Bẵng đi một thời gian dài, dường như vốn “văn chương” của anh gác lại. Sau này, đến khi tôi về làm báo, lúc ấy, anh là Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP, thường gửi xuống tòa soạn bài viết mang tính chính luận; thi thoảng anh mới gửi đôi ba bài thơ. Những bài thơ của anh vẫn thế, dung dị, gần gũi và luôn mang tính thời sự, hơi thở của cuộc sống. Gần đây, tôi được biết, 2 năm anh đã ra mắt 2 tập sách, trong đó có một tập thơ “Mắt lá” (Nhà xuất bản Văn học); một tập thơ và văn “Gửi nhớ trong đêm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), còn bây giờ là tập sách thứ 3 và là tập thơ thứ 2 có tên “Lời trái tim”.
Trong “Lời trái tim”, anh sử dụng nhiều hình thức thể hiện, từ thơ Đường luật cho đến tự do, lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, xướng họa; nghĩa là, thể loại nào truyền tải, diễn tả được cảm xúc là anh viết. Chủ đề của thơ anh cũng rất đa dạng, phong phú, cập nhật đến từng chi tiết của cuộc sống và luôn mang sức nóng của “thời tiết” đời sống vào trong thơ.
Chất thơ của anh vẫn thế, chủ đạo là tình cảm, suy ngẫm, ngợi ca... tùy theo sắc thái của tình cảm. Ngôn ngữ anh sử dụng cũng rất chân chất, gần gũi đời sống, như cách nói hằng ngày kiểu nói vần điệu của người lao động. Tuy ngôn ngữ là thế, nhưng cái chất “triết học” một thời làm thầy của khoa Khoa học xã hội và nhân văn luôn là sức nặng của ngôn ngữ. Sự hàm chứa sâu xa của câu, chữ tạo nên một thi ảnh, thi hình đặc trưng, rất riêng. Cũng vì thế, thơ anh luôn có sức liên tưởng và sự suy luận, chiêm nghiệm cho bạn đọc.
Là người lính có gần 40 năm quân ngũ, hình ảnh đậm nét nhất trong thơ anh là người lính. Bài “Khúc ru chiều” ngợi ca Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hào sảng mà đằm thắm tình người. Bài “Màu áo cha mang” viết về người cha - người lính thân yêu chan chứa niềm tự hào. Bài “Nơi ta đến” viết tặng Đoàn an dưỡng 18 vẫn lung linh một cảnh sắc và tình người. Với những bài thơ anh viết về kỷ niệm một thời lửa đạn trên tuyến lửa Khu 4 ngày trực tiếp tham gia bảo vệ trên tuyến biên giới Nghệ An lại như một hoài ức về quá khứ yêu thương và máu lửa. Mỗi câu thơ của anh, bạn đọc có thể cảm nhận được dòng máu chảy trong lửa cháy. Cả cuộc đời anh dành trọn cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là BĐBP, trải qua tất cả những lần lực lượng chuyển giao, chứng kiến biết bao thế hệ người lính, những tâm sự, trăn trở cùng những vất vả trong quá trình xây dựng và trưởng thành, hồi ức của anh mang tiếng lòng của niềm tin, sự gửi gắm đến các thế hệ nối tiếp.
Viết về mẹ, thơ của anh đằm lại, ấm áp và ăm ắp những nỗi niềm cùng ký ức tảo tần, vất vả. Anh thường không đi vào những chi tiết mà thiên về tạo hình trong ngôn ngữ. Nói về những lo toan của người mẹ, anh dành trọn vẹn trái tim yêu thương dồn lên thi ảnh: “Sông Thiếp nhà quê xanh dải lụa/ Gội nắng chan mưa gọi chiêm mùa” (Màu áo cha), hay như “Lưng còng dáng mẹ dẻo thon/ Xênh xang đất nước vẹn tròn núi sông” (Đòn gánh). Chỉ là nét chấm phá mà cô lại tất cả những tảo tần, lam lũ, những vất vả, lo toan của người mẹ, người vợ lính khi chồng con đi chiến trận xa nhà. Có những câu, khi đọc lên cứ rưng rức nỗi niềm, khóc mà không thể khóc, nghẹn lại rồi bật lên: “Mây trời tình mẹ nước non/ “Nhá cơm rau má” nuôi con đoạn ngày”. Để rồi, khi trở về nép bên vạt áo mẹ thì mẹ đã đi xa, chỉ gặp lại.
