Mưa trong nắng của Nguyễn Thị Ngọc Hà
Ngòi bút Nguyễn Thị Ngọc Hà lách sâu vào thế giới nội cảm, làm đầy lên số phận con người trong số phận của lịch sử, thời cuộc, của quê hương, làng xóm mà không cần phải cao giọng…
Là một cây bút nữ tài hoa, ở Nguyễn Thị Ngọc Hà hội tụ mọi cung bậc của cầm kì thi họa. Ngoài vẽ tranh, chơi đàn, chị còn là tác giả của nhiều tập thơ, gần đây nhất là Đứt dải yếm, Ngả vào nguyên khôi. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Ngọc Hà lại “lấn sân” sang lãnh địa văn xuôi với tập truyện ngắn Đầm ma (2010), tập tản văn Lạc trong đêm liêu trai(2015). Đáng kể hơn, năm 2016, chị viết tiểu thuyết - tiểu thuyết về cảnh sát, hình sự, ngay sau đó giật giải C, tác phẩm tham dự cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2012 – 2015) - với cái tên khá gợi Mưa trong nắng (Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2016).
Mưa trong nắng là câu chuyện về một vùng ngoại vi Hà Nội, xưa là làng Chuông và nay, trong thời kì đổi mới và hội nhập đã đổi thành phường Ân Thịnh bộn bề thế sự, nhân sinh. Phường Ân Thịnh vốn là một làng ngoại thành xưa nay nổi tiếng với những vườn đào, vườn quất, hoa trái, cây xanh, khung cảnh yên ấm, êm đềm. Người dân trong làng thuần thiện, có công ăn việc làm ổn định, hàng năm đem cái đẹp đến cho người thủ đô mỗi khi xuân về, tết đến. Vào một ngày, bỗng nhiên họ phải đối diện với những biến đổi chóng mặt, với những “được và mất” khôn lường bởi những nhà kinh doanh bất động sản đã tràn về mua đất giá rẻ, nhanh chóng bằng mọi thủ đoạn lo lót, vỗ béo cán bộ chủ chốt sở tại, chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất thành vàng. Chẳng mấy chốc, một thôn lao động đồng ruộng thuần khiết đã từ làng lên phố, đã đô thị hóa. Nhưng là đô thị hóa mang tính cọc cạch, dở dang, “nhìn tổng thể mĩ quan từ nhà cửa lối ngõ, sự thay đổi này chẳng khác gì người đàn ông, phần trên thì mặc veston đeo cà vạt, phần dưới lại mặc quần đùi đi giày tây”. Sự biến đổi hối hả gấp gáp theo kiểu ăn xổi ở thì, chỉ thấy cái lợi trước mắt đã biến những người dân chốc lát bỗng giàu lên vì bán đất, xây biệt thự cho thuê và có những người bị đồng tiền làm mờ mắt, thoái hóa, trở thành vật cản cho sự tiến bộ và công bằng xã hội, cho an ninh và bình yên cuộc sống.
Trong không gian ấy, trước chất liệu hiện thực đậm đặc quanh mình, bằng con mắt quan sát và sự thấu cảm của người sống trên vùng đất quen thuộc bấy lâu, Nguyễn Thị Ngọc Hà đã kế tục truyền thống viết về ngoại ô của các nhà văn gạo cội Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp. Nhưng là một cây bút nữ, tác giả Mưa trong nắng đã lường trước sở trường sở đoản của mình, không dàn cốt truyện theo đường dài, theo tiến trình sự kiện mà theo từng mảng miếng, từng chương khúc, cứ thế từng chút, từng chút các mảng miếng, khúc đoạn được kết nối tạo nên mạch truyện, giúp người đọc hình dung về cuộc sống và con người trên một vùng đất ven đô thời đổi mới và hội nhập với bao nhiêu ấm lạnh, gấp khúc, bất hạnh và bất thường của số phận, của nỗi đời con người. Nhân vật chính trong cuốn sách là Hiếu, một cảnh sát khu vực, vốn là kết quả của mối tình đầu giữa người bố, tên là Thuận, trai làng Chuông và mẹ tên là Nhã, cô gái làng bên. Theo tục lệ xưa nay, chỉ cho