Dòng chữ xăm trên cánh tay-Truyện ngắn của Khôi Vũ

28.12.2011
Đã có một thời gian mấy năm, Tuân sống buông thả. Có lần, đi nhậu với bạn bè đến say xỉn, vừa chạy xe đạp về đến nhà là anh ộc ra giữa phòng khách một mớ hỗn hợp chua nồng sực mũi, rồi sau đó bước loạng choạng về phòng mình, lăn ra bất tỉnh. Dù sao, trước đó anh vẫn còn kịp nghe lời than vãn một mình của má: “Cứ thế này riết thì đời mày coi như bỏ đi mất thôi, con ơi!” .

Dòng chữ xăm trên cánh tay-Truyện ngắn của Khôi Vũ

Thực ra Tuân không phải là con sâu rượu, cũng chẳng phải dân chơi xì ke dù đã có hai lần, anh tham gia " hít thử” với bạn bè. Cờ bạc, đĩ điếm mấy năm qua anh cũng đã từng, như một nhu cầu của một thanh niên sung sức và háo thắng, chớ dứt khoát không phải là niềm đam mê. Đơn giản, anh chỉ là một thanh niên sầu đời!

Ngay sau khi thi rớt đại học, anh đã bỏ nhà đi bụi cả tuần. Trong tuần lễ ấy, anh gặp một tay thợ xâm hình trên người gạ xâm trên cánh tay một hình ảnh gì đó cho "ngầu” . Tuân nhớ lại lời than vãn của má hôm nào. Anh hiểu là má rất lo cho tương lai của anh và chẳng hờn giận gì, nhưng anh vẫn quyết định cho xâm lên cánh tay phải của mình ba chữ: "Đời bỏ đi!” . Tay thợ xâm hình ngạc nhiên: "Sao lại xâm ba cái chữ kỳ cục đó?” . Tuân nói: "Kệ tôi! Ông làm thì lấy tiền công, không làm thì thôi vậy!” .

Tay thợ kia làm sao hiểu nổi Tuân đang nghĩ gì. Đời bỏ đi! Chớ còn gì nữa! Bạn bè thân của Tuân, đứa vô đại học, đứa đậu cao đẳng, ngó thấy rõ là tương lai sáng sủa. Tụi nó đi học xa, thỉnh thoảng về lại Biên Hòa tìm Tuân rủ uống cà phê. Anh trốn biệt. Gặp nhau mà làm chi nữa. Rồi anh lại phải nghe những lời an ủi của tụi nó, rồi anh lại phải ngượng ngùng nói một câu gì đó chưa chắc đã thật lòng... Năm thứ nhì, Tuân nể lời má năn nỉ quá nên đăng ký thi đại học thêm lần nữa. Vẫn không đủ điểm. Anh thề sẽ không bao giờ nộp đơn thi lần thứ ba. Coi như số phận đã sắp đặt cho anh một cuộc " Đời bỏ đi!” rồi...

Những năm tiếp theo, khi quyết định bước chân vào đời kiếm sống, càng ngày Tuân càng nghiệm ra rằng đời anh đúng là đã bị bỏ đi. Làm phụ hồ, làm công nhân thời vụ, làm mướn đôi ba ngày, kể cả có lần suýt phải làm "đĩ đực” phục vụ một quý bà khát tình..., rất nhiều lúc Tuân thấy mình chỉ như một thứ công cụ biết suy nghĩ chứ không còn được là một con người thực sự! Sao anh lại bị rẻ rúng tới vậy kia chớ?

Khi má Tuân nói có người quen đã xin được cho anh một việc làm lâu dài trong Xí nghiệp Gỗ, rồi hỏi anh có chịu đi làm hay không, anh đã gật đầu đại vì nghĩ: "Kệ! Sao cũng được! Mình mà còn có tương lai gì. Sống qua ngày đoạn tháng vậy thôi, cho bà già khỏi buồn. Cũng để có tiền phụ nuôi con nhỏ Út ăn học” .

