Tác phẩm đạt giải Cuộc thi truyện ngắn và thơ chủ đề “Người đô thị”
Cuộc thi truyện ngắn và thơ chủ đề “Người đô thị” do Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức từ tháng 10/2014 đến tháng 02/2015 đã nhận được 101 truyện ngắn và 409 bài thơ của 180 tác giả trong cả nước gửi tham gia cuộc thi. Với số lượng tác phẩm nhận được cùng sự thể hiện chủ đề “Người đô thị” theo nhiều chiều cảm nhận qua phong cách đa dạng, phong phú đã góp phần mang lại thành công cho cuộc thi. Ban Tổ chức đã quyết định trao 15 giải với 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải Khuyến khích cho các tác phẩm đạt chất lượng cao ở 2 thể loại truyện ngắn và thơ.
Vannghedanang.org.vn trân trọng giới thiệu các tác phẩm đạt giải Nhất tại cuộc thi.
Đô thị ảo – Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang
Giải Nhất
Người ngồi với chiếc lồng chim.
Tuổi thanh xuân của Phi chỉ là cuộc thiên di từ thành phố này đến thành phố khác. Mười tám tuổi Phi lạc trong dòng người chen chúc ở bến xe, chính thức làm công dân hạng bét thủ đô bằng tờ giấy nhập học và xấp tiền lẻ mẹ dúi trong ba lô. Mười năm sau Phi rời Hà Nội để kiếm tìm thành phố lý tưởng khác. Hết Đà Nẵng đến Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, ở nơi nào Phi cũng thấy nỗi cô đơn dồn đuổi. Trong khi đó những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đô thị bắt đầu xuất hiện. Phi sợ ánh sáng, đám đông và tiếng ồn nên suốt ngày chui rúc trong những căn phòng chật chội. Giống loài dế bị cầm tù trong hộp diêm ký ức. Giống con chim cu gáy bị nhốt trong lồng từ lúc chưa mọc lông tơ cho đến khi chết vì già yếu. Da Phi nhợt nhạt dần, mái tóc dài gãy rụng, đôi môi trái tim bong từng mảng da, mắt dại đi vì sống lâu trong bóng tối, đầu lúc nào cũng rỉ rả tiếng côn trùng. Ban đầu Phi cứ nghĩ đó là những triệu chứng của một căn bệnh nào đó đã được y học gọi tên. Rằng chỉ cần một đơn thuốc thôi là bệnh sẽ thuyên giảm trả Phi về những ngày xưa tràn đầy năng lượng sống. Nhưng chẳng bác sĩ nào xác định chính xác căn bệnh mà Phi mắc phải. Mỗi người kê một đơn thuốc, thuốc bổ, thuốc mọc tóc, thuốc hoạt huyết, thuốc ngủ…. Nhìn những bịch vỏ thuốc lớn nhỏ vứt trong thùng rác, bà cụ chủ nhà lắc đầu bảo “uống thuốc bệnh không khéo thành thuốc độc. Như bà đây này, cả đời dùng thuốc đến lúc về già thấy thuốc thang biến thành quái vật gầm gào trong từng mạch máu”.
Thuốc Phi mua toàn là thuốc ngoại, nó được bán với giá trên trời. Bác sĩ vừa kê đơn vừa chỉ đường đến hiệu thuốc. Phi thừa biết mánh khóe móc nối chia chác cùng hưởng lợi kiểu này nhưng vẫn ngoan ngoãn làm theo. Sống ở đô thị lâu người ta mất dần khả năng phản kháng. Nói đúng hơn nó đã bị giết chết bởi vô vàn những quy luật vừa tù mù vừa sáng tỏ. Chỗ nào người ta cũng lừa nhau, mình không tin chỗ này thì cũng đừng nên tin chỗ khác. Cùng một đơn thuốc thôi, mua chỗ này thấy đắt mua chỗ kia rẻ thì rẻ đấy nhưng chắc gì hàng thật. Người ta phải tặc lưỡi cho rủi ro len lỏi vào vào mọi ngóc ngách đời sống. Đi chữa bệnh cũng thế thôi, hên xui hết ấy mà. Thêm vài chục, một trăm xếp hàng để được khám giáo sư nhưng hóa ra ông giáo sư ấy mua bằng. Thuốc thang giả con người cũng giả. Chỉ có bệnh tình là thật và biến hóa khôn lường. Như căn bệnh của Phi ngày càng xuất hiện thêm nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Phi cũng không chắc tất cả những triệu chứng ấy có cùng một căn bệnh hay không. Nhưng rõ ràng đông y, tây y đều bó tay và người ta khuyên Phi nên đi gặp bác sĩ tâm thần.
Những bác sĩ Phi từng tìm đến đều không giúp cô cảm thấy tin tưởng. Người thì trẻ quá, làm sao họ hiểu được những điều Phi đã trải qua. Người thì quá già, họ nhiều kinh nghiệm nhưng lại thiếu năng lượng. Phi không muốn mất tiền chỉ để ngồi trước một cỗ máy được lập trình sẵn những câu hỏi. Gặp họ về Phi thấy bệnh tình càng thêm nặng. Phương pháp của họ phức tạp quá, nó khiến Phi nghĩ đến trận đồ ma quái đang muốn nuốt chửng mình. Phi hoài nghi rằng rất có thể họ sẽ đẩy phi từ trạng thái tâm thần này sang một trạng thái tâm thần khác. Như là thực đơn đô thị mà con người bắt buộc phải chọn lựa những thứ được bày sẵn trên mâm. Hoặc là bạn hòa vào đám đông hoặc là bạn đơn độc. Nhưng thường thì người ta hòa vào đám đông ban ngày và đơn độc ban đêm. Hãy thử tưởng tượng, sáng nào Phi cũng thức dậy bằng tiếng chuông hẹn giờ kêu lên nhức nhối. Lao ra đường, cắm đầu cắm cổ luồn lách giữa dòng người đen đặc để đến được chỗ làm đúng giờ quẹt thẻ. Nhìn từ tầng thứ mười hai, Phi toát mồ hôi hột khi thấy con người không khác gì đàn cá bị đổ xuống những dòng sông ô nhiễm toàn khói bụi, rác thải rồi cứ thế mải miết bơi. Chúng ta không còn sức lực để mà cô đơn giữa đám đông ấy.
