“Đi B” thời bình - Lê Hồng Mận

02.05.2019

“Đi B” thời bình - Lê Hồng Mận

Vậy là sau năm lần bảy lượt trót thất hứa với mảnh ký ức cỏn con, lão cũng dứt được gánh nặng đè còng tấm lưng gầy rộc hơn ba mươi tám năm qua để đến sân ga trong một sáng đẹp trời. Thật ra, ở cái tuổi trên đầu hai thứ tóc, mắt chân chim, da lốm đốm đồi mồi như lão hiện nay thì chẳng còn con non vợ dại chi để phải tất bật mỗi ngày. Ấy vậy mà với một kẻ nặng tình trĩu nghĩa như lão thì mỗi bước chân đi là mỗi lần vấn vương đủ thứ. Một bận, toan tính xong xuôi, nhét sẵn quần áo vào vali nhưng đang đêm nghe vợ trở mình ho khục khặc, sáng mai lão lại lật đật nấu món cháo hành nên thành ra trễ chuyến tàu đặt trước. Một bận khác, trên đường ra bến xe thì thấy con gái út chở cháu vô nhà thương, lão chẳng cần nghĩ ngợi gì, cắm cổ chạy vào tận nơi, mặt mày tái méc. Cứ thế, lão lần lữa mãi, nâng con số cách biệt anh em bạn bè lên tới ba tám, bốn chục năm. Lắm lúc, lão cũng sợ bác ngựa thời gian chẳng còn thuần phục như trước, buồn ý hất văng lão ra khỏi đường đua thì coi như muôn ước nguyện xa gần tan thành mây khói... Và cũng bởi bao nhiêu năm lo ngổn ngang muôn bề, sợ vu vơ đủ thứ nên trong cái tiết tháng Tư này, được ngồi chắc nịch trên cái ghế toa 2 đoàn tàu Thống Nhất, lòng lão lại chộn rộn những nỗi niềm như lũ trẻ con.

Tàu lặng lẽ trườn qua từng sân ga, lòng lão lặng lẽ níu lại từng mảng ký ức một thời xa ngái. Tất cả cứ như cuốn phim quay chậm ùa về trong tâm khảm lão, lão nhớ tới từng khoảnh khắc mắc võng nơi bìa rừng đọc chung một lá thư, nhớ gương mặt từng thằng trai trẻ nhuộm đen thuốc súng, nhớ mỗi xóm làng đặt chân đến là một vùng trĩu nặng nghĩa tình... Ngày đó, anh Thành - bạn thân của lão thường mơ ước rằng nếu còn sống quay về, chắc chắn gã sẽ làm một chuyến du lịch đường bộ để thăm lại từng con đất đã qua. Lão cười tếu táo rằng nếu có ngày đó thì gã đi đâu lão nguyện xin theo hầu hạ. Vậy mà hòa bình, mỗi đứa một nơi, có lẽ cái ước nguyện thăm thú của gã cũng đành tạm gác lại như chính cái ước nguyện cỏn con vào thăm chiến trường xưa của lão. Thằng bạn ngày ấy - bởi vương vấn cô lái đò vùng sông nước thường một mình đưa cán bộ qua sông giữa bom rơi đạn lạc nên ở lại luôn miền Nam, lão tuy buồn thiu thỉu nhưng vẫn rộn ràng về Bắc để cưới cô hàng xóm có đôi mắt biết cười. Thỉnh thoảng, lão và gã vẫn liên lạc, thư từ, cho tới cái ngày nghe tin gã lên chức giám đốc, lão mừng cho bạn mà lại nghe chành chạnh trong lòng. Chẳng biết do lão bận rộn làm ăn để bằng bạn bằng bè hay do gã sớm hôm vùi mình vào những dự án để xứng đáng với sự tín nhiệm của anh em mà hai kẻ thân nhau từ thuở khố rách áo ôm cứ thế xa dần, xa đến mất hút. Cho nên cái sự đi lần này của lão, không hẳn là để thăm lại những nơi đã qua, những chỗ anh em nằm lại, thăm đứa cháu gái đang học Đại học ở trỏng mà còn để tìm cho ra cái nguyên do cắc cớ nào đã làm lão và gã cứ xa nhau dần, cứ khiến lão xốn xốn trong lòng chẳng thể cùng ai chia sẻ. Ở cái tuổi của lão, mất đi chút tình là mất đi nhiều lắm, nhất là khi cái tình ấy đã từng rải dọc khắp chiến trường từ Bắc tới Nam. Cái sự thương mà lão dành cho gã không hẳn là thứ tình bạn đơn thuần, không hẳn là tình anh em đồng chí mà đã ăn sâu vào từng nếp nghĩ, từng mảng ký ức cỏn con của lão, như thể nếu không có gã ngày ấy, đã chẳng có được lão của ngày hôm nay.