Tuân đi làm. Mỗi ngày anh đi bộ từ nhà ra trạm chờ xe đưa đón công nhân của Xí nghiệp, chỉ cách khoảng vài trăm mét. Tới nơi, anh làm mọi việc được giao. Cũng dễ làm vì toàn là việc mà bất cứ thanh niên nào có sức khỏe bình thường cũng làm được, huống chi anh vốn khỏe mạnh lại còn có trình độ học vấn tốt nghiệp "tú tài” . Nhưng tất cả mọi việc đã từng làm, anh đều không chút hứng thú, nếu không muốn nói là thấy vô vị. Thỉnh thoảng, trong lúc rảnh rỗi, Tuân lại vén tay áo, liếc nhìn dòng chữ "Đời bỏ đi!” xâm trên đó rồi nhếch mép cười một mình! Anh đã tìm ra "triết lý sống” cho riêng mình. Thời gian đầu bị góp ý, phê bình vì không tập trung trong công việc, anh "Dạ, em xin lỗi” rồi quay mặt lén nhếch mép cười. Được khen là biết tính toán tiết kiệm vật liệu, anh cũng chỉ nhếch mép. Đã bảo, anh chỉ cần sống qua ngày đoạn tháng, có chút tiền cà phê một mình và phụ má nuôi nhỏ Út. Vậy thôi!

Đi làm được nửa năm thì Xí nghiệp Gỗ lập đội bóng đá tham gia Giải Bóng đá công nhân Khu công nghiệp. Người ta hỏi Tuân có biết đá bóng không, anh gật đầu cho xong chuyện vì tưởng chỉ là câu hỏi tìm hiểu. Tới khi được thông báo mình có tên trong đội bóng, rồi có lệnh đi tập dượt, Tuân mới chưng hửng khiếu nại thì đã muộn. Những việc như thế này đâu có nằm trong cái "triết lý” sống qua ngày của Tuân! Anh đoàn viên thanh niên phụ trách đội bóng cau mày nói với Tuân: "Bộ cậu muốn giỡn mặt với lãnh đạo hả? Nói biết đá bóng rồi bây giờ từ chối là sao!” . Tuân phải đi đá bóng một cách bất đắc dĩ! Nhưng cũng giống như khi làm việc, anh muốn hoàn thành tốt nhất việc được giao để không bị ai nói gì tới mình. Có lẽ nhờ kinh nghiệm ba năm tham gia đội bóng ở trường cấp 3, anh đã là người sút bóng "có duyên” nhất đội. Mùa giải ấy, đội bóng của Xí nghiệp Gỗ chỉ giành được giải ba, nhưng Tuân lại được nhận giải "Vua phá lưới” . Mọi người chúc mừng, Tuân nhếch mép cười, vẫn cái nhếch mép mỗi lần liếc xuống dòng chữ xâm trên cánh tay. Hơn ai hết, anh biết là mỗi lần nhận được bóng trước cầu môn đối phương, anh tung chân sút bóng với ý nghĩ trong đầu là mình đang thực hiện một hành động "trả thù” đời! Nhiều thủ môn đã chụp được trái bóng "hận đời” của Tuân nhưng đành phải để nó vuột khỏi tay, bay thẳng vô lưới vì bóng đi quá mạnh!

Không bao lâu lại xảy ra một chuyện khác. Xí nghiệp Gỗ có đợt vận động công nhân đi học bổ túc văn hóa, người ta rà soát lý lịch và chú ý tới trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông của Tuân nên đề bạt anh làm tổ trưởng một trong ba tổ sản xuất. Anh xin không nhận để chỉ làm công nhân thôi. Lại cũng anh đoàn viên thanh niên phụ trách đội bóng đá, lúc này chuyển lên phụ trách chung văn thể mỹ, cau mày nói với Tuân: "Cậu nói thiệt hay nói chơi đó? Không muốn nhận thì cậu lên trình bày với ban lãnh đạo” . Tuân đâu có ngán. Anh lên phòng Tổ chức trình bày nguyện vọng xin... chỉ làm công nhân. Cô Cảnh, trưởng phòng Tổ chức để cho Tuân nói hết mới cười cười trả lời anh: "Tổ trưởng cũng là công nhân thôi cậu em à. Coi như tôi giải quyết nguyện vọng của cậu rồi đó nghen!”

