Ba nhà văn xứ Quảng viết cho thiếu nhi - Lê Nhật Ký

07.05.2019

Ba nhà văn xứ Quảng viết cho thiếu nhi - Lê Nhật Ký

Xứ Quảng có nhiều người viết cho thiếu nhi. Nhưng có thể nói, có ba cây bút từ cách nhập cuộc cho đến thành tựu tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm lên tiến trình lịch sử văn học thiếu nhi nước nhà. Đó là Pierre Lục, Võ Quảng và Nguyễn Nhật Ánh…

1. Pierre Lục, tác giả tiểu thuyết cho thiếu nhi đầu tiên ở Nam Trung Bộ

Tác giả Pierre Lục (1868 - 1927) sinh quán tại làng Phú Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Năm 1881, khi mới 13 tuổi, ông đã được đưa vào Tiểu chủng viện Làng Sông (Bình Định) học tiếng Latinh. Năm 1885, ông lại được chọn sang Pinang (Malaysia) học tập. Năm 1889, ông về nước, trở thành linh mục, làm việc tại nhiều nơi khác nhau, trong đó chủ yếu là tại Tiểu chủng viện Làng Sông. Tại đây, ông được giao trọng trách Phó kí lục Tòa Giám mục, trực tiếp kiểm duyệt bản thảo sách vở quốc âm cho nhà in Imprimerle de Quinhon.

Linh mục Pierre Lục là người tinh thông văn chương và chữ nghĩa. Vì vậy, khi làm việc tại nhà in, ông càng có thêm lí do để chuyên tâm vào hoạt động sáng tác. Từ năm 1906 đến 1927, ông đã xuất bản hơn 11 đầu sách, hướng tới nhiều lớp độc giả khác nhau: Ấu học (1906), Hạnh Năm Thuông (1912), Trung học (1914), Tôn trái tim (1919), Nghề trồng dâu (1926), Song nghĩa tự (1925), Hai chị em lưu lạc (1927)... Với di sản sách vở như vậy, tác giả Pierre Lục hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là cây bút quốc ngữ tiêu biểu những năm đầu thế kỉ XX.

Tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc là cuốn sách cuối cùng của đời văn Pierre Lục. Khi xuất bản cuốn sách này, ông đã trân trọng ghi lên bìa sách dòng chữ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp: “Tiểu thuyết dành cho trẻ nhỏ” (Roman pour les Petits). Và trong lời Tựa, ông nói rõ lí do viết cuốn sách này cho các em. Theo đó, vì “chưa có tiểu thuyết cho trẻ nhỏ coi chơi” nên ông quyết định “soạn cuốn này đặng cho trẻ nhỏ coi, chẳng những giải khuây, mà lại nhứt là đặng học đòi gương lành thói tốt”. Nhớ rằng, thời điểm năm 1927, văn học Việt Nam đang lúc giao thời, chuyển mình sang phạm trù hiện đại. Lúc đó, hoạt động sáng tác văn học quốc ngữ chưa thành phong trào sôi nổi, và chủ yếu hướng tới độc giả người lớn. Đặt Pierre Lục và tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc vào bối cảnh đó, chúng ta mới thấy rõ đóng góp của ông đối với lịch sử văn học thiếu nhi nước nhà. Cố nhiên, đó là đóng góp của lớp nhà văn tiên phong “khai sơn, phá thạch”, khẳng định văn học thiếu nhi phải trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với riêng Pierre Lục, ông là tác giả thứ hai (sau Nguyễn Trọng Thuật, Quả dưa đỏ, 1925) viết tiểu thuyết cho thiếu nhi, chú trọng đồng thời cả hai yêu cầu giải trí và giáo dục. Nếu xét riêng khu vực Nam Trung Bộ, ông là người có công mở đầu thể loại tiểu thuyết, rộng ra là bộ phận văn học dành cho thiếu nhi.

Tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc là một câu chuyện cảm động về lòng nhân ái, được thể hiện qua nhiều nhân vật khác nhau như ông bà Đặng Trung Chánh, hai chị em Gương và Lành, cậu Nên, ông Đạo... Toàn bộ nội dung câu chuyện xoay quanh số phận của hai chị em Gương và Lành, bắt đầu bằng việc mồ côi mẹ, hành trình lưu lạc vào Nam rồi bị bắt cóc bán sang xứ người. Trên hành trình lưu lạc ấy, hai chị em đã gặp được lòng tốt của nhiều người, nhất là gia đình cậu Nên. Nhờ thế, sau nhiều thử thách, sau nhiều đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần, hai chị em đã được trở về đoàn tụ với gia đình, lại được học tập và trưởng thành đúng như mong muốn của mọi người. Truyện của Pierre Lục giàu chất phiêu lưu, thực sự lôi cuốn hấp dẫn không riêng bạn đọc trẻ em. Qua tác phẩm, tác giả đề cao văn hóa gia đình, lòng yêu kính Chúa, xem đó là nguồn giá trị để mỗi đứa trẻ hạnh phúc, “càng lớn càng xinh đẹp, thì càng khôn ngoan, nết na; ai nấy đều thương”.

