Đọc Song tử thơ để nghe thi ca cất lên từ trái tim một người phụ nữ
Thế kỉ 21 còn sót lại một tộc người - Yêu thi ca hơn cả sự sống.” (Như Quỳnh de Prelle)
Câu nói này đã ập đến đầu tôi khi tôi đọc xong Song tử thơ của Như Quỳnh de Prelle. Theo trí nhớ của tôi thì đây là câu đầu tiên tôi đọc được của tác giả này. Cũng có thể tôi đã đọc nhiều câu nhiều bài trước đó rồi, nhưng đến câ/u này tôi bỗng dừng lại bởi sự thú vị lẫn tò mò và từ đó não bộ ghi nhớ nó thể như là đầu tiên.
Tôi tò mò không biết cái tộc người ấy rốt cuộc là ai trên Trái Đất này và họ sống thế nào khi mang trong mình một nỗi ám ảnh lớn đến nhường ấy. Và quan trọng hơn họ có thực sự tồn tại hay chỉ là một ý nghĩ ngông cuồng trong một phút ngông cuồng nào đấy của tác giả.
Có lẽ thật khó cho tôi để đi đến tận cùng đáp án cho những gì tôi vừa nói ở trên, nhưng Song tử thơ đã phần nào cho tôi thấy chân dung một người phụ nữ mang trái tim cuồng nhiệt với thi ca. Cô ấy sống và viết, viết và sống như thể không có một ranh giới cụ thể nào giữa hai động từ này. Đọc Song tử thơ, tôi có cảm nghĩ rằng Như Quỳnh de Prelle viết về mọi thứ cô ấy vấp phải trong cuộc sống hằng ngày. Một dòng tin nhắn, một bộ phim xem dở, một chiếc kính chiếu hậu, một vết sẹo, một buổi làm vườn… cùng ti tỉ điều nhỏ nhặt khác trong thế giới của một người phụ nữ. Khi một người nhìn thế giới bằng con mắt của thơ, mọi thứ có thể cất tiếng ca.
“…Em trồng bí ngô để nhớ mùa tỏi thơm lừng bên bếp
Em trồng cả quê hương xa xôi trên vườn treo cùng mây gió và mặt trời
ánh trăng chan chứa tình yêu
Em trồng cho anh cả tình yêu đất đai quê hương cày xới mặn mà…”
(Vườn Treo Trên Mây - Như Quỳnh de Prelle)
Với Như Quỳnh de Prelle, mỗi ngày qua đi, mỗi việc được làm đều mang cho cô những hoài niệm về quá khứ và cả những ý niệm mới mẻ về bản thân. Với tôi, đây là một nét cuốn hút (tôi gọi là đặc sản) giúp tôi đi trọn vẹn cùng Song tử thơ. Bài Thơ viết trong vườn là một trong những ví dụ điển hình cho điều tôi vừa nói.
“…em cắt cỏ trong vườn nhớ đến bài thơ anh viết
từ trong ký ức xa xưa
em nhìn thấy những đàn kiến lầm lũi lầm lũi cặm cụi cặm cụi
em nhìn những cụm rêu già dính chặt trên mặt đất
em phải nhổ đi
chôn vào đống đất cũ màu nâu
để nó tái sinh thành đất mới bio cho mùa làm vườn lần tiếp theo…
…
những bông ly màu cam đang héo dần
gãy cành cùng với những cơn mưa bão của tháng 6
đỗ quyên rạng rỡ sắc màu thơm như em
mà buồn cũng như em…”
(Bài Thơ Viết Trong Vườn - Như Quỳnh de Prelle)
Như Quỳnh đã định nghĩa “nàng thơ” của mình như sau:
“…Nàng là một ý niệm
là một tưởng tượng
trong một hình hài
như thơ ca
là một thế giới riêng
bằng ngôn ngữ, hình ảnh
như một bộ phim
ngắn dài
tùy vào đôi mắt rộng hẹp
nông sâu
tùy vào hiểu biết và trái tim…”
(Nàng Thơ - Như Quỳnh de Prelle)
Thế giới trong thơ của Như Quỳnh de Prelle luôn ngập tràn hình ảnh, chúng đan quyện vào nhau. Rất nhiều lần trong khi đọc Song tử thơ tôi cảm giác như tác giả đang trong một cuộc rượt đuổi gấp gáp những ý nghĩ của mình, không có thời gian để đắn đo cũng không có thời gian để sắp xếp, hình ảnh này chưa nhạt đi thì hình ảnh khác đã kéo đến, khi ấy, có lẽ Như Quỳnh đã chọn cách làm người thư ký cho chúng, để chúng dẫn dụ mình. Cũng có thể đây chính là lựa chọn của tác giả, cô ấy cho rằng trật tự đẹp nhất là trật tự như vốn có, như sự tồn tại của chúng trong tâm tưởng mình. Dù sao thì đây chỉ là phán đoán của riêng tôi và tôi cho rằng nó không quá quan trọng, điều quan trọng hơn chính là cảm nhận của tôi về một thế giới chân thật, thế giới mà Như Quỳnh de Prelle đã viết ra từ trái tim nhiệt thành của mình.