Bỗng nhiên Phi nhớ có một nhà văn nữ từng viết rất hay về lòng phố lòng người. Chị bảo phố thực ra rất bao dung, nhẫn nhịn, hy sinh khi chào đón tất cả mọi người. Phố yêu từng ấy những con người đang mỗi ngày hít thở bầu không khí vốn chật chội, thải ra thêm nhiều rác thải, cắt xén dần không gian… Không thể phủ nhận rằng kẻ làm cho phố mỗi ngày mỗi xấu xí đi chính là chúng ta. Để rồi khi biết than vãn chẳng giải quyết được gì, chúng ta chỉ còn biết nương theo dòng chảy hoặc là chạy trốn. Chúng ta thậm chí không đủ can đảm ngoảnh lại nhìn hậu quả của loài người đang vứt bỏ lại.
Trong khi đó vẫn có biết bao con người mang khát vọng đổi đời đổ xô về thành phố. Ban ngày tỏa ra đường mưu sinh, ban đêm co cụm trong những căn phòng chật hẹp. Ngày nào đi làm Phi cũng chen chúc qua ngã tư chợ người. Mùa đông, họ nhặt củi ngồi đốt những đống lửa nhỏ dưới gốc xà cừ, mắt hau háu nhìn dòng người qua lại. Mùa hè, mồ hôi ướt đầm lưng áo, mắt họ dại đi trong cái nóng như thiêu đốt từ bầu trời dội xuống, từ các động cơ xe cộ đi lại nườm nượp trên đường. Hình ảnh họ chập chờn trong trí óc Phi cho đến khi cô thấy mình sắp lả đi vì khói bụi. Vài cây cổ thụ còn sót lại trong thành phố không nhả đủ oxi cho từng ấy con người. Đến một lúc nào đó con người sẽ chặt những tán cây để lấy chỗ cho mình. Thành phố đông đặc những cái đầu nóng và trái tim lạnh ngắt. Những tòa nhà cao tầng cứ xây cao, cao mãi, che lấp cả bầu trời. Con người sẽ luôn trong tư thế ngửa cổ lên trời để thở. Họ bắt gặp những đám mây màu khói xe và ngửi thấy cơn gió mùi rác thải. Người ta sẽ tranh cướp nhau ở quán ăn nhưng nhẫn nhịn xếp hàng trong bệnh viện. Mực đỏ chuyên dành đóng dấu các thể loại bằng cấp mua nhanh bán gấp. Đàn ông không thích đồng hồ, đàn bà không mê trang sức. Mỗi khi ra đường họ đeo trước cổ mình tấm bằng đỏ choét ghi học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Rất nhiều người trong số họ sẽ ngồi vào đúng chiếc ghế mà Phi đang ngồi. Chiếc ghế trong phòng khám tâm thần.
* * *
Khang là bác sĩ mới của Phi. Anh là chủ phòng khám tư nhân nằm tít mãi trong ngõ hẻm. Phi cứ nghĩ đã tìm thấy một phòng khám đủ yên tĩnh để chữa trị nhưng hóa ra lầm tưởng. Rất nhiều kẻ cũng sợ cảnh đông đúc ở bệnh viện và các phòng khám lớn như Phi, họ lầm lũi tìm đến Khang như bầy chuột. Lần thứ ba tái khám Phi bắt gặp người quen. Đó là anh bạn lớp trưởng hồi đại học, hơn Phi hai tuổi, vốn thông minh, khôn khéo và thành đạt nhất lớp. Minh là người đàn ông lý tưởng của thời đại, anh hội tụ đủ tố chất để luôn dẫn đầu đám đông. Ra trường ba năm, Minh thành lập một công ty dạy kỹ năng sống. Minh giống như người hùng trong mắt giới trẻ, luôn tự tin làm chủ mọi tình huống và cơ hội. Vậy tại sao Minh lại đến nơi này? Một chàng trai thừa bản lĩnh để đứng trước cả trăm người truyền cho họ sức mạnh giờ đang ngồi cúi đầu im lặng trong căn phòng kia. Khi bước ra khỏi nơi này Minh sẽ chỉnh lại cà vạt, vuốt lại tóc, ngẩng cao đầu rồi mỉm cười với tất cả mọi người. Như quên mất mình vừa đến phòng khám tâm lý, khổ sở trả lời những câu hỏi của bác sĩ như một đứa trẻ con đầy bất an sợ hãi. Minh sẽ lại đứng trên bục giảng thuyết trình say sưa trước những đôi mắt mở to như đang muốn nuốt từng lời. Kết thúc bài giảng trong tiếng vỗ tay hô vang của nhiều người. Ai mà biết Minh đã cô đơn đến thế nào trước ánh hào quang.
Phi chủ động liên lạc với Minh. Hai người bạn cũ gặp lại nhau trong một buổi chiều thành phố âm u, màu mây nhờ nhợ. Minh kể gần đây anh thường có dự cảm bất an. Chính xác hơn là từ sau mấy lần bị cướp tấn công. Lần đầu tiên là khi Minh đang ngủ trong phòng, những bóng đen bất ngờ ập tới đánh phủ đầu khiến anh không thể trở tay. Điều kỳ lạ là chúng không lấy đi bất cứ đồ vật gì. Chỉ đánh cắp cuộc sống bình yên nơi chúng đến. Gieo rắc sự hoảng loạn, hoang mang. Lần thứ hai bị cướp là sau khi Minh đi tham dự hội nghị tuyên dương những thanh niên tiêu biểu của thành phố. Bằng khen và bó hoa còn treo trên xe. Hai tên cướp lướt nhanh đến, chúng giơ dao chém vào cánh tay đeo chiếc đồng hồ hàng hiệu bằng vàng của anh. Cú nghiêng xe theo phản xạ tự nhiên giúp anh tránh được cướp nhưng ngã sõng soài xuống đường. Những chiếc xe khác lao đến đồng loạt phanh gấp, chồm lên như thú dữ. Anh tưởng như chúng đã nghiền nát mình vỡ vụn giống như chiếc bằng khen bị văng xuống giữa đường. Cú ngã đó khiến đầu anh đau đớn từng cơn, dù đã đi khám khắp nơi, chụp CT ở bệnh viện uy tín nhưng họ chẳng tìm ra sự tổn thương nào. Cơn đau mỗi ngày mỗi dữ dội hơn, nhất là khi ở trong bóng tối và giữa đám đông. Minh thấy xung quanh đầy rẫy hiểm nguy đang rình rập.
