chẳng hạn như: "Trong một gian nhà không tìm thấy ai, chúng bèn bắt và treo cổ con mèo của họ. Nó treo lơ lửng trên dây, như một đứa trẻ con" [tr.102]. Trước sự bạo tàn của chiến tranh, không có gì là thoát được, những sinh mệnh bỗng trở nên nhỏ bé và mong manh "tôi nghe dưới tay mình trái tim ông ngừng đập thế nào. Đập, đập, rồi dừng lại…" [tr.225].

Nhưng không chỉ có chiến tranh, ta còn có tình yêu. Những đứa bé trong một đêm trở thành mồ côi, thành trẻ lang thang đã được bao bọc chở che bởi những con người xa lạ, "giờ cháu sẽ là con ta" - câu nói tưởng chừng nhẹ bẫng nhưng chứa đựng trong đó sức mạnh của tình máu mủ, cái khát khao của những đứa trẻ bấy giờ như gà con lạc mẹ, bị chiến tranh cướp mất người thân, không biết bấu víu nương tựa vào đâu, hệt như cậu bé đứng trước người phụ nữ và khẩn khoản: "Cô ơi cho cháu ngồi lên gối với" và cứ thế "Cô ơi, xin cô". Chỉ thế thôi, không cần đại ngôn, không cần khoa trương vẫn có thể chạm đến những cảm xúc sâu thẳm trong ta.

"Những nhân chứng cuối cùng" không phải bản anh hùng ca như có thời ta vẫn thấy nhan nhản trong các sản phẩm nghệ thuật dưới thời Liên Xô. Nó là biên bản chiến tranh không có thống kê mà chỉ có những giọng nói. Những giọng nói hơn nửa thế kỷ vẫn cuộn mãi trong lòng những nhân chứng, chờ được cất lên như một khúc kinh cầu cho sự ngây thơ đã mất. 

Tác phẩm thứ ba của Svetlana Alexievich xuất bản ở Việt Nam

"Những nhân chứng cuối cùng" là tác phẩm thứ ba của Svetlana Alexievich (nhà văn Belarus giành giải Nobel Văn học 2015) sau "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" và "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" được xuất bản ở Việt Nam (chỉ còn "Những cậu bé kẽm" và "Thời second hand" là hoàn tất bộ 5 tác phẩm "Những giọng nói không tưởng"). Cũng giống như 2 tác phẩm trước, Svetlana Alexievich đã hoàn thành cuốn sách của mình bằng cách đi khắp miền đất nước tìm và phỏng vấn những nhân chứng còn sống sót để tái dựng tấn bi kịch. Những nhân chứng của bà chỉ là những con người bình thường trong cái phông nền lịch sử ấy, họ như những hạt cát bị nghiến dưới bánh xe lịch sử, những người mà khi sự kiện ấy qua đi liền bị quên lãng, cứ như thể họ đã đánh mất tiếng nói.

Huỳnh Trọng Khang
(nld.com.vn)