Tuân tự mắc "bẫy” của mình, "bị” làm tổ trưởng Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm. Lại thêm một lần Tuân phải chịu cảnh "bất đắc dĩ” ...

***

Xuyến làm công nhân ở Xí nghiệp Gỗ trước Tuân tới một năm. Khi Tuân chuyển qua làm cùng Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm với Xuyến, tự dưng cô có cảm giác sờ sợ mỗi khi thấy Tuân vén tay áo, lộ ra dòng chữ xâm "Đời bỏ đi!” .

Từ nhỏ, sống trong một khu xóm lao động ở Biên Hòa, Xuyến đã gặp nhiều thanh niên xâm mình. Họ xâm ở cánh tay như Tuân, hoặc xâm trước ngực, sau lưng mà mỗi khi họ ở trần đi ngang qua, Xuyến nhìn thấy là muốn run lên. Thằng cu Đỏ có hình xâm đầu con cọp nhe răng nhọn hoắt sắp ăn mồi trước ngực từng đi tù về tội đâm thuê làm người ta bị thương nặng; anh Hai Lớn xâm đôi rồng chầu dọc suốt hai cánh tay cũng từng đi tù vì tội làm bảo kê đám đánh bạc ăn tiền lớn... Xuyến tự kết luận là người nào có xâm mình, đều là người có thành tích bất hảo! Kể cả Tuân cũng vậy, dù rằng cô chưa nghe ai nói về thành tích bất hảo nào của anh.

Xuyến cười một mình. Cô gọi Tuân là anh là gọi xã giao vậy thôi, chớ Xuyến lớn hơn Tuân cả hai tuổi. Tuy vậy, gọi anh ta là "em” hay là "cậu” thì cũng ngượng miệng lắm. Nhất là bây giờ Tuân đã là tổ trưởng của Xuyến. Còn về học vấn thì Xuyến thua xa Tuân. Cô còn đang học bổ túc văn hóa lớp 9 trong khi Tuân đã tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mà Tuân lạ lắm kìa! Làm tổ trưởng gì mà chẳng bao giờ chịu ra "uy” . Chuyện gì Tuân cũng hỏi ý kiến cả tổ rồi lấy biểu quyết đa số. Giống như anh ta là đại diện tổ thì đúng hơn. Đã có người tỏ vẻ nghi ngờ Tuân là anh ta "dính” xì ke, ma túy chi đó, vì "cái mặt lúc nào coi cũng thấy chán đời, chẳng tìm đâu ra một nụ cười đáng gọi là tươi tắn” , Xuyến đoán: "Có khi ảnh có tâm sự gì đó nên mới vậy” . Một người khác gật gù: "Có lẽ vậy quá! Nhiều lúc tui thấy ổng ngồi chà giấy nhám sản phẩm mà cứ như chỉ có cái xác chớ hổng thấy hồn vía đâu cả!” . Lại một người đoán: "Hay là ảnh bị... thất tình?” .

Không biết Tuân có nghe được những lời xì xào trong tổ hay không, nhưng anh ta cứ tỉnh bơ ngày nào như ngày nấy, lên xe đưa đón công nhân tới Xí nghiệp làm việc, cắm cúi với những sản phẩm gỗ cần làm bóng, truyền đạt lệnh của lãnh đạo cho cả tổ hoặc phản ánh ý kiến của tổ... hệt như một cái máy! Ngày nhận lương, Tuân cũng "tỉnh như sáo” , dù tháng đó có thêm tiền tăng ca hay tiền thưởng! Cũng chưa bao giờ thấy anh ta nhận lời đi "làm một xị” hoặc "làm vài ve” với đồng nghiệp khi được rủ rê.