-Anh không tin vào bất cứ ai. Nhìn ai cũng chỉ thấy cái phần quỷ dữ trong con người họ. Ngay cả những bạn trẻ hàng ngày tìm đến anh với những khát khao tốt đẹp. Nhưng anh thấy việc mình khơi gợi tiềm năng trong mỗi con người chỉ càng làm cho ngọn lửa tham vọng của họ bùng cháy. Anh sợ đến một lúc ngọn lửa ấy sẽ thiêu đốt chính họ trước khi kịp thiêu đốt một ai đó khác.
-Có phải chúng ta đươc dạy nhiều về kỹ năng để tồn tại nhưng lại quá ít bài học để yêu thương?
-Anh thì nghĩ, chúng ta chẳng thể thích ứng nổi trước sự thay đổi của đô thị. Không còn cách nào khác con người đành kháng cự và quay lưng tàn phá chính nơi mình đang sống.
Phi bật cười chua xót, từ bao giờ những người trẻ như cô và Minh phải cần đến bác sĩ tâm lý để trấn an sự hoang mang bất tận trong mình. Phi không lý giải được nỗi sợ hãi nảy sinh rồi bám riết trong tâm trí. Như là lúc đang sấy tóc Phi thường mường tượng mình sẽ bị điện giật. Dòng điện lan ra tua tủa như dễ cây siết chặt bàn tay còn ướt. Cũng có thể lúc đang cúi gập đầu sấy tóc, phơi gáy trắng ngần thì Phi sẽ bị người tình giết bằng nhát dao sắc ngọt. Nửa đêm Phi hay giật mình tỉnh giấc và từ từ cảm nhận thấy cả căn phòng đang chuyển động. Cái khối bê tông ấy cũng đang ngộp thở trước sức nặng của cả chục tầng nhà khác đè lên. Nó cựa quậy, giẫy đạp rồi luồn lách, va đập cố ngoi lên không trung. Phi thấy mình cũng đang trôi lửng lơ không trọng lượng. Trong phòng, những con cá giãy ra khỏi chai nước mắm. Hất tung nắp vại, cả đàn cáy bò lổm ngổm, lào rào như muốn kéo cả bầy đàn đến hỏi tội loài người bắt chúng về làm mắm. Trên nóc tủ con rắn trong hũ rượu thè lọc độc lia xung quanh kiếm tìm cơ thể Phi trong bóng tối… Phi luôn nghĩ biết đâu ngày mai người ta sẽ loan tin có cô gái chết trong lúc đang ngồi sấy tóc. Người ta sẽ thi nhau thêu dệt càng lâm li bi đát thì càng hấp dẫn. Nhưng thực ra cô gái chết vì trụy tim, vì không thắng được bóng đen mơ hồ đang từ từ bóp nghẹt mình.
Phi đã định chấm dứt việc đến phòng khám tâm lý, để rời thành phố trở về với quê nhà. Bỗng một hôm Minh gọi, anh nói có một cuộc hẹn nho nhỏ muốn Phi đến góp vui. Điểm hẹn là quán cà phê trên sân thượng của tòa nhà kính cao nhất thành phố. Phi đến nơi đã thấy hai mái đầu đang ngồi ngắm xa xôi. Quán vắng thưa thớt những khuôn mặt ngồi đối thoại cùng nhau. Chỉ có điều nắng ở đây rực rỡ quá. Phi cảm tưởng như mình đang đứng trên chiếc thuyền chòng chành sóng nắng. Nắng làm sáng bừng khuôn mặt từng người như thể họ đang được hồi sinh. Hoặc là Phi đã bước vào một thế giới khác, tươi mới và đầy sức sống. Cô ngỡ ngàng đến mức cứ đứng ngây người để mặc nắng tràn qua từng kẽ tay, chân tóc. Khang cười bảo:
-Ngồi đi em. Hôm nay chúng ta là bạn.
-Hẳn nhiên rồi, chứ ngồi uống cà phê với bệnh nhân thì chán chết.
-Đâu có rảnh để lôi nhau đi uống cà phê tận tầng mười tám. Chẳng qua là anh thấy thỉnh thoảng chúng ta nên mang lòng mình ra phơi nắng giống như những chú chim. Mà dưới kia thì ít nắng quá chẳng thể san sẻ cho tất cả mọi người.
Khang nhấc từ dưới đất đặt lên giữa bàn cà phê một chiếc lồng chim. Chú chim cu gáy ngơ ngác nhìn những cái đầu đang chụm lại ngó nghiêng xung quanh nó. Một tiếng gáy cất lên. Không gian đột nhiên tĩnh lặng. Nắng tinh khôi đọng thành từng giọt rớt xuống trong vắt tiếng chim. Phi cảm tưởng nơi cô đang ngồi như mỗi lúc mỗi cao hơn. Tiếng chim chạm vòm mây và bỏ lại thế giới hỗn độn dưới kia. Khang cười, anh nheo mắt nhìn xuống đường phố và bảo:
-Đứng ở độ cao thế này chúng ta giống những người khổng lồ. Có thể thao túng và sắp đặt cái ổ lộn xộn dưới kia. Để xem chúng ta có thể làm được gì nào.
