Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

23.11.2017

Nước Việt từ xưa đã có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước truyền thống. Cư dân nông nghiệp luôn phải sống dựa vào tự nhiên nên trong mắt họ, thiên nhiên luôn kỳ vĩ, lớn lao như một vị thần vạn năng. Bắt nguồn từ việc chưa giải thích hết được giới tự nhiên xung quanh, con người đã sợ hãi mỗi khi cuộc sống của họ gặp điều kiện trở ngại, khó khăn. Họ đã thần thánh hóa những hiện tượng đó và phụng thờ cầu mong tránh khỏi những tai ương,cũng như sự phù hộ độ trì. Cho nên, các vị thần có nguồn gốc từ tự nhiên như: cây, đất, núi, nước, lửa,… được hình thành qua tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng lớn trong tín niệm của cộng đồng làng và gia đình.
 

Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành ở Đà Nẵng - Đinh Thị Trang

Từ đó tín ngưỡng thờ Ngũ Hành ra đời và phát triển qua hàng thế kỷ. Người Việt khi di cư từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào vùng đất Đà Nẵng từ những thế kỷ trước cũng đã mang theo tín ngưỡng thờ Ngũ Hành Nương Nương để phụng thờ mong được phù hộ độ trì thoát khỏi mọi tai ương ở vùng đất mới.

Trong quan niệm của người Việt nói riêng và phương Đông nói chung, năm hành chất cấu tạo nên vũ trụ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vì vũ trụ là “sinh” nên biểu tượng là “nữ”, vì vậy được người ta nhân hóa thành năm Bà Ngũ Hành (năm Mẹ) với quyền năng khác nhau. Dân gian tin rằng, năm vị thần này có quyền năng đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ. Ngũ Hành Nương Nương được nhà Nguyễn tặng mỹ tự “Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” (sắc Duy Tân thứ V).[1] Ở Đà Nẵng,trong các sắc phong nhà Nguyễn cũng ban tặng Bà mỹ tự “Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”,như trong sắc phong của vua Duy Tân vào ngày 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (1911) cho làng Nam Thọ (nay là phường Thọ Quang, quận Sơn Trà):

Phiên âm:

Sắc: Quảng Nam tỉnh, Hòa Vang huyện, Nam Thọ xã, phụng sự Ngũ Hành Tiên Nương tôn thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Hướng lai vị mông ban cấp sắc văn. Tứ kim phỉ thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần. Đặc chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bão ngã lê dân. Khâm tai!

Duy Tân ngũ niên, nhuận lục nguyệt, sơ bát nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho xã Nam Thọ, thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam được phụng thờ vị thần Ngũ Hành Tiên Nương. Ngài đã giúp nước, chở che cho dân, linh ứng hiển hiện rõ ràng. Trước nay chưa được mông ân ban cấp sắc văn. Nay ta đảm đương mệnh sáng, nghĩ đến công ơn của các vị thần linh, nên ghi vào danh sách phong tặng ngài bậc Thượng đẳng thần với danh hiệu: Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy. Ngài đã có công phục dực và bảo vệ nền Trung Hưng. Đặc biệt, chuẩn hóa cho xã ấy được phụng thờ như cũ. Ngài sẽ vừa giúp và bảo vệ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh!

Ngày 8 tháng 6 Nhuận năm Duy Tân thứ 5.

Người dân thường gọi gộp năm Bà lại với nhau gọi là Bà Ngũ Hành, hoặc gọi tách riêng từng Bà theo tước hiệu: Kim Đức Thánh Phi Tặng Chiếu Hiển Hiệu Ứng Trung Đẳng Thần, Mộc Đức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trực Trung Đẳng Thần, Thủy Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung, Hỏa Đức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung, Thổ Đức Thánh Phi Tặng Hoằng Đại Hậu Trung Đẳng Thần. Người dân gọi tắt là Bà Kim, Bà Mộc, Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Thổ.

Trong dân gian, người ta tạc tượng năm Bà để thờ gồm: Kim Đức Thánh Phi (áo màu trắng), Mộc Đức Thánh Phi (áo màu xanh), Thủy Đức Thánh Phi (áo màu đen), Hỏa Đức Thánh Phi (áo màu đỏ) và Thổ Đức Thánh Phi (áo màu vàng). Mỗi màu sắc này đều có liên quan đến một thứ logic tương ứng. Chẳng hạn, ở trung tâm tức là khu vực của đất (thổ) màu vàng, nhưng trong màu sắc cũng có mối liên quan khít khao với với thực tế vì người ta quan niệm, thổ là màu sắc của dân chuyên canh, sống bằng nông nghiệp nên đó là màu của đồng lúa, màu đất phù sa, thổ thường thường có màu vàng sẫm, đôi khi có màu vàng tươi. Ở phương bắc tương đương với màu đen (thủy), vì hướng bắc là vùng lạnh nên được đồng hóa với mùa đông, mùa của đêm trường lạnh lẽo, đêm dài, ngày ngắn và tối, bầu trời mây che u ám. Phương nam là màu đỏ, vì đây là phần nền trời lúc nào cũng được mặt trời soi sáng, và chính định tinh này đã cho ra màu đỏ của buổi ban trưa. Phương đông màu xanh, đây chính là phương của mặt trời mọc nên chưa có đủ lực tỏa sáng: vào lúc này mặt trời gợi nhớ tới mùa xuân, mùa của tuổi thanh xuân. Hướng tây là màu trắng, đây là phần trời của mặt trời lặn, buổi xế bóng mặt trời gợi ý về mùa thu, thời kỳ của các cuộc ngưng đọng sương móc đầu tiên, gọi là “sương trắng” của sương mù lạnh lẽo, của “váng - băng”. Mùa thu là mùa tương đương với ba mùa: sương móc, váng băng và sương mùa. Tất cả các hiện tượng thiên nhiên về thời tiết này đều gợi lên ý màu trắng.[2]