Mà thôi! Kệ anh ta. Công việc của Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm vẫn chạy đều, mọi người trong tổ vẫn vui vẻ với nhau... Vậy là được quá rồi! Xuyến nghĩ vậy nhưng vẫn không thể nào quên được dòng chữ xâm "Đời bỏ đi!” trên tay Tuân đầy ám ảnh cô...

***

Tuân vừa sợ vừa "thích” được nói chuyện với cô Cảnh trưởng phòng Tổ chức của Xí nghiệp Gỗ. Có lẽ đây là người duy nhất trong Xí nghiệp được Tuân "giao tiếp” cởi mở nhất. Còn lại, anh đều kín tiếng, không dám mở lòng.

Cô Cảnh nhỏ hơn má Tuân đâu chục tuổi, chồng mất sớm vì tai nạn giao thông, trường hợp giống hệt má Tuân. Cái khác là cô chưa có con và đã gần chục năm qua vẫn không có ý định đi bước nữa. Sau này Tuân được người đã giới thiệu anh cho biết chính do sự tình cờ đồng cảnh ngộ của hai người phụ nữ mà cô Cảnh nhận anh vô làm việc.

Một hôm, vào khoảng hai năm sau khi Tuân vô làm trong Xí nghiệp Gỗ, cô Cảnh cho gọi anh lên phòng làm việc của cô và hỏi:

- Cậu có định đi học lên không?

- Em thi đại học hai năm đều rớt cả. Chắc em không có số học lên đâu cô!

- Cái cậu này! Học được hay không là do mình chớ số với phận gì! Mà học lên đâu cứ phải là đại học.

- Vậy là sao hả cô?

- Có một lớp trung cấp nghề đang chiêu sinh. Nếu cậu đồng ý thì Xí nghiệp sẽ cử cậu đi học. Thời gian học là sáu tháng. Nếu đi học đạt kết quả, sau khi trở về, cậu sẽ được nhận nhiệm vụ khác phù hợp với chuyên môn mới.

- Thôi, cô cứ để em tiếp tục công việc như hiện nay là được rồi. Em phải góp tiền phụ má em để gia đình sinh sống và nhỏ Út học hành...

- Cái cậu này! Xí nghiệp cử đi học thì cậu vẫn có lương, lại còn được phụ cấp học tập nữa chớ ai cắt lương đâu mà cậu lo... Vậy đó, cậu ưng thì gật đầu để tôi còn làm thủ tục cho kịp.

- Dạ... để em về hỏi ý má em coi sao đã...

- Trời đất ơi! Cậu hăm bốn, hăm lăm tuổi rồi chớ còn vị thành niên đâu mà chuyện gì cũng hỏi má vậy hả. Mà thôi được, tôi cho cậu một ngày để hỏi má. Tôi dám chắc là má cậu sẽ đồng ý liền cho coi...

Tuân chào về xưởng. Chưa ra khỏi cửa, cô Cảnh đã gọi giật lại:

- Mà nè! Có cách nào tẩy mấy cái chữ xâm trên tay cậu đi được không vậy?

Tuân gãi đầu không đáp.

***

Xuyến thấy nhẹ cả người từ khi được tin Tuân đi học, sau đó sẽ không tiếp tục làm việc ở Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm nữa. Vậy là cô "thoát” khỏi sự ám ảnh của dòng chữ xâm trên cánh tay Tuân.

Nghĩ vậy mà không hiểu sao bữa anh chị em trong Tổ làm "tiệc” tiễn Tuân đi học, Xuyến đã khóc. Nước mắt con gái thôi! Xuyến tự kết luận rồi lại hỏi thầm: "Hay là tại ảnh đi học, mình không còn cơ hội nhờ giải mấy bài tập khó trên lớp bổ túc?” .

