Khúc biến tấu

14.01.2016

Khúc biến tấu

Dường như Trần Hữu Dũng không đang làm thơ mà là đang kể cho chúng ta nghe rất nhiều điều thú vị, buồn đau, rấm rứt về lịch sử và cuộc sống đang ngày ngày đi qua. Những câu thơ làm ta phải đọc ngẫm ngợi và giật mình chợt hỏi: “Liệu mình đã thờ ơ trước cuộc sống? Sao quen thuộc quá mà thấm đậm đến vậy!”

Tôi bắt đầu lật lại từng trang và đọc chậm rãi lần thứ hai cho toàn tập thơ “Biến tấu với những mảnh vỡ cuộc sống” của nhà thơ Trần Hữu Dũng, tập thơ ra đời vào những ngày cuối năm 2015. Đó là 43 nét chấm phá về cuộc sống trần trụi mà đẹp, mơ hồ mà thực, đồng bằng trầm tích những giấc mơ và phù sa mãi bồi bãi, nghiệt ngã mà không cay cú, đầy trách nhiệm công dân và cứ vậy mà những bản tin bung ra, những di vật còn đó để cho thi sĩ trải lòng tắm cùng dân tộc qua những thước phim thời đại…

Đây là tập thơ đoạt giải thưởng của Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỉ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập thơ do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ in.


Thơ về Bác Hồ

Chúng ta đã đọc về thơ Bác nhiều rồi, đã từng yêu kính tôn quý Bác, nhưng tôi thích chùm thơ ngắn viết về Bác Hồ, duy có ba bài trong tập thơ, mà nó long lanh, nóng hổi, nghe thấy như Bác đang đâu đây với chúng ta. Hình ảnh Bác thiêng liêng mà gần gụi quá đỗi!

“Dân Việt ghi tên Người vào phả hệ gia tộc mình

Nên phút yếu lòng, hạnh phúc, đớn đau

Chợt thảng thốt gọi:

Bác ơi!”

(Lời ghi)

Mỗi gia đình trên đất nước này đều có bàn thờ gia tiên, nơi tôn kính, suy nghiệm, tưởng nhớ và rất nhiều bàn thờ ấy có di ảnh của vị lãnh tụ kính yêu của đồng bào này!

Và ai biết được “Nỗi buồn” của Bác: “Khi thăm đồi thông Côn Sơn, Thạch Bàn, Ngũ Nhạc/ Đau đáu mối oan tình Lệ Chi Viên”và tác giả dồn đuổi cảm xúc trào dâng ba lần điệp khúc “Tôi biết Bác Hồ có nỗi buồn” để rồi chốt lại bằng thanh âm đồng điệu cùng Người: “Càng yêu Bác hơn với những nỗi buồn chân thật”. Sự sáng tạo cần mẫn qua những khối đá, tình yêu của người nghệ sĩ hóa đá thành những lời “Nguyện thề” trước, trong và sau khi: “Tạc nên bức tượng Người/ Với tình yêu Việt Nam đích thực”.

Viết về Bác rất nhiều nhưng khó hay. Ấy vậy mà đọc chùm thơ ngắn ba bài của thi sĩ, ta bắt gặp hình ảnh Bác sống động một đời vì nước vì dân, thiêng liêng mà gần gũi như những người thân ruột thịt trong gia đình.

