Văn chương tiếp cận gia đình như một đơn vị văn hóa
Tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ảnh revisach.com
Viết về gia đình (đơn vị văn hóa Việt) thể hiện động thái “hướng nội” của văn chương Đổi mới
Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985) của Ma Văn Kháng, có thể coi là tác phẩm mở đầu (đột phá khẩu) cho dòng văn chương hướng nội (tạm gọi như thế) khi so sánh với văn chương hướng ngoại thời kỳ chiến tranh cách mạng, 1945-1975, với cảm hứng sử thi - lãng mạn, với những chủ đề lớn lao cao cả (ngay tên sách cũng đặc trưng như Ra trận của Tố Hữu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Cửa biển của Nguyên Hồng, Vỡ bờ của nguyễn Đình Thi, Bão biển của Chu Văn, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Vùng trời của Hữu Mai, Chiến sỹ của Nguyễn Khải, Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, Ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi,...).
Độc giả đương thời vào những năm 80 của thế kỷ XX có cái cảm giác được đổi gió, đổi món khi đọc Mùa lá rụng trong vườn. Nó là một tác phẩm, có thể nói, lần đầu “chui sâu leo cao” vào cái đơn vị văn hóa cơ bản trong đời sống xã hội loài người – gia đình. Cấu trúc của gia đình trong xã hội hiện đại có gì khác? Rất nhiều cái khác so với gia đình truyền thống.
Các thế hệ (nếu có thực thể tứ đại đồng đường, nhưng hiếm) khi “cộng sinh” trong một gia đình bây giờ khó giữ được sự thống nhất toàn vẹn về quan niệm sống, phong cách sống. Đó là một tực tế khách quan. Nhân vât ông Bằng (người bố) và năm người con trai đẹp người, thành đạt, nhìn bề ngoài là một khối hữu cơ lý tưởng. Năm người con trai thì kèm theo năm người vợ và ít nhất cũng 10 người cháu. Thế là có đến ba thế hệ cộng sinh nhưng chưa thể nói chắc chắn là sẽ tuyệt đối đã cộng hưởng.
Cũng không có gì lạ khi ý thức về cá nhân (khác thời kỳ cách mạng và chiến tranh khi ý thức cộng đồng dâng cao) có mảnh đất màu mỡ hơn trước để bén rễ và nảy nở. Có thể nói, Mùa lá rụng trong vườn là một thể nghiệm bằng nghệ thuật ngôn từ hướng văn chương tiếp cận gia đình, cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng, xã hội hiện đại theo tinh thần đạo lý: “ Sống theo luân lý, đạo đức dân tộc sung sướng hơn vô luân, buông thả”. Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng thuộc thể tài đời tư - thế sự như một đặc trưng có tính định hướng của văn chương tiền Đổi mới (từ 1986). Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn hấp dẫn độc giả bởi lối viết tinh tế về đời sống thị dân thời hậu chiến mang những nét văn hóa của chốn kinh kỳ xưa.
Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986) của Lê Lựu đánh dấu bước chuyển của văn chương Đổi mới hướng tới đối tượng phản ánh từ tập thể đến cá thể, từ xã hội đến gia đình. Nhân vật chính Giang Minh Sài mang bi kịch khi cố tình thoát khỏi gia đình vì những mưu cầu huyễn hoặc (vinh thân nhưng không phì gia). Anh ta đã chạy trốn người vợ (cô Tuyết) với lý do hôn nhân không tình yêu. Nhưng khi cần vào Đảng và tiến thân thì anh ta gượng gạo quay về với vợ và có con, như một cách thức chứng minh trước tập thể ý thức của một quân nhân - đảng viên. Rốt cục, khi có cơ hội anh ta đã tìm cách ly dị được vợ và sống theo chủ nghĩa tự do. Nhưng cuối cùng vẫn không lọt được lưới tình ái vốn thiên la địa võng.
