Đinh Thị Như Thúy và con đường nụ hoa phải đi

28.08.2023
Mai Bá Ấn

Đinh Thị Như Thúy  và con đường nụ hoa phải đi

Nhờ thơ Đinh Thị Như Thúy

Trong khu vườn người đàn bà tên Thúy” (Nguyễn Quang Thiều) ấy mọc lên rất nhiều cây lá, đặc biệt là nở rộ rất nhiều các loài hoa. Xanh xanh những lá rừng xanh, trắng nõn hoa cà phê và vàng rực những
dã quỳ… Và gió. Gió xao xác, hoang dã, cuồng nộ, bất an… Những ngọn gió đầy thân phận. Những cây lá chứa vạn kiếp người. Những nụ hoa đi suốt một quy trình. Đi qua mưa nắng, phong ba để vượt lên, ủ mầm, bung nở. Những thân phận người hoài nghi, buồn bã, tuyệt vọng,… lầm lũi đi qua cuộc đời với tất cả những toan lo để “tươi trẻ hoài hoài”. Trong bốn bề lộng gió và hoa, người đàn bà đầy thân phận ấy đã nhận ra: “con đường nụ hoa phải đi” dù phải trải qua những mưa dập gió vùi...

Con đường nụ hoa phải đi…

Người đời thông thường chỉ biết chiêm ngưỡng hoa, ca ngợi những thành công, ít người chiêm nghiệm về đường đi của một bông hoa, về quá khứ đắng cay mà người thành công ấy đã đi qua. Đinh Thị Như Thúy đã chiêm nghiệm cả một quy trình từ khi cây lá hình thành cho đến lúc nụ hoa bung nở; từ đa đoan, trường đoạn phận người đến một ngày gặt hái thành công.

Trên con đường đi ấy, bao nhiêu chán chường, hoài nghi, bóng tối, khắc khoải, bất an, nỗi buồn, sự tuyệt vọng… và kể cả cái chết rập rình. Đầu tiên là nỗi chán chường, “mệt mỏi”, “nhàn nhạt” với cái nhìn trống rỗng trong gương soi (Phía bên kia cây cầu). Trong đó, theo Thúy, cái đáng sợ nhất của con người chính là sự “hoài nghi”, “không xác định được phương hướng”, “không biết nên hay không nên” trong cả việc “làm”, cái sự “đi” và cả một tiếng “gọi” (Krông Pắc, tháng Mười một ngày mười ba). Hoa lá sinh trưởng trong thiên nhiên, người sống giữa cuộc đời; lá xanh hoa nở, người vẫn giao tiếp với người… Nhưng tất thảy… đã không còn yên ả chảy trôi theo nhịp chảy bình thường (Cái gì đã xảy ra giữa chúng ta).