Mưa gầy nhè nhẹ hương bay
Mẹ ơi, rau má chen dày lối đi...
(Rau má bên mộ mẹ)
Với quê hương, bạn bè, công việc, thơ anh như khúc ca tự cất lên, khi trầm khi bổng, lúc thiết tha, lúc nhớ nhung mà đau đáu kiếp người. Để đứng lại với đời, phận kiếp con người như hạt mầm khi bật nở: “Quả vặn mình xé vỏ/ Mầm non hé lộ ra” (Gieo mầm). Ở đó cũng là nơi cất giữ những kỷ niệm. Kỷ niệm về một thời nỗi nhớ chưa phai, gặp lại cảnh vật mà người đâu có thấy. Nỗi đau nhưng không phải là tiếng thở dài mà ẩn chứa niềm tự hào: “Trong lành dịu ngọt sông xanh đó/ Bạn tôi đi mãi, mãi... Không về” (Bến sông quê).
Có những cảnh mà có lẽ rất khó có thể thành thơ. Với anh thì không có sự bất lực của ngôn ngữ. Sau những năm dài “Nhọc nhằn gian khó sống đời nghiệp binh”, nay trở về với mảnh ruộng xưa, dường như anh trở về với tất cả bình tâm, như quy luật muôn đời “hết quan toàn dân kéo về”.
Đường cày lúc lắc duyên nghề
Chân tay lấm láp... vẫn mê mệt đồng.
(Đồng quê tôi ngày ấy)
Điểm nổi bật trong “Lời trái tim” không chỉ là khả năng đưa cái phổ quát thành ngôn ngữ để tạo nên trường liên tưởng đến người đọc; không phải chỉ là những âm hưởng của niềm tự hào hay những lắng đọng của ký ức cho người đọc soi rọi. “Lời trái tim” còn mang đến cho bạn đọc cách quan sát, cách sử dụng ngôn ngữ thi hình. Khi nói về sự vất vả của người lính trên các tuyến biên giới, chỉ là những nét chấm phá, nhưng tất cả hiện lên rõ nét và trung thực đến từng chi tiết nhỏ mà không kém phần lung linh thi ảnh.
Bến sông tiếp cổng trời
Trập trùng xanh nguồn cội
...
Đường 7 đau oằn khúc
Bản làng hơi thưa vắng
Đồn thừa dư mưa nắng.
(Nhớ Tha Đo)
Nói về nỗi truân chuyên, vất vả của người phụ nữ, cũng chỉ là đôi dòng như nét phác thảo của bức tranh mà đã mang lại một hiệu ứng toàn mỹ với người đọc.
Đêm buông gầy rạc bờ tre
Đong đầy vạt áo trăm bề ngổn ngang
(Gánh hàng rong)
Ngôn ngữ trong “Lời trái tim” đúng như tên của tập sách, nó là ngôn ngữ của trái tim người lính nay trở về với đồng đất quê hương, mỗi bài thơ bản thân cứ tự cất lên thành tiếng hát. Ngôn ngữ mở, gần gũi mà vẫn lắng, vẫn tình; mộc mạc, chân thành mà khúc triết, thanh tao; cứ chan chan một tình yêu đằm lại, một khát khao trong đồng vọng những mong muốn, ước mơ, một sự trải nghiệm đến tận cùng của cuộc sống.
Thơ là tấm lòng, là “Lời trái tim” của anh – người lính vẫn cháy khôn nguôi với đời, với người. Một trách nhiệm công dân khi từ đường quan anh trở về với biển-làm dân. Anh vẫn là anh – Lê Minh Tý như tôi hằng biết, một trái tim của lửa, cứ cháy, cứ sáng từ tâm thức vào con chữ để làm nên một “Lời trái tim” gửi gắm cuộc đời.
Nhà văn Phạm Thanh Khương
(bienphong.com.vn)