trai gái cùng làng dựng vợ gả chồng. Nên tình yêu của Thuận và Nhã bị gia đình ngăn cấm. Nhưng trước khi lên đường nhập ngũ, sức mạnh của tình yêu đã khiến đôi trai gái “quên” lệ tục và họ trao cho nhau tất cả. Sau đó, để chính thức hóa giọt máu đang mang trong mình, Nhã đành chấp nhận Lũy, người cùng thôn, thầm yêu cô lâu nay nên vợ nên chồng, rồi cùng nhau lên vùng đất Hòa Bình gây dựng cuộc sống. Họ đã có với nhau hai mặt con. Là Hiếu (con của Thuận, người yêu của Nhã) và cậu em trai là con chung của Lũy và Nhã. Mẹ Hiếu cam chịu mang tiếng phản bội người yêu để cùng chồng nuôi dưỡng con trai nên người. Rồi như sự sắp đặt của số phận, sau khi tốt nghiệp đại học cảnh sát, Hiếu lại được nhận công tác tại quê bố đẻ ở phường Ân Thịnh. Tại nơi đây, với nhiệm vụ của một cảnh sát khu vực, Hiếu đã làm việc quên ngày đêm. Anh đã chứng kiến và xử lí khá nhiều vụ việc tại một làng quê đang khoác trên mình tấm áo thị thành chưa vừa vặn với khuôn khổ. Từ việc giải quyết vụ kẻ trộm đột nhập lấy cắp tài sản của một người thuê nhà ngoại quốc; việc giải tỏa kiện cáo của một đại gia quấy rối tình dục; chuyện phá rối dọa nạt con nợ của bọn đầu gấu, chuyện vây bắt ổ đánh bạc trong xóm đến việc giúp một cựu chiến binh, biệt danh “thằng điên” có chỗ ngủ đêm trong chùa làng; cùng đoàn thanh niên quan tâm kèm cặp các trẻ em nghèo học tập tại nhà; đăng kí khai báo tạm trú… vụ việc nào, người cảnh sát khu vực của làng Chuông cũng đều nỗ lực vượt qua. Với những việc làm bình thường của một cảnh sát khu vực, Hiếu đã trở thành “gương mặt thân quen” của bà con trong phường. Nhưng ngược lại, anh lại bị kẻ xấu thù hận, căm ghét vì đã triệt đường làm ăn, dẹp chiếu bạc của chúng, và vì anh đã chiếm được trái tim của Chi, người con gái đẹp nhất làng. Chúng đã tìm mọi cách hãm hại anh. Lợi dụng đêm tối, chúng đã hèn mạt đâm trọng thương Hiếu. Cũng may khi ấy có Chi, người con gái bên anh kịp thời gọi cấp cứu…
Với Mưa trong nắng, người đọc không đối mặt với những vụ việc tình tiết li kì, bí ẩn, những cuộc truy đuổi đầy căng thẳng, hồi hộp, cũng không có những cuộc sát phạt, những diễn ngôn bỗ bã, trần trụi. Cũng viết về cảnh sát, an ninh nhưng tác giả quan tâm hơn đến thân phận con người, với những dòng viết thấm đậm khuynh cảm nhân sinh. Nguyễn Thị Ngọc Hà đã mô tả công việc bình thường mà không đơn giản của một cảnh sát khu vực, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà ta vẫn gặp thường ngày trong khu phố của mình. Ai ngờ người cảnh sát trẻ luôn sát cánh cùng người dân tham gia xử lí, giải quyết các vụ việc từ bình thường đến phức tạp, hiểm nguy lại có số phận éo le đến vậy. Cùng chung sống trên địa bàn, hàng ngày gặp gỡ, tiếp xúc mà Hiếu không được gọi ông Thuận là cha đẻ bằng bố. Với cách viết của một cây bút nữ, tác giả Mưa trong nắng khơi gợi ở độc giả sự đồng cảm, sẻ chia của con người với con người. Ngòi bút Nguyễn Thị Ngọc Hà lách sâu vào thế giới nội cảm, làm đầy lên số phận con người trong số phận của lịch sử, thời cuộc, của quê hương, làng xóm mà không cần phải cao giọng. Cái đau của con người trong tình yêu, trong sự mất mát vì chiến tranh, vì hủ tục, vì thế sự ngấm đến tận cùng, cuộn thắt khi ông Thuận nghe tin bà Nhã qua đời, rồi tiếp đó, người cảnh sát khu vực