Có một cuốn truyện rất ngắn của một viên phi công mang biệt danh thân mật trong phi hành đoàn là “thiếu tá Saint-Ex” ra mắt năm 1943, và từ đó làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.
Nhiều tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, hoạt hình, kịch, ballet và opera được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết mỏng này. Đó là tiểu thuyết Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry.
Hoàng Tử Bé là một cuốn sách kỳ diệu, bởi chỉ một câu chuyện kể, với mỗi lứa tuổi khác nhau, tác phẩm mang đến những bài học khác nhau. Đọc Hoàng Tử Bé, có người rút ra được bài học về nghệ thuật sống, có người ngẫm ra các triết lý kinh doanh, lại có người suy nghĩ về sự vô thường của vạn vật, về bản chất của con người, những mối sa ngã và các tính xấu…
Và hôm nay, ta hãy ngồi thủ thỉ về những triết lí tình yêu trong cuốn truyện dành tặng một người lớn “ngày ông còn là một cậu bé”.
Hoàng Tử Bé đem lòng yêu một đóa hồng ở quê nhà - tiểu tinh cầu B612. Nàng tự nhận nàng là độc nhất trong giống loài mình. Các cô gái hay ôm sự tự mãn dễ thương như thế, và đó đồng thời là nỗi tự ti thầm kín cùng lòng kì vọng vào sự độc tôn trong trái tim người họ yêu.Với ta, người ấy chính là cả thế giới
Đặt chân tới Trái Đất, Hoàng Tử Bé ngỡ ngàng đứng trước một vườn hồng có tới hàng nghìn đóa hoa giống hệt bông hồng của cậu. Cậu đau khổ và cảm thấy bị lừa dối.
Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện với chú Cáo có bộ lông đỏ rực, loài vật của sự im lặng, một sự im lặng không rõ là tinh ranh hay thông thái, cậu hiểu ra rằng đóa hồng của cậu là duy nhất. Sự duy nhất của đóa hồng ấy là bởi nàng là bông hoa cậu yêu.
Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi. Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu.
Giống như cuộc chiến giữa cừu và hoa, là chuyện phù phiếm với viên phi công, nhưng là điều tối quan trọng với Hoàng Tử Bé; giống như mọi sự trên thế gian, kể cả tính mạng cậu bé (khi cậu mượn nọc độc của rắn để mong trút lại thân xác nặng nề mà trở về với bông hoa)… Tất cả, tất cả đều không quan trọng bằng sự tồn tại của một đóa hồng.
Cái cách mà Hoàng Tử Bé luôn hướng về ngôi sao của cậu - nơi có đóa hồng với bốn cái gai mỏng manh - khiến ta nhớ tới một bộ phim hoạt hình sản xuất năm 2009 của hãng Walt Disney: The Princess and the Frog.
Chú đom đóm Ray đem lòng yêu ngôi sao mà chú gọi là nàng Evangeline, một tình yêu ai cũng ngán ngẩm rằng vô vọng, nhưng rồi cuối cùng, bởi sự một lòng một dạ ấy, chú đom đóm cũng trở thành một ngôi sao.
Hình ảnh hai vì sao lấp lánh cạnh nhau làm ta liên tưởng đến “second star to the right” dẫn lối tới Neverland - vùng đất của những đứa trẻ không lớn. Kể ra, trong tình yêu, ai cũng là những đứa trẻ, hay phạm lỗi và cần được yêu thương.
Tình yêu được cảm nhận bằng trái tim
Cáo lông đỏ tiết lộ với Hoàng Tử Bé: “Đây, cái bí quyết của tớ. Rất giản dị thôi: Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy.”
Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác, bản năng đem tới kết quả tốt hơn sự phân tích bằng lí tính. Cái “nhiều khi” ấy đúng trong tình yêu. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định, để kết nối bản năng và lí trí.
Mặc những lý thuyết về việc tình yêu chỉ là bản năng từ thuở hồng hoang để con người gắn kết với nhau cùng chống kẻ thù, thú dữ, tình yêu vẫn là điều được loài người ngợi ca. Nếu không ngửi hoa và nhìn một ngôi sao thì chỉ là một cây nấm không hơn không kém, Hoàng Tử Bé đã giận dữ thốt lên như vậy. Tình yêu khiến thế giới của ta tốt đẹp hơn
Hoàng Tử Bé nói với viên phi công rằng cồn cát đẹp vì nó ẩn chứa nguồn nước, và các vì sao đẹp bởi trên một vì sao có một bông hồng. Nếu ai đó yêu một đoá hoa mọc lẫn giữa hàng triệu và hàng triệu vì sao, thì chỉ cần ngước nhìn các vì sao cũng đủ khiến người ấy thấy hạnh phúc.
