Câu chuyện về người trẻ mắc kẹt trong đô thị

12.01.2018

Câu chuyện về người trẻ mắc kẹt trong đô thị

Tiểu thuyết “Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới” viết về người trẻ sống trong đô thị, bị dắt mũi bởi truyền thông và sống cuộc đời vô nghĩa trong các văn phòng.

Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới là tiểu thuyết mới của Nguyễn Hải Nhật Huy - một hiện tượng lạ trong làng văn hiện nay. Sinh năm 1987, bắt đầu kiếm sống bằng nghề lập trình viên từ năm 16 tuổi, nghỉ việc văn phòng và làm về công nghệ tự do. Cho tới năm 2006, Nhật Huy khởi sự viết văn như một thú vui, và mắt tiểu thuyết Cô gái Hà Nội mập mặc burqa.Tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của Nhật Huy dự kiến phát hành trong vài ngày tới. Một buổi trò chuyện giữa Nhật Huy với biên tập viên sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà phê bình văn học Thanh Tâm cùng bạn đọc diễn ra tối 9/1 tại Hà Nội. Chủ đề của cuộc trò chuyện là một lời tự vấn “Chúng ta là ai giữa dòng chảy này” đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự. Câu chuyện về người trẻ trong đô thị, về khát khao định danh, những trăn trở, tự vấn… trong sách được đưa ra bàn luận sôi nổi.

Đô thị như nguyên nhân của những bi kịch, tha hóa


Tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới kể câu chuyện giữa một gã trai thất nghiệp và một cô gái kỳ lạ, nhưng đặt ra câu hỏi: chúng ta là ai và phải sống sao trong thế giới ngày càng giống nhau đến kỳ lạ, một thế giới bị chi phối mạnh mẽ bởi truyền thông, Internet, nhan nhản những phức tạp đầy ràng buộc: bạn bè, gia đình, bồ bịch, lương, tuổi thơ của ta, thành phố của ta, chuyến xe buýt, cột điện, các thể loại bạn trên Facebook, chính cái tôi nằm sâu trong ta…Trong thế giới đó, con người dần tích tụ một cơn bão, đập phá mọi thứ, tạo ra một lỗ hun hút, khiến ta không ngừng tự hỏi: ta thuận theo nó hay ta chống lại nó, cơn bão ấy.Không khí đô thị đậm đặc trong cuốn sách. Chúng ta đang sống trong đô thị, hít thở bầu không khí đô thị, phập phồng theo nhịp đập đô thị, nhưng bưng những mảng khối đó vào trang viết thế nào không dễ.Câu chuyện của Nhật Huy cũng có tắc đường, cũng có kẹt xe, có trung tâm thương mại. Nhưng Huy luôn đi tìm bề sâu hiện thực đó. Chẳng hạn, ở chương đầu tiên, nhân vật đứng bên cửa sổ, nhìn sang những lỗ cửa sổ của những căn nhà khác, và anh ta rất băn khoăn, ở trong những lỗ đó, biết đâu vẫn có kẻ nào đang cô đơn như mình. Rõ ràng, không khí, bề sâu đó diễn đạt tâm lý hoang mang, sự thương tổn của người trẻ sống trong đô thị luôn luôn đi tìm bản thân mình là ai.Trong cuốn sách của Huy có nhiều câu chuyện tiêu dùng. Hình ảnh cậu trai đi lạc trong trung tâm thương mại giống như bức tranh chúng ta bị bủa vây bởi tiêu dùng, không làm cách nào thoát ra khỏi không gian đấy ngoài việc tiêu dùng.Hơn nữa, trong không khí đô thị ấy, Huy nhận ra sự giống nhau. Đô thị nào cũng giống đô thị nào, cá nhân nào cũng giống cá nhân nào. Trong sách, có thể quy nhân vật về mấy công thức. Ví dụ đàn ông trai trẻ có mấy đặc tính: sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp, thứ hai là đi giày Nike; con gái trẻ thì son đỏ tươi, da trắng tinh, đi tập gym…Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận định: “Rõ ràng câu chuyện nhân bản này cho thấy chúng ta đang đánh mất bản ngã của mình, chúng ta dùng những thương hiệu giống nhau, sử dụng dịch vụ giống nhau, lui tới những nơi giống nhau. Và nếu không có sự tự vấn, thì câu chuyện này sẽ còn phải đặt ra nhiều câu hỏi nữa”.Trong cuốn sách này, nhân vật Thái Vũ luôn luôn cưỡng lại guồng máy đó. Cậu ta luôn muốn tìm bản thân mình là ai. Đó là lý do khiến cậu luôn đau khổ.Nhà phê bình văn học Thanh Tâm nói, khi đọc sách, vấn đề anh quan tâm đầu tiên là hiện tượng xã hội. Tác phẩm này nói về vấn đề đô thị, vấn đề thị trường, vấn đề giới trẻ, truyền thông, giới, tình yêu, tình bạn, tình dục, những bệnh tật và thân thể, cũng như nỗi bất an của đời sống đô thị.Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới nằm trong dòng chảy văn chương đô thị Việt Nam. Đô thị là nguyên nhân những lo âu, đẩy con người vào những bi kịch. Đô thị khiến con người tha hóa, không được sống đúng với mong muốn của mình.Cơn bão trong sách mang tính biểu tượng. Cơn bão đầu tiên là cơn bão thị trường, vòng xoáy đồng tiền, tình yêu, tình dục, cơn bão của những nhu cầu mua sắm cuốn người ta vào.Nó dẫn tới việc hình thành cơn bão khác trong con người, hình thành những u uất, dẫn tới việc con người muốn kết liễu đời sống của mình.Cơn bão nữa là cơn bão trong tuổi thơ, nó đến cuốn sạch tất cả ồn ào đô thị, để con người làm những việc họ muốn, sống với người mình yêu thương. Đó là cơn bão mà Nhật Huy muốn nói tới.


