Họa sĩ Hoàng Đặng: Đời vẽ tôi, tên mục đồng

20.06.2013

Để được cầm cọ vẽ, suốt 35 năm anh lầm lũi làm đủ thứ công việc: thợ hồ, phụ lò bánh mì, dạy kèm, vẽ pa-nô xi-nê… Từng phải vào chùa trốn lính để thỏa mãn một đam mê duy nhất trong đời là hội họa. Đó là chuyện đời và chuyện nghề của họa sĩ Hoàng Đặng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Hoàng Đặng: Đời vẽ tôi, tên mục đồng

Người mê vẽ...

Hoàng Đặng sinh năm 1951 tại Huế ở một làng quê bên dòng sông Bồ chỉ có xương rồng và hoa long chong bay mù trời trên cát trắng. Mê vẽ, trước năm 1975, anh từng phải vào chùa ở Đà Nẵng, phải ăn chay, mặc áo cà sa để trốn lính, dành thời gian cho việc... vẽ. Khoảng thời gian này, anh đã có tranh minh họa trên tờ Tuổi Ngọc, Văn... Rồi trở ra Huế, nhờ bạn bè, người quen chạy cho giấy hoãn dịch để thi vào Trường Mỹ thuật Huế. Lận đận mấy năm trời, muốn có tiền ăn học, anh phải đi phụ nề, làm công ở lò bánh mì. Nhiều đêm phải thức trắng để canh lấy bánh mì, sáng đến lớp ngủ gà ngủ gật, nhưng lạ một điều, cuối năm Hoàng Đặng vẫn đạt sinh viên xuất sắc của trường nên thầy cô đều yêu mến. Thầy giáo họa sĩ Đinh Cường vẫn thường cho anh tiền để uống cà phê với bạn bè.

Sau năm 1975, trở về quê làm ruộng, đất đai quê nhà thương lắm nhưng khô khốc cháy bỏng mà sức lực của một người chỉ mê cầm cọ thì có là bao, nên vất vả đói kém. Lại nổi máu giang hồ vặt, bỏ đi lang thang với bạn bè tìm việc. Lên Buôn Ma Thuột một thời gian lại về nơi chốn dung thân cũ là Đà Nẵng. Để kiếm sống, đắp đổi qua ngày, anh đi vẽ pa-nô, làm tranh cổ động. Không cửa nhà, không hộ khẩu, đêm chỉ biết dật dờ ngủ trên bàn cơ quan. Thời gian hết hợp đồng, chờ dự án mới lại đi tàu chui về quê, hết trở vào lại trở ra... Thiếu thốn như vậy nhưng Hoàng Đặng vẫn chắt chiu từng nhúm bột màu để theo đuổi ước mơ, ấp ủ. Những bức tranh vẽ xong, chỉ biết úp mặt vào tường, nhưng ngọn lửa cứ lay lắt âm ỉ trong lòng để chực chờ bùng cháy.

Giai đoạn này khổ nhất vẫn là hộ khẩu vì xin việc làm ở đâu cũng bị từ chối. Ròng rã mười mấy năm vất vưởng nhưng cuối cùng bạn bè văn nghệ quý mến tài năng đã xin cho anh về làm hợp đồng ở cơ quan Hội Văn nghệ QN-ĐN, chuyên thiết kế bìa và vẽ phụ bản.

Tưởng là ổn, nhưng rồi Đặng cũng bỏ cơ quan Hội Văn nghệ để tìm mọi cách được sống bằng chính cây cọ của mình. Anh mê đọc sách, lặng lẽ học tiếng Anh để dạy kèm, giao dịch với khách nước ngoài đến tìm mua tranh... Cuộc sống vất vưởng gần hết cả thời tuổi trẻ làm thân thể anh teo tóp lại, bệnh hoạn liên miên tưởng có lúc không cầm được cọ.

Nhà sưu tập tranh Brian Stocwell sau hơn 10 năm trở lại Việt Nam kể rằng anh hoàn toàn không hy vọng gặp lại Đặng bởi nỗi ám ảnh về sức khỏe của người họa sĩ bụi bặm thời ấy, có lúc anh thực sự nghĩ rằng sẽ đến nhà thăm vợ con Đặng và thắp cho Đặng một nén hương... Nhưng không ngờ Đặng vẫn sống mà sức làm việc còn tăng bội phần. Nhà sưu tập còn cho biết: Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Đặng đã đưa ông đi xem tranh của nhiều họa sĩ khác, ai cũng chào mời, riêng Đặng thì không dù thời ấy anh rất khó khăn. Hình ảnh ban đầu để lại tình cảm khá đậm trong lòng ông. Cái quý nhất của Hoàng Đặng, theo ông là chất nghệ sĩ trong sự gắn bó tận cùng với nghề nghiệp. Niềm đam mê hội họa đã trở thành một khát vọng sống giúp anh vượt qua những nghiệt ngã, bệnh tật để tiếp tục tồn tại bằng những mơ mộng luôn đầy ắp trong tâm hồn.

