Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy

04.05.2018

Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy

Phải đặt tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy trong bối cảnh văn chương hôm nay mới có thể tiếp nhận nó ở một phương diện quan trọng khác - căn cốt văn hóa của nghệ thuật ngôn từ.

 

Quan sát đời sống văn chương Việt Nam chúng ta dễ nhận thấy một thực tế rất đáng quan tâm - đó là sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng và lịch sử trên văn đàn đương đại. Vì sao? Câu hỏi này không khó trả lời. Có thể vì con người hôm nay rất nhiều băn khoăn, trăn trở về lẽ sống, về các bậc thang giá trị sống, về đạo làm người, về đức tin… Nhưng thời hiện tại chưa thể giúp con người tìm câu trả lời. Phải chăng cần thiết “ôn cố tri tân”? Phải chăng có thể tìm ra cái “chìa khóa” từ trong quá khứ nhằm giải đáp cho những câu hỏi thuộc về nhân cách và xử thế trong đời sống hôm nay? Viết về chiến tranh hay lịch sử bây giờ cũng đều nhằm trả lời cho những câu hỏi của hiện tại. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi trong mấy năm gần đây nhiều tác phẩm được giải thưởng văn học trong nước và khu vực đều thuộc về đề tài chiến tranh và lịch sử. Một vài dẫn chứng chúng tôi nêu ở đây nhằm soi tỏ thực tiễn sáng tác văn chương: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2014; Giải thưởng văn học Đông Nam Á, 2015), Mưa đỏ của Chu Lai (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016)… Đây là các cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh thành công trong mấy năm gần đây. Bổ sung cho niềm lạc quan có cơ sở về dòng tiểu thuyết chiến tranh vẫn còn thịnh vượng là sự xuất hiện Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy. Một tác phẩm mới liệu có đem lại cho độc giả hôm nay vốn rất thông minh, nhưng khó tính và thậm chí đôi khi… đỏng đảnh một hấp lực mới, một sự níu kéo mới bởi vì nếu không họ sẽ ngả về phía văn hóa nghe - nhìn vốn nhẹ nhõm, thuần giải trí, xong là quên. Bây giờ không thể viết về chiến tranh theo kiểu ùng oàng súng đạn, ta thắng địch thua. Chiến tranh không phải trò đùa. Cũng không phải “khi đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”. Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm nên cần phải viết về nó như thế nào trong nhu cầu tinh thần thời đại hôm nay? Nhà văn xác định mục tiêu viết rất rõ: “Cuộc chiến đã lùi rất xa rồi. Ngày hôm nay chúng ta đang tìm cách tạm khép lại những tàn dư của hận thù để hòa hợp dân tộc. Trong khi dọn dẹp đống tro tàn của chiến tranh để lại, ta bỗng hiểu ra rằng, thực ra chúng ta không khác nhau nhiều như vẫn tưởng” (Mấy lời đầu sách). Phải nói ngay, Khuất Quang Thụy không phải là người phát kiến ra tư tưởng này. Nhưng ông có cách viết độc đáo. Truyền thống dân tộc ta đã khắc ghi từ nhiều đời “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Văn học đương đại Việt Nam cũng đã có những ví dụ sinh động thể hiện bằng ngôn từ nghệ thuật tư tưởng này như Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Ở đất kẻ thù của Lê Lan Anh đến Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần…

 