Trong tiểu thuyết, tác giả đề cập vấn đề quảng cáo ngày xưa và PR đến giờ. Nhật Huy nói: “Trong thời đại hôm nay, có hiện thực chung là hiện thực về mua sắm. Và việc mua sắm như nào lại liên quan đến PR, truyền thông, marketing”.Quảng cáo dắt mũi, đời sống văn phòng vô nghĩa

Các nhân vật, giọng kể trong sách thể hiện quan điểm PR hiện nay đã đạt đến mức tinh vi, có thể lái con người đi theo những hướng khác nhau, khiến con người không còn tự chủ.Tác giả Nhật Huy đưa ra nhận định, quảng cáo và PR đến thời điểm này đã thay vì nói về sản phẩm, thì sẽ nói về chủ đề nào đó đã ăn sâu vào tâm lý, cái tôi của con người. Nó đánh vào nhu cầu, tâm lý khẳng định cái tôi của con người.Anh lấy ví dụ từ một đoạn quảng cáo có hình ảnh mấy cô gái độc lập, mạnh mẽ đi chơi, cùng lúc show ra thẻ tín dụng. Nhìn vào đó, ta thấy quảng cáo đánh vào nhu cầu, tâm lý muốn định dạng một cái tôi của mỗi con người: Một cô gái trẻ, độc lập, có tài thì nên xài thẻ tín dụng."Nếu bạn vô siêu thị một ngày đẹp trời và tự nhiên chọn Vitameen! chứ không phải một loại sữa chua trái cây nào khác mà không biết lý do tại sao, thì tôi nói với bạn, rằng chính bọn tôi là người làm cho bạn đi tới cái quyết định đó. Và bạn có biết ai là đầu têu cho cái quan điểm rằng xài thẻ tín dụng là một trong những đặc tính của đàn ông thành đạt và phụ nữ độc lập không? Và vì sao sữa chua Yukul! lại liên quan mật thiết tới quá trình tập luyện giảm cân của bạn? Mà vì sao bạn phải giảm cân? Kiểu vậy. Những thứ kiểu đó, nếu không phải là bọn tôi thì cũng là do một agency nào đó khác bày ra. Căn bản, nếu bạn nhìn kỹ, mọi thứ tấp vô não bạn trong cái thời đại khỉ gió này thật ra đều có liên quan tới một sản phẩm nào đó”.Bên cạnh truyền thông, cuốn sách đề cập khá nhiều tới đề tài cuộc sống văn phòng. Theo nhìn nhận của tác giả, đời sống văn phòng không có gì thú vị cả, nên chính Nhật Huy không đi làm văn phòng nữa.Nhật Huy nói: “Con người không được thiết kế để sống đời sống văn phòng. Tốc độ phát triển về khoa học nhanh hơn rất nhiều lần tốc độ chọn lọc tự nhiên đã làm với con người như một loài. Cơ thể, sinh lý con người phù hợp cuộc sống tự nhiên”.Theo tác giả, cuộc sống trong văn phòng không có gì thú vị cả, đầy rẫy những chuyện tán tỉnh, tầm phào. Nếu một ngày nào đó ta thấy sao mình sống cuộc sống chán thế, thì đó là lúc cơ thể ta không được sinh ra để thích nghi với cuộc sống văn phòng đó.Một trích đoạn trong sách cho thấy