Cuộc sống người trưởng thành bận rộn, vội vã… tuổi thơ dần bị lãng quên, để rồi đôi lần giật mình về miền ký ức ngày hôm qua, tuổi thơ như mây trời đã bay đi mãi không trở lại, chỉ còn niềm nhớ khắc khoải khôn nguôi.
“Trẻ con rồi cũng lớn lên
Đứa nào đứa ấy mênh mông những buồn”
(Mùa về trên ngói - Hồ Minh Thông)
Ai sinh ra đều có cho mình một bầu trời tuổi thơ. Mỗi khi cuộc sống quá mệt mỏi với hiện tại thì tuổi thơ luôn là nơi tìm về. Những ký ức ấy như nhựa sống xoa dịu mất mát, mệt mỏi, cũng là nguồn năng lượng để vượt qua khó khăn.
Mùa về trên ngói là bức tranh bình yên mà tác giả Hồ Minh Thông vẽ ra chỉ với những câu chữ mềm mại nhưng đủ để chạm đến nơi sâu thẳm tâm hồn.
Đó là buổi chiều ngồi ngắm làn khói bếp chầm chậm bay lên trời, là dưới ánh hoàng hôn có tiếng sáo diều du dương, đàn bò gặm cỏ, trẻ con chơi con quay…
Hay đơn giản chỉ là sau những tháng ngày bôn ba xứ người, trở về ta vẫn thấy dáng mẹ đứng trước ngõ đợi mình. Xuyên suốt tác phẩm Mùa về trên ngói là hình ảnh thân quen, dung dị, đầy an yên của một thời tuổi thơ khốn khó.
Xa thời ấu thơ tươi đẹp, mỗi lúc nhớ lại lòng ta chợt bâng khuâng. Khi trưởng thành rồi, những phút giây nói cười dường như ngắn lại mà nỗi cô đơn cứ ngày một đong đầy. Ta chợt nhận ra để rũ bỏ sự cô độc, chỉ có cách duy nhất là mở rộng lòng mình. Bởi sự cô độc xuất phát từ chính trái tim yêu thương mãnh liệt.Đôi khi giữa những buổi chiều không hình dạng ta nhớ về cảm giác được nhấm nháp cây kẹo bột, yêu món kẹo kéo tuổi thơ nhưng luôn thòm thèm vì không có tiền để mua. Sau này khi đã trưởng thành, kinh tế vững vàng nhưng ta chẳng thể mua lại cảm giác ngọt ngào của những chiếc kẹo bột năm đó.
“Rồi đến một ngày khi tôi mê đắm ngắm nhìn nụ cười trẻ thơ, ánh mắt trong veo lấp lánh, bàn tay ấm áp bình yên của người bạn đời, tôi bỗng thấy niềm cô độc kia tựa như con thuyền lơ đãng buông lơi mái chèo cô độc giữa dòng sông...” (Trích Cội nguồn của sự cô độc).
Đối với trẻ con những ngày Tết luôn là khoảng thời gian được mong ngóng nhất năm. Tết mang một màu sắc hoàn toàn khác với tháng ngày ảm đạm khác trong năm, khi mà được mua quần áo mới, tiền lì xì rủng rỉnh túi và ăn thỏa thích những món bánh kẹo xanh đỏ và đặc biệt cảm giác luộc bánh chưng.
Mùa trôi trên quang gánh của tác giả Hương Thị là tập tuyển văn góp nhặt những ký ức tuổi thơ dung dị, trong trẻo như vậy, để mỗi người đều tìm thấy tuổi thơ mình trong từng câu chữ.
“Sáng 29, khi hàng xóm đã xào nấu tưng bừng, bà mới ngả lá, đỗ, gạo, thịt ra sân gói bánh… Lũ trẻ háo hức nhất vẫn là màn gói bánh chưng con nhiều thịt, nhiều đỗ hơn hẳn các bánh khác mà chỉ có một tí gạo thôi. Từng chùm, từng chùm được đánh dấu riêng cho mỗi đứa xếp lên trên cùng của chiếc nồi đồng vừa được anh cả bắc lên ở góc vườn”. (Trích Tết xưa thơ bé)
Tết đối với người lớn luôn là nỗi lo toan, bộn bề nhưng với lũ trẻ thì lại là thiên đường rất khác. Tết đến “...chúng tôi được ăn thả phanh, ngủ thả cửa, chơi tha hồ, chẳng vui gì bằng vui Tết no đủ”.
Hay: “Tết chẳng những được nghỉ học, được ăn ngon, được chơi bời thỏa thích, Tết còn là lúc người lớn quanh năm ky kiệt và cau có bỗng chốc trở nên hào phóng, phát vốn cho những đứa trẻ với hy vọng năm sau làm ăn tốt hơn năm trước”.
Hoặc, một chút buồn khi thấy hương vị Tết ngày nay đã phôi pha: “Tết xưa kéo dài hơn Tết nay. Người ta đi chúc nhau nhiều hơn, chuyện trò với nhau cũng nhiều hơn...” (Trích Cồn cào nhớ tết xưa).
Tuổi thơ, chúng ta ai mà chẳng một lần theo lũ bạn, nghịch ngợm trốn ngủ để cùng nhau đi đâu đó chơi những trò của con nít: “Hầu như đứa trẻ nào cũng trốn ngủ trưa, trừ khi không trốn được, đành chịu. Thành thử những buổi chiều thú vị lại là những trưa vừa chơi bời thỏa thích vừa nghe ngóng tiếng mẹ quát đâu đó” (Trích Những buổi trưa hè).
Mùa cứ vậy trôi dần trên đôi quang gánh, tuổi thơ cũng trôi đi như đám mây trời rất xanh. Đôi lần giữa phố phường tấp nập nhìn chị gánh hàng rong ngang qua, “…Gánh mận xanh xanh đỏ đỏ, gánh mơ vàng ươm như tôi vừa nhìn thấy chắc chắn đầu xuân, cuối hạ.
Gánh bánh trôi, bánh chay thể nào cũng là tết hàn thực mùng ba tháng ba. Mùa hè là gánh mít, gánh xoài. Quãng tháng tám đầu thu thì chắc chắn là gánh cốm xanh non và lá sen bánh tẻ…”.
Ngày bé ước rằng lớn lên con sẽ đi năm châu bốn bể, đến khi trở về bỗng khóc òa vì đến những con đường quê mình dường như ta chưa từng đi hết.Những đôi quang gánh mang hết các mùa trong năm, mùa trôi trong từng trang sách, ngang qua cả giấc mơ của mỗi chúng ta. Trong mỗi giấc mơ ấy ai ai cũng tìm cho mình Những lối về ấu thơ để tìm lại những giấc mơ dang dở.
Trong Những lối về ấu thơ - tập tản văn được viết bởi vợ chồng nhà văn Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy có đoạn: “Một lần ba tôi bảo rằng cứ theo đường này đi về phía Tây mãi sẽ gặp núi. Đi về phía Đông mãi là gặp biển. Tôi gật gù nói lớn lên con sẽ đi hết con đường này, từ biển đến núi. Ấy vậy mà tôi chưa đi trọn con đường quê mình để đến núi và đến biển - thì đã vội rẽ theo đường quốc lộ để đi xa… Có phải vì vậy mà những con đường ấy cứ theo tôi mãi…” (Trích Những lối về ấu thơ).
(news.zing.vn)