Con chim joong bay từ A đến Z

29.11.2017

Con chim joong bay từ A đến Z

Đọc xong cuốn sách mới của nhà văn Đỗ Tiến Thụy, tôi vẫn nghĩ hiện thực Việt Nam là một hiện thực kỳ ảo cho bất cứ nhà văn nào muốn đụng đến.

 

Con chim joong là chim gì? Như trong truyện này, có vẻ là một con vẹt hiểu và nói được tiếng người. Nó là con vẹt nhưng nó không nhai lại tiếng người một cách máy móc. Nhưng đã có những con người sống nhai lại tiếng người khác mà nghĩ là mình tự chủ được.

 

Tiểu thuyết bắt đầu với con chim được biếu một ông tướng về hưu, một vị hào kiệt thời chiến tranh, nay về vui thú điền viên, viết sách tổng kết lý luận chiến đấu và hăng hái góp ý xây dựng nhà nước. Có thể câu chuyện đã bắt đầu từ một chữ A to, chữ A viết hoa theo nghĩa rất đại tự sự. Nó được nhìn ở góc nhìn của con chim và ông tướng, như kiểu một người cần vụ và một vị lãnh đạo, mà bên dưới vị này có người con rể làm thứ trưởng vốn là cấp dưới, con gái nay đã là một “sếp nhớn” không thể điển hình hơn, và một thằng cháu học ở Mỹ về cũng rất điển hình... Mở ra như thế, có vẻ công thức, có vẻ dàn trận quy ước.

 

Nhưng rồi sang B, C, D... câu chuyện bắt đầu dích dắc, như đường bay phải lựa gió. Nó dập dềnh với quá khứ, với sự chết chóc kinh hoàng, với những cuộc đụng độ chiến tranh. Có thể nói những trang viết về chiến trận ở đây “cực chất”, chỉ người đã tìm hiểu rất kỹ các vấn đề kỹ thuật chiến cuộc mới thấm thế. Đỗ Tiến Thụy tìm được một cái giọng kể có chút giễu nhại tưng tửng, lại hơi khề khà, nhưng nằm dưới đó là nỗi thương xót, nỗi đau nghẹt khi gỡ dần các lớp màn che phủ.

 

Nhưng câu chuyện quá khứ chỉ là một cái cớ, rồi con chim - một biểu tượng nam tính được bổ sung bằng khẩu súng đại liên - một biểu tượng nam tính tàn bạo khác. Nó xoay trục từ những kẻ thù chiến tranh sang những kẻ thù của xã hội hiện đại, tàn phá không chỉ môi cảnh mà còn tế bào xã hội. Ông tướng gục ngã khi phát hiện ra mình chỉ là một lá bài của con cháu, ông thứ trưởng không muốn làm bộ trưởng nhưng vợ con đã dàn trận, và hệ thống đã quy hoạch “vì anh là ứng cử viên ít khuyết điểm nhất”, hay những nhân vật mỏng hơn, như người đồng đội dũng mãnh ngày nào giờ cúc cung tận tụy cho cái ác...

 

Văn của Đỗ Tiến Thụy có một độ mê mải với những nét nghịch dị, đôi khi hơi lạm dụng các tính từ phương ngữ Bắc Bộ hiếm, nhưng đa phần rất chính xác như bắn súng ba viên đạn thật trúng tâm, dưới giọng kể của cây súng đại liên Mỹ. Tôi cũng thích câu chuyện từ phía con chim, nhưng dưới mắt khẩu súng, nó có khả năng xoay chuyển bất ngờ hơn, và đụng chạm nhiều vấn đề mà ở một cây bút khác chắc đã né tránh. Đỗ Tiến Thụy dám viết, dám dùng những hình ảnh, những tình huống, những câu chữ găn gắt. Chúng ta cần những cuốn như thế để nhìn cuộc sống đáng kể hơn, không xam xám, không trơ tráo, không đóng những vai quan tòa hay “đại sứ thiện chí”...

 

“Đỗ Tiến Thụy dám viết, dám dùng những hình ảnh, tình huống, câu chữ găn gắt. Chúng ta cần những cuốn sách như thế để nhìn cuộc sống đáng kể hơn, không xam xám, không trơ tráo, không đóng vai quan tòa hay “đại sứ thiện chí”...”

 Nguyễn Trương Quý
(nhavantphcm.com.vn)