Thời gian trốn ở đâu?

29.05.2015

Thời gian trốn ở đâu?

Có lẽ bây giờ, người làm thơ cho thiếu nhi ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, còn tâm huyết và còn… bỏ công in thơ cho thiếu nhi, cũng chỉ đếm trên đầu hai bàn tay. Nguyễn Thái Dương là một trong số những người thơ ít ỏi đó. Gắn bó suốt gần 40 năm với báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, “làm bạn” với rất nhiều thiếu niên, nhi đồng trong cả nước, đến khi về hưu lại… “đánh bạn” với hai cháu ngoại Kiwi và Bòn Bon, nên tập thơ thứ 9 lần này như mong ước của nhà thơ: “Hãy thử nhắm mắt để thấy Kiwi và Bòn Bon của ông đang ở tuổi của mười hoặc hai mươi năm sau… Người thiếu nữ đôi mươi ấy, cùng với cậu em điển trai, kháu khỉnh kia đang lẩm nhẩm đôi ba câu của tập thơ mỏng mảnh này…” (Ông làm thơ cho Kiwi và Bòn Bon, trang 100). Lời tâm sự ấy, không chỉ mong nói riêng với hai cháu, mà nhà thơ còn muốn gửi gắm đến đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi khi cầm tập thơ THỜI GIAN TRỐN Ở ĐÂU?, hãy đọc ngay bây giờ, và biết đâu sau này vẫn còn… nhớ, là điều sung sướng, hạnh phúc nhất của những người làm thơ cho thiếu nhi vậy!


Bìa sách


Với lời giới thiệu của nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học Huỳnh Như Phương thì “Thơ ông (Nguyễn Thái Dương) luôn giữ được nét trong sáng, nhân hậu và ân tình. Đó là suối nguồn sẽ còn tiếp tục chảy trong thơ ông, tưới mát những dòng chữ và tưới mát tâm hồn người đọc”. Vâng nhà thơ của “Thơ gửi cây hoàng điệp” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc với những ca từ: “Cây hoàng điệp trước nhà em mỗi tối/ Xác hoa vàng rụng xuống kín chân tôi/ Không hò hẹn, sao tôi còn mãi đợi/ Đứng lơ ngơ lóng ngóng dưới hiên đời” và… “Em có thấy một mai khi thức dậy/ Hai dấu chân tôi để lại trước nhà/ Lòng tôi đấy - yêu mà không dám ngỏ/ Xác hoa vàng nhớ nói hộ giùm ta!”, lại rất hồn nhiên, tinh nghịch trong những vần thơ cho trẻ con: “Cầm thanh gươm nhựa: long đao/ Nhà vua bé bỏng ngẩng đầu xưng vương:/ “Người đâu chuẩn bị… cơm sườn/ Trẫm sơi rồi trẫm tới trường Mầm Non!/ Mẹ từ dưới bếp lon ton/ Ba từ gác lửng bon bon xuống nhà:/ Xin Hoàng thượng chớ nhẩn nha/ Ăn nhanh cho kịp giờ ra khai trường” (Hoàng thượng đi khai trường, trang 7) hay như: “Ít nhiều chú bé… bội thu/ Ít nhiều cô bé… mắt đu theo đòi/ Bày ra một góc chợ đời/ Bán mua trong trẻo: trò chơi đồ hàng” (Ngàn hoa khiêu vũ, trang 14).