Hoa cũng như người, để trổ thành bông, để gặt hái thành công, tất phải đi qua những tháng ngày buồn mênh mông của mùa đông lạnh lẽo: ngoài kia trời ngày đông lạnh căm màu tro xám (Trận cảm cúm và sự im lặng). Người ta săn đón hoa, săn đón giờ phút vinh quang khi vinh quang đến, chứ có biết đâu rằng hoa cũng có mồ côi phận hoa, người cũng mồ côi phận người. Khi cánh hoa trắng nõn nà rơi xuống, khi con người vĩnh biệt trần gian thì màu trắng khăn tang phủ đầy nhân gian, cây cỏ: Những chấm trắng rơi rơi/ Choàng khăn tang đầu ngọn cỏ (Hoa mồ côi trong núi). Mùa xuân là mùa của muôn hoa khoe nhau đua nở, nhưng mấy ai biết được, trong cái sự khoe nở ấy, những hoa kia đã từng “thở than” trước những “bất thường của thời tiết mùa xuân” bởi sự “trái mùa” của gió, của mưa cùng những đám mây “xám xịt”, những “lạnh buốt”, “tím tái”, “nứt môi nẻ chân’ trên thân thể con người khi phải đối diện với “Những ban mai không có mặt trời”. Tất cả đều bất an với sự “vô vọng”, “buốt nhói” (Một ngày tháng sáu). Bao “tù túng ngột ngạt”, “thắt thỏm” âu lo, “không lối thoát” (Cõi ảo). Đến như “Dâng hiến dã quỳ” vẫn phải trải qua những “cuồng nộ gió”, người thành tâm vẫn cứ mãi chập chờn, “khắc khoải”, “âu lo”, luôn mơ những giấc mơ bất ổn (Dâng hiến dã quỳ). Đó là những giấc mơ “nhiều lần trở lại” với rợn ngợp “giữa hoang vu” cùng “cảm giác muốn khuỵu ngã” do bị bỏ rơi và quên lãng (Chúng ta đã không thuộc về thế giới này). Nghĩa là, trên con đường mà nụ hoa phải đi ấy chứa “đầy bóng tối”, đầy “sỏi đá cỏ gai cắt cứa” đớn đau; tạo cho con người “một cảm giác sợ hãi rợn ngợp bủa vây thảng thốt”. Tiếng nói chỉ còn là những tiếng “u ơ”, rền rĩ nghe buồn thảm như tiếng chó tru… tiếng gió rít qua khung cửa những đêm trời động (Nơi ngày đông gió thổi). Nỗi buồn hiện lên bằng những “mảnh tang đen” cùng “vẻ mặt âu sầu mỏi mệt”, kể cả “bài hát vang lên… cũng mệt mỏi âu sầu” như một câu nhạc Trịnh: còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây (Những ban mai không có mặt trời). Bế tắc đến mức chỉ muốn “vùi mặt vào gối chăn” tìm lấy chính mình để “nghe đơn côi chảy rung rung trong máu”, để tự thú nhận với chính mình đời sống thật quá buồn (Chưa bao giờ ta đến được giấc mơ của nhau). Trên con đường đi ấy, “tràn ngập quạnh hiu”, đầy mưa gió với những khuôn mặt người u uẩn (Ngày lạnh). Buồn, băn khoăn, cô độc một mình “Nơi ngày đông gió thổi”. Và thêm một điều đáng sợ nhất của con người nữa, chính là muốn “buông tay”, “hoang mang” và “tuyệt vọng” trên “những con đường cứ mịt mờ đích đến” (Bài ca mưa). Để cuối cùng cái chết hiện lên rõ mồn một, có thể cảm thấy (“lạnh toát”) và nhìn thấy (“trương phình”) được (Trận cảm cúm và sự im lặng). Nghe được và cảm nhận được cả cái “Nhịp chết” đang tiến về gần. Chậm. Chậm. Bập - biêng. Bập - biêng (Nhịp chết). Đầy sức sống như dã quỳ cũng rã rời rũ rượi, vàng như dã quỳ cũng thét gào đau đớn câm lặng (Nơi ngày đông gió thổi). Trên con đường đi ấy, nhiều loài hoa đã chết. Và trong cuộc nhân sinh, nhiều người đã chết. Chết trong tư thế phủ phục, đau đớn, oan khiên: Trong tư thế quỳ. Đầu gối chạm sát đất (Nơi ngày đông gió thổi).

Trường ca Nơi ngày đông gió thổi, Nxb Hội Nhà văn năm 2022.

Đó! “Con đường mà nụ hoa phải đi” của “người đàn bà tên Thúy” đầy rẫy những bất trắc, âu lo, cô độc và đau đớn. Nhưng con đường thơ của “người đàn bà tên Thúy” ấy, từ bước khởi đầu Cùng đi qua mùa hạ (2005), đến Nơi ngày đông gió thổi (2022) lại không đưa con người vào tuyệt vọng, bởi người đàn bà gốc Huế ấy đã nắm được quy trình nở của một bông hoa, quy luật sống của kiếp con người. Đó là: hoa tất sẽ “nở bung” để thoát khỏi “bóng tối”, tự khẳng định mình.

