Xuân Quỳnh - nhà thơ nữ độc đáo

06.03.2018

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) chỉ sống có 46 năm trên cõi đời này, nhưng đã có gần 30 năm làm thơ, đủ kịp để lại cho đời một gia tài thơ rất lớn, không chỉ về số lượng mà đặc biệt là về chất lượng, với nhiều bài thơ đầy sức hút, được đông đảo bạn đọc yêu thích và còn lưu giữ mãi trong tâm trí.
Chị là một tài năng thơ quý giá, bởi một hồn thơ hết sức đa cảm và nhạy cảm, hết sức tinh tế và dịu dàng.Những bài thơ của chị luôn có cái đắm đuối và những nét tinh tế rất giàu nữ tình, từ thơ về tình yêu, về trẻ em, về mẹ… cho đến những thứ tình cảm công dân rộng lớn của một thời cả nước đánh giặc.

Xuân Quỳnh - nhà thơ nữ độc đáo

Đó là những bài thơ viết trong “Gió Lào cát trắng”, dưới  “Chiến hào”, khi trên đường hành quân, người chiến sĩ trong thơ chị chợt nghe vang lên một “Tiếng gà trưa”:

“...Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Ý thơ giản dị này đã cắt nghĩa một điều lớn lao tức là lý do làm nên sức mạnh để chúng ta luôn chiến đấu và chiến thắng trong mọi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, một “mô-típ” thơ rất quen thuộc của thời chống Mỹ.

Tôi sẽ không quên có lần nhà thơ đàn anh Vũ Cao, tác giả của bài thơ “Núi Đôi” bất hủ, đã tấm tắc nói với chúng tôi: “Xuân Quỳnh nó viết bài “Chuyện cổ tích về loài người” thật bợm quá!”, vâng từ “bợm” là nguyên văn lời khen của nhà thơ Vũ Cao. Không “bợm” sao được, khi trong bài thơ này, với tình yêu trẻ em bát ngát của một người mẹ, Xuân Quỳnh đã lập một cái tứ kỳ thú và rất “trẻ con” ấy là:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác”

Cả bài thơ là cách nói “ngược về thực tế của đời sống” nhưng lại “thuận trong tâm thế của con người”. Đúng là “bợm”, là kỳ tài!

Những bài thơ viết về tình mẹ con của chị như “Lời ru trên mặt đất”, “Lời ru của mẹ”, “Mẹ của anh” viết về một thứ tình cảm đã quá quen thuộc ngỡ như khó mà có thêm điều gì mới vào đấy nữa, mà rồi ra khi vào tay Xuân Quỳnh, thơ vẫn mang đầy nét mới. Một câu thơ của nàng dâu Xuân Quỳnh viết mẹ chồng đã đủ đánh đổ cái lề thói bất hòa giữa mẹ chồng nàng dâu muôn thuở, ấy là:

          “Chắt chiu từ những ngày xưa

          Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”

          Nói yêu mẹ chồng mà không gượng gạo, vì được bảo lãnh bởi tình yêu chồng thắm thiết.

Ngay trong tập thơ đầu tay in chung “Tơ tằm - Chồi biếc”, xuất bản từ năm 1963, khi mới 21 tuổi, Xuân Quỳnh đã có bài thơ có thể gọi là “kiệt tác”, tiêu biểu cho cả đời thơ của chị, ấy là bài “Thuyền và biển”, một câu chuyện ngụ ngôn thấm thía về tình yêu, nhất là từ khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành công, nó càng được đông đảo công chúng yêu thích.

Để thay việc phẩm bình toàn bộ thơ Xuân Quỳnh, tôi nghĩ chỉ cần chúng ta tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ này là đủ…

Tôi thuộc số người, có thể là do gàn quải, cứ thích gán cho văn học, kể cả cho thơ cái nhiệm vụ to tát là khám phá tư tưởng, phát hiện những điều mới lạ, tinh vi trong tâm thức con người… Thơ quả nhiên cũng cần phải làm việc ấy thực, nhưng... cái ý thức ngoan cố bẩm sính của tôi đã nhiều phen phải rút lui từng bước để dần dà thúc thủ trước một sự thật: Nhiệm vụ hàng đầu của thơ không phải là khám phá tư tưởng mà là chuyển tải cảm xúc, chẳng hạn với một bài thơ như Thuyền và biển, một bài thơ khá hiếm hoi mà trong đó sự can thiệp của lý trí, của ý thức cũng khá rõ ràng, nhưng bất chấp được xây dựng trên cái nền của những phân tích nội tâm con người chỉ có thể gọi là chính xác thôi, chứ chưa có gì làm khám phá sâu sắc cho lắm ấy, bài thơ vẫn cứ lôi cuốn ta vô cùng, cứ làm ta say mê đến độ thuộc lòng và ngẫm ngợi suốt mọi thời gian như là trường hợp của chính tôi. Đã đành là có sự đóng góp của những mệnh đề mang màu sắc triết lý-chẳng hạn: Vì tình yêu muôn thuở/ có bao giờ đứng yên hay nếu phải cách xa anh/em chỉ còn bão tố… -nhưng phần cơ bản làm nên sức hấp dẫn của bài thơ nhất định phải tìm ở chỗ khác. Chỗ khác đó, ở đây theo tôi phải tìm trong cái tài của nghệ thuật cấu tứ, cái sức mạnh rất khó nói nên lời là cường độ của tình cảm, cái năng lực điều khiển từ ngữ, hình ảnh, cái duyên dáng giàu nữ tính của lối nối, và sau hết, cái chặt chẽ, hợp lý của thể thơ và nhạc điệu.

