Dưới tán rừng Trăm Mẫu (tên gốc: If You Find Me) là tác phẩm đầu tay của nhà văn, nhà thơ Emily Murdoch. Tiểu thuyết thuộc dòng young adult (tác phẩm viết cho thanh niên) chỉn chu và trọn vẹn về cả hình thức lẫn nội dung.
Cuốn sách ẩn chứa câu chuyện với những nút thắt lạ kỳ, đưa người đọc qua từng chặng đường đời nhiều biến cố của cô thiếu niên Carey - những trang đời niên thiếu mà dù ít hay nhiều, độc giả cũng thấy phảng phất trong đó hành trình trưởng thành của chính bản thân mình.
Mami chính là mẹ của chúng - một phụ nữ nghiện ngập và ưa dùng bạo lực với hai đứa trẻ. Bà cũng chính là người đã mang chúng đến, và bỏ lại chúng đơn độc giữa cánh rừng rộng hàng trăm hecta này.Câu chuyện của Dưới tán rừng Trăm Mẫu bắt đầu vào một ngày bình thường trong cuộc đời của hai chị em cô bé Carey 14 tuổi và Jenessa 6 tuổi. Một ngày bình thường, tức là lang thang trong rừng, bị bỏ đói, phải ăn đậu hộp trừ bữa - dù chúng gây ra cho hai cô bé những “quả xì-hơi-nhức-mông” và canh cánh nỗi mong chờ không biết bao giờ Mami của chúng quay trở lại.
Ngày bình thường bị xáo trộn, khi hai người lớn xuất hiện, thông báo với hai đứa trẻ, rằng mẹ chúng đã bỏ đi. Không còn lựa chọn nào khác, Carey và Jenessa buộc phải rời khỏi ngôi nhà trên chiếc xe kéo đã cũ và bước vào thế giới rộng lớn hơn ở phía bên ngoài cánh rừng. Nhưng sự ra đi ấy vẫn chẳng thể nào giúp các cô bé thoát ra khỏi bóng đen kinh hoàng phủ lên ký ức chúng.
Phần ký ức kinh hoàng đã khiến Jenessa trở thành một cô bé mắc chứng câm chọn lọc, và Carey không thể nào hoà mình vào cuộc sống xung quanh - ngay cả khi đó là một gia đình yêu thương và những người bạn hết mực dịu dàng.
Đi qua từng trang của cuốn sách, độc giả sẽ thấy thế giới được tái hiện qua con mắt của cô bé Carey: khung cảnh thần tiên của khu rừng, cô em gái nhỏ nhắn mà cô yêu thương hơn cả mạng sống, gia đình mới của người cha và người mẹ kế Melissa là hiện thân của mọi thứ tốt đẹp đối ngược với Mami, trường học với cô bạn Pixie dễ mến và cậu bạn nam thần Ryan…
Rồi lẩn khuất đây đó, là cả Mami của Carey, người mẹ mà cô bé có đôi lúc trách móc vì đã mang đến cuộc đời cô quá nhiều khổ đau, nhưng không ngừng cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bà.
Song song với thế giới vật chất ấy, độc giả còn được bước vào thế giới tinh thần của một cô bé mới 14 tuổi nhưng cảnh đời trái ngang đã buộc cô phải sớm trưởng thành.
Trái ngược với những sự kiện trong cuộc sống của một cô bé thiếu niên được kể lại một cách giản dị và bình yên, tâm hồn của Carey lại là triền miên những giông bão: sự cảnh giác trước một môi trường sống mới, nỗi nghi ngờ lòng tốt của những người xung quanh, sự lạc lõng giữa những người bạn cùng tuổi và cả cảm giác tội lỗi đè nặng chưa bao giờ buông tha cô.
Thế giới nội tâm phức tạp ấy của Carey chính là điểm biến Dưới tán rừng Trăm Mẫu trở thành một câu chuyện khiến bạn sẽ còn luyến lưu cuốn sách này rất lâu sau khi trang cuối cùng đã khép lại. Bạn tò mò khám phá để rồi đến phút cuối vỡ oà trong xót xa và thương cảm. Và rồi từ giữa nỗi cảm thương ấy, bạn sẽ nhìn thấy trong cô bé Carey hình ảnh của một nữ anh hùng: không có siêu năng lực, không mặc áo choàng, không bảo vệ cả một thành phố khỏi kẻ phản diện, nhưng vẫn hết sức dũng cảm và kiên cường.
Đôi lúc, Dưới tán rừng Trăm Mẫu sẽ khiến độc giả của nó phải rùng mình ớn lạnh, bởi chất liệu mà Emily Murdoch sử dụng để xây dựng nên tác phẩm đầu tay của mình. Nó đen tối, cấm kị, tàn nhẫn, lại là điều vẫn đang xảy ra đâu đó ngoài kia. Giống như Carey, bạn cũng sẽ đến lúc hiểu rằng phải nhìn thẳng vào nó, phải chiến đấu thay vì bịt mắt và quay lưng. Chống lại nó là cách duy nhất để thoát ra, và để bảo vệ những người xung quanh bạn.
Chẳng vậy mà giữa điệp trùng những bất hạnh Mami đã đổ xuống cuộc đời mình, Carey vẫn chỉ lựa chọn nhớ về điều đẹp đẽ nhất bà đã truyền lại cho cô: cách chơi vĩ cầm. Mami từng là một nhạc công vĩ cầm tài năng, và Carey thừa hưởng từ bà điều đẹp đẽ duy nhất của cuộc đời bất hạnh ấy. Cô bé chọn tiếng đàn ấy để nhớ về bà thay cho những đòn roi hay sự lạm dụng.Khía cạnh nhân văn của Dưới tán rừng Trăm Mẫu không chỉ đến từ câu chuyện về những tấm lòng nhân hậu sẵn sàng đón nhận và yêu thương một đứa trẻ xa lạ, hay đến từ lời khích lệ những người yếu thế cất tiếng nói để tự bảo vệ mình; nó còn là bài học về sự bao dung và lòng vị tha.
Và rồi, giữa mênh mông những đau khổ và mặc cảm tội lỗi, tình yêu thương vẫn rực sáng và đẹp đẽ như những món đồ trang trí giáng sinh khiến hai chị em Carey mê mẩn. Không ai là không từng chịu tổn thương, cũng không có một cách duy nhất để mọi người cùng vượt qua những mất mát của riêng mình.
Nhưng có một điều tuyệt đối đúng, là họ, cùng với một chút kiên trì, cần phải mở lòng và đón nhận những điều tuyệt vời tiếp theo sẽ đến với mình. Như cô bé Jenessa và chú chó Ngắn, như mẹ Melissa của “những cô con gái”, như người cha của Carey và đứa em cùng mẹ khác cha của cô con gái thất lạc, và như chính cô bé Carey cùng hành trình kì diệu xuyên suốt cuốn sách này.
Anh Phan
(news.zing.vn)