Và… nở bung chính là đích của con đường ấy  

Đó là “con đường phải đi” chứ hoàn toàn không phải “đường đi”! Hoa muốn đến kỳ “nở bung”, người muốn vươn tới đích, tất phải trải những ngày tháng ủ mầm từ “hạt cây” cùng cái giá phải trả để “nuôi giữ một tình yêu” (Những lao xao trong gió). Cho nên, tất cả phải biết “chờ đợi” vì “sự chờ đợi” sẽ “tràn ngập” và “nung nóng tất thảy”: “bụi đất chờ đợi”, “cỏ cây chờ đợi”, “lòng người chờ đợi”, “hạt giống chờ đợi”, kể cả đợi chờ từ những bào tử của các loài nấm từ mùa trước lửng lơ đâu đó chờ đợi (Chuyện tháng tư). Tất cả chờ đợi “cơn mưa đầu mùa”, và phải tiếp tục đợi chờ vì bản thân Cơn mưa đầu mùa luôn vật vã như người đàn bà sinh con so chuyển dạ (Chuyện tháng tư). Để “trả giá cho những giọt mật” khi “mùa bướm” đến, người phải “rờn rợn” khi nhìn ra vườn, suối phải khô cạn, hoa phải “cúi mặt”, và tất cả phải “tả tơi”: Tất thảy những bông hoa đều cúi mặt/ Cái giá phải trả cho những giọt mật/ Là tất thảy tả tơi (Mùa bướm). Chính vì hiểu được sự gian nan, gập ghềnh đầy truông dốc trên con đường đi tới, nên nơi “xứ sở bụi mù trời” ấy, Thúy đã gửi niềm tin của mình vào “tiếng chuông” giáo đường “vui vẻ, réo rắt ngân vang trong trẻo” cùng hi vọng nó sẽ làm vỡ toang bầu trời dày đặc mây,… rót xuống mặt đất ướt át lạnh lẽo những tia nắng ấm để có một mùa đẹp nhất trong năm (Những ban mai không có mặt trời). Từ cái màu trắng tả tơi, rũ rượi, tang chế, vượt qua tất cả, hoa sẽ hóa sinh, nở “bung từng chùm” trắng đẹp, dịu dàng để cho con người tỏa sáng “nụ cười” xinh tươi đến “mê hoặc, diệu kỳ, ngây ngất”: Dâng lên dâng lên bung từng chùm/ Trắng như áo lụa/ Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười/ Không nói tỏa hương mà nói là mê hoặc/ Không nói đẹp mà nói là kỳ diệu/ Không nói ngắm nhìn mà nói là ngất ngây (Trong mùa tưới rẫy).

Lúc đó, khu vườn sẽ rộn rã tiếng cười, ngập tràn sức sống vào “ngày nắng mới sau mưa”, “thách thức” tất cả để làm tất cả tỏa hương (Rơi như là giọt nước). Lúc đó, ta mới chợt ngộ ra rằng: Sự cứu rỗi của cà phê không chỉ ở trong trái chín. Trong từng giọt sậm thơm lừng mỗi sáng, mà sự cứu rỗi ấy phải khởi lên từ “mùa tưới”, “mùa hoa”, mùi “đất đai nồng nã”; trong cả những ngọn gió hoang, vượt trùng trùng xa ngái, tìm đến với người (Hoa trắng tháng Hai).