“…vết son khô của mùa hè trên những hàng cây xanh, những mùi hương của hoa hồng trong thành phố
trên đôi tay cô độc không vuốt ve, không yêu chiều, lơ ngơ trong thời gian không gian không chạm vào được điều gì đang tìm kiếm
những trễ nãi lặng thầm đến rồi đi, buồn bã như một ngày mưa im vắng, gió cũng im vắng
lá trên những hàng cây vặn mình trở màu bàng bạc sắp sang thu…”
(Vết Son Khô Mùa Hè - Như Quỳnh de Prelle)
Rất nhiều khi thơ Như Quỳnh de Prelle trôi mãi theo dòng suy tư như thế, hết ý niệm này sang ý niệm khác và cuối cùng kết thúc ở một ý niệm ngọt ngào hay ho nào đấy như trong 24h một ngày và 24 hình/s:
“…24h của một ngày
chưa bao giờ có anh
và 24 hình/s anh luôn tồn tại
trong khoảnh khắc mọi lúc mọi nơi
sinh sôi li ti như những tế bào nảy mầm trong máu thịt cuộc đời này
từ em
và sinh ra
sự tái sinh của chúng ta…”
(24h một ngày và 24 hình/s - Như Quỳnh de Prelle)
Trong thế giới riêng của Như Quỳnh de Prelle, có những khoảnh khắc xinh đẹp và cũng có những khoảnh khắc xấu xí, cô ấy không thiên vị mà cho hết thảy được bước ra, được rộn ràng theo cách riêng của chúng.
“…cô ấy đang trong kỳ kinh
bực bội với bản thân mình
với cái tôi
với mọi sự bộn về xung quanh
với cả gương mặt ngựa
nó làm cô phải ói ra
sự tức tối
lâu nay
người đàn bà ấy ma lanh
vươn mình lên nghiến những câu thơ...”
(Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng - Như Quỳnh de Prelle).
Thơ tồn tại trong thế giới của Như Quỳnh de Prelle như một lẽ hiển nhiên và như một nỗi ám ảnh.
“Chữ mọc trên tóc, từng sợi tóc, trên da đầu, trên từng sợi lông tơ ở khắp nơi của cơ thể. Chữ mọc trên da, trên từng biểu mô dưới da mọc ra, trên từng tế bào...”
(Chữ - Như Quỳnh de Prelle)
Cuộc sống biến động từng ngày, suy nghĩ của chúng ta cũng không đứng yên mà thay đổi từ phút này sang phút khác, giây này sang giây khác nhưng có lẽ tình yêu Như Quỳnh de Prelle dành cho thơ sẽ là điều tồn tại đến cuối cùng. Tình yêu ấy thổi bùng lên trong con người tác giả nỗi khát khao vượt qua mọi rào cản của ngôn ngữ để bày tỏ chính mình như tác giả đã viết. “Chữ là di sản, là văn hóa… Chữ là em, là chúng ta.”
Như Quỳnh nói rất nhiều về thi ca trong các sáng tác của mình, coi thi ca như một hình thức để sống, đôi khi lại như có thể chết quằn quại trên câu chữ hay lạc mất mình trong nó.
“…lạc giữa rừng chữ rừng người
giữa những trái tim yếu mềm
nhiều đau đớn
lạc giữa tình yêu bên ngoài cái tôi
không thể kiểm soát tinh thần và trí nhớ
“Lost in translation”
tên một bộ phim
hay là em
lạc giữa cuộc đời
như lạc giữa thơ ca
giữa những hoang tàn say đắm
những nát tan trở trời gió mệt
giữa những gương mặt xa xôi…”
(Lost in translation - Như Quỳnh de Prelle)
Tôi đọc Song Tử Thơ trong một ngày mưa mùa hè mát dịu, lòng cũng dịu đi và chậm lại đôi phần. Đóng tập thơ lại, trước mắt tôi là chân dung một Như Quỳnh de Prelle - người phụ nữ Á Đông giữa Vườn Treo Trên Mây tại vương quốc Bỉ xa xôi - đằm thắm trong tình yêu, độc lập trong cuộc sống và cuồng nhiệt trong thi ca. Tôi đọc thơ Như Quỳnh de Prelle không phải để tìm những âm điệu ru quen, những cách dùng chữ mới lạ rườm rà hay những hình ảnh thơ thân thương và ước lệ mà là để va chạm với những suy niệm khác mình và thưởng thức những cách thể hiện mới mẻ trong thơ.
Thế giới riêng của Như Quỳnh de Prelle chắc chắn không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu khi bước vào hay va chạm, nhưng sự khác biệt chính là cách mà thế giới chúng ta trở nên dồi dào. Và, học cách đón nhận trân trọng khác biệt của nhau là cách mà chúng ta trưởng thành.
L.H