Trận đấu trí kỳ lạ của Phan Bội Châu
Khó có quyển hồi ký nào của các danh nhân lại viết hay hơn cuốn "Hồi ký - thẩm vấn" này, một thể loại văn học kỳ dị...
Tôi đang đọc quyển sách khá dày in 2.000 câu hỏi của Tòa Đề hình Pháp (thực dân) buộc nhà yêu nước Phan Bội Châu phải trả lời. Đó là quyển "Vụ án Phan Bội Châu năm 1925 - hồ sơ thẩm vấn" (NXB Thanh Niên), Nguyễn Phương Ngọc sao chụp từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (C.A.O.M) tại Pháp; Đào Hùng, Đặng Công Toại dịch; Chương Thâu hiệu đính và giới thiệu.
Theo những người sưu tầm và dịch thuật văn bản thẩm vấn này thì thực dân Pháp đã kỳ công chuẩn bị cho cuộc hỏi cung người tù Phan Bội Châu và Hội đồng Xét xử của Tòa Đề hình đã làm việc ròng rã từ ngày 29-8-1925 đến ngày 9-11-1925, đề ra 1.997 câu hỏi để hằng ngày, vào buổi sáng và buổi chiều, liên tục thẩm vấn Phan Bội Châu với đầy đủ hồ sơ án cứ do Sở Mật thám và Sở Toàn quyền Đông Dương cung cấp.
Cụ Phan đã trả lời toàn bộ những câu hỏi này, những câu thẩm vấn được hỏi với giọng khá lịch sự nhưng ẩn phía sau là những cú gài bẫy, lắt léo, áp đặt, vu khống, đe dọa, độc ác... Những câu hỏi dài ngắn khác nhau này có thể khiến một người bình thường đối diện với nó rất dễ bị choáng, rất dễ lộ ra những mâu thuẫn trong những câu trả lời, dù những mâu thuẫn ấy chỉ là do bất ổn tâm lý. Điều đó chứng tỏ những người thẩm vấn rất chuyên nghiệp, rất có nghề và họ biết mình đang đối diện với ai.
Nhưng kỳ lạ thay, cứ qua từng câu trả lời, qua nhiều ngày trả lời, chân dung nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu cứ bình thản hiện lên với sức thu hút khó cưỡng nổi. Tôi nghĩ khó có quyển hồi ký nào của các danh nhân lại viết hay hơn cuốn "Hồi ký - thẩm vấn" này, một thể loại văn học kỳ dị, một tác phẩm văn học mà tác giả đầu tiên là những tay mật thám, những tay chuyên hỏi cung, những kẻ quan tòa, những gã thực dân lão luyện quen đối phó với những người yêu nước. Và nhân vật chủ chốt là nhà yêu nước Phan Bội Châu lại bị buộc phải "viết" lên một tác phẩm dài tới hơn 600 trang giấy in khổ 16x24 cm - một tác phẩm đầy số phận, đầy phức tạp với bao nhiêu là tên tuổi những người dính líu vào công cuộc hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu.
Tôi đã thực sự hồi hộp khi đọc những câu hỏi và những câu trả lời, phần vì căm ghét những người thẩm vấn phần vì lo cho cụ Phan. Nhưng tôi đã trải qua những chuyển biến cảm xúc liên tục mà vẫn đầy hứng khởi khi theo dõi trận đấu có một không hai này, trận đấu giữa một đội "ngoại hạng" với đầy đủ đội hình thi đấu và một đội chỉ có một đấu thủ duy nhất đối đầu. Thế hóa ra đây là một trận đấu theo kiểu "đánh hội đồng" giữa một nhóm côn đồ khoác áo pháp luật với một người yêu nước bị cho là tội phạm, trận đấu không một chút công bằng, không một chút fair-play đó sao?
Nhưng thật khó để đòi hỏi những kẻ thực dân Pháp phải "fair-play" với những người yêu nước Việt Nam như Phan Bội Châu. Yêu nước, nghĩa là phải biết chịu đựng. Cụ Phan hiểu sâu sắc điều đó và cụ đã chịu đựng cuộc thẩm vấn kinh người này mà mặt không biến sắc, tâm luôn tĩnh và thần luôn định. Những người hỏi cung quả thật có rất nhiều cách hỏi nhưng tựu trung họ chỉ muốn làm cho người bị buộc trả lời phải lúng túng, hoang mang, trả lời trước sau bất nhất, để họ khoét vào đó và từng bước đánh gục đối thủ, buộc phải khai thật hết mọi điều.
Cuộc thẩm vấn đã diễn ra trong tinh thần đó.
Đây là cuộc đấu trí kỳ lạ có thể đi vào lịch sử những cuộc thẩm vấn mang tầm thế giới bởi sức nặng của sự chuẩn bị hỏi cung, bởi sức nặng của câu chuyện hỏi cung và bởi sức nặng của nhân thân người bị hỏi cung. Đây cũng là cuộc đấu trí giữa những đại diện của thực dân Pháp với một người yêu nước tiêu biểu của Việt Nam, diễn ra khi thế và lực hai bên không tương đồng, nhưng kết quả lại không như ý muốn của những người chủ động thẩm vấn.
Lịch sử của thực dân Pháp ở Việt Nam là một cái gì quá ngao ngán cho Việt Nam, mà cũng rất ngao ngán cho nước Pháp. Sự "chậm hiểu" của thực dân Pháp (so với thực dân Anh chẳng hạn) là một nghịch lực đã kéo lùi sự phát triển của chính nước Pháp về mọi mặt. Việt Nam, dĩ nhiên là nạn nhân, nên chịu mọi bề cơ cực. Sự cơ cực ấy còn để lại những dấu ấn cho tới bây giờ.
Vì thế, càng yêu thương và cảm phục một người yêu nước vĩ đại như Phan Bội Châu, người đã lặn lội sang tận đất Nhật để tìm hiểu vì sao Nhật Bản có thể canh tân, có thể phú cường. Dĩ nhiên, ngay thời đó, cụ Phan đã chạm phải một thế lực tiền-phát-xít đang có cơ bành trướng ở Nhật, nên không thể tìm được tiếng nói chung với nhà cầm quyền Nhật Bản.
Với 2.000 câu hỏi, thực dân Pháp cũng không hiểu vì sao người Việt Nam lại yêu đất nước mình đến như vậy. Nói chung, những kẻ xâm lược Việt Nam đều bối rối với câu hỏi then chốt này, đến khi hiểu được câu trả lời thì mọi chuyện đã muộn với họ.
(nld.com.vn)