Ta mới hiểu, tâm trạng của cây lá “chờ mưa” như thế nào, người Tây Nguyên trông mưa đến nhường nào, và họ vui sướng vì đường về cơn mưa tràn ngập/ hả hê chảy trôi, hả hê nuốt từng giọt ấm (Một vị trí buổi chiều) để mang đến sự nẩy mầm và sinh trổ (Chờ mưa). Lúc đó, những vòng quay tuần hoàn sinh trưởng sẽ khép lại dần, “một niềm tin” xuất hiện dù mùa thu hoạch thành công còn xa ngái phía chân trời (Có thể là bình yên). Và mưa vẫn tiếp tục rơi, dù “rơi trong tang thương” hay “lạnh dần nỗi nhớ”, “rơi tha thiết cho cây cỏ nẩy mầm xanh” để nhận ra, chính cái chết hóa sinh thành sự sống mới, Hạt cây chỉ thật sự chết đi khi đã được nẩy mầm (Rồi lạnh dần nỗi nhớ).

Sau cơn mưa, mặt trời hiện lên “rực rỡ dịu ngọt” làm con người “choáng ngợp”, “ngất ngây say” như thể “rượu vang” vì ngày đẹp đã bắt đầu,…âm thanh cuộc sống đang dâng ngập trái tim (Và như thế chúng mình hiện hữu). Khi “con đường nụ hoa phải đi” cùng người về đến đích, ta nhận ra tất cả đều là “búp nõn”, là thành quả ban đầu. Và bốn mùa trong năm đều có thể sinh sôi chứ không phải chỉ mùa xuân (Nơi ngày đông gió thổi). Lúc đó, chúng ta không còn “ngây thơ” trước những thử thách đến tưởng chừng tuyệt vọng, mà “chúng ta đều hiểu điều gì đang đến”. Đó là “mùa hoa cuối… đẹp đến ngẩn ngơ… và tươi trẻ hoài hoài”:

Ôi mùa hoa cuối.

Những mùa hoa luôn đẹp đến ngơ ngẩn.

Luôn ngắn ngủi.

Và tươi trẻ hoài hoài.

(Nơi ngày đông gió thổi)

Một vài cảm nhận ban đầu

Hiểu được “con đường nụ hoa phải đi” của thơ Đinh Thị Như Thúy, ta mới hiểu vì sao bài thơ đầu tiên “Ý nghĩ ban mai” của tập thơ đầu tiên Cùng đi qua mùa hạ (2005) với Rã rượi xác quỳnh đêm qua vừa nở, và câu cuối cùng trong bài cuối cùng “Người đàn bà không giấc ngủ” là Dẫu giấc ngủ sẽ thôi không về nữa/ Mỗi ban mai vẫn vàng rực mặt trời. Ta mới hiểu tại sao bài thơ đầu tiên “Một ví dụ về vòng quay mùa hè” của tập thơ thứ hai Phía bên kia cây cầu (2007) với trạng thái chán chường, “ngột ngạt” và bài thơ cuối cùng của tập lại có tên gọi rất lạc quan là “có cơn bão không đi vào đất liền”. Ta mới hiểu nguyên nhân vì sao bài thơ đầu tiên của tập thơ Ngày linh hương nở sáng (2011) có tên “Cõi ảo” với tất cả sự “tù túng”,“không lối thoát” lại có câu kết là “để thoát khỏi bóng tối nở bung là con đường nụ hoa phải đi” và bài thơ cuối cùng được lấy làm tên chung cho cả tập thơ với câu kết là “Ngày linh hương nở sáng khu vườn”. Ta cũng hiểu vì sao bài thơ đầu tiên của tập thơ Trong những lời yêu thương (2017) có tên “Không phải ai cũng có thể tồn tại sau khi rơi xuống” với tất cả sự “thương xót” cùng “cảm giác một mình luôn thường trực” và bài thơ cuối cùng lại mang tên “Tất cả những điều đó đâu ngăn cản chúng ta cảm thấy hạnh phúc”. Và ta càng hiểu, vì sao khi mở đầu trường ca Nơi ngày đông gió thổi (2010 - 2022) với những cơn “gió mang hơi lạnh chảy tràn trề” và kết thúc trường ca bằng đoạn thơ: Nàng nghĩ: Kỳ diệu thay cho màu hoa ấy. Xuyên qua giá lạnh để dâng lên. Không quyền lực nào ngăn trở ràng buộc được...