trẻ tuổi đang bên bờ vực tử sinh lại chính là cốt nhục của mình. Ở những truyện ngắn trước đây (Hồn đá, Khúc Hồ Cầm) cũng như trong tiểu thuyết Mưa trong nắng hôm nay, người đọc nhận ra những dấu ấn văn hóa tâm linh trong những trang viết về loài chim sâm cầm, về những lễ hội truyền thống tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ, về quy luật ác giả ác báo, về thần giao cách cảm, người báo mộng… đã tạo nên những xao động, giăng mắc, những ngẫu hứng, bất chợt mà hữu lí trong các tình huống, cảnh ngộ. Người đọc vốn bùi ngùi thương cảm với cảnh sống độc thân của ông Thuận, một cựu chiến binh về làng, tiếp tục gánh phở rong gia truyền, lại càng xót xa hơn với nỗi đau thương tật do chiến tranh không dễ bày tỏ cùng ai, nó khiến ông ân hận khôn nguôi vì không thể tục huyền, để mẹ già đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa được một lần bế cháu. Cái chết oan khuất vì bị vu oan lấy cắp tiền của anh Tẹo, người đàn ông lương thiện, nghèo nhất xóm, chỉ biết đem thân làm thuê làm mướn, bị ông Vương là chủ nhà đổ tội lấy cắp tiền của con trai ông ta như muốn chứng minh sự trong sạch của người cha đông con, không muốn con mang cái tiếng độc địa là con của kẻ ăn cắp, cho thấy một lời vu cáo độc địa cũng gây ra cái chết của con người, rồi kẻ ác miệng sẽ bị quả báo. Nghễnh, con trai riêng của ông Vương đã thú nhận với cha là tìm được tiền, nói ông sang xin lỗi anh Tẹo. Ông chưa kịp làm sạch lương tâm mình thì anh Tẹo đã uống thuốc sâu tự tử. Và điều gì đến phải đến. Nếu ông Vương đổ tiếng ác cho người lương thiện thì cuối cùng hệ quả của những cái xấu xa tệ hại lại bổ xuống gia đình ông. Khi nhìn thấy đứa cháu nội mà ông mong ước bấy lâu mới chào đời lại có màu tóc bạch kim của anh chàng nước ngoài thuê biệt thự nhà mình thì ông đổ vật xuống nền nhà, chết không kịp trăng trối. Nếu như đám tang của anh Tẹo người làng đi đưa kéo dài đến gần một cây số, sự thê lương thương cảm hòa quyện với tiếng kèn trống nhị phách não nề trong chiều tà càng làm người đưa tiễn tiếc thương người lương thiện mà xấu số, thì đám tang của ông Vương như một sự tương phản của số phận, của kiếp người. Lẽ ra đám tang của một người như ông Vương dân làng phải đông hơn, dài hơn số người đưa tiễn anh Tẹo, nhưng ngược lại, tẻ quá, vắng vẻ quá. Rồi “cơn mưa dông bất ngờ ập đến. Mây đen kéo đến xám đặc u ám. Cả khoảng trời như sắp sập xuống. Gió thốc giật tung cờ phướn. Mưa bắt đầu trút nước, sấm sét nối theo những tia chớp nhì nhoằng sáng lóa” như phép thử cuối cùng với người đã từng sống không trung thực, tha hóa đạo đức và lối sống trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Thực ra, Mưa trong nắng không chỉ là câu chuyện về cảnh sát, an ninh, mà là bức tranh đời thường của một làng ven đô với những dâu bể đau lòng của thế sự. Cuộc sống ngỡ bình thường mà lại lắm cơ sự, vụ việc, phức tạp và nhiều chiều kích. Kết thúc câu chuyện là một cái kết có hậu, có ý nghĩa nhân văn, mang tâm thức truyền thống, dẫu hơi nghiêng về luận đề nhưng theo tôi nó vẫn là cái kết mở, bởi nhân vật chính đã vượt qua cái chết trở về, đoàn tụ bên cha đẻ, cha nuôi và người yêu mà vẫn cảm nhận “nhiệm vụ của mình và đồng đội vẫn còn nhiều gian nan phía trước”.
Nguyễn Bích Thu
(nhavantphcm.com.vn)