Khang giơ một ngón tay ra trước mặt hướng về cột đèn giao thông phía dưới, làm động tác nhấn nút. Đèn đỏ bật nút. Có vài khuôn mặt cau có khó chịu. Có vài người trượt đà mà vượt đèn đỏ. Vài người chen chúc nép nhờ dưới một bóng râm. Khang ngó nghiêng, thích thú nhìn trò chơi do mình sắp đặt, ngón tay anh từ từ làm động tác bấm nút. Đèn xanh bật lên. Dòng người hùng hổ lao vào nhau như đánh trận, chen chúc, giành giật, lộn xộn như bầy vịt xiêm với thứ nguyên tắc ruộng đồng.
Minh không nói gì, im lặng trong suốt trò chơi của Khang chỉ vì anh bị hút tầm mắt về phía bóng cây như một dấu chấm than lộn ngược nhỏ xíu phía dưới đường. Cái dấu chấm than yếu ớt ấy mùa đông đứng co ro góc phố, thêm thắt cho bức tranh đô thị một đốm xanh nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Có cụ già mượn tán cây bày ra ấm trà nóng, vài thanh kẹo lạc kiếm sống mưu sinh. Có anh thợ cắt tóc treo tấm gương to trên thân cây, nếu trời mưa thì giăng thêm mảnh ni lông làm nơi trú ngụ. Bà cụ bán xôi dậy từ mờ sớm, tranh thủ lúc thưa khách ngồi tựa lưng vào gốc cây chợp mắt. Cây bé nhỏ ôm phận người bé nhỏ. Mùa hè cây chống chọi lại cái gió, cái nắng của sức người, sức phố phả ra từ mờ sáng đến đêm khua. Từng người đi xen qua nó, tranh nhau nó, rúm ró co lại trong bóng nó như thể manh chăn mỏng của nhà nghèo đông con, kéo bên này thì hở bên kia. Cây mang nỗi buồn của người mẹ nghèo đã không thể u ấp che chở cho tất cả những đứa con tội nghiệp. Để rồi chúng phải bỏ đi, lao đi trong hành trình kiếm tìm nơi trú ngụ. Cái dấu chấm than nhỏ nhoi ấy leo lắt như đèn trước bão. Cơn bão của sự phát triển đô thị, cơn bão dân số gia tăng, cơn bão của vòng xoáy tham vọng trong từng ấy cái đầu. Nhưng nó vẫn gắng gượng tồn tại chở che cho vài ba mái đầu trong mấy mươi giây đèn đỏ. Cho người mẹ chở con mồ hôi lấm tấm, cho đứa nhỏ ngồi trong ghế xe phía sau đã ngủ gật tự bao giờ. Cho anh thu mua đồ gia dụng cũ với cái loa tắt ngỏm khi đi vào đường lớn. Cho cô gái quây bịt kín mít từ đầu đến chân vẫn muốn trú nhờ cây cho đỡ nắng, đỡ đen da, đỡ ngột ngạt… Bao nhiêu lý do để mà thương, cây ôm hêt vào lòng. Cây bao giờ cũng bao dung đến kiệt cùng.
Phi mỉm cười tinh nghịch, cũng giơ tay vẽ vào khoảng không trước mặt một cái cây. Rồi Phi vẽ nhiều hơn, tán cây to hơn. Một đường cây, một phố cây, cả một thành phố tràn ngập cây xanh. Cây dịu dàng khiến lòng người tĩnh lại. Họ như những con ngựa đã được thuần hóa thong thả di chuyển theo đàn. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau nữa bởi vì Phi đang vẽ những miệng cười rất rộng.
Một tiếng chim trong vắt vang lên.
Nắng cũng đến độ chín, sóng sánh như từng giọt mật.
V.T.H.T
Đánh thức những giấc mơ – Truyện ngắn Lục Mạnh Cường
Giải Nhất
I. Linh
Có những giấc mơ kéo dài cả cuộc đời. Lúc ấy giấc mơ chẳng còn là giấc mơ. Nó hiện hữu như thực tại ta đang sống. Trong giấc mơ của tôi, mảnh đồi ấy, cây gạo ấy và cả căn nhà nhỏ cứ dập dềnh theo thời gian…
Buổi sáng. Nắng vàng ươm thả xuống những hàng cây. Tôi mở cửa đón gió từ phía sông Hàn. Gió mang hơi nước mát lành, thơm tho trong lồng ngực. Tôi bước ra ban công. Những âm thanh từ phía chợ vọng lại. Không quá ồn ào nhưng cũng đủ thấy sự sôi động của một thành phố phát triển. Trên những tán cây xanh ngát, nắng lấp lánh như dát những mảnh vàng.
Phòng bếp thơm lừng mùi cháo hải sản. Nương vẫn quen nấu ăn vào buổi sáng. Biết tôi thích ăn cháo nên Nương thường nấu cháo. Hàu, nghêu, hên… Nương làm đều khiến món cháo trở nên hấp dẫn. Nương thường bảo. Mình già rồi, ăn chút cháo buổi sớm cho nhẹ bụng và dễ tiêu. Tôi ra ngoài nhiều, đi đãi khách, đi tiếp đối tác, tiếp bạn bè nhiều nhưng chưa thấy có chỗ nào nấu cháo ngon như Nương
Nương múc cho tôi một bát. Mùi gạo thơm quyện với mùi hàu, mùi hành thanh thanh, ngòn ngọt. Tôi háo hức cầm thìa. Nương cười.
- Ông ăn từ từ thôi. Gần sáu chục rồi mà vẫn thế!
- Chỉ có món cháo của bà mới hấp dẫn được tôi thôi…
Nương mỉm cười, nguýt nhẹ tôi hài lòng. Mấy chục năm rồi, Nương quanh quẩn trong căn bếp này nâu nướng, dọn dẹp và chờ đợi… Tôi không hiểu Nương lấy đâu ra sự kiên trì, bền bỉ đến thế.
- Hôm nay ông họp à?
- Hôm nay tôi họp Ban Giám đốc công ty, buổi chiều đi gặp đối tác, có lẽ về hơi muộn. Bà đừng đợi cơm.