 

... Trời Sài Gòn vào tiết giao mùa. Lão đến sân ga khi con nắng đang vội vàng cuốn những giọt nước cuối cùng quay về nơi nó sinh ra, cái mùi nồng nồng vương lại gợi cho lão nhớ tới những đêm chốt ngoài đồn địch, úp mặt vào đất nghe mưa rơi lộp bộp trên đầu. Sự sầm uất đến ngỡ ngàng của thành phố tự nhiên làm lão thấy hoang mang, thấy quên mất những nơi đã từng đi qua và thấy lạc lõng như thể đang rơi tõm vào một thế giới khác. Thu - đứa cháu gái của lão đang huyên thuyên kể về những công trình có kiến trúc tuyệt mỹ, những khách sạn năm sao, những nhà hàng quốc tế, những siêu thị đông nghịt người... mà lòng lão thì lại trôi dạt về tận nơi nảo nơi nao. Lão chợt nghiệm ra thêm một điều, thành phố thay đổi đến ngỡ ngàng như vậy thì sao bảo lòng người có thể nguyên vẹn như xưa, vậy nên chẳng thể trách gã bạn thân vì cơm áo gạo tiền mà quên mất ông già như lão.

Lão tìm đến công ty của gã khi cơn mưa buổi sáng vừa ngớt, nhường chỗ cho những tia nắng yếu ớt đầu tiên. Lão biết chắc gã đã nghỉ từ lâu vì tuổi tác nhưng vẫn tạt vào một quán nước ven đường, chỉ đơn giản là để nhìn ngắm cái nơi mà ông bạn thân của lão đã từng điều hành, lãnh đạo. Lão gật gù thầm nghĩ đó là một công ty lớn, mà như thế ắt hẳn người đầu tàu phải có tài, có đức. Cô chủ quán mát mẻ theo đúng mốt của những nàng đứng tuổi, đon đả hỏi thăm lão với chất giọng miền Tây ngọt lịm. Bắt được sóng, ả kéo ghế ngồi ghé bên lão rồi liên tục huyên thuyên như thể ngoài kia người ta đang quay bài phát biểu của ả cho bản tin buổi sáng. Cái đầu óc truyền thống của lão nghĩ thì nghĩ vậy thôi, nhưng lão cũng thầm cảm ơn về những thông tin mà ả mang đến cho lão. Sau hơn ba mươi năm trời, lão mới được hiểu thêm về gã bạn thân một thời chung lưng đấu cật. Tự nhiên, giữa cái giận và thương trong lòng lão lại chênh vênh như thể gã vừa nói cùng lão mấy lời hờn dỗi. Tự nhiên, lão muốn gặp gã ngay tức thì để hỏi cho ra nhẽ, để biết một thằng trai đi lên từ hai bàn tay trắng như gã, được sự bảo bọc của muôn triệu anh em bạn bè như gã hà cớ gì lại đối xử khắt khe với anh em công nhân để đến nổi phải bị cạch mặt. Lão muốn lắm một lần hai thằng ngồi nhâm nhi cùng nhau ly rượu trắng với vài quả mít non, dốc hết lòng ra mà kể như cái thời vẫn thường kể cùng nhau việc thương con bạn gái mà mãi chẳng dám ngỏ lời. Trên đầu hai thứ tóc, lão cứ nơm nớp rằng nếu lão và gã không một lần trải lòng cùng nhau thì khi thác đi, gặp anh em đồng chí dưới đó chẳng có gì mà kể. Đời một chàng trai chinh chiến, bom đạn không giết được thì xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sợ là sợ không thể nhìn mặt anh em đồng đội đã ngã xuống cho mình đứng lên...