Xí nghiệp cử Xuyến thay Tuân làm tổ trưởng. Thoạt đầu Xuyến giải quyết mọi việc liên quan đến Tổ bằng quyết định riêng của mình, tới khi gặp vài ba rắc rối, cô mới thấy là cách lấy ý kiến chung của Tuân là... có lý. Có điều, dường như anh chị em trong Tổ không "sợ” Xuyến bằng Tuân. Tâm sự với một cô bạn, Xuyến nghe giải thích: " Bà có nhớ cái tay xâm chữ của ông Tuân không? Ngó thấy là đủ sợ rồi! Chớ bà thì có gì mà tụi tôi ngán” . Lời giải thích xem ra cũng... có lý. Chính Xuyến hồi đó cũng " ớn” Tuân từ cái cánh tay "anh chị” của anh ta còn gì...

May quá, dần dà rồi Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm cũng ổn. Xuyến xin cô Cảnh và được chấp thuận cho cô chọn hai tổ phó, một phụ trách khâu chà bóng, một phụ trách khâu đánh vẹc-ni giúp mình.

Qua đi một cái Tết âm lịch. Qua đi ngày kỷ niệm thành lập Đoàn thanh niên với Giải Bóng đá công nhân Khu công nghiệp mà đội bóng của Xí nghiệp Gỗ bị "rớt” ngay từ vòng loại vì không có chân sút nào " ngon lành” như Tuân hồi đó. Cũng qua rồi cái cảm giác lo lắng những ngày đầu làm tổ trưởng của Xuyến...

... Thì Tuân học xong, trở về.

***

Từ phòng tổ chức ra, Tuân đến thẳng Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm. Mọi người ngừng tay làm việc cùng nhìn anh. Anh đọc được trong ánh mắt nghi ngại của nhiều người. Có thể họ đang nghĩ rằng anh sẽ trở lại Tổ làm việc và cái tập thể nhỏ này lại thêm một lần phải thay đổi gì đó. Anh chào mọi người và nói luôn để họ yên tâm:

- Tôi đã học xong, được lãnh đạo cho nghỉ hết tuần này, đầu tuần sau sẽ nhận nhiệm vụ mới.

Lúc này mới có những tiếng chào hỏi lại:

- Đi học nửa năm, coi bộ anh Tuân mập ra đó!

- Anh biết sẽ làm ở bộ phận nào chưa?

- Chắc thế nào cũng được làm sếp, được tăng lương rồi phải không anh Tuân? Khao mọi người nha anh Tuân...

Tuân cười. Tự anh biết đó đúng là một nụ cười chớ không phải cái nhếch mép ngày trước. Sáu tháng là một thời gian không dài nhưng đã đủ giúp anh có nhiều thay đổi. Từ thái độ học tập chỉ để đối phó, anh chuyển qua tiếp nhận kiến thức thực sự, rồi sau nữa là phấn đấu để vượt qua các bạn cùng khóa. Lý do để Tuân phải hết sức cố gắng khá đơn giản: vì anh là... lớp trưởng! Số là, ngay từ ngày đầu nhận lớp, dòng chữ xâm trên cánh tay phải của anh đã khiến mọi người để ý. Tất nhiên chẳng ai tò mò hỏi vì sao nó lại là "Đời bỏ đi!” , cũng chẳng ai "ngán” anh như ngán một dân anh chị. Nhưng quả thật nó đã khiến anh được cả lớp "tin” rằng chính anh sẽ là một lớp trưởng xứng đáng vai trò thủ lĩnh nhất! Tuân không thể từ chối. Tới lúc này anh mới tự hỏi tại sao việc gì mình cũng phải làm trong tình trạng "bất đắc dĩ” như vậy. Tiếc là anh không thể tự trả lời.

Tới lượt Xuyến hỏi Tuân:

- Chắc cô Cảnh đã báo cho anh Tuân chỗ làm mới rồi...? Anh Tuân có thể cho anh chị em trong Tổ biết để chia vui không?

Tuân lại cười:

- Có gì đâu mà phải giấu. Tôi sẽ làm ở phòng kỹ thuật. Cô Cảnh nói, đi học rồi, có thêm kiến thức chuyên môn rồi thì không được tham gia sản xuất nữa, uổng công học tập. Tôi lo lắm, không biết mình làm việc trên đó có nổi hay không nữa...

Mọi người vỗ tay chúc mừng Tuân. Xuyến nói với anh, ý rất động viên:

- Tôi tin là anh Tuân làm được mà...