Đỉnh cao hoang vắng kể một câu chuyện trong chiến tranh, nó không quá hi hữu nhưng cũng không hề phổ biến. Nữ y sĩ quân Giải phóng Vân trong một lần tải thương bị phục kích. Chị bị địch bắt sống và ép làm theo mệnh lệnh của nhóm tàn binh ngụy. Nhóm này chỉ có hai người: đại úy lính dù Nguyễn Lang và trung sĩ Điết (người dân tộc thiểu số). Tình huống giàu tính kịch. Bọn địch không giết tù binh Vân vì cô là y sĩ. Đại úy Nguyễn Lang bị thương trong cuộc đào thoát khỏi trại giam của quân Giải phóng đang rất cần có người chăm sóc y tế. Ba người đành tạm thời nương tựa vào nhau cùng tồn tại. Hơn một năm trời họ lưu lạc trong đại ngàn Trường Sơn. Môtíp cốt truyện, như nhiều người nhận xét, có tính chất và dư vị “chuyện đường rừng”. Tác giả rất mạnh tay khai thác và thể hiện tình huống giàu xung đột và kịch tính này. Hơn ba trăm ngày sống kề cạnh nhau, hai nam một nữ mà không hề xảy ra chuyện đụng độ thuộc về giới tính, bản năng. Đại úy Nguyễn Lang và trung sĩ Điết có phải là “thần thánh” hay đã hóa gỗ đá? Không! Họ là những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng vì sao họ trở nên đứng đắn trước một cô gái hơn hai mươi tuổi, trẻ trung và không thể nói là không xinh đẹp, hấp dẫn như Vân? Có hai lí do để cho hai bên có thể điều hòa mâu thuẫn, cùng tồn tại, cùng tìm lối thoát cho mình. Về phía “bên kia” thì đại úy Nguyễn Lang là một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa được đào tạo bài bản. Anh có lương tri của con người. Sau này anh chết vì chính đạn bom của không lực Hoa Kì (ném nhầm, bắn nhầm) chứ không phải của phía Giải phóng. Anh chết trong sự oan khuất của một người lính tận tụy nhưng lại bị chính cái đế chế mình phục vụ sát hại. Chính anh chủ động thả Vân được tự do (anh nói với Vân: “Tôi muốn một cuộc chia tay trong hòa bình”). Hơn ba mươi năm sau gặp lại Điết (bây giờ đã là một thường dân, làm việc trong tổ bảo vệ rừng), Vân đã nói về Nguyễn Lang: “Ông ấy là người tốt… và là một người trọng danh dự”. Và sau bao nhiêu ngày tháng trải nghiệm chiến tranh bên cạnh hai người thuộc phía bên kia, Vân cảm nhận được: “Nền văn hóa nào thì sự tinh túy của nó vẫn là sự tử tế giữa con người với con người”. Khi còn trẻ, chính người sĩ quan tương lai Nguyễn Lang đã nhận thức được về cộng sản chỉ là: “Sự khác biệt về văn hóa... chứ không thấy có bao nhiêu lòng hận thù”. Anh ta không thuộc số người xăm thích lên trên cơ thể mình những câu như “sát cộng phục thù” hay “đụng Sư đoàn 320 Bắc cộng đánh tới chết”. Về phía “bên này”, Vân như là một đại diện “thách đấu” với hai người đàn ông khác chiến tuyến. Vân có cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng khi tạm thời hợp tác với Nguyễn Lang và Điết. Trước hết là để tồn tại, để bảo vệ mình, để có ngày trở về. Rõ ràng đây là tư tưởng đúng đắn: Đấu tranh là để sống chứ không phải để chết. Ngay cả khi Vân bày mưu cho Điết lẻn vào các bãi khách ở các trạm giao liên của ta để “trộm” lương thực, thuốc men thì cô cũng đã phải cân nhắc rất nhiều. Như thế có là phản bội đồng đội, đồng chí của mình? Và điều khó khăn nhất với Vân là: “Nếu nay mai có cơ hội trở về với đồng chí đồng đội thì chưa chắc cô đã đủ dũng cảm để nói ra sự thật. Bởi vì cái sự thật ấy không hề dễ hiểu với những ai chưa từng nếm trải những khắc nghiệt và kì lạ như cô đã trải qua”. Sau này khi được trở về trong vòng tay đồng đội, đồng chí Vân đã phải đóng kịch một thời gian dài như là một người mất trí nhớ vì bị chấn thương, sang chấn thần kinh (làm thế để khỏi phải trả lời những câu hỏi rất khó trả lời). Thậm chí hơn một năm bị quăng quật trong đại ngàn cô đã bị mất đi dấu hiệu của người phụ nữ có khả năng sinh nở. Sau chiến tranh, cô rơi vào nỗi cô đơn không chồng con. Đó mới là hậu quả chiến tranh nặng nề và dai dẳng nhất với người phụ nữ này. Vượt lên trên tất cả mất mát đau thương, bù lại Vân có được một trải nghiệm văn hóa không dễ gì ai cũng có được.

 

Có thể nói, Đỉnh cao hoang vắng đã tạo nên được ám ảnh nghệ thuật cùng với thời gian nhờ vào câu chuyện hi hữu mà nhân vật Vân đã trải qua. Ở đây có môtíp “lạc rừng” về văn hóa. Có nghĩa là, trong một tình huống nào đó ta đi ra khỏi thung thổ văn hóa quen thuộc để tiếp xúc với một văn hóa khác. Cuộc tiếp xúc văn hóa nào rồi cũng đem lại kết quả đổi thay trong nhận thức và hành động. Đọc Đỉnh cao hoang vắng tôi chợt nhớ lại một ý của ngài Lester Peason (cựu Thủ tướng Canada, nhà văn, giải Nobel văn chương 1957): “Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên, khi mà các nền văn minh khác nhau phải học cách cùng sống trong hòa bình, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của nhau; cùng nhau làm phong phú thêm cái vốn của những nền văn minh khác nhau. Đi ngược lại, thế giới nhỏ bé chật chội này chỉ còn lại sự hiểu lầm, căng thẳng, va chạm và thảm họa… Một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm an toàn nhất chống lại chiến tranh thế giới”.

 

Đỉnh cao hoang vắng bề ngoài là một tiểu thuyết chiến tranh. Tất nhiên. Nhưng, theo tôi, đặt trong bối cảnh văn chương hôm nay nó lại nghiêng về thế sự - đời tư, chiến tranh chỉ là cái đường viền mà thôi. Bởi vì những trang viết trực diện về chiến tranh đậm đặc mùi thuốc súng và vô cùng ác liệt (Phần thứ hai - Đạo hùng binh, 160 trang) lại không “bắt mắt” độc giả bằng những phần còn lại (hơn 200 trang) về số phận ba nhân vật chính. “Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về nhân dân, về đất nước. Những người lính ngã xuống hoặc để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường, đều không bị lãng quên”. Đó là xác tín của nhà văn lúc đặt bút viết Đỉnh cao hoang vắng. Nhưng với tư cách một độc giả, tôi nghĩ, đó là chiến thắng của văn hóa. Là bởi ứng xử được xem như một trong ba nòng cốt của phạm trù văn hóa (giá trị - bản sắc - ứng xử). Văn chương là nhịp cầu văn hóa, qua con đường thẩm mĩ, nối kết những người luôn luôn tri nhận được chân lí “hận thù làm đời người ngắn lại”.

Bùi Việt Thắng
(nhavantphcm.com.vn)