Và bởi vì sợ vu vơ đủ thứ như đúng cái bản chất cố hữu lâu nay, nên lão càng quyết tâm gặp gã. Lần theo bản vẽ ngoằn ngoèo của ả hàng nước, lão chen lấn giữa cái nắng đổ lửa của Sài Gòn để tìm tới nhà gã. Sau một hồi chựng lại trước cái vẻ khang trang chưa từng nghĩ tới, lão lại ghé vào một quán nước ven đường để nghỉ ngơi, dò hỏi. Tự nhiên, lão thấy mình nhỏ bé quá và cũng khờ khạo quá khi đi gần trọn chiều dài đất nước để tìm đến đây, để thấy run run trước cái vẻ quê mùa của mình khi chiếu vào sự giàu sang của gã bạn. Giữa phố phường tấp nập, lão bỗng nghe lòng mình rưng rưng và cô đơn quá thể...

Quá nửa buổi chiều thì gã về, chiếc xe hơi màu trắng bóng nhoáng đổ xịch ở cổng. Cốc nước trên tay lão rung rung. Hình như, lão không quen nhìn thằng bạn khố rách áo ôm trong bộ dạng sang trọng và lịch lãm như thế. Gã xuống xe, con chó bec-gie màu vàng đen nhảy cẫng lên ôm ngang người, dúi dúi cái mõm vào bụng gã nựng nịu. Lão vẫn nhớ ngày xưa gã hay có tính đa sầu đa cảm, thấy con vật gì đau cũng ôm vào lòng, chăm lo như con dại. Và cũng bởi cái tính đó của gã mà lão chẳng dám tin gã thay lòng đổi dạ, càng muốn hỏi cho ra nhẽ những tình tiết trong câu chuyện của ả hàng nước sáng nay.

- Này, thằng Nhót!

Gã quay ngoắt lại sau cái giật nảy người. Cái tên từ thời còn ở truồng tắm mưa của gã tưởng như đã chìm vào từng mi li mét đất quê hương, không ngờ vẫn được nghe lại giữa Sài Gòn hoa lệ trong một chiều đầy nắng. Những thớ thịt trên khuôn trán vuông vức của gã nhíu lại, gã nhìn lão như xoáy vào tận tâm can. Rồi như thể những thước phim hồi ký đang quay chậm trước mặt, gã chợt reo lên như trẻ con và ôm chầm lấy lão. Gã đấm thình thịch vào đôi bờ vai trơ xương, luôn miệng gọi tên “Thằng Trọc, thằng Trọc”. Lão đứng yên, nghe những mạch máu chạy rần rật dọc theo sống lưng, tê dại, và dường như lão cảm được bờ vai mình đang ươn ướt, ấm nóng nước mắt của gã bạn đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi.

Nhá nhem tối, gã bày xong những món được cho là dân dã, cổ truyền, lão ôm bình rượu trắng mang từ quê cùng ngồi vào bàn. Rượu vào, lão và gã thi nhau kể chuyện đời, chuyện những tháng ngày qua... Giữa chừng, tự nhiên lão bật khóc làm gã luống cuống, an ủi vụng về y hệt cái hồi lão nhảy vào chuồng heo lượm trứng gà cho gã chẳng may bị heo táp, khóc mất cả nửa ngày. Trong vòng tay gã, tự nhiên lão mạnh dạn hỏi thẳng cái điều ấp ủ những năm qua, và cả cái điều lão trăn trở từ lúc sáng qua câu chuyện của ả hàng nước. Gã chẳng nói gì, càng ôm chặt lão hơn. Gã uống cạn chén rượu, nghe những giọt ấm nóng lan tới từng thớ thịt.

