Một người thi sĩ nghèo và một con lừa mang tên Platero cùng nhau rong ruổi qua các làng mạc, ngắm nhìn những khung cảnh miền quê, những con người hiện ra đẹp đẽ dưới vẻ êm đềm của buổi bình minh, hoàng hôn, mùa xuân, mùa hè...
Mỗi đoạn nhỏ trong câu chuyện giống như một bản sonata rất êm ái. Bao nhiêu khung cảnh cứ chấp chới hiện ra trong từng tiếng nhạc vang lên du dương. Nỗi buồn hiện giữa khoảng trống ngôn từ, là nỗi buồn lặng lẽ khiến ta vừa run rẩy, vừa khơi gợi, vừa đắm đuối. Thưởng thức khung cảnh, hay thưởng thức chữ nghĩa của Jmenez cũng là điều dễ khiến ta sa vào cảm thức sầu muộn nức nở bởi sự đẹp đẽ và trong lành.
Mở bất kỳ trang sách nào của Con lừa và tôi, độc giả cũng dễ dàng tìm thấy những áng văn vô cùng đẹp đẽ.
“Từ ngôi làng lễ lạc với bầu trời sáng đỏ mơ hồ, những điệu nhạc nhịp ba réo rắt, hoài hương, nương theo cơn gió mát mà đến. Tháp chuông sừng sững, õng ẹo, tê tái, câm hơi, nghiêm nghị, trên một phiên trời lang thang, sắc tím, phớt xanh, vàng rơm... Đàng kia, đàng sau những kho gầy rượu tối ám của ngoại ô, mảnh trăng tà, vàng, ngái ngủ, vắt một mình trên sông”.
Cứ nương theo những dòng chữ êm đềm ấy, biết bao nhiêu điều vốn thường hay lướt qua cặp mắt vội vã của ta, đã hoàn toàn dừng lại, và lặng lẽ sáng lên.
Jmenez vốn là một nhà thơ nổi tiếng của Tây Ban Nha. Ông được tôn vinh như một bậc thầy của thế hệ các nhà thơ mới; trong sáng tác, ông từ bỏ cách viết cũ, hướng thơ ca đến sự cởi mở, trong sáng mang tính nghệ thuật thuần tuý.
Bản chất thơ ca trong con người Jmennez đã đem lại cho ông những bắt gặp tinh tế từ biết bao điều đơn giản, bé nhỏ trong đời sống. Lúc sinh thời Juan Ramón Jiménez vốn yêu nhạc cổ điển, và đặc biệt thường nghe bản giao hưởng Đồng quê và các sonata cho piano của Beethoven, bởi vậy, tâm tư ông rộng mở, êm đềm nhưng chất chưa biết bao bí ẩn.
Cũng giống như trong tác phẩm Con lừa và tôi, bí ẩn về tâm hồn của Platero và người thi sĩ đều được nhìn ngắm và khơi mở bằng những rung cảm vô vừa thơ ngây, vừa ngập ngừng, lại chất chứa biết bao lòng mến yêu.
Những cuộc chuyện trò giữa Platero và người thi sĩ thực chất là độc thoại của người thi sĩ, nhưng luôn đem đến cho độc giả cảm giác lặng lẽ của một mối tâm giao kỳ lạ giữa hai sinh vật khác biệt này. Đó là thứ tình cảm thuần khiết, là thứ lặng lẽ nhói lên những chia sẻ thơ mộng.
Độc giả theo bước hành trình của Platero và người thi sĩ sẽ đắm chìm trong cảm giác sầu muộn trước cái chết của Platero. Những đoạn văn thế này, “Nửa đêm, Platero chết. Chiếc bụng nhỏ bằng bông gòn phình trương như quả địa cầu, và bốn vó, cứng khựng, mất huyết, chổng lên trời, Bộ lông quăn trông giống như mái tóc bằng chỉ gai bị mối mọt thường xảy ra với mấy con búp bê cũ, khi có bàn tay lướt chạm vào thì mủn ra như một nỗi buồn tan tành thành bụi bặm”, khiến ta ngồi yên lặng mãi, giữa những trang sách, rồi cứ yên lặng mãi, nhìn lên bầu trời xa xôi.
Cũng giống như khi người thi sĩ ngẩn ngơ ngồi ngắm cái chuồng giờ đã im vắng của Platero, vào rất nhiều ngày sau nữa, chỉ còn khung cảnh lặng lẽ ấy, còn trái tim của khung cảnh đã hóa thành những bụi tro tan vào hư vô.
Tiếng người ấy cất lên từ trong thẳm sâu nỗi sầu nhớ của một tâm hồn buồn khổ “Ơi, Platero, nó đi, nói đi: người còn nhớ ta không?” Đó là âm vang của mất mát, của mong nhớ, của sầu muộn... và đáp lại là một cánh bướm trắng nhẹ nhàng đáp xuống những cánh hoa, và một nỗi buồn nhuộm đẫm không gian, thời gian.
Juan Ramon Jmenez thực sự đã viết một cuốn sách sầu muộn và lấp lánh những thơ mộng buồn bã, bằng một thứ văn chương thuần khiết, thanh tao, đã đánh thức trong lòng ta những rung động đẹp đẽ giữa đời sống mênh mang.