78 bài thơ, là những mẩu chuyện ngắn với những quan sát tinh tế, hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc, nhà thơ đã miên man tâm sự cùng các cháu, từ chuyện nhỏ nhất như “Bạn hàng xóm”, “về nhà”, “Trái banh… méo xệch”, đến các việc xem ra rất là “quan trọng” với trẻ con: “Cũng đành tay vẫy Misa/ Cây cầu tuột, với ngôi nhà cỏn con/ Vẫy chào một thuở Mầm non/ Chị lên lớp Một đây Bòn Bon ơi…” (Chị lên lớp Một, trang 22), hay to lớn, đầy những “suy tưởng”, tìm ra qui luật của cuộc sống: “Chỉ dùm cho cháu đi ông/ Thời gian đang trốn ở không gian nào/ Sân ngoài hay tận vườn sau/ Giữa trời, cuối đất hay đầu nguồn kia?... Từng giây, từng phút từng giờ/ Trôi qua có nghĩa… đừng mơ ngược về/ Hiểu rồi, cháu thấy… dễ ghê/ Thời gian trốn giữa bốn bề không gian.” (Thời gian trốn ở đâu, trang 21). Mỗi bài thơ là mỗi cảm nhận, là tình cảm riêng biệt nuôi dưỡng tâm hồn bé thơ, theo thiên chức của nhà thơ gốc… mô phạm: “Suốt hè giấu tiếng ở đâu?/ Trống nằm thin thít nơi đầu hành lang/ Học trò chẳng mấy ai ngang/ Trống bầu bạn với ghế, bàn bỏ không…/… Hôm nay trống mới trả lời:/ Suốt hè tớ giấu tiếng nơi… chiếc dùi/ Bọn mình chỉ một niềm vui/ Cho mùa học mới, sánh đôi thôi mà!” (Tiếng của trống, trang 24), hoặc như: “Thế rồi… ông một mình ông/ Thẫn thờ đợi, thẫn thờ mong đợi chiều/ Tan trường có đứa cháu yêu/ Ngóng ông đang đứng vẫy theo tay mình…” (Đưa và đón, trang 27). Và cả sự “Lựa lời”: “Chữ chờ ráp lại thành câu/ Lời chờ cho nghĩa gật đầu, mới buông/ Mát lòng: giọng nói dễ thương/ Ngát hoa bởi tiếng chim vườn thanh tao/… Nói năng ý tứ rạch ròi/ Lựa lời sẽ chẳng… lỡ lời được đâu.” (trang 46).

Giúp trẻ luyện tập vốn từ, hiểu thấu đáo nghĩa từ phong phú của tiếng Việt qua suy nghĩ của trẻ thơ, Nguyễn Thái Dương đã có những bài thơ “định nghĩa” từ mang tựa đề “một từ” thú vị và rất hay như các bài: “Cất, Cầm, Cháy, Cắt, Tìm, Ăn v.v…”, cụ thể như nhà thơ “định nghĩa” và mở rộng từ “Cháy”: “Phải có lửa bùng lên/ Cháy mới mang nghĩa cháy/ Có lần là trang giấy/ Có lúc là nhà kho…/… Nhưng cháy có nhiều khi/ Lại không từ ánh lửa:/ Đồ chơi mắc lắm đó/ Rớ vô là… cháy tay/ Sẽ… cháy giáo án ngay;/ Cô mình dạy quá tiết/ Cháy túi là tiền hết/ Cháy vé: ghế không còn/ Cháy ruột là bồn chồn/ Cháy họng là khát quá…” (trang 35), hoặc như: “Ăn mà không dùng răng/ Là… ăn ý, ăn ở/ Ăn ở là cư xử/ Tình bè bạn bền lâu/ Ăn ý là hợp nhau/ Như cặp đôi hoàn hảo/ Ăn lận là gian xảo/ Tranh chấp là ăn thua…” (trang 81). Có lẽ đây cũng là một cách học từ thú vị và hiệu quả đối với trẻ con hơn là những bài từ ngữ, từ vựng khô cứng và nhàm chán trong sách giáo khoa?

Cả một trời… tâm tình, nhà thơ dành cho hai cháu nói riêng và tất cả các cháu thiếu nhi nói chung trong 78 bài thơ với 78 minh họa vui của họa sĩ Cao Tuân, họa sĩ Điêu Quốc Việt vẽ bìa, đã khiến tập thơ như một tập truyện tranh mà lời văn linh hoạt, vui vẻ, thú vị và không kém phần tinh nghịch bởi nhà thơ cũng từng là… trẻ con, để bước lên làm bố rồi làm ông. Tôi nghĩ đây sẽ là món quà rất thú vị và cả ý vị khi các bậc phụ huynh mua về làm quà tặng con, như những ước mơ đẹp của lứa tuổi thơ hồn nhiên và trong sáng…
                                                                                                                                                                                                           Vàm Cỏ Đông, 11 tháng 5 năm 2015
Trần Hoàng Vy
(vanhocquenha.vn)