Trước 1975, tại Sài Gòn, nhà văn Nhật Lệ Giang đã viết lại Hai chị em lưu lạc theo lối văn mới, xuất bản trong Tủ sách Tuổi Hoa. Gần đây, tiểu thuyết của Pierre Lục đã được nhà xuất bản Tôn Giáo in lại, là cuốn đầu tiên trong Tủ sách Nước Mặn do Giáo phận Quy Nhơn chủ trương (2012).

Nhiều năm qua, vì những lí do khác nhau, đóng góp của Linh mục Pierre Lục chưa được giới thiệu một cách thường xuyên và đầy đủ. Thiết nghĩ, cần tái bản và nghiên cứu đầy đủ hơn về tác phẩm của ông, để trên cơ sở đó, bổ sung ông vào đội ngũ những người xứ Quảng tiên phong trong lĩnh vực văn hóa...

Võ Quảng, người rẽ lối sang văn học thiếu nhi khi quan lộ đang hanh thong

Võ Quảng (1920 - 2007) quê ở làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông khởi nghiệp văn chương khá muộn. Năm 1957, khi đã 37 tuổi, ông mới xuất bản tác phẩm đầu tay là tập thơ Gà mái hoa (Nxb Kim Đồng). Sau tập thơ này, ông chuyên tâm vào công việc sáng tác, là một trong số ít những cây bút chuyên viết cho thiếu nhi giai đoạn nửa sau thế kỉ XX.

Trước khi ra Bắc tập kết, Võ Quảng chưa có bất kì sáng tác nào. Sau khi học hành thành đạt, ông tham gia kháng chiến, đảm nhận trọng trách Phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng, Phó chánh án Tòa án quân sự miền Nam, Hội thẩm Tòa án nhân dân Liên khu V... Với một lí lịch nhiều điểm son như thế, Võ Quảng quả có nhiều lợi thế nếu tiếp tục theo đuổi con đường chính trị. Thế nhưng, ông lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực văn học thiếu nhi vốn hoàn toàn mới mẻ, rất có thể khiến ông trở thành kẻ thất bại. Sinh thời, Võ Quảng chưa một lần cho biết vì sao ông lại có sự chuyển hướng đột ngột như vậy. Nhưng qua các tiểu luận, có thể suy đoán được lí do lựa chọn của ông. Tựu trung, ông coi trọng việc giáo dục tâm hồn con người ngay khi còn trẻ, và văn chương là loại hình văn hóa có nhiều ưu thế để thực hiện nhiệm vụ này. Trong bài Cần những sáng tác tốt hơn nữa cho thiếu nhi, ông có những câu đoạn đáng chú ý như sau: “Tâm hồn là một việc ta thường ít chú ý, nhưng chính đó là nơi xuất phát mọi việc làm tốt đẹp và mọi hành động vĩ đại”; “Văn học đã tìm những từ dễ lọt tai nhất, lay động cả đến những nơi sâu kín của con người”(1). Mặt khác, ngay những ngày đầu đặt chân lên miền Bắc, ông bắt gặp không khí hồ hởi của các văn nghệ sĩ trong việc xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu niên nhi đồng theo chủ trương của Đảng và chính phủ. Tất cả những điều đó đã định hướng, thôi thúc Võ Quảng đi sâu vào con đường sáng tác cho các em. Có thể nói, trong văn học Việt Nam, cách nhập cuộc như Võ Quảng là hiếm thấy. Nó thật độc đáo, tạo cho bạn đọc cảm xúc thú vị khi tiếp cận tiểu sử nhà văn Võ Quảng.

Hành trình sáng tác của Võ Quảng dài đúng nửa thế kỉ (1957 - 2007). Trong đó, khoảng thời gian sáng tác sung sức nhất của nhà văn là vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Vào những năm đó, ông liên tục xuất bản hơn 10 tập thơ văn. Có thể kể tới: Thấy cái hoa nở (thơ, 1962), Nắng sớm (thơ, 1965), Quê nội (tiểu thuyết, 1973), Anh đom đóm (thơ, 1975), Những chiếc áo ấm (truyện đồng thoại, 1970), Bài học tốt (truyện đồng thoại, 1976)... Bên cạnh đó, Võ Quảng còn viết khoảng 30 bài tiểu luận phê bình, bàn về nhiều vấn đề khác nhau của văn học thiếu nhi. Những ý kiến của ông hầu hết đều xác đáng, giúp cho người nghiên cứu thêm căn cứu để tiến hành các khái quát lí luận về văn học thiếu nhi.

