Chất lính trong Lửa còn cháy mãi

20.12.2019

Chất lính trong Lửa còn cháy mãi

Lửa còn cháy mãi (NXB Hội Nhà văn, năm 2015), tập hồi ký bằng thơ của một người lính trong chiến tranh và người lính trong đời thường. Không cố tình làm thơ, người lính ấy, anh Trương Đăng Lân cứ viết ra những cảm xúc thường ngày mà đời lính trải qua. Những câu thơ dường như được cất lên để trang trải sự sống đầy ắp những ngỡ ngàng qua thời gian...

Cầm tập thơ anh tặng với những dòng chữ trân quý. Tôi không đọc mà ngâm để ngân nga theo làn điệu dân ca quan họ quê anh. Con đường ra trận bài thơ đầu tập, như tuyên ngôn của thế hệ anh, những chàng trai trẻ mười tám, đôi mươi, xếp bút nghiên xông pha ra trận với tâm thế tin vào chiến thắng: Vinh quang thay/Ta đi giữa đoàn quân/Ngày hôm nay của những người ra trận… Bước chân đi làm vẹt dốc Trường Sơn/Khát vọng một bài ca chiến thắng.  

 
Chỉ có người lính mới thấy hết quý giá của một khoảnh khắc bình yên giữa chiến trường trong cánh rừng: Suốt ngày cây đứng đưa nôi/Hiếm hoi phút nghỉ, ngủ ngồi cũng ngon (Bài thơ ở rừng). Tôi đọc bài thơ Hương Sả mà lòng trào lên nghèn nghẹn, mẫu tử tình thâm. Hương Sả từ vườn mẹ thuở nào theo suốt tuổi thơ nghịch ngợm, đến thành người chiến sĩ trải qua bao cơn sốt rét rừng: Loại hương không phải từ hoa/Không sắc gọi bướm ong xa bay về/Không cần chút nắng mùa hè/Mà sao ấm mãi con đi tháng ngày. Hương Sả ấy là kỷ niệm tuổi thơ mẹ dành cho con, là vị thuốc tiên: Hương theo con mỗi đoạn đường/Nâng cho con dậy sau cơn sốt chiều. 

Anh trải lòng mình bằng những chiêm nghiệm, nói bằng thơ, bộc bạch tâm tình những gì diễn ra trong hành quân, chiến đấu. Tôi thích 2 bài Chuyển cứ, Đến cứ mới sao mà tinh tế, lãng mạn và lạc quan: Lính cơ quan thích tăng gia/Cõng thêm nào chó, nào gà về nuôi/Chỉ thương mấy chú heo thôi/Phải cột chân lại theo người hành quân. Hay một tứ thơ mang tính phát hiện độc đáo trong bài Tổ anh nuôi: Tổ anh nuôi/Có ba người/Mỗi người ở mỗi miền đất nước/Cùng một chiếc thìa múc canh/Mỗi người kêu mỗi khác/Anh Hà Bắc kêu thìa/Anh Sài Gòn kêu muỗng/Anh Nghệ An giọng nghe ngường ngượng/Kêu muôi. Song tất cả đều chung một ý chí: Khi Tổ Quốc thân yêu vẫn còn bóng giặc/Khi tiếng gọi quê hương không thể ngồi yên được/Từ ba miền đất nước xa xôi/Các anh chung một lời: “Có mặt!” 

Đất nước hòa bình thống nhất, người lính trở về. Ngày xưa xếp bút nghiên, sau chiến thắng rời tay súng trở lại ngôi trường để dệt lại những ước mơ. Cảm nhận từ chính mình, từ đồng đội, từ những hy sinh mất mát, từ hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh. Giọng thơ lúc trào lên, lúc trầm lại - nụ cười - nước mắt: Vẫn bộ quân phục màu xanh, vẫn nước da khói lửa/Vẫn tiếng cười bao kỷ niệm mang theo và Có anh nén trong lòng nỗi thương đau/Tay phải mất rồi, nửa tuổi đời bắt đầu tập viết/Có anh bắn B40 quá nhiều bây giờ thành điếc/Phải đưa lên ngồi bàn đầu (Lớp tôi).

Hiện thực và hoài niệm, anh gửi cả tâm tình dạt dào về những vùng đất mới, làng quê cũ, chiến trường xưa, về thành phố, về những đồng đội, những con người gian lao vất vả trong cuộc sống sau chiến tranh. Tất cả lắng đọng miền cảm xúc ấy. Từ ngồn ngộn chất đời đã cháy lên ngọn lửa và với Trương Đăng Lân, lửa của người lính còn cháy mãi.

Thanh Hiếu
(sggp.org.vn)