- Vậy tôi qua nhà thằng Minh, giúp vợ chồng nó dọn dẹp. Khổ! Vợ chồng đi cả ngày, tối mới về. Bảo ở chung với bố mẹ mà không chịu!
Toi nhìn Nương khẽ cười, cả cái cách bà càu nhàu cũng vẫn hiền lành. Lớp trẻ bây giờ có lối suy nghĩ riêng. Chúng muốn có không gian riêng dành cho tổ ấm của mình. Tôi không cản con. Nương không cản được. Nương quay sang trách nhưng tôi chỉ cười. Vợ chồng Minh vẫn hiếu thảo, sống tốt là được.
*
Tôi giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Mồ hôi vã ra như tắm. Vẫn khung cảnh ấy nhưng không phải là những tháng ngày bình yên. Tiếng súng nổ, bom rơi, tiếng la hét… làm tôi chấn động. Tai tôi vẫn còn ù. Tim đập thình thịch. Trái tim tôi cũng bắt đầu rệu rã rồi! Tôi bước xuống giường rót một cốc nước lọc. Nương vẫn đang ngủ. Tôi bước về phía cửa sổ. Lấp ló vài quầng sáng hắt lên màn đêm cao vời vợi. Tôi bồi hồi nghĩ về những giấc mơ.
Đó là vùng biên giới phía bắc. Một ngôi làng nhỏ hiền lành nằm bên bờ sông. Những cây gạo tháng ba bung hoa rực rỡ soi xuống lòng sông. Chim ríu rít trên cành. Người dân hiền lành cày cấy trên những mảnh ruộng nhỏ ven sông. Tôi gặp Miên trong một buổi chiều bình yên như thế. Miên rong trâu từ đồi về, qua đoạn mương nhỏ, đàn trâu dừng lại uống nước. Ngước lên gặp ánh mắt tôi, em cúi mặt thẹn thùng, đôi má ửng đỏ. Tôi cũng vội và theo bước chân anh em về đơn vị. Chỉ còn khoảng trời chiều xanh cao vời vợi in bóng cây gạo đỏ rực hoa.
Đôi mắt Miên làm tôi mất ngủ. Tôi tìm em bất cứ khi nào có thời gian. Vài ba lần "tình cờ" gặp mặt, làm quen, em đã chịu cười và nói chuyện với tôi. Đêm đơn vị tôi biểu diễn văn nghệ, tôi đến nhà đón em. Đứng bên em, nhìn lên sân khấu mà tôi chẳng thấy gì, chỉ nghe trái tim mình đập thình thich. Lấy hết can đảm, tôi rón rén nắm lấy tay em. Miên bối rối nhưng cũng không rụt tay lại. Tôi biết, em cũng giống như tôi, đang cố giữ cho trái tim mình khỏi loạn nhịp…
Tuổi hai mươi, trái tim có những lí lẽ riêng của nó. Vài lần trốn đơn vị đến gặp em, tôi bị phát hiện. Tôi bị kỷ luật. Nhưng chẳng kỉ luật nào đáng sợ bằng nỗi nhớ em. Nó cồn cào, phản đối mọi suy nghĩ, việc làm của tôi. Đôi mắt, nụ cười và hình bóng Miên lúc nào cũng hiện ra trước mắt và trong suy nghĩ của tôi. Ba ngày không gặp Miên mà tôi ngỡ như ba tháng. Chiều hôm thứ tư, Miên lùa trâu qua cạnh đơn vị tôi. Đôi mắt em thâm quầng đầy lo lắng. Nhìn thấy tôi, em nở nụ cười. Tôi đứng lặng nhìn em. Chưa bao giờ tôi thấy một nụ cười đẹp mê hồn như thế.
Nương trở dậy đến bên tôi. Bàn tay nhỏ khe khẽ ôm lấy cánh tay tôi. Mùi thơm dịu dịu làm tôi thấy dễ chịu.
- Ông làm sao vậy? Vết thương lại đau à?
- Không! Có vài việc cần suy nghĩ thôi. Ngủ tiếp đi!
Tôi nắm tay Nương trở lại giường, quàng nhẹ tay ôm Nương rồi nằm im. Nương vốn ít ngủ. Mùi hoa ly dìu dịu thoang thoảng trong phòng, vỗ về giấc ngủ. Đêm yên tĩnh lại kéo những giấc mơ quay về.
Đôi môi Miên thơm và ngọt. Miên gục đầu vào vai tôi. Đôi vai run lên nhè nhẹ. Ngày mai, đơn vị tôi lên chốt. Trận chiến đang ác liệt. Chẳng biết rồi sẽ ra sao. Chỉ còn đêm nay… Mái tóc Miên thoang thoảng hương sả. Trăng buông trên mái tóc đen nhánh những vệt sáng. Đêm tháng sáu, trăng treo trên cao. Gió nhè nhẹ thổi mơn man trên cánh đồng. Sông Miện rì rào, mải miết chảy xuôi.
Chợt Miên quàng đôi tay ôm xiết lấy tôi. Thân thể Miên nóng rực. Cả người em cuốn lấy tôi như một loài dây leo quyến rũ. Máu chảy rần rật trong cơ thể tôi. Những ngọt ngào, đam mê của tuổi đôi mươi trỗi dậy. Tôi và Miên quên đi tất cả. Chúng tôi quấn vào nhau, tan lẫn trong nhau.
Tôi tỉnh dậy khi nắng đã chiếu vào cửa sổ. Toàn thân rã rời. Mồ hôi vã ra ướt gỗi. Nương đang lấy chiếc khăn dấp nước ấm lau mặt cho tôi. Vẻ mặt Nương đầy lo lắng.
- Ông đi viện nhé!
- Không sao đâu.
Tôi mỉm cười chấn an. Nương nhíu mày. Vẻ bất an hiện rõ trong ánh mắt.
- Ông sốt vậy mà còn không chịu đi viện. Có chuyện gì thì tôi biết làm sao?
- Không sao đâu! Bà đi nấu cho tôi bát cháo. Ăn xong tôi còn phải đến công ty.
