'Những người đàn ông không có đàn bà': Ám ảnh và mất mát

12.10.2015

'Những người đàn ông không có đàn bà': Ám ảnh và mất mát

Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn người Nhật Haruki Murakami phát hành vào năm 2014, vừa được dịch và ra mắt tại Việt Nam.

Cuốn sách này tập hợp 6 truyện ngắn gồm Drive My Car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino và Samsa đang yêu. Những tác phẩm này được viết rải rác trong giai đoạn từ năm 2013 đến đầu năm 2015, hầu hết đều đã được đăng tải trên tạp chí The New Yorker.

Với văn phong bình thản, dung dị, tỉnh táo mà cũng đầy chiều sâu, Murakami một lần nữa chinh phục được độc giả Việt và thế giới với những câu chuyện đầy sức hút và ám ảnh của mình. Dù năm nay Murakami lại thêm một lần tuột tay khỏi giải Nobel, nhưng với nhiều độc giả, Mukarami đã trở thành tác giả Nobel thực thụ của riêng họ.

Cái đẹp của sự mất mát

Năm 1985, Murakami có viết một truyện ngắn đăng tải trênThe New Yorker có tên Con voi biến mất. Truyện ngắn này xoay quanh việc một chú voi ở sở thú bỗng dưng biến mất không tăm tích. Cả thành phố náo loạn, mỗi người suy luận một kiểu nhưng rốt cuộc không ai tìm ra nguyên nhân. Trong khi những dấu hỏi đặt ra vẫn còn bỏ lửng thì câu chuyện đột ngột dừng lại, để lại trong lòng độc giả hàng vạn thắc mắc và những khoảng trống không cách gì lấp đầy.

Truyện ngắn đó sau này được Murakami dùng làm tên của tuyển tập mà ông phát hành vào năm 1993, nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người hâm mộ. Trong tác phẩm này, dùng sự biến mất hay mất mát làm tiền đề, Murakami đã định hình được phong cách kỳ ảo và mông lung trong văn phong của chính mình và giữ mãi cho đến sau này.

Trong 6 truyện ngắn của Những người đàn ông không có đàn bà, độc giả sẽ lại tiếp tục cảm nhận cái đẹp của sự mất mát thông qua những chi tiết biến mất đột ngột. Một con mèo đi hoàng, một người bạn thình lình cắt liên lạc, một phụ nữ bỏ đi… Sự bất ngờ và ngạc nhiên liên tục được Murakami tung ra trong những trang văn bình dị mà giản đơn. Mỗi câu chuyện trong sách đều vô cùng đơn giản, đọc qua cứ tưởng là vô thưởng vô phạt nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Như trong Drive My Car, tác giả dành khá nhiều thời lượng đầu truyện để diễn tả dài dòng quan điểm của nhân vật chính về việc “phụ nữ lái xe”, một kiểu biện luận xã hội có phần hơi khô cứng như các bài báo chính luận. Nhưng ngay sau khi kết thúc đoạn này, Murakami đã khéo léo dẫn nhập vào câu chuyện về mối quan hệ giữa nhân vật chính và Misaki, để rồi từ đó đan xen nhiều tình tiết nối liên tục vào nhau như một mắt xích vững chắc thu hút độc giả.

Hay như Kino, truyện ngắn này như một cuốn nhật ký ghi chép những mẩu chuyện vụn vặt, bình thường trong cuộc sống của nhân vật chính. Những lời kể lể tưởng như vô thưởng vô phạt ấy trông có vẻ không liên quan đến nhau nhưng khi kết thúc, người xem bỗng dưng sẽ thấy được mối liên kết lạ lùng mà trước đó mình không hề để ý.

Dĩ nhiên, còn một đặc điểm khác rất đặc trưng của Murakami mà các truyện ngắn này cũng không nằm trong ngoại lệ, đó chính là sự kỳ ảo và những cái kết lửng lơ. Cách kể chuyện của Murakami khiến người đọc có cảm giác như một sự ve vuốt nhẹ nhàng, lúc chậm rãi khi dồn dập nhưng chưa bao giờ thô bạo hay dữ dội để đẩy cảm xúc lên đến cao trào.

Murakami khiến người hâm mộ của thể loại truyện kịch tính thấy bứt rứt vì lối văn lửng lơ, bay bổng nhưng những ai vốn hoài cổ và chuộng sự cũ kỹ, nhẹ nhàng sẽ có cảm giác rất thích thú. Còn chất kỳ ảo trong 6 truyện ngắn này dù đã được tiết chế (để đảm bảo hơi thở đương đại và đô thị xuyên suốt quyển sách) nhưng bất cứ độc giả trung thành và tinh ý nào cũng có thể nhận ra phong cách đó trong các tác phẩm như Kino, Samsa đang yêu hay Cơ quan độc lập.

Khép quyển sách lại, độc giả của Những người đàn ông không có đàn bà sẽ có cảm giác như vừa đi qua một con phố nhộn nhịp, đông đúc người nhưng kỳ thực lại chất chứa toàn những linh hồn cô đơn. Nhân vật chính trong truyện của Murakami bao giờ cũng lặng lẽ, thích quan sát người khác, thích nghe hơn thích nói, thích cam chịu hơn nổi loạn, thích chậm rãi hơn nhanh nhảu, và bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình.

Cách xây dựng tình tiết và nội dung của nhà văn người Nhật này đã giúp khán giả có sự đồng cảm tối đa với những câu chuyện được kể ra. Và kỳ thực dù có thích hay không cái kết của bất cứ truyện ngắn nào trong đây, người ta vẫn không thể phủ nhận rằng cách khép lại lửng lơ của Murakami bao giờ cũng gây ám ảnh khôn nguôi. Không phải là ám ảnh một ngày, hay ngày, một năm, hai năm, mà có khi là ám ảnh cả đời người…

Tuyết Tùng
(baomoi.com)