Cuộc người của Đặng Cương Lăng
Cho đến nay, đầu năm 2018, nhà thơ Đặng Cương Lăng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã cho ra mắt bạn đọc 11 tập thơ trong vòng 9 năm kể từ năm 2009 đến năm 2017.
Năm 2016, tôi được nhà thơ Đặng Cương Lăng tín nhiệm mời làm công việc tuyển chọn 8 tập thơ trước đó của anh thành tập thơ “Dấu ấn”, sách dày dặn 300 trang, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành vào tháng 9 năm đó.
Sau “Dấu ấn” - tập thơ thứ 9 là tập thơ thứ 10 “Giọt đời” in vào cuối năm 2016. Và bây giờ là tập thứ 11 “Cuộc người” mực còn tươi nguyên, hoàn thành cuối tháng 12 năm 2017, hôm nay ra mắt tại Nhà sách Cá Chép 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Đó thực sự là một niềm vui đối với tôi, vì tôi thấy nhà thơ Đặng Cương Lăng vẫn giữ vững được nhịp độ sáng tạo thơ khoẻ khoắn và mạnh mẽ, nhất là từ sau khi nghỉ hưu, ngỡ tưởng anh chuyển hướng “chầm chậm tới mình”, nhưng anh vẫn “ma-ra-tông”, minh chứng cho một tâm hồn mê say thi ca tha thiết.
Có thể nói một cách khái quát về thơ Đặng Cương Lăng như sau: 8 tập thơ khai mở một đời thơ - một nghiệp thơ trước năm 2016 đọng thành một “Dấu ấn”, để rồi từ “Dấu ấn”chắt vắt nên những “Giọt đời”, rồi từ “Giọt đời” kết tinh chảy xuống thành “Cuộc người”hôm nay. Một ý đồ sáng tạo, một ý đồ nghệ thuật như thế, tôi nghĩ rất đáng trân trọng, không thể xem thường!
Ở tập thơ “Cuộc người” này, theo tôi, Đặng Cương Lăng vẫn đang có sự phát triển và bứt phá. Thơ anh ngắn hơn, súc tích hơn; giảm nhiều dàn trải, dài dòng; cảm nghiệm, thấu nhận nhiều hơn; chú ý nhiều hơn đến tính cô đọng và hàm súc. 50 bài thơ được anh chọn đưa vào tập “Cuộc người” lần này là một minh chứng có sức thuyết phục, khẳng định điều đó.
Dưới đây, tôi xin nêu ba bài thơ cụ thể đầu, cuối và giữa tập.
Bài “Cuộc người 1” là bài mở đầu tập, chỉ vỏn vẹn có hai câu Lục bát được vắt thành tám dòng:
Đi vướng núi
về vướng sông
bao nhiêu giăng mắc
có - không... đêm - ngày
Đi vướng đá
về vướng cây
ta bị bủa vây
đó đây cuộc người.
Ở đây, không chỉ có cảm nghiệm, thấu nhận mà còn có cả lật xoay, xoay trở, day dứt và tự vấn theo nhịp tâm tưởng, trằn trọc, lần tìm để bừng thức sáng tỏ.
Bài “Cuộc người 2” là bài kết thúc tập thơ - bài thứ 50 gồm tám dòng, cắt thành ba khúc đoạn:
Tết đến sau lưng
Ông Vải thì mừng
Con cháu thì lo...
Chẳng lo Tết đến sau lưng
Chỉ lo lửa cháy không ngừng sau ta
Phù du mọi kiếp ấy mà
Chưa bốn chín đã năm ba đến rồi
Cuộc người là cuộc người ơi!
Ở bài này, sự day trở tăng lên, trong đó có sự phấp phỏng, thấp thỏm và pha chút bất cẩn. Đó chính là “Cuộc người” đặt ra trước tâm thức nhà thơ.
Hai bài thơ trên gần như quán xuyến cả tập, thể hiện rõ ý tưởng “Cuộc người”. Bởi “cuộc”khác với “hội”. “Hội” là vui chơi, đàn đúm, vui vẻ, thân thiện và có thể xả láng. Còn “cuộc” thì khác hẳn, đã cuộc là hơn thua, được mất, giành giật, tranh đoạt và tỷ thí. Nếu “hội” là niềm vui, thì “cuộc” là nỗi đau - nỗi đau người, nỗi đau đời, nỗi đau kiếp người, như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”.