- Tôi báo công ty ông ốm rồi. Gần nghỉ hưu rồi mà còn tham công, tiếc việc. Lăn ra đấy lại khổ tôi thôi. Nhường việc cho lớp trẻ làm. Thằng Minh cũng thạo việc rồi. Sang năm để nó thay, ông nghỉ dưỡng già đi!
Nương kê chiếc gối tựa lên đầu giường rồi đỡ tôi ngồi tựa vào. Nhìn dáng mệt mỏi của Nương đi xuống bếp, tôi xót xa trong lòng. Đi gần hết đời người rồi, tôi đã làm được gì cho Nương? Chỉ có những giấc mơ từ thời trai trẻ, cứ đeo bám khiến tôi như người mắc nợ. Tôi mắc nợ tuổi thanh xuân của Miên.
Hôm qua cùng Nương đi chợ. Trong lúc chờ Nương mua cá, tôi đã nhìn thấy Miên. Không phải Miên. Một người con gái rất giống Miên. Tôi vội vã đuổi theo và gọi. Nhưng người ấy nhanh chóng khuất khỏi tầm nhìn. Như mỗi lần tôi tỉnh dậy sau những giấc mơ. Miên đều biến mất không còn chút dấu tích nào.
Đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy cô gái ấy. Lần đầu cách đây khoảng một năm. Tôi thấy cô rảo bước dọc sông Hàn. Khuôn mặt, nụ cười và cả dáng đi, đều giống Miên như đúc. Nhưng cô gái ấy còn trẻ, chỉ tầm ba mươi tuổi. Miên bây giờ cũng đã hơn năm mươi rồi! Tôi đứng lặng trông theo khi cô ấy đi khuất mới bừng tỉnh. Tôi đuổi theo nhưng không tìm thấy. Thì ra, tôi vẫn còn muốn gặp Miên. Những giấc mơ kia là một bằng chứng.
Tôi kéo ghế ra ngoài ban công ngồi. Nắng đã lên cao. Mùi gió biển mằn mặn. Ly cà phê Nương pha thơm lựng. Nương ngồi xuống cạnh tôi. Đôi mắt Nương đầy yêu thương là lo lắng.
- Ông vẫn mơ về nơi ấy à?
Tôi gật đầu. Tôi đã kể cho Nương nghe một phần giấc mơ của mình. Giấc mơ khiến tôi nhiều đêm la hét và vùng dậy. Đó là một điểm cao đầy tiếng pháo. Đó là nơi những người đồng đội của tôi từng người, từng người ngã xuống. Không gian chỉ có âm thanh của đạn pháo và khét lẹt mùi thuốc súng. Chúng tôi đã chiến đấu quên mình để giữ vững điểm cao ấy. Và trước khi ngất đi vì mảnh pháo ghim vào đầu, tôi thấy chỉ còn Quân vẫn ôm súng xả về phía quân thù. Không! Đó không phải là giấc mơ. Đó là cuộc sống thực mà tôi đã trải qua. Khi tỉnh lại tại bệnh viện tuyến sau, tôi mới biết chỉ còn mình và Quân còn sống. Quân mất một cánh tay và cũng đang nằm cùng bệnh viện với tôi.
- Ông đừng nghĩ nhiều. Chiến tranh lùi xa lắm rồi… Sống và làm việc thật tốt cũng là một cách đáp nghĩa với đồng đội, ông ạ.
Nương bóp đầu cho tôi. Bàn tay nhỏ ấy như có phép màu. Mỗi lần bàn tay ấy xoa bóp, thái dương tôi dịu lại. Không còn quá ong ong, u u và buốt nhức. Tôi thở dài. Tôi có nên kể cho Nương về Miên, về một nửa giấc mơ còn giấu kín?
II. Nguyệt
Tôi trở lại thành phố này lần thứ hai. Mỗi lần mang trong mình một tâm trạng thật khác nhưng cảm nhận về thành phố chỉ có một. Đây là thành phố đáng sống nhất.
Tôi đã rảo bước dọc sông Hàn mỗi sớm, hít thở mùi gió biển trong lành. Không bụi bẩn, không rác. Không khí trong lành như quê tôi.
Tôi sinh ra bên bờ sông Miện. Một mình mẹ sinh tôi ra trong tiếng bom rơi. Mẹ tự cắt rốn cho tôi, bởi cả bản đã đều đi sơ tán hết. Ông bà ngoại giận mẹ nên để mẹ lại một mình. Mẹ không oán trách. Mẹ đặt tên tôi là Nguyệt. Mẹ nói mẹ luôn nhớ về một đêm sáng trăng.
Mẹ sinh tôi được bảy ngày thì bác Tâm, anh trai mẹ tôi đang đi bộ đội tạt về qua nhà. Bác bế tôi và dắt mẹ tôi xuống bến xe. Bác đẩy mẹ con tôi lên xe về nơi sơ tán. Mẹ và tôi xa sông Miện, chuyển về sống ven sông Lô. Vẫn là một miền quê nghèo đầy nhọc nhằn lam lũ. Chỉ có điều, con người ở đây đùm bọc yêu thương nhau hơn. Cả bản nghèo nương tựa vào nhau mà sống.
Năm tôi học lớp một, mẹ bảo bố tôi đi chiến trường. Năm tôi học lớp ba, mẹ bảo bố đã hi sinh ngoài mặt trận. Tôi không hiểu lắm, chỉ biết bố ở một nơi rất xa. Xa đến mức bố chưa thể về thăm tôi lấy một lần. Tôi đã ước ao được gặp bố một lần nhưng chưa bao giờ được gặp. Những đêm mùa đông, mẹ ôm tôi ngồi hát ru bên bếp lửa mà nước mắt mẹ chảy dài trên má. Bác Tầm nhà bên gõ cửa.
- Em đừng hát nữa! Lời ru nghe buồn qua. Chú ấy không còn rồi. Cô cũng nên tính đến hạnh phúc cho mình đi thôi!
- Với em, bé Nguyệt là hạnh phúc cả đời rồi!
