Thừa ra một người - tập truyện Văn Thành Lê
Văn Thành Lê (tên thật là Lê Văn Thành), sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp khoa Sinh học, trường Đại hoc Sư phạm Huế. Hiện đang sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Những tác phẩm đã xuất bản: Hình như là tình yêu, Con gái tuổi Dần, Trạm điện thoại ở thiên đường, Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Không biết đâu mà lần, Châu lục thứ bảy, Ngày xưa chưa xa… Tập truyện Thừa ra một người (Nxb Trẻ, 2016) gồm 16 truyện ngắn được viết gần đây nhất của tác giả Văn Thành Lê. Nội dung phong phú, đề cập tới nhiều đề tài bằng lối viết dí dỏm, trẻ trung nhưng thừa chất sâu cay và châm biếm.
Những ảo hoặc đắng đót
Nhân vật chính trong đa số truyện ngắn của Thừa ra một người là… “chuẩn men” (điều đó thể hiện rất rõ ràng qua tính “mê gái” và những dục vọng tiềm ẩn đối với giới tính còn lại). Khác chăng, những anh chàng “chuẩn men” này có não bộ sở hữu “cầu chì tự ngắt” khi thi thoảng lại “được” (hay “bị”?) “thoát li” hiện thực.
Như nhân vật “hắn” ở viện X. trong Giấc mơ bị đánh cắp, sau khi bị mấy cuốn tiểu luận ở nhà viện trưởng có độ dày bằng viên gạch và phủ đầy bụi, đã xuất hiện con mắt thứ ba sau gáy. Khổ nỗi, con mắt ấy lại thấy những thứ không nên thấy và những hình ảnh trần trụi gấp mấy lần hình ảnh con mắt thường mang lại khiến hắn rước thêm nhiều hoang mang, bất an và… suýt mất mạng. Con mắt tinh đời, con mắt trông được sáu cõi ư? Cứ thử sở hữu một lần như nhân vật hắn đi. Nhìn thấu ngổn ngang của đời đi! Lợi hại diễn ra không hẳn như điều đã từng nghĩ.
Hay như nhân vật anh trong Người canh sương, được cô gái canh sương thuần khiết (tất nhiên là mát lạnh) dẫn dắt đi qua xứ sở mù sương. Đọc hết truyện, người đọc vỡ lẽ rằng, nhân vật anh đã ở dạng thức thân trung ấm. Chuyến đi của anh là chuyến đi của Thanh Lọc, Nhận Dạng, vượt qua Mê Hoặc, nếm quả Ghi Nhận… Đi trong “ảo” nhưng lại để nhận thức được lí lẽ sống của đời mình trong hiện thực.
Một điều dễ nhận thấy khác, đa phần những nhân vật trong tập truyện không có tên riêng, chỉ là “hắn”, là “gã”, là “anh”… đại để như thể là… bất cứ ai trong chúng ta vậy. Suy cho cùng, trong bất cứ chúng ta, ít nhiều gì thì cũng sẽ gặp những chuyện như “hắn”, như “anh”, như “gã”… Nhưng gặp nhiều nhất là “cô độc”.
Nhân vật của Văn Thành Lê “cô độc”. Là “cô độc” chứ không phải “cô đơn”. Cô độc là khi xung quanh vẫn nháo nhác tiếng người, khi bản thân vẫn hàng ngày tương tác với thế giới nhưng cảm giác chỉ mình hiểu được lòng mình, thấy mình khác lạ với mọi người, nhận ra “trong tôi có một ta xa lạ”… và dĩ nhiên, tất cả những điều đó, là “độc quyền sở hữu”. Nhân vật Văn Thành Lê mâu thuẫn vì như vừa hứng thú với sự cô độc đó, lại vừa như sợ hãi, muốn trốn chạy nó… Đại diện rõ ràng cho sự cô độc đó, chính là nhân vật “nàng” trong truyện ngắn Thừa ra một người.
Thằng tôi không ưa đường thẳng
Cách tiếp cận và thể hiện hàng loạt đề tài bằng lối viết như “treo ngược cảm giác” chính là văn phong đậm chất “thằng tôi không ưa đường thẳng” của Văn Thành Lê. Có sự đánh đố và lắt léo trong câu chữ; có nét ngạo ngược, kiêu hãnh ngấm ngầm trong câu văn. Nếu là người “nghiêm túc quá mức” và không ưa tếu táo, e rằng khó có “thiện cảm” với Thừa ra một người.
Thừa ra một người chạm tới nhiều đề tài (đa số những đề tài đã được cày xới rất nhiều) nhưng vẫn tạo được sức hút riêng biệt nhờ vào cái kiểu viết “treo ngược cảm giác”, lối tiếp cận lạ, kỹ thuật đan xen khéo léo giữa huyền ảo và hiện thực.
So với tập truyện ngắn trước đây, gần nhất là Biết tới khi nào mưa thôi rơi thì tập truyện Thừa ra một người “chất” hơn, tính văn học cũng dày dặn hơn. Có kế thừa chăng là cái chất “(nhân vật) phong phú, sắc nét nhưng phần lớn là phản diện, đê tiện, thô lậu. Những cảnh đời trong truyện của Văn Thành Lê thực tế, sống động nhưng trần trụi và dữ dằn quá. Những lập luận, lý lẽ trong văn của Văn Thành Lê độc đáo, sâu sắc nhưng cay nghiệt quá”( Bùi Đế Yên).
Mỹ Ngọc
(Văn Nghệ Trẻ)