- Mấy năm trước, tau viết thư bảo mày vào Sài Gòn chơi, không thì cho tau cái địa chỉ lúc nào ra tau ghé sao mày không hồi âm?

Lão lặng im, hơi cúi đầu xuống để đôi gò vai càng nhô lên nhọn hoắc.

- Ngày đó trong thư mày báo tin lên chức Giám đốc. Tự nhiên, tau thấy tau quê mùa và thua kém quá, chẳng dám hồi âm nữa. Vả lại, tau sợ mày thăng chức, bận trăm công nghìn việc, dễ gì nhớ tới tau mà tìm…

Nói đến đó, lão lại khóc. Mấy mươi năm súng giặc bom thù, thương tích đầy mình lão chẳng rơi giọt nước mắt nào, vậy mà chẳng hiểu sao trước mặt gã, lão lại có thể nức nở ngon lành như một đứa trẻ.

- Nếu mày cứ mãi đeo bám những suy nghĩ thiệt hơn như thế thì đừng nhìn mặt tau nữa. Những thằng người sống sót qua bom đạn như tau, như mày, có làm ông này bà nọ, nghề này việc kia cũng chẳng qua là để đền ơn những thằng đã ngã xuống, là để xây dựng cái mảnh đất chôn xương máu anh em này chứ chẳng phải vì nhà cao cửa rộng gì sất. Họp cựu chiến binh, tau với mày cũng đều là những thằng tật nguyền như nhau mà thôi!

Lão nhìn sâu vào mắt gã, vẫn đúng là con mắt cương nghị của một thằng trai anh hùng trước những trận đánh ngày xưa. Tự nhiên, lão thấy an lòng. Thì ra, lâu nay lão cứ tự tách mình ra vì sợ người ta khinh rẻ mà quên mất rằng như thế là tự khinh rẻ chính mình. Gã bảo lão rằng, trong đời những thằng xông pha, có thể bị người này chê, người kia cười việc này việc nọ nhưng nhất quyết không được hạ thấp chính mình, không được bán rẻ cái tâm thế của một thằng vì dân, vì nước. Lão chợt nhận ra, lão thật bé nhỏ trước gã, trước thằng bạn thân người nhỏ thó nhưng hay suy nghĩ những điều ở tầm

vĩ mô.

- Vậy còn chuyện ở công ty của mày thì sao? Sao người ta lại bảo mày chèn ép anh em công nhân nên không được tín nhiệm?

Gã bật cười ha hả trước câu hỏi ngây ngô của lão.

- Mày nghe được ở đâu cái thông tin ấy mà về chất vấn tao đó?

- Từ bà hàng nước trước công ty mày!

Gã càng cười to hơn. Có lẽ trong đời gã không ngờ thằng bạn thân của mình lại ngô nghê tới mức đi nghe lời ả hàng nước rồi về nghi ngờ anh em. Nhưng để thỏa mãn cái sự hiếu kỳ của lão, gã cũng rành rọt kể cho lão nghe những chuyện thị phi trên thương trường, để lão thấy rằng chẳng phải ở đâu cũng thanh tịnh, nhẹ nhàng như làng quê sáng dắt trâu ra cày, chiều dắt về, đem nghe gió rít trên từng ngọn tre...

- Để tau nói mày nghe, nếu tao mà sống tệ với anh em, với đất nước này thì chưa cần đến pháp luật, cái giá nhân quả cũng đã treo lơ lửng trên đầu tao rồi. Nhưng mà mày thấy đó, đời tao thanh thản, vợ khỏe, con cháu thành đạt, nhà cao cửa rộng... nên mày cứ tin là tao chẳng làm việc gì nên tội. Có điều, ngày ở công ty, tao mang dòng máu anh hùng Cách mạng nên thường đấu tranh chống tiêu cực, hay yêu cầu anh em công nhân phải hết lòng vì công việc theo đúng cái kiểu kỉ luật quân đội, thành ra được lòng nhiều mà mất lòng cũng chẳng ít. Đó là khi tao ở, nhưng khi người ta kèn cựa, tao đi, công ty làm ăn thất bát, anh em lại thấy thương tao, lại tìm đến tao, tao vẫn xem như con như cháu. Nếu mày không tin, mai tao dắt lên công ty hỏi cho rõ ràng.