Tuân giật mình. Bà Xuyến này sao mà nói giống hệt cô Cảnh hồi nãy: "Cái cậu này! Sao lại lo! Tôi tin là cậu làm được mà!” ...

***

Công việc khiến Xuyến phải tiếp xúc nhiều với Tuân. Bây giờ đã bớt nhiều lắm, nhưng vẫn không hết hẳn được cái cảm giác "ghê ghê” nơi Xuyến mỗi lần cô tình cờ nhìn thấy dòng chữ xâm trên cánh tay Tuân.

Lần ấy, sau khi làm việc với Tuân ở phòng kỹ thuật xong, cô đánh bạo nói với anh:

- Anh Tuân à... Giờ này anh còn để cái dòng chữ kia trên cánh tay làm gì nữa...

Xuyến thoáng thấy Tuân nhíu mày, vội nói tiếp:

- Đó là tôi nói vậy thôi, còn để hay không là quyền của anh... Tôi xin lỗi...

Không ngờ Tuân lắc đầu:

- Có gì đâu. Cô Cảnh cũng nói với tôi là nên tẩy nó đi... Nhưng tôi vẫn chưa hỏi thăm ra chỗ nào làm được việc đó...

Xuyến từ giã Tuân mà lòng mừng khấp khởi. Hú vía! Nghĩ dại, nếu anh ta mà "ghim gút” rồi làm khó dễ khi kiểm tra sản phẩm của tổ Xuyến, có mà... khóc! Mà anh ta đã nói vậy, tin hay không thì cô cũng sẽ thôi, không bao giờ nhắc lại chuyện tẩy vết xâm của anh ta nữa cho chắc ăn! - Xuyến nghĩ vậy. Rồi cô lại nghĩ tiếp: "Ủa! Mà sao mình lại phải sợ anh ta kia chớ?” .

***

Vào dịp đến làm việc tại Xí nghiệp Gỗ, tôi được Ban giám đốc giới thiệu gặp và trao đổi trực tiếp với một cán bộ kỹ thuật trẻ tên Tuân. Trước khi gặp Tuân, tôi được biết "tài lẻ” của anh ta: từng là "Vua phá lưới” giải bóng đá công nhân và mới đây lại giành được tiếp giải riêng này. Chị trưởng phòng Tổ chức cũng tiết lộ cho tôi biết đó là một người trẻ được Xí nghiệp đưa vào diện "quy hoạch” . Có điều không ai cho tôi biết trước là anh ta có một dòng chữ xâm trên cánh tay phải mà khi ngồi đối diện nhau, tôi đã nhận ra. Vừa trò chuyện về công việc với Tuân, tôi vừa để ý xem dòng chữ xâm đó là gì. Quả là một dòng chữ đầy ấn tượng!

Một phần câu chuyện tôi kể lại ở trên là tôi được nghe sau đó từ Tuân, vào giờ cơm. Rốt cuộc, Tuân đã không tẩy ba chữ "Đời bỏ đi!” đã xâm trên cánh tay phải của mình mà anh còn cho xâm thêm hai chữ nữa. Khi xuống xem thực tế ở Tổ Hoàn chỉnh sản phẩm, tôi được nghe cô tổ trưởng Xuyến - người bổ sung phần còn lại của câu chuyện - sau khi "gợi ý” tôi viết nhiều hơn về khâu hoàn chỉnh sản phẩm, đã cười cười nói thêm một ý mà tôi cho là rất hay: "Cả anh Tuân cũng được hoàn chỉnh sản phẩm từ Tổ này đó nhà báo!” .

Nhân đó, tôi hỏi Xuyến nghĩ gì về hai chữ xâm thêm trên cánh tay của Tuân, cô tổ trưởng cười bẽn lẽn: "Lạ lắm anh à! Từ hồi ảnh thêm hai chữ "Nhặt lại!” , em thấy dòng chữ xâm trên tay ảnh chẳng còn đáng sợ chút nào như trước nữa!” .