Hồn Hồ Ly là tiểu thuyết của Trần Nhựt Thanh Vân - nhà văn Pháp gốc Việt. Tác phẩm là một câu chuyện trinh thám hấp dẫn, có phần rùng rợn, bi thương với bối cảnh nước Nam thế kỷ 17.
Vụ án...
"Thịt hơi ôi một tí, chắc chắn rồi, cùng với tuổi tác nó cũng đã đượm mùi vị khá đặc trưng, không phải là không biến một kẻ sành sỏi như ta thấy hơi phật ý. Bù lại, máu vẫn còn chảy êm ái trong cổ họng. Đã quá no nê nên ta không thể ăn nốt bàn tay phải của bà Song cũng như bàn chân trái của bà Sậy. Vì thế, ta tặng cho các ngươi làm quà. Ký tên: Kẻ Sành Ăn".
Đi kèm với bức thư trên là một bàn tay, bàn chân bị chặt rất ngọt. Địa chỉ của nó là phủ quan Hoài Phố, nơi các nha lại bận bịu với trò tổ tôm hơn là tra án. Vụ việc năm nay cũng giống với vụ việc năm trước, vẫn một cái tên quen thuộc là Kẻ Sành Ăn, vẫn một bàn tay bàn chân gói buộc cẩn thận. Năm ngoái là tay chân của bốn đứa trẻ con, năm nay đầu tiên là tay chân của hai bà già tên Song, Sậy. Vậy Kẻ Sành Ăn là ai nơi Hoài Phố?
Trước khi đi vào vụ án chính chúng ta cần biết Hoài Phố là tên gọi cũ của thành phố Hội An ngày nay. Khung cảnh của cuốn tiểu thuyết Hồn hồ ly của nhà văn Trần Nhựt Thanh Vân là nước Nam thế kỷ 17, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Tác giả sinh năm 1962 tại Huế, năm 1968 sang Mỹ rồi sang Pháp vào năm 1971. Năm 1999, bà cùng em gái viết loạt tiểu thuyết trinh thám lấy bối cảnh Việt Nam, nhân vật chính là quan Tân.
Quan Tân, nhân vật chính của Hồn hồ ly cùng bạn thân là Định đến Hoài Phố trong một cuộc đi chơi Bắc - Nam và bị mắc kẹt lại đây. Định bị bắt giam, chờ chém vì tội giết, hiếp bà Mận, chủ cao lâu Nguyệt Hồng. Quan Tân chỉ có năm ngày để minh oan cho bạn trước khi viên quan Châu cai quản tắc trách, bị thịt trở về từ Phú Xuân.
Quan Tân điều tra về các mối quan hệ của bà Mận với gia đình (Như với người con trai tên Phi, chuyên trấn tiền người nghèo ở chợ, nợ nần rất nhiều. Ông Thọ, anh ruột bà Mận, vốn là võ quan chuyển sang làm cố vấn cho các hội nghành nghề trong phố; cùng người cháu ruột tên Cảnh làm ở phủ quan và cháu dâu người Nhật tên Kitsune. Hai vợ chồng Cảnh và Kitsune lấy nhau lâu rồi mà không có con. Trước khi chết vài ngày bà Mận có tham dự một bữa tiệc tại nhà anh trai để kỷ niệm một năm ngày mở tiệm. Số vốn lớn dùng để mở tiệm năm ngoái vẫn chưa rõ nguồn gốc từ đâu).
Đi kèm với việc minh oan cho Định là những đầu mối đan xen về vụ án Kẻ Sành Ăn; khi mà thêm một bàn tay, bàn chân của hai bà già tên Cát và Ngọc được gửi đến phủ quan, vẫn cùng bức thư đi kèm.
"Mặc dù hai mụ già này rất mảnh khảnh, nhưng ta vẫn không ăn được hết. Phải nói rằng lâu nay ta chỉ ăn thịt các mụ già còm cõi. Thịt rão nên khó tiêu hóa và có thể gây chướng bụng. Để tránh nguy cơ mắc bệnh lỵ, ta tặng các ngươi bàn tay của bà Ngọc và bàn chân của bà Cát. Ký tên: Kẻ Sành Ăn".