Lão gật đầu, cụng với gã ba ly chốt hạ, nghe nhẹ nhõm trong lòng và thấy đời phơi phới, lâng lâng. Cuối cùng, lão cũng gỡ được những thứ nhập nhằng vướng trong tâm khảm lâu nay, yên tâm rằng những người như lão, như gã thật sự không bị bụi thời gian phủ mất chất anh hùng. Cuối cùng, lão cũng được thoải mái tới nhà gã chơi, vui vẻ thăm thú thành phố trong những ngày sắp tới. Và cuối cùng, lão tin, nếu có bất chợt về nơi chín suối, lão cũng thanh thản gặp mặt anh em mà huyên thuyên rằng những người như lão, như gã đã làm tròn trách nhiệm của người ở lại với đất nước, với nhân dân.

Lão ôm gã lần cuối, toan bước ra cổng thì đứa cháu nội của gã về. Sau lưng cậu trai là cô bé có mái tóc đuôi gà buộc cao chỏng chơ. Gã nhanh nhẹn:

- Giới thiệu với mày đây là cháu nội tao, còn đây là bé Thu - người yêu của nó.

Lão ngơ ngẩn nhìn cô gái hồi lâu, chính lão cũng không hiểu sao lại có mối nhân duyên kỳ diệu này. Lão không thể tin người yêu của cháu nội gã lại là cháu gái mình, lão không thể tin ông Tơ bà Nguyệt lại kỳ công xe nên mối duyên ở hai đầu đất nước này để giờ đây lòng lão ngổn ngang những mừng mừng, tủi tủi...

Lão trả lời những thắc mắc vồn vã của cô cháu gái trong tâm trạng lâng lâng

- Ông và ông Thành là bạn thân từ thời còn tắm mưa, cùng vào Nam chiến đấu, sau đó ông về cưới bà còn ông Thành ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Bạn ông đã không gặp được nhau từ đó đến giờ.

Đôi trẻ như hiểu ra, nhìn nhau cười ngượng nghịu. Trong tâm hồn đứa con gái hai mươi, đó là điều kỳ diệu nhất mà cuộc đời đã mang đến làm hồng thêm cho tình yêu nho nhỏ của hai người. Chiến tranh đi qua lâu quá, cô gái không thể hình dung được ngày đó hai ông sống với nhau như thế nào, phải vượt qua những gì nhưng cô tin chắc rằng, nếu không có một tình bạn cao đẹp, một tình anh em thân thiết thì ông của cô đã không thể vượt qua sức nặng của tuổi ngoài bảy mươi để tìm gặp một con người từ thời xa lắc.

 

... Đêm Sài Gòn đằm mình trong tiếng còi xe, tiếng nhạc xập xình, tiếng nói cười rôm rả và cả tiếng mèo đi hoang rên rỉ trên những nóc nhà.

Bóng hai ông cháu nghiêng nghiêng trên đường, một gầy guộc một mảnh mai nép vào nhau giữa phố phường chật hẹp. Lão nghiệm ra rằng, với những người đã đi qua chiến tranh như lão, như gã và nhiều đồng đội khác, dù có làm tới chức cao vọng trọng, có sống ở nơi xô bồ đến nghẹt thở thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người vẫn cất lại những dấu lặng của một thời đã qua, lưu lại những hình bóng xưa cũ để những ngày như hôm nay, lại mang ra san sẻ làm ấm lòng nhau.

Hai ông cháu cùng mỉm cười nhẹ nhàng, hòa vào dòng đời đông đúc. Ở đó, họ chỉ là hai con người bé nhỏ nhưng chẳng bao giờ lẫn vào đâu được vì những điều rất đỗi thiêng liêng mà họ cùng nhau cất giữ...

L.H.M