“Khi một người yêu một đóa hoa, hoa ấy chỉ có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh sung sướng khi nhìn những ngôi sao.”
Tình yêu rất hiếm có, những thứ na ná tình yêu thì rất nhiều
Hoàng Tử Bé, thời còn ngụ trên tiểu tinh cầu B612, mỗi ngày đều thông muội ba ngọn núi lửa và nhổ những cây bao báp nhỏ. Hình tượng những cây bao báp khiến ta liên tưởng đến những thứ na ná tình yêu ta va phải hàng ngày, để đến được nơi ta tìm thấy người ta thật lòng thương yêu.
“Đều đặn phải lo việc nhỏ bọn bao báp từ lúc ta còn kịp phân biệt chúng với các cây hoa hồng, mà bao báp hồi còn thơ thì lại giống cây hoa hồng lắm.” Xuất phát điểm của những mối quan hệ thường đều tốt đẹp, nhưng khi ta “nuôi lớn” tình cảm, có những mối quan hệ là độc hại, tình yêu thì không nhiều.
Những cây bao báp sẽ phá hủy cả hành tinh, còn đóa hồng thì mang lại cho ta tình yêu và trải nghiệm sống. Hạnh phúc không tồn tại nhan nhản xung quanh ta. Để tìm thấy nó, ta phải mở thật to mắt tìm kiếm, và phải thật cẩn trọng phân biệt các chồi non.
Đóa hồng là duy nhất đối với Hoàng Tử Bé, bởi cậu đã dành từng ấy thời gian và tâm sức chăm sóc nàng. Cáo bảo cậu: “Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế.
”Thời gian để chăm sóc tình yêu khiến tình yêu trở nên quan trọng
Nếu không phải ngày ngày cậu tưới hoa, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đoá hồng của cậu, có lẽ bông hồng ở tiểu tinh cầu B612 sẽ chẳng khác gì những đóa hoa trống rỗng trong vườn hồng nơi Trái Đất. Hoàng Tử Bé đã dành thời gian cho hoa, hoa cũng dành thời gian cho cậu, tình yêu phải là sự vun đắp, sự “thuần hóa” đến từ hai phía.
Khái niệm “thuần hóa” mà Saint-Exupery đã để Cáo định nghĩa vô cùng thấm thía: “thuần hóa” là tạo nên những mối liên hệ để hai người cần đến nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa, và việc thuần hóa, giống như Hoàng Tử Bé đã thuần hóa Cáo, là việc phải dành nhiều thời gian và công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn và dịu dàng, từng chút một.
“Nếu ai đó không thể chịu đựng tôi lúc xấu xí nhất, thì cũng không xứng đáng có được tôi lúc huy hoàng nhất”
Kiêu kì, đỏm dáng, có phần nông cạn - bông hồng của Hoàng Tử Bé gợi nhớ tới nàng Holly trong tác phẩm Breakfast at Tiffany's, câu chuyện nổi tiếng được Hollywood chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng không kém công chiếu năm 1961.
Bông hoa ấy yếu đuối như một cách nói yêu, những mánh khóe và sự tinh khôn đáng thương của nàng chính là sự dịu dàng. Bông hồng đỏng đảnh, giống như con gái kiêu kỳ, thường hay nhõng nhẽo, khó chiều. Nhưng thật ra, các cô gái chỉ giận dỗi những người mà họ tin rằng dù thế nào cũng sẽ không quay lưng bỏ đi.
Bông hồng đã trao cho Hoàng Tử Bé tình yêu, vẻ đẹp và hương thơm của nàng, để đẹp và để ngát hương như vậy, chắc chắn nàng cần phải được bảo vệ khỏi lũ sâu, khỏi gió lùa và khỏi cảm giác sợ hãi khi không được chở che.
Tình yêu rất mỏng mảnh, dễ tan vỡ
Bối rối và mệt mỏi - như tất cả chúng ta vẫn thường vậy trong tình yêu - Hoàng Tử Bé chọn cách rời xa đóa hồng để khám phá thế giới và chính mình. Sau này, cậu thú nhận với viên phi công rằng cậu đã “chạy trốn” và hối tiếc về hành động của mình.