Tôi cho rằng hai bài thơ trên của nhà thơ Đặng Cương Lăng là hai bài thơ thiên về lý. Hai bài này có thể thấy rõ ý tứ sâu, nhưng chữ thì hơi khô, nói thẳng tuột, may được thể thơ Lục bát cứu lại. Nói như Viên Mai - đời Thanh Trung Hoa: Ý tứ là ông chủ, còn ngôn ngữ như đầy tớ. Một khi đã không có ông chủ thì lũ đầy tớ có ăn mặc đẹp, diêm dúa cũng chẳng có nghĩa lý gì. Đó là thơ trọng lý.
Bài thứ ba ở giữa sách, bài “Ta còn nợ Huế một đêm” là bài nghiêng về tình:
Ta còn nợ Huế một đêm
Trăng non núi Ngự, nước mềm sông Hương
Đêm Vĩ Dạ lỡ độ đường
Về Văn Lâu thấy nhớ thương ngô đồng
Ngô đồng buồn vương mênh mông
Ai đi? Ai ở? Giữa dòng không yên
Ta còn nợ Huế một đêm...
Bài thơ nổi rõ chất tình, dào dạt, âm vọng, mênh mông và cổ kính.
Trên đây là mấy cảm nhận của tôi về tập thơ “Cuộc người” của nhà thơ Đặng Cương Lăng. Từ cảm nhận này, tôi xin nêu hai nhận xét, có thể coi là đánh giá riêng của cá nhân.
Một là, về nghệ thuật tập thơ, tôi thấy nhà thơ Chế Lan Viên đã rất có lý khi ông cho rằng: Thơ có hai cái vực, đó là vực ý và vực nhạc. Nếu thơ rơi vào vực nhạc thì dễ thánh thót, du dương, ngân nga, dễ làm đắm say lòng người, nhưng dễ nông cạn, thậm chí hời hợt. Nếu rơi vào vực ý thì thơ sẽ sâu, nhưng dễ khô, thiếu xanh non, tươi tốt. Cho nên thơ hay là thơ nên đứng giáp ranh giữa hai cái vực đó, giữ thăng bằng giữa hai vực đó như giữ thăng bằng đôi cánh của thi ca, không nên nghiêng hay chặt đứt một cánh nào. Với sự nhận chân như thế, qua tập thơ “Cuộc người” tôi thấy nhà thơ Đặng Cương Lăng cần có sự cân chỉnh lại cho thăng bằng giữa hai vực ý và nhạc như nhà thơ họ Chế đã chỉ ra.
Hai là, về tư tưởng nghệ thuật, tức là giá trị tư tưởng của tác phẩm, ở đây cũng có hai vấn đề: Tình và lý. Nếu nghiêng lệch về lý thì dễ nhẹ về tình, tức cảm xúc giảm, hồn thơ yểu, thiếu ngân nga, ít dư âm. Nếu nghiêng lệch về tình thì dễ nhẹ lý, tức khô khan, không sâu. Mà thơ thì cảm là hàng đầu, trong đó có cả cảm nhận, cảm thức, cảm nghiệm, chứ không phải là khô cứng, áp đặt. Cho nên thơ phải chú trọng cả tình và lý, chuyên chú vào con người thì mới tạo được sự đồng cảm và sẻ chia, có được tri ân, tri kỷ. Như vậy thơ mới có dư ba, dư âm. Nói như vua Tự Đức là: “Thi nhân một nòi huyễn ảnh/ Dư âm sen trắng nở người”. Hay như nhà thơ Thu Bồn đã viết: “Mai ngày về với Cửu Long/ Chảy hoài rồi nước sẽ trong như người”. Ở tập thơ “Cuộc người” này, tôi thấy nhà thơ Đặng Cương Lăng cần cân chỉnh lại giữa tình và lý cho phù hợp. Nếu được như vậy, thì nhà thơ Đặng Cương Lăng sẽ có thể men theo giữa hai khu vực lạ và quen của thơ, tiếp tục đưa thơ mình tiến lên một bước mới, để có nhiều bài thơ hay hơn. Cuộc bứt phá của anh sau “Cuộc người” phải chăng sẽ là như vậy?
Với tình cảm đồng hương Hà Nam, tôi xin chúc mừng “Cuộc người”, chúc mừng nhà thơ Đặng Cương Lăng. Xin gửi tới anh hy vọng và sự chờ đợi.
Phố Vương Thừa Vũ - Hà Nội
4 giờ sáng ngày 17-1-2018
Quang Hoài
(nhavantphcm.com.vn)