Theo tâm sự của Thúy thì trường ca Nơi ngày đông gió thổi được viết xong vào năm 2010, nhưng đến năm 2022 mới xuất bản. Dẫu sao thì một văn bản văn học khi được xuất bản và được người đọc tiếp nhận mới trở thành một tác phẩm đúng nghĩa. Hơn nữa, xét về thể loại, đây lại là tập trường ca đầu tiên sau 4 tập thơ, mà đã là một trường ca thì nó phải mang tính trọn vẹn của cấu trúc tác phẩm từ mở đầu đến kết thúc. Vì thế, tôi xin được phép đi theo con đường trình tự thời gian tác phẩm được công bố (như trên) mà không theo thời gian sáng tác của tác giả. Tất nhiên, con đường đi ấy trong thơ Thúy không phải lúc nào cũng suôn sẻ theo đúng quy trình. Khi thì nó đến đích trong chỉ một bài thơ; có khi kết thúc bài thơ (một đoạn đường) rồi, nó đột nhiên dừng lại để bâng khuâng tìm hướng mới; khi thì nó đến đích ở những bài, những câu cuối cùng trong một tập thơ; và có khi là cả một chặng đường thơ. Nhưng với 5 tập thơ đang có, đây chỉ mới là một chặng để dừng lại, nghĩ suy rồi bước tiếp, dù ai cũng biết, trên chặng đường đã đi qua, Đinh Thị Như Thúy đã khẳng định được vị trí của mình trong thơ ca đương đại, gặt hái rất nhiều thành công bằng những giải thưởng uy tín đã được trao tặng. Điều này cũng giúp ta lý giải được vì sao bài thơ “Đêm luôn thừa thổn thức” được viết mới nhất (ngày 9/5/2017) trong 5 tập thơ, tác giả không đặt ở cuối tập mà chỉ đặt ở ngay trước bài thơ cuối tập có tên “Tất cả những điều đó đâu ngăn cản chúng ta cảm thấy hạnh phúc” (viết năm 2010). Nghĩa là, tác giả rất có chủ ý về con đường đi của thơ mình, trong cấu trúc chung của các tập thơ. Và với “Đêm luôn thừa thổn thức”, chúng ta vững tin rằng, con đường thơ của Thúy sẽ tiếp tục còn trăn trở, “thổn thức”, vượt qua “Những ban mai không có mặt trời” cùng “Cái chết của những bông hoa” để “trái tim lên tiếng” (Mùa xuân náo động). “Và trái tim lên tiếng” chính là chặng đường bước tiếp trên phần đường còn lại của chính nàng.

*

Có thể nói rằng: Độ sâu thâm trầm triết lý của dòng chảy Hương giang (vùng đất cố đô quê quán) hợp lưu cùng hơi thở hiện đại của những chiếc cầu bắc qua Sông Hàn (nơi thành phố nàng đang sống và công tác) rồi tan hòa trong những ám ảnh Tây Nguyên (nơi nàng gắn bó cả một quãng thanh xuân rực rỡ), thực sự đã làm nên một phong cách thơ riêng biệt, độc đáo trong khu vườn thơ rậm rạp của nữ thi sĩ họ Đinh. Sức chinh phục của thơ Đinh Thị Như Thúy chính là sự vô tư bày tỏ, y hệt loài “dã quỳ tồn tại như một dâng hiến không cần lý do”  “Nở bung là con đường nụ hoa phải đi”!

M.B.A

TÁC PHẨM TRÍCH DẪN:

  1. Cùng đi qua mùa hạ, (Tập thơ), Nxb Văn nghệ, 2005.
  2. Phía bên kia cây cầu(Tập thơ), Nxb Phụ nữ, 2007.
  3. Ngày linh hương nở sáng(Tập thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2011.
  4. Trong những lời yêu thương (Tập thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2017.
  5. Nơi ngày đông gió thổi(Trường ca), Nxb Hội Nhà văn, 2022.