Nhưng bên cạnh việc mất tích của bốn đứa trẻ năm ngoài và bốn bà già năm nay còn là sự mất tích của sư bà Tịnh Tâm mới ở Cao Miên về vì chiến tranh. Và một người tưởng mất tích khác là họa sĩ tên Kim, nay đột nhiên xuất hiện với bức thư nhận giết bà chủ cao lâu Nguyệt Hồng.
"Mụ già Mận xảo quyệt đã nhận được điều đáng hải nhận. Chết ngạt dưới những tội lỗi của chính mình, đó là kết cục xứng đáng với một mụ già tham lam và bất nhân. Đáng tiếc là ta không thể chứng kiến cảnh mụ ta hấp hối. Ký tên: Kim".
Vậy Kẻ Sành Ăn là ai trong số nhân vật trên đây? Ông Thọ, Phi, Cảnh, Kitsune, Kim. Và có thể là cả bà Mận nữa vì năm ngoái bà ta đâu đã chết. Kẻ Sành Ăn rất có thể là một người, hai người hoặc nhóm người.
Phá án...
Quan Tân lao vào điều tra. Anh biết được nguyên nhân gây ra cái chết của bà Mận là từ một loại chất độc Ấn Độ làm từ ruột cừu đựng máu bò sấy khô. Khi ăn phải đồ ăn có chứa bột này sẽ không chết ngay mà chết sau đó vài ngày.
Vậy bà Mận chết do thức ăn từ bữa tiệc của nhà ông anh trai. Kitsune chuẩn bị bữa ăn đó, là đồng phạm. Kẻ thực sự lên âm mưu giết bà Mận chính là Cảnh, người cháu ruột. Từ đây sẽ mở ra một câu chuyện về Kẻ Sành Ăn năm ngoái. (Khi mà Kẻ Sành Ăn năm ngoài và năm nay là hai người khác nhau. Quan Tân phát hiện ra điều này nhờ nét chữ trên bức thư của hai năm gửi kèm chân tay khác nhau).
Vì bà Mận cùng con trai Phi chính là kẻ đã giết người tình đồng tính của anh ta là họa sĩ Kim rồi dàn cảnh đổ cho Kẻ Sành Ăn. Những bàn tay bàn chân gửi đến thực ra là từ cùng một thân người (chứ không phải bốn người). Cảnh nhận ra ngay những bàn tay, bàn chân ấy là từ người mình yêu thương.Nhưng tại sao Cảnh lại giết cô mình?
Năm ngoái nhờ bán bốn đứa trẻ cho thuyền buôn nước ngoài, giết Kim, chặt chân tay gửi đến hai lần, mà bà Mận có một số vốn lớn làm ăn, tránh được sự truy tìm bốn đứa trẻ kia vì ai cũng nghĩ chúng bị ăn thịt rồi.
Năm nay, bà Mận bị giết, người dùng để chặt tay chân gửi đến hai lần, thế chỗ cho bốn bà Song, Sậy, Ngọc, Cát là sư bà Tịnh Tâm. Cả họa sĩ Kim và sư bà đều có điểm chung là không có gia đình, người thân. Người mạo danh Kim gửi thư nhận về cái chết của bà Mận là Cảnh.
Kitsune và Cảnh không có con, vì Cảnh đồng tính. Kitsune không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, vì nó sẽ làm cô biến dạng khuôn mặt. Kitsune rất yêu Cảnh, hai con quái vật ấy liên kết với nhau, kéo dài, tạo thêm tình tiết cho vụ án chấn động Hoài Phố mang tên Kẻ Sành Ăn.
Cuốn tiểu thuyết Hồn hồ ly kết thúc với chuyến trở về Bắc của Tân và Định. Vụ án giết bà Mận và vụ án Kẻ Sành Ăn đã được phá. Nhưng vẫn còn đó những câu hỏi cho người đọc khi đọc xong cuốn sách. Liệu trong mỗi hồn người chúng ta hôm nay có con hồ ly nào đang lẩn khuất?Bốn đứa trẻ gầy gò bị tiểu đường năm ngoái và bốn bà già năm nay được đưa lên thuyền buôn Bồ Đào Nha. Từ cảng Hoài Phố, vượt biển, họ là món hàng hời bán cho các thầy thuốc Trung Hoa tại Ma Cao. Để từ nước tiểu của họ người ta tiến hành chưng cất, thu một loại khoáng chữa bệnh vô sinh và nâng cao hoạt động tình dục cho nam giới.