Nhưng có lẽ, việc Hoàng Tử Bé rời B612 là việc nên làm, phải làm, và thực sự cậu đã làm vậy. Nếu không ra đi, cậu sẽ mãi băn khoăn, chán ngán, và chẳng bao giờ nhận ra tình cảm và bản chất sự độc nhất của đóa hoa hồng. Giống như trong bài hát Let her go của Passenger: “Only know you love her when you let her go/ And you let her go” (Ta chỉ biết ta yêu nàng khi ta để mất nàng. Và ta đã đánh mất nàng).
Trong chuyến phiêu lưu của Hoàng Tử Bé, cậu đã gặp một nhà địa lý ở tinh cầu thứ sáu cậu đặt chân đến. "- Chúng tôi không ghi chép những loài hoa" - Nhà địa lý nói. "- Sao vậy! Hoa là thứ đẹp nhất kia mà". "- Bởi vì hoa vốn phù du".
Bởi vì vẻ đẹp chóng tàn, và tình yêu không được nuôi dưỡng sẽ tan đi như bọt bể. Một khi đã khiến đối phương tổn thương, giống như cậu đóng những chiếc đinh lên hàng rào, rút đinh ra thì những lỗ đinh vẫn còn mãi đó. Tổn thương có thể lành, nhưng sẹo không xóa đi được.
Hoàng Tử Bé rời tiểu tinh cầu B612 rất dễ, chỉ cần theo một đàn chim di cư, nhưng để trở về, cậu phải chấp nhận rủi ro bằng nọc rắn, và người đọc chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng thứ chất độc rủi ro đó đã thực sự đưa cậu về với đóa hoa hồng.
"What doesn't kill you makes you stronger" - Friedrich Nietzsche viết. Mất đi tình yêu nhiều khi là cách để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn
Việc Hoàng Tử Bé bỏ đi, nếu tạm coi như sự tan vỡ trong mối quan hệ của cậu với bông hoa, ta có thể thấy, từ mối tan vỡ này, cả Hoàng Tử Bé và bông hồng đều trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn.
Đến Trái Đất, lần đầu tiên nghe thấy tiếng vọng, Hoàng Tử Bé nhận xét rằng nơi đây thật nhạt nhẽo, thật khác với ngày cậu còn ở cùng một bông hoa luôn cất tiếng trước. Cậu dần nhận ra tầm quan trọng của những điều giá trị mà vì đã có trong tay, cậu không mấy để tâm.
Cậu bắt đầu biết nghĩ về sự hy sinh của người khác, biết thương một cô nàng không sợ hổ, nhưng sợ gió lùa, một bông hoa chỉ có bốn cái gai để chống chọi với cuộc đời dữ dội, nhưng can đảm đẹp nhất để làm cậu ưng lòng.
Bông hồng, vốn là hiện thân của sự nông cạn, đỏng đảnh, kiêu kỳ, cũng lớn lên từ mối quan hệ đổ vỡ này. Nàng không cần lồng kính nữa, nàng chấp nhận sự ra đi của cậu bằng vẻ bình tĩnh dịu dàng, không hề trách móc, bằng sự kiêu hãnh, và hơn hết, nàng yêu cậu, nên nàng không muốn người mình yêu thấy nàng rơi nước mắt.
Và bông hoa cũng dạy chúng ta cách vượt qua sự sợ hãi, tổn thương và khó khăn, bởi: “Em muốn biết bươm bướm là thế nào, em phải chịu đựng vài ba con sâu".
Chào mừng Ngày sách Việt Nam, ấn phẩm Hoàng Tử Bé với phần minh họa công phu của họa sĩ Nguyễn Thành Vũ mới được ra mắt. Đây là lần đầu tiên ấn bản Hoàng Tử Bé với minh họa màu do một họa sĩ Việt Nam thực hiện được xuất bản.
Nhân dịp này, chương trình giao lưu với họa sĩ Nguyễn Thành Vũ “Trò chuyện cùng Hoàng tử bé” được NXB Kim Đồng tổ chức, vào lúc 19:30, ngày 21/4/2018 tại Sân khấu 1 Hội sách Mừng Ngày Sách Việt Nam, Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Kiều Nga
(news.zing.vn)