Sunhee xinh đẹp, là một họa sĩ với tâm hồn luôn chực lay động trước cái đẹp dù nhỏ nhoi nhất. Còn Jungkyu là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, người đáp ứng được tất cả những định nghĩa về vẻ đẹp mà bấy lâu Sunhee tìm kiếm nhưng chưa thể nắm bắt.
Hai con người ấy sớm xích lại gần nhau bởi tâm hồn đồng điệu, và bởi tình yêu đang len lỏi tìm lối nở bung.
Liệu họ có đến được với nhau? Dẫu người phụ nữ tân thời Sunhee góa chồng? Dù người thân đang sắp đặt cho Sunhee tái hôn với anh trai của Jungkyu? Kể cả Jungkyu chỉ hơn con trai của Sunhee vài ba tuổi?
Tình yêu vốn mãnh liệt tới mức có thể vượt qua mọi rào cản, định kiến và mọi thế lực để bừng nở. Nó có thể đưa những người trong cuộc thăng hoa cùng mọi cảm xúc, nhưng cũng sẵn sàng tra tấn ai đó từng phút từng giây.
Xã hội Hàn Quốc vào những năm 1930, dưới sự thống trị của lễ giáo Nhật Bản, không cho phép bất kỳ ai được phóng khoáng, trói buộc phụ nữ bằng những định kiến áp đặt.
Những nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn họ đã được tác giả Baek Shin Ae thể hiện chân thực và sinh động. Người đọc cảm thông cho nhân vật nữ chính, thương thay cho thiếu niên Jungkyu tuy chưa thật sự trưởng thành nhưng tính tình rất chín chắn khi cùng họ trải nghiệm từ rung động đầu đời của một chàng trai đến nỗi dằn vặt giữa con tim và lý trí của một phụ nữ đa đoan.
Đó là lý do giúp Hoàng hôn đỏ rực khẳng định giá trị trên văn đàn Hàn Quốc dẫu đến cuối tác phẩm, không một ai được tình yêu mỉm cười.
Đọc truyện, độc giả sẽ hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống, hiểu thêm về tính cách và tư tưởng con người của xứ sở Kim chi ở thế kỷ trước, và để hiểu vì sao tác phẩm lại mang tên Hoàng hôn đỏ rực.
Trong suốt thời gian đó, bà đã tham gia 2 câu lạc bộ vì cộng đồng là Hội phụ nữ và Đồng minh thanh niên phụ nữ. Không lâu sau, bà bị cảnh sát Nhật Bản phát hiện và bị đuổi việc. Tác giả Baek Shin Ae sinh ngày 19/5/1908 ở thành phố Yeongchen tỉnh Kyungsangbukdo, Hàn Quốc, trong một gia đình khá giả. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Daegu, Shin Ae trở thành giáo viên ở trường công lập Jain.
Quá chán nản, Baek Shin Ae di cư đến tỉnh Vladivostok, Nga. Năm 1929, bà sử dụng bút danh là Park Kye Hwa và xuất bản tác phẩm đầu tay My Mother (Mẹ của tôi), đánh dấu sự hiện diện trên văn đàn Hàn Quốc.
Chính vào thời điểm này, bà đã yêu một người đàn ông học ở khoa nghệ thuật tại một trường đại học Nhật Bản. Năm 1932 bà kết hôn nhưng li dị vài năm sau đó.
Từ năm 1934, Shin Ae tập trung hoàn toàn vào sáng tác văn học. Bà đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Năm 1939 bà qua đời vì lâm bệnh nặng .
Vào giai đoạn đầu của sự nghiệp sáng tác, những tác phẩm của Baek Shin Ae tập trung khắc họa cái nghèo túng của tầng lớp dưới đáy xã hội, nhưng đến giai đoạn sau bà lại quan tâm nhiều đến số phận phụ nữ trung lưu.
Kể từ tác phẩm My Mother (Mẹ của tôi) cho đến khi qua đời, bà trở thành nhà văn nữ tiên phong cho nữ quyền với 19 tiểu thuyết và tiểu luận, trong đó có một tác phẩm chưa được hoàn thành.
Baek Shin Ae đã lột tả nỗi tuyệt vọng của thuộc địa Joseon cũng như cuộc sống bất hạnh của phụ nữ trong xã hội thuộc địa đó. Các tác phẩm bà sáng tác được đánh giá là góp phần mở ra một chân trời mới cho văn học hiện thực Hàn Quốc.
Mai Phương
(news.zing.vn)