Mẹ chăm tôi như ruộng non sau mùa cấy. Mẹ cực nhọc nắng mưa nhưng chẳng để tôi đỡ đần mẹ công việc đồng áng. Mẹ bảo. Con phải học thật giỏi, để có công ăn việc làm ổn định. Việc nhà nông vất vả một nắng sương mà bấp bênh, thành quả lao động của mình lại phụ thuộc vào trời. Tôi không hiểu nhưng không muốn mẹ buồn nên cố học thật giỏi. Năm nào tôi cũng đứng đầu lớp về học tập. Những tờ giấy khen phủ kín vách liếp. Mắt mẹ rưng rưng mỗi khi tôi đem thêm một tờ giấy khen về.
Năm tôi học lớp năm thì bác Tâm tìm đến. Bác đã xuất ngũ. Bác muốn đón mẹ con tôi về ở với ông bà ngoại nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo sống ở đây quen rồi. Bác Tâm đi thì bà ngoại đến. Bà ôm mẹ con tôi khóc ròng. Bà xin mẹ con tôi tha thứ. Mẹ cũng khóc. Mẹ bảo không dám trách gì ông bà cả. Chỉ có điều hai mẹ con sống ở đây quen rồi. Mẹ không muốn thay đổi nữa. Mẹ chỉ muốn yên ổn sống, nuôi dạy tôi nên người.
Năm mười tám tuổi, tôi không muốn thi đại học. Tôi không muốn mẹ thêm vất vả, cực nhọc vì tôi. Tôi xin mẹ đi làm công nhân may. Mẹ gọi tôi đến trước bàn thờ bố.
- Mẹ đã hứa với bố nuôi dạy con nên người. Vất vả, nhọc nhằn bao nhiêu mẹ cũng chịu được. Vậy mà con không muốn tiếp tục học nên người. Mẹ sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mẹ sẽ đi theo bố con.
Tôi hốt hoảng quỳ xuống chân mẹ. Nước mắt lăn dài trên má. Tôi hứa sẽ tốt nghiệp đại học. Sẽ không phụ lòng của mẹ.
Tôi học đại học năm hai thì mẹ ốm. Tôi vội vã trở về. Mẹ đang nằm viện. Người mẹ gầy rộc. Đôi mắt sưng đỏ mọng. Có lẽ mẹ đã khóc nhiều lắm. Một người đàn ông đang chăm sóc mẹ. Ông chỉ còn lại một cánh tay, vẻ mặt khắc khổ. Mẹ ôm tôi vào lòng khóc như mưa. Nước mắt thấm ướt vai áo tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Tôi ôm mẹ thật chặt. Tôi dùng mọi lời lẽ có thể để an ủi mẹ. Tôi sợ chút sực lực còn lại của mẹ sẽ tan theo nước mắt.
Nhưng cũng thật kì lạ. Hai ngày sau, mẹ tôi đã khỏe lại. Mẹ xin ra viện. Mẹ mổ con gà, làm mâm cơm mời bác Quân, người đàn ông cụt tay. Mẹ bảo đây là bạn bố. Bác đến nói cho mẹ biết nơi bố tôi hi sinh. Đôi mắt bác Quân buồn buồn nhìn tôi, muốn nói gì đó lại thôi. Tôi âm thầm quan sát bác và đánh giá. Chắc chắn bác không phải là bố tôi, cho dù tôi rất mong có một người bố.
Tôi ra trường xin vào một cơ quan nhà nước. Công việc ổn định. Mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Tôi vay tiền mua một căn nhà ở ven phố. Mẹ về phố sống với tôi. Những tháng ngày khó nhọc tạm lùi xa…
Từ ngày hiểu chuyện, tôi không dám hỏi về bố. Tôi sợ mẹ đau lòng. Nhưng tôi vẫn thường gặp bố trong những giấc mơ. Bố là người cao lớn, vạm vỡ. Bố là điểm tựa cho mẹ con tôi những lúc khó khăn. Và trong những giấc mơ, tôi có thể kể cho bố nghe mọi niềm vui, nỗi buồn của mình.
Niềm hạnh phúc bên mẹ chẳng kéo dài được bao lâu thì mẹ tôi về cõi vình hằng. Một tai nan đã cướp mẹ đi trong một chiều mưa lạnh. Mẹ chỉ kịp nắm tai tôi thều thào:
- Mẹ xin lỗi. Bố con còn sống. Bác Quân biết địa chỉ….
Mẹ không kịp nói hết. Hơi thở cuối của mẹ rút cạn sức lực trong tôi. Trái tim tôi nứt toác. Tôi ngã vật xuống bên mẹ. Vĩnh vội đỡ lấy tôi.
Những ngày sau đó, tôi không nhớ mọi sự việc đã diễn ra như thế nào. Bác Quân và Vĩnh lo liệu mọi chuyện. Tôi vật vờ như cái xác bên linh cữu mẹ. Mọi tiếng động xung quanh tôi mơ hồ, xa lắc. Tôi chìm trong thế giới chỉ có mẹ và tôi.
Vĩnh kéo tôi ra khỏi thế giới câm lặng bằng một chuyến đi. Anh đưa tôi về quê anh, thành phố bên bờ con sông Hàn thơ mộng. Nắm tay tôi bên bờ sông đầy gió, anh thủ thỉ. "Hãy sống cho thật tốt. Mẹ không muốn em lúc nào cũng ủ rũ như vậy đâu". Tôi để yên tay mình trong tay anh. Thấy lòng mình có đôi chút ấm áp.
*
Tôi trở lại thành phố xinh đẹp lần thứ hai mà không có Vĩnh. Anh bận một chuyến công tác vùng cao. Bác Quân đã cho tôi tất cả thông tin về bố. Một ngôi nhà bên bờ sông Hàn xinh đẹp. Bố tôi đang sống hạnh phúc bên gia đình. Tôi không biết mình có nên xuất hiện trước mặt ông một lần, để giấc mơ kia trở thành sự thật?
Tôi đã ngập ngừng trước căn nhà ấy ba lần. Bàn tay giơ lên nhưng không thể bấm nổi chuông. Chỉ cần một tiếng chuông vang lên, phía sau cánh cửa kia sẽ là bão tố. Biết đâu đấy, hạnh phúc của bố có còn trọn vẹn sau tiếng chuông của tôi?