Trên địa bàn thành phốĐà Nẵng hiện có rất nhiều ngôi đình, miếu có thờ Ngũ Hành Nương Nương. Có miếu thờ riêng năm Bà Ngũ Hành (như miếu Ngũ Hành ở làng Khái Đông, miếu Ngũ Hành làng Mân Quang), có miếu thì thờ chung năm Bà với thần Thành Hoàng (nếu như thờ chung thì năm Bà được thờ bên trái như ở làng Đông Trà). Trên bàn thờ không có bài vị và linh tượng của năm Bà mà chỉ được viết hoặc đắp nổi và cẩn sành sứ hai chữ Hán 五行 “Ngũ Hành” ở trên bàn thờ.

Cư dân Đà Nẵng tìm thấy ở năm Bà thiên chức của người mẹ phù hộ cho con người và vạn vật sinh sôi, phát triển. Trong cơ thể con người đều có các yếu tố liên quan đến Bà (ngũ tạng), cho nên Bà được coi là vị thần độ mạng cho con người. Trong cuộc sống, Bà được suy tôn đứng đầu các yếu tố tạo nên bản thể người và vật. Với các nghề có liên quan đến các yếu tố như nghề nông thì liên quan đến các yếu tố như Bà Thổ, Bà Thủy, nghề đánh bắt thủy sản thì liên quan tới Bà Thủy, Bà Mộc,… Bởi Bà có quyền năng rất lớn. Bà làm cho các nghề phát triển cân đối, bền vững. Bởi suy cho cùng, chẳng có nghề gì là không liên quan đến Ngũ Hành. Đặc biệt là nghề biển. Trong suy nghĩ của người dân biển, từ phương tiện đánh bắt đến không gian đánh bắt, đều quan hệ đến các Bà. Ghe thuyền liên quan đến Bà Mộc, Bà Kim, Bà Hỏa, nước liên quan đến Bà Thủy, bờ bãi liên quan đến bà Thổ.[3]

Trong những dịp cúng tế Xuân Thu tại các đình, miếu ở Đà Nẵng, Bà Ngũ Hành thường được nhắc đến trong các văn cúng với các danh xưng: Ngũ Hành Thánh Phi Tiên Nương Kim Niên Thái Tế chi đức tôn thần, Kim Niên Hành Khiến, Hành Binh chi thần (văn tế cầu an làng Quá Giáng, Hòa Phước), Ngũ Hành thần nữ nương nương chi thần (Văn tế Cầu ngư phường Phước Mỹ; Văn tế cúng Âm linh, Cô hồn miếu Xóm Thọ Cương Nam, làng Đông Trà, phường Hòa Hải), Ngũ Hành liệt vị tiên nương (Văn tế Mục đồng làng Phong Lệ).Lễ vật cúng Bà thường là hương vàng, áo giấy, cỗ chay mặn đầy đủ. Trong dịp này, dân làng họp nhau lại cùng làm lễ vật để dâng cúng Bà để tạ ơn Bà trong năm đã giúp họ được bình an, làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để mọi người được giao lưu gặp gỡ nhau sau những bộn bề cuộc sống.

Như vậy, trong tâm thức người dân Việt ở Đà Nẵng thì thờ Bà Ngũ Hành tức là thờ các yếu tố tạo nên vũ trụ được “Mẫu hóa”. Đây chính là dấu ấn của người Việt tiếp thu Âm Dương Ngũ Hành trong văn hóa Trung Hoa. Họ thờ phụng Bà để cầu mong Bà phù hộ cho cuộc sống được yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi. Từ đó góp phần nâng cao tính cố kết cộng đồng, giáo dục lớp trẻ truyền thống đền ơn đáp nghĩa.

Đ.T.T

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn Xuân Hương, Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2011

2. Paul Giran. Bùa chú và tôn giáo Việt Nam. Augustin Challamel xuất bản tại Paris năm 1912. (Bản Việt ngữ không ghi tên người dịch?).

3. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai.

4. Doãn Hiệp Lý [Chủ biên] (1994), Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa (Lê Khánh Trường dịch), Nxb Văn hóa Thông tin.

5. Sigmund Freud (2001), Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo. Vật tổ và cấm kỵ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin.

7. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo.



[1]Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr 135.

[2] Paul Giran. Bùa chú và tôn giáo Việt Nam. Augustin Challamel xuất bản tại Paris năm 1912. (Bản Việt ngữ không ghi tên người dịch?), tr.43.

[3] Nguyễn Xuân Hương, Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2011, tr 55.