Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly (1930 - 1992) - Lê Huân

07.05.2019

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly (1930 - 1992) - Lê Huân

Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly là người thầy của tôi, của lớp biên đạo múa khóa I - Trường Múa Việt Nam. Ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên của ngành múa Việt Nam.

Mỗi khi lên lớp hoặc dàn dựng tiết mục, ông thường coi sàn tập, sân khấu là chốn trang nghiêm, sạch sẽ như thánh đường. Học sinh và diễn viên đứng trước thầy cần hết sức tập trung, chú ý. Khi ông nói, mọi người phải lắng nghe, chỉ cần một cử chỉ, động thái quay người đi hoặc phân tán ông chấn chỉnh ngay.

Ông không bao giờ nhanh vội khi dàn dựng cho mỗi tiết mục. Thời tôi làm trưởng Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5 (1984-1990), tôi mời thầy ra Đà Nẵng sáng tác, xây dựng cho đoàn mấy tiết mục múa và hát. Ông đặt kế hoạch phải hơn một tháng mới hoàn thành, mỗi tiết mục ông dựng một tuần, diễn viên tập cả ngày. Ông rất cầu kỳ, rèn rũa, nắn gọt động tác cho diễn viên. Mỗi buổi tập chỉ xong một hai tổ hợp múa thật nhuần nhuyễn.

Ở phong thái đạo diễn, khi dạy chúng tôi ông không cho phép sự hướng dẫn tù mù. Người đạo diễn phải rõ ràng, dứt khoát, phải ở vị trí chính giữa bao quát. Người đạo diễn phải làm cho diễn viên tin tưởng. Nếu trong quá trình sáng tạo thấy có chỗ nào chưa vừa ý hoặc nghĩ ra động tác tổ hợp hay hơn, thầy không vội sửa ngay. Lí do thay đổi của thầy là ở diễn viên không làm được động tác đã dựng nên phải đổi sang động tác khác, tổ hợp múa mới phù hợp với năng lực thể hiện của diễn viên.

Khi đã coi tôi là bạn đồng nghiệp, thầy mới trao đổi riêng với tôi về cách làm này, đó là bí quyết của đạo diễn để tạo niềm tin tuyệt đối của đạo diễn với diễn viên. Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly là bậc thầy của biên đạo với công việc xử lý âm nhạc cho múa. Những tác phẩm của ông đều gắn kết với âm nhạc, kể từ tình cảm, giai điệu và tiết tấu âm nhạc.

Ông vốn là một nhạc sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, cùng thời với Nhạc sĩ Hoàng Vân. Được Nhà nước cử sang Trung Quốc học từ năm 1954, 1955. Sang đó được Học viện múa Bắc Kinh lựa chọn vào học lớp biên đạo múa. Chính vì vậy mà ông là một trong những biên đạo múa hàng đầu của nước ta, rất hiểu biết về âm nhạc.

Nhạc sĩ Xuân Hòa (Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc viết cho múa) kể rằng: Hồi sáng tác nhạc múa “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, sau khi đã trao đổi nội dung kịch bản điệu múa này, Nhạc sĩ Xuân Hòa tìm chủ đề âm nhạc phải thay đổi tới 5, 6 lần biên đạo múa Thái Ly mới đồng ý.

Thời gian sáng tác cho Đoàn ca múa Quân khu 5, khi chấp nhận phần âm nhạc của Nhạc sĩ Phan Ngọc, ông khen Phan Ngọc viết được. Phan Ngọc rất tự hào vì đã làm được vai trò của người nhạc sĩ, sáng tạo linh hồn cho điệu múa, nhưng biên đạo Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly nói ngay: “Xin lỗi bạn nhé, trong cái linh hồn ấy có một nửa là của tôi, vì chúng tôi là người đã gợi cảm, đã hướng ý cho bạn mới viết được nhạc cho tiết mục múa này!”.

Thầy, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly đã đi xa đã 27 năm rồi, nhưng cách đạo diễn trong sự nghiệp biên đạo múa của thầy để lại cho chúng tôi là những bài học không thể nào quên.

Tôi viết bài này để cho các thế hệ biên đạo trẻ cùng đọc và suy ngẫm.  Biên đạo múa là người đặt nền móng cho nghệ thuật múa Việt Nam. Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly tài năng và tâm nghiệp của thầy sống mãi trong nghệ thuật múa nước nhà .

L.H