Ngày mai là tôi phải trở về căn nhà nhỏ trong thành phố hiền hòa bên sông Lô. Không biết tôi có đủ can đảm trở lại nơi này? Tôi xoay người bước chầm chậm dọc bờ sông. Có tiếng gọi từ phía sau. Tiếng gọi của một người đàn ông nhưng rụt rè, yếu ớt.
- Miên, Miên ơi.
Tôi quay người lại. Một luồng điện chạy khắp cơ thể làm cả người tôi râm ran. Bố! Là bố. Tôi đã ngắm ảnh ông bao lần, đến giấc mơ tôi giờ cũng đã rõ ràng khuôn mặt bố. Bố bước nhanh đến trước mặt tôi. Hơi thở ông gấp gáp:
- Cháu! Cháu có phải con mẹ Miên?
Tôi khẽ gật đầu. Ông lập cập bước lấy nắm tay tôi. Đôi mắt ông nhòe nước. Tôi thấy tim mình đập rộn lên. Những cảm xúc của tuổi thơ không có bố ùa về. Buồn, giận, cô đơn, sợ hãi… nhưng trên tất cả là niềm hạnh phúc.
III. Nương
Tôi ghen với những giấc mơ của Linh, vì không có mặt tôi trong đó. Linh thường kể về một chiến trường đầy khói lửa, đạn bom. Trên trận địa ấy, Linh đã bị thương. Một mảnh pháo găm vào đầu Linh. Bây giờ, những khi trái gió, Linh vẫn thường đau nhức. Nhưng Linh đã không kể cho tôi trọn vẹn giấc mơ của mình. Người con gái tên Miên vẫn thường theo suốt những giấc mơ của Linh. Có những đêm, Linh đã gọi tên cô ấy thật lớn!
Có những đêm tôi đã ngồi một mình bên giường ngắm Linh ngủ. Những lo âu, nhọc nhằn cuộc sống hình như vẫn đè nặng lên gương mặt Linh. Đôi mày vẫn nhíu lại. Tôi ước gì mình có thể giúp Linh xóa đi những lo toan ấy. Để tôi thấy khuôn mặt Linh thanh thản khi nghỉ ngơi.
Tôi cố dặn mình không ghen với những giấc mơ của Linh mà không được. Những khi nghe Linh gọi tên Miên, tim tôi lại đau nhói. Sống với nhau quá nửa đời người, vậy mà Linh chưa bao giờ kể cho tôi nghe về Miên. Đôi lúc hờn ghen, tôi tự nghĩ mình không bằng cái bóng của ai đó.
Tôi biết Linh không có người phụ nữ khác ở bên ngoài. Dù chỉ là người nội trợ nhưng tôi có đủ sự nhạy cảm của một người vợ. Linh chưa từng làm chuyện có lỗi với tôi. Chỉ có điều, nỗi ám ảnh về một người phụ nữ tên Miên vẫn luôn hiện hữu. Nó như sợi tơ nhện, dù mong manh nhưng vẫn ngăn cách, giữ tôi lại bên ngoài thế giới của Linh. Tôi không thể tự mình cắt đứt sợi dây ngăn cách đó.
Sớm nay, cùng Linh đi dạo dọc bờ sông. Linh đã gọi tên người con gái ấy. Tim tôi nhói lên. Không phải trong giấc mơ. Ông gọi tên người con gái ấy ngoài đời thực. Tôi đã khựng lại. Chân tôi không thể bước tiếp. Linh tiến về phía cô ấy. Cuối cùng thì Miên đã bước ra khỏi giấc mơ. Linh đã không còn đợi tôi cùng chung bước trên một con đường. Tôi quay người bước về phía ngược lại. Con đường phía trước trở nên dài tít tắp.
Tôi đứng trước biển lâu lắm. Gió và nước biển táp vào mặt tôi lạnh cóng. Tôi không muốn quay lại. Ngoài Linh ra, tôi giữ lại riêng cho mình thứ gì trong cuộc đời này đâu. Tôi muốn bước về phía trước. Biển bao dung sẽ ôm tôi vào lồng ngực mình. Chợt một bàn tay kéo tôi lại. Linh kéo tay tôi vào vòng tay xiết chặt.
- Nương à. Tôi xin lỗi. Về một nửa giấc mơ…
Toàn thân Linh run lên bần bật. Tôi thấy lòng mình mềm lại. Nước mắt Linh rơi trên má tôi nóng hổi.
- Miên là người con gái đầu tiên tôi yêu. Nhưng chiến tranh đã chia cắt chúng tôi. Tôi nghĩ là Miên đã chết. Giữa tôi và Miên chẳng còn lại gì. Tôi sợ kể ra sẽ làm Nương đau. Vì Nương là người tôi yêu nhất trên đời.
Tôi xô nhẹ Linh ra. Bàn tay Linh bối rối giữ tôi lại.
- Tôi xin lỗi. Tôi không biết tôi còn có một đứa con. Miên đi rồi. Con bé chỉ còn lại mình tôi. Tôi xin Nương một cơ hội…
Tôi gỡ tay Linh ra, xoay người nhìn về phía biển. Trời âm u và những con sóng lớn đang chạy vào bờ. Lòng tôi hoang mang. Miên đi rồi. Cô ấy có thật sự hạnh phúc khi chỉ được sống trong những giấc mơ của Linh. Tôi có quyền gì phán xét cô ấy khi chỉ là một người đến sau? Sự im lặng của Linh có phải là tội lỗi? Trên thế gian này, chẳng có nỗi đau nào là giống nhau! Tôi không nên tự cầm dao khoét sâu thêm hạnh phúc mình đang có. Cầm tay Linh, tôi chầm chậm quay về. Linh im lặng bước bên tôi, những bước chân thật nhẹ. Dù muộn màng và đau đớn thì tôi cũng đã có thể bước vào giấc mơ của Linh…
L.M.C