quan điểm của nhân vật về đời sống vô nghĩa tại văn phòng:“Lẽ ra những ngày này, tôi phải tập trung tư tưởng ghê lắm, nhưng không được. Vì cơn bão kinh khủng quá, và My thì cứ gây sự liên tục. Tôi chỉ trả lời email qua loa trong lúc con Anna cứ vờn vờn trước mặt. Nó là cái thể loại đồng nghiệp mà sẽ khiến cho việc đi làm trở thành một cực hình, ít ra là với loại đàn ông đứng đắn như tôi. Bởi vì nó cứ mời chào suốt. Tôi không rõ nó chỉ mời riêng tôi, hay tất cả những thứ đàn ông khác. Nhưng dù sao thì ở vị trí tôi, không lăng nhăng gì cho đến giờ phút này thật là một kỳ tích.  Thật đấy, ý tôi là bạn phải nhìn thấy bộ mông của nó, thì mới hiểu được những cực nhọc của đời sống văn phòng”.

Văn chương như miếng thịt tươi

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận xét giọng văn trong sách rất hoạt, khiến cho đời sống đô thị ở đây sống động. Giọng văn khá đặc biệt, một người tiếp nhận và đọc nhiều bản thảo văn chương như biên tập viên Diệu Thủy ít gặp.Nhà phê bình văn học Thanh Tâm kể, giới văn chương thường nói vui, với nhà văn được đào tạo bài bản, người đọc sẽ được gặp những món ăn được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Còn với tác phẩm như của Nhật Huy, đó là thịt tươi, chưa được tẩm ướp, chế biến. Câu chuyện Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới do đó gần gũi, không được tô vẽ. “Nghề” trong tác phẩm rất ít, tu từ rất ít, nên người đọc cảm thấy câu chuyện trong tác phẩm gần gũi cuộc sống.Nhà phê bình văn học Thanh Tâm cho rằng trong tiểu thuyết này, ngôn ngữ phủi bụi, trần trụi đi thẳng vào câu chuyện, vì thế tác phẩm đi đến đời sống gần nhất. Những đối thoại, câu chuyện bê nguyên ngôn ngữ đời sống vào, không có tu từ, nên không khí đời sống đậm đặc trong tác phẩm.Về ngôn ngữ, giọng điệu, Nhật Huy đưa vào tác phẩm nhiều diễn ngôn khác nhau, lời kể nhân vật, lời người dẫn truyện, ngôn ngữ chat, tin nhắn, email, facebook, ngôn ngữ báo chí… càng tạo nên không khí gần gũi, nhất là gần giới trẻ. Những tin nhắn không dấu, đối thoại sinh động, tự nhiên. Đó là cách thức để tiếp cận đời sống, từ một người không bị ràng buộc kỹ thuật. Trên đầu họ không có vòng kim cô của kỹ thuật viết lách, nên đến gần đời sống.Nhà văn trẻ bây giờ, người có giọng văn như Nhật Huy không nhiều lắm. Trước đây có Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lu... Văn chương của họ phủi, bụi nhưng đi vào đời sống hiện nay.

Thu Hiền
(news.zing.vn)