Võ Quảng có một sự nghiệp văn chương quy mô và nhiều giá trị. Tác phẩm của ông thực sự là người bạn của trẻ em trong không gian gia đình và nhà trường. Bởi vậy, mỗi khi nói về ông, bạn đọc khó có thể quên Ai dậy sớm, Mời vào (thơ), Quê nội (tiểu thuyết), Những chiếc áo ấm (truyện đồng thoại) và nhiều tác phẩm khác. Với những đóng góp quan trọng như thế, Võ Quảng xứng đáng được tôn vinh là “cây đại thụ của văn học thiếu nhi Việt Nam”.

Nguyễn Nhật Ánh, hiệp sĩ giữa cuộc chiến không cân sức

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955, quê tại xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông bắt đầu viết cho thiếu nhi vào năm 1985. Năm đó, nhà văn ra mắt bạn đọc hai tác phẩm văn xuôi là Trước vòng chung kết và Cú phạt đền. Kể từ đó, Nguyễn Nhật Ánh nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn của văn học thiếu nhi thời kì đổi mới.

Vào thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, dưới tác động của kinh tế thị trường, văn học thiếu nhi Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, văn học thiếu nhi nước ngoài đổ bộ vào mỗi lúc một ồ ạt. Đứng trước thực tế đó, Nguyễn Nhật Ánh có nhiều trăn trở. Ông cảm thấy “tự ái”, đồng thời quyết “không cho phép mình chịu thua” trong cuộc chiến không cân sức này. Trong quá trình “lao tâm, khổ trí” như vậy, Nguyễn Nhật Ánh nghĩ nhiều đến cách viết, xem “viết làm sao” chính là giải pháp để “thu hút các em đến với sách, đến với truyện chữ, đến với văn học Việt Nam”(2).

Quan sát hệ thống tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, từ Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang cho đến Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, và gần đây Ngày xưa có một chuyện tình, có thể thấy, nhà văn rất linh hoạt trong việc thay đổi cách viết. Cụ thể, nếu Kính vạn hoa hấp dẫn bởi những câu chuyện sinh hoạt đời thường thì với Chuyện xứ Langbiang, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, bạn đọc lại có được những trải nghiệm thú vị trong thế giới của cái kì ảo, phi thực. Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh vừa có ý thức làm mới chính mình, vừa không theo lối viết truyền thống vốn rất chú trọng về vấn đề giáo huấn trẻ em. Trong mỗi tác phẩm,  ông luôn đưa ra một số thông điệp có ý nghĩa giáo dục, thường diễn đạt dưới dạng triết lí nhẹ nhàng, ngắn gọn. Câu văn ông ngắn gọn, nhiều đối thoại và giàu chất vui tươi, hài hước. Những yếu tố đó đã làm nên chất mê hoặc cho hầu hết mọi trang văn của Nguyễn Nhật Ánh.

Chỗ độc đáo của Nguyễn Nhật Ánh, đó chính là việc xác lập thành công thương hiệu văn chương rất uy tín giữa thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Rõ ràng, trong những thập niên gần đây, giới cầm bút Việt Nam chưa ai đạt được thành tựu như Nguyễn Nhật Ánh.

Ông là nhà văn có tới 10 cuốn sách bán chạy nhất, trong đó dẫn đầu là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cho tôi một vé đi tuổi thơ (3).

Ông chính là nhà văn có tác phẩm “đĩnh đạc” đi ra thế giới, được bạn đọc ở các nước Nhật, Nga, Thái Lan, Đức... hết sức yêu thích, nhất là với Cho tôi một vé đi tuổi thơ. Điều này rất ý nghĩa đối với việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, góp phần làm giảm sự chênh lệch, tiến tới cân bằng trong hoạt động trao đổi giữa các nền văn hóa với nhau.

Ông cũng là nhà văn có lực lượng bạn đọc rất đông đảo, ở cả trong và ngoài nước, luôn chờ đợi, mong ngóng những tác phẩm mới của ông. Bằng chính tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh đã làm được điều mong ước là kéo bạn đọc trở lại sân chơi văn học trong nước, khẳng định vị thế mới của văn học thiếu nhi  Việt Nam.

Nguyễn Nhật Ánh đang tiếp tục tỏa sáng trong không gian văn chương Việt Nam và thế giới. Nhưng từ những gì đã viết, ông đã tạo nên sự nối tiếp tuyệt đẹp truyền thống sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn xứ Quảng nói riêng, của lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam nói chung.

Như vậy, theo dòng thời gian, lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam ghi nhận sự tham gia tích cực của các nhà văn Quảng Nam - Đà Nẵng. Các tác giả - Pierre Lục, Võ Quảng và Nguyễn Nhật Ánh - tiếp cận văn học thiếu nhi theo những cách khác nhau, sáng tác và gặt hái thành tựu trong những hoàn cảnh khác nhau. Điều đó tạo nên sự tiếp nối thú vị, góp phần đảm bảo cho văn học thiếu nhi hình thành và phát triển một cách tích cực, xứng đáng là một bộ phận hữu cơ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Những đóng góp đó rất cần được trân trọng và phổ biến sâu rộng trong công chúng...

L.N.K