Trước hết về mặt cấu tứ: Để diễn đạt những trạng thái của con người trong tình yêu, một thế giới tinh thần trừu tượng không dễ bày tỏ và nắm bắt, nhà thơ Xuân Quỳnh đã tạo ra một cốt truyện cụ thể lấy con thuyền và biển cả làm nhân vật. Đây là một thứ cấu tứ toàn bài, xuyên suốt từ đầu đến cuối, theo kiểu truyện ngu ngôn, truyện cổ tích về loài người. Dễ dàng thấy cách làm này, cũng như loại thơ có tứ nói chung, giúp người làm thơ cụ thể hoá những ý tưởng và cảm xúc thành một hệ thống hình ảnh hoặc câu chuyện để tạo ấn tượng mạnh mẽ, rõ ràng, khiến người đọc dễ tiếp nhận. Cũng như các thủ pháp khác, thủ pháp này không có gì mới. Mà nói chung, các thủ pháp dẫu phong phú đến mấy vẫn chỉ là những cái khuôn, là một mớ lý luận khô cứng, điều then chốt là chúng được sử dụng ra sao và đó mới là thước đo tài năng, điều quyết định thành bại của tác phẩm, là cánh cửa mở đến vô cùng. Ta thấy, trong Thuyền và biển tác giả đã làm chủ thủ pháp hoàn toàn. Hình tượng thuyền-biển và mối quan hệ giữa chúng được triển khai một cách chặt chẽ, hợp lý, vừa đủ để chuyển tải ý tưởng và cảm xúc cần thiết, sự cuốn hút và bí ẩn của tình yêu, sự phong phú của thế giới tình cảm, từ dịu êm đến dữ dội, sự thấu hiểu và cảm thông, sự ràng buộc và tự nguyện, những khát vọng to lớn và bất tận, những hạnh phúc và đau khổ tột cùng... Những cung bậc tình cảm ấy lại càng không có gì mới. Nhưng ở đây, sự thuyết phục hiển nhiên của hệ thống hình tượng chính là ở sự bảo lãnh của một cường độ cảm xúc dào dạt ẩn sau từng con chữ, nó khiến cho hai trục chính-một cụ thể, một trừu tượng-phát triển song hành với nhau một cách ăn ý lạ thường, chẳng hạn, đang nói chuyện thuyền và biển:

"Cũng có khi vô cớ/Biển ào ạt xô thuyền" rồi đột nhiên chuyển ngay được sang chuyện tình yêu:"Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên?". Xin lưu ý: Khi đọc bằng mắt, ta thấy hai câu thơ này nằm trong ngoặc đơn như là một thứ chú thích, nhưng thơ đâu phải chỉ để mà xem, thơ luôn được tiếp nhận bằng cách ngân lên trong đầu ta bằng âm thanh, dù ta đọc bằng mắt hay nghe bằng tai đều như vậy, và như thế một ký hiệu như ngoặc đơn chẳng nói lên điều gì.

      "Cũng như vậy, đang:

Nếu từ giã thuyền  rồi/ Biển chỉ còn sóng gió" đã lại : "Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố"

Cái lối chơi bài ngửa, nửa úp nửa mở một cách công khai ấy là một trong những thủ pháp đặc thù của ngòi bút Xuân Quỳnh và cũng là cái duyên của chị.

Như thế là, khách quan mà lùi xa một chút, ta sẽ thấy cả bài thơ dù không có phát hiện gì thật mới về ý tưởng, không sáng tạo ra thủ pháp gì thật độc đáo về nghệ thuật diễn đạt, nhưng với một đề tài muôn thuở thiên hạ đã cày xới cả lên, lại bằng một chất liệu cũng quen thuộc, bài thơ vẫn hiện ra với tất cả dáng vẻ cổ điển, tề chỉnh và trang trọng như một khúc Kinh cầu nguyện của tình yêu muôn thuở.

Ngoài ra, bài thơ còn in đậm dấu ấn của thời đại, ấy là: Khác với nhiều giọng thơ nữ trước đây thường chỉ biết thở than tuyệt vọng trước những bất công, ngang trái, với tâm trạng thụ động, yếm thế và cam chịu vốn là than phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ này nói riêng thể hiện rõ rệt một tâm thế chủ động, tự tin, đĩnh đạc của những con người đang nắm trong tay số phận của mình, có buồn, có vui, có sướng, có khổ… nhưng không bao giờ bi quan. Nói rộng ra, đó cũng là nét mới trong thơ của những cây bút nữ sau cách mạng.

Với một vài nhận xét còn rất thưa thoáng như trên, tôi nghĩ, chúng ta đã có thể khẳng định, nhà thơ Xuân Quỳnh đích thực là một nữ thi sĩ hàng đầu không chỉ của thế hệ chống Mỹ và rộng ra là của cả thế kỷ hai mươi, xứng đáng kế tục những nhà thơ nữ vang danh trong lịch sử thơ ca nước nhà từ xưa đến nay.

Nhà thơ ANH NGỌC
(qdnd.vn)