Sóng biển và những rạn san hô

Cảm thức về biển, đảo, những bia mộ liệt sĩ cứ trở đi trở lại trong tâm thức người thi sĩ. Ta bắt gặp hình ảnh lịch sử dân tộc qua những thước phim thơ mà tác giả đã khéo tỏ bày để bắt nhịp đồng cảm cùng người đọc, ví như: “Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh” (trang 14) sẽ có rất nhiều điều ám ảnh du khách, nhất là khách quốc tế, vì ở đó có “những bóng ma cụt đầu” không phải để hù dọa mà là đang “an ủi” và “lau nước mắt cho họ”, một sự vị tha và rất nhân văn! Rồi những bài thơ đều đáng để suy ngẫm như: Bài thơ viết muộn sau 25 năm ở cụm đảo Sinh Tồn (trang 30), Tháng 5 ở Trường Sa (trang 32), Những đôi mắt vọng phu ở đảo Lý Sơn (trang 38), Ở nghĩa trang Trường Sơn (trang 46) - chúng ta sẽ bắt đầu “Mở ra cuộc đối thoại tâm tưởng vô hình giữa hai bờ âm dương cách biệt” để rồi người xưa lại trao “lớp lớp ngôi mộ gửi những lời nhắn nhủ tha thiết cho con cháu mai sau/ Bình minh, mặt trời tỏa sáng,/ thức dậy chúng ta sẽ thấu suốt bài học nguồn cội Trường Sơn”. Đặc biệt bài thơ lục bát duy nhất trong bài lại ám ảnh lòng người bởi khói nhang, bởi nghĩa cử người nay vọng về người xưa, bởi bao nhiêu sinh linh, bao nhiêu chiến sĩ trận vong vì cuộc sống hòa bình, vì dự do dân tộc đã phải hi sinh nơi những bến nước, cây cầu, dòng sông… và bài thơ “Trai đàn trên sông Thạch Hãn” là một nỗi niềm đau đáu: “Thuyền bè đèn sáng lung linh/ Nhẹ chèo, kẻo động bóng hình các anh”. Chao ôi! Gợi nhẹ mà đau để rồi nghĩa tình xiết bao khi: “Lập đàn chung thủy tri ân/ Đêm huyền ảo, tiếng chuông ngân ấm lòng”. Lịch sử Việt Nam trải dài bấy thăng trầm bi hùng. Địa ngục trần gian ngày nào còn vọng mãi đến hôm nay: “Tôi vô hình đứng trước những câu thơ,/ viết bằng máu trên vách nhà tù Côn Đảo” - Ở Côn Đảo (trang 36). Viết về lịch sử mà không bi lụy, kể dông dài hoặc nói quá. Mà những câu thơ rất thật, hợp với lòng người và vẫn còn đau đáu cùng thời đại.

Cảm thức đồng bằng

Nói gì thì nói, tình yêu với đồng bằng đã đi vào tâm khảm, là tiếng lòng của nhà thơ. Nó cứ thế mà buông ra khi nhẹ nhàng, bảng lảng lúc cuồn cuộn, hào sảng, khi xa xăm hoang vắng. Và hình ảnh người phụ nữ cứ mộc mạc qua câu chuyện kể, lời ru, khúc dân ca, con người cứ bình dị chân lấm tay bùn mà yêu đời, yêu người thiết tha trên mảnh đất Tây Nam Tổ quốc!

Một số bài thơ dễ níu lòng người như ngón đờn của người nghệ sĩ nhấn chùng ghi ta phím lõm xuống một câu xề thiệt là mùi mẫn… như: Bài dân ca (trang 15), Đáy mộ (trang 28), Tâm thức đồng bằng (trang 40),… Những bài thơ dài, ngắn đan xen như những âm giai tâm hồn cứ tỏa hương và ướp mật.

Khép lại tập thơ nhỏ nhưng những câu hỏi vẫn cứ chờn vờn người đọc một tình yêu Tổ quốc, động thái sáng suốt, trăn trở công dân. Và tôi đọc đi đọc lại những dòng thơ, ngỡ như thi sĩ đang viết cho mình:

“Giờ này tôi đang nhìn các tàu đánh cá hốt hoảng

Xoay trở run rẩy như mảnh vỏ trấu trên biển

Tê liệt như thể bánh lái vỡ vụn, la bàn hư, gặp cơn bão dữ”

(Trước biển lớn - trang 42)

Từ những bản tin nóng hổi vẫn ngày ngày nối nhau trên mắt đọc, để rồi có lần tôi thảng gọi: “Lạc mất nhau khi tìm đường ra biển lớn” (Thời khắc nghiệt ngã - trang 58).

Để khép lại bài viết, tôi xin dẫn lời giới thiệu của tập thơ: “…bằng cái nhìn mới, mang đậm tính nhân văn, cố thoát khỏi định kiến chủ quan của người sáng tác đem ‘những mảnh vỡ’ của cuộc sống hiện nay đến cho người đồng cảm”.

Trần Huy Minh Phương
(vanhocquenha.vn)