“Nơi đầu sóng”- những câu chuyện đầy cảm xúc về biển đảo quê hương

03.09.2019

“Nơi đầu sóng”- những câu chuyện đầy cảm xúc về biển đảo quê hương

Ngày 30-8 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học tổ chức triển lãm và ra mắt cuốn tản văn “Nơi đầu sóng”. 
Câu chuyện về biển đảo quê hương luôn gợi thật nhiều cảm xúc 
Tản văn “Nơi đầu sóng” đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành. Một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo. Kỹ sư Trần Vũ Thành đã có 8 lần đi Trường Sa, anh là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ nhằm cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
Còn Lữ Mai, tuy mới chỉ tham gia chuyến hành trình ấy một lần vào tháng 5 vừa qua nhưng chuyến đi ấy đã để lại cho cô thật nhiều cảm xúc.
 
Lữ Mai miêu tả “Nơi đầu sóng” gồm những câu chuyện giản dị “đọc rồi cười cái là xong”, nhưng tất nhiên không chỉ như vậy. Các tác giả tỉ mẩn viết về những cái có lẽ chưa ai viết. Mà mọi chi tiết liên quan đến Trường Sa đều là một phần của câu chuyện lớn hơn. Lần đầu bước lên tàu ra đảo, nghe 3 hồi còi rúc lên, Mai đã thấy khác lạ. Cô hỏi các thủy thủ và được biết cũng 3 hồi còi này cất lên vào những lúc khác thì cảm xúc sẽ lại rất khác. Đặc biệt trong lễ tưởng niệm liệt sĩ, ai đảm nhiệm việc bấm còi đều thấy tay mình run.
Còn với tác giả Trần Thành thì đó là những câu chuyện được bồi đắp bởi những chuyến trải nghiệm đầy sóng gió mà anh đã may mắn được chia sẻ với những người lính biển.

Cuốn tản văn “Nơi đầu sóng” được hoàn thành là kết quả của quá trình tích lũy, xử lý dữ liệu, nuôi dưỡng cảm xúc và lao động chữ nghĩa liên tục, nghiêm túc của hai tác giả. Dù mỗi người một công việc, nghề nghiệp khác nhau nhưng sự kết hợp luôn nhuần nhuyễn với tinh thần tất cả hướng về biển đảo quê hương.

“Cuốn sách đã trở thành một con tàu đưa tôi tới những vùng đảo xa của Tổ quốc mà tôi chưa từng được đến. Và tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, những hồi còi tàu, những đêm biển đầy sao, những ngọn hải đăng. Những câu chuyện về những người lính đảo, những người mẹ, người vợ ở đất liền, những lớp học và các thầy cô… hay chỉ là một ô cửa cũ như đã quá xa xôi tưởng chỉ còn trong ký ức, một đàn cá chuồn như đang bay dọc chân trời biển…", Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nhận xét sau khi đọc cuốn tản văn.

 
Cũng tại đây, ban tổ chức đã dày công lựa chọn để giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh đầy đủ về 15 Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Triển lãm còn có ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo…
 
Tại đây, nhóm tác giả và các đơn vị tổ chức sự kiện phát động chương trình Tết trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019 nhằm kết nối quà tặng gửi tới các cháu thiếu nhi là con em cán bộ chiến sĩ đang công tác trên biển đảo, sẽ trao ngay mùa Trung thu cho thiếu nhi tại Quân chủng Hải quân, Hải Phòng. Trong khuôn khổ sự kiện, chương trình kêu gọi các nguồn lực cá nhân, xã hội qua các hình thức đóng góp khác nhau trong đó có thể mua sách, mua ảnh hoặc đóng góp tiền mặt. Số tiền thu được sẽ công khai ngay sau sự kiện và chuyển thành hành động, quà tặng thật cụ thể.
 
Mai An
(sggp.org.vn)