Trái tim "mọc rễ" nơi miền quê thương nhớ...

Với hội họa, bao giờ cũng thế, vẫn là trái tim nguyên vẹn của thuở tình yêu ban đầu như lời bộc bạch của Hoàng Đặng: "Hội họa thường là sự im lặng đầy xung động. Tôi đang vẽ. Sẽ còn vẽ. Mỗi lần đứng trước tấm toile trắng là mỗi lần tôi cứ run ngợp như trẻ thơ được vẽ lần đầu...". Vì thế, trong tranh của Đặng dễ bắt gặp sự hồn nhiên trong trẻo đến bất ngờ, cái trong trẻo của một tâm hồn đầy mơ mộng mà vẫn an nhiên tự tại. Trên cánh đồng nghệ thuật, anh là tên mục đồng mải mê ca hát, vui chơi bất tận bởi sự cám dỗ của sắc màu.

Nói về quan điểm sáng tác, trong một lần trả lời phỏng vấn của ông David Thomas đăng trong tập sách Mỹ thuật Việt Nam đương đại tại Mỹ và Việt Nam (Contemperary Vietnamese Art from USA and VN) xuất bản tại Mỹ, Đặng nói: "Làng quê không chỉ là nguồn cảm hứng nghệ thuật mà còn giúp cho người nghệ sĩ cảm thấy mình đang tiếp nối và bắt rễ vào một điều gì đó, trong khi xã hội đang thay đổi chung quanh"... Vâng, cái làng quê nhỏ bé đầy khốn khó luôn ngọt ngào thấm đẫm trong ký ức, nơi nuôi nấng chở che mỗi khi lận đận trở về đã luôn ẩn hiện chất chứa những cảm xúc bất tận trong tác phẩm của anh.

Những năm qua, anh cũng làm được nhiều việc: Có tranh trong Viện Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam từ rất sớm; triển lãm cá nhân các năm 1987, 1997, 2005 tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tranh tuyển chọn triển lãm toàn quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 1975 trở đi; tranh tuyển chọn mỹ thuật Việt Nam đương đại do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hội An (2004); tranh tuyển chọn mỹ thuật Việt Nam đương đại tại Mỹ... Ngoài ra, anh còn là cây biếm họa chính của báo Lao Động với bút hiệu Đan và biếm họa cho nhiều tờ báo khác...

Đầu tháng 8/ 2006, họa sĩ Hoàng Đặng được nhà sưu tập tranh Brian Stocwell mời sang Irelandtriển lãm tại Gallery Gregory. Ngoài 22 bức tranh sơn dầu mang theo, anh còn được dành thời gian để vẽ về đời sống, con người Ireland, đặc biệt về phong cảnh Vương quốc Kerry, một vùng đồi núi rộng lớn thơ mộng nổi tiếng của xứ sở Ireland. Trong e-mail về Việt Nam, Đặng viết: "Sẽ cố gắng làm hết sức mình, dù nhỏ bé nhưng hy vọng sẽ tạo được một chút ấn tượng trong lòng công chúng yêu mến hội họa của Ireland về sự xuất hiện lần đầu của một họa sĩ Việt Nam".

Và cũng bất ngờ, thú vị, anh cho biết: Một số họa sĩ xứ người biết tin đến thăm đều thích thú loạt tranh vẽ về làng quê ViệtNammà anh đã mang theo. Họ không ngờ bởi làng quê của ta trông đơn sơ mộc mạc và êm ả, yên bình quá. Có cái gì đó thật ấm áp tình người mà giữa cuộc sống ồn ã ngày nay không dễ gì bắt gặp. Họ rất muốn có điều kiện sang thăm và đi vẽ ở ViệtNam... Có lẽ đó là niềm an ủi lớn lao nhất đối với Hoàng Đặng, một họa sĩ dù sống ở phố phường nhưng trái tim đã mọc rễ nơi miền quê thương nhớ.

Với họa sĩ Hoàng Đặng, cuộc chơi nghệ thuật đã giúp anh vượt qua những lao đao của cuộc đời, và anh tình nguyện là "kẻ thừa sai của hội họa" như nhận định của một nhà văn.

Hồ Sĩ Bình

Nguồn thanhnien.com.vn