Cuộc hôn nhân thứ hai với Châu cũng không bền lâu. Cuối cùng anh ta trở về nơi xuất phát, cái làng Hạ Vị nơi chôn nhau cắt rốn, ở lứa tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Bi kịch của Giang Minh Sài có gốc rễ ở nhận thức, tư tưởng và tình cảm của người đàn ông không đóng trọn vai “chủ nhân ông” trong gia đình – một tế bào văn hóa, xã hội điển hình. Giang Minh Sài đặc trưng cho một thế hệ có nét ưu trội sẵn sàng xả thân cho lý tưởng và đại nghĩa “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng lại tỏ ra không giỏi giang (thậm chí có thể nói thiếu thông minh) trong tìm kiếm và gìn giữ hạnh phúc riêng tư.
Trong cái yếu kém này có một nguyên do quan trọng khi không thấu hiểu và thấu cảm hết ý ngĩa và giá trị tinh thần vững bền của gia đình. Tư tưởng “không gia đình” trong thời kỳ lịch sử cách mạng và chiến tranh vô tình hay hữu ý đã cắt đứt sợi dây bền chặt của mỗi cá thể với sự sống nơi trần thế đầy tính chất hiện sinh.
Thời xa vắng, như giới phê bình nhận xét, đậm đà chất phong tục chính là ở chỗ nó áp sát tái hiện cái cấu trúc gia đình nông thôn Bắc Bộ trong một trường đoạn thời gian dài hơn 30 năm. Đồng thời nó mạnh dạn phê phán cái mô hình gia đình nặng tàn dư phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Chính vì thế mà ở nửa chặng đầu cuộc đời Giang Minh Sài bị cái “vòng kim cô” đạo đức vô hình thít chặt. Anh ta “phải” lấy vợ theo ý nguyện gia đình. Trong khi anh ta có xu hướng “tự ngã”. Nhưng hoàn cảnh đã chi phối và quyết định. Nửa sau phần đời, Giang Minh Sài ngộ nhận về quyết định hạnh phúc của mình. Nhưng anh ta lại không hiểu được cấu trúc gia đình hiện đại khi phụ nữ đòi hỏi bình quyền, bình đẳng cả về kinh tế lẫn tinh thần. Giang Minh Sài rơi vào tình thế lúng túng như “gà mắc tóc”.
Cái kết đắng đót trở về vị trí xuất phát lúc đã “tứ thập nhi bất hoặc” có cái gì đó xót xa không chỉ dành cho nhân vật này. Nó là bài học cho cả một và còn hơn một thế hệ.
Gia đình bé mọn (tiểu thuyết, 2005) của Dạ Ngân là một tác phẩm có yếu tố tự truyện – một khuynh hướng khá nổi trội trong văn chương Việt Nam đương đại (như Ba người khác của Tô Hoài, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh,..).
Câu chuyện gia đình của nữ nhà văn (Tiệp) không có tính cá lẻ mà rộng hơn mang khí vị, dư vị của gia đình hiện đại trong bối cảnh xã hội chuyển mình vào cơ chế thị trường, đăc biệt khi ý thức cá nhân lên tiếng đòi quyền sống và hạnh phúc đích thực.
Giới phê bình đề cao, còn độc giả thì tâm đắc với âm hưởng nữ quyền của tác phẩm Gia đình bé mọn vốn được khai căn từ trước trong truyện Con chó và vụ ly hôn. Nữ nhà văn Tiệp đã cố gắng hết sức để hàn gắn sự đổ vỡ của đời sống gia đình với người chồng (Tuyên, anh ta là con người mà “trữ lượng nhân tính ít ỏi”).
Tiệp gặp Đính (một nhà văn tài năng, bặt thiệp, hào hiệp), một mối tình “sét đánh”. Nhưng giữa họ là một khoảng cách không gian – thời gian và những rào cản vô hình hay hữu ý, không dễ dàng vượt qua. Nữ nhà văn Tiệp rơi vào mâu thuẫn: “Khi rời các con, nàng thấy rõ tình mẫu tử nằm sâu kín và bền chặt trong lòng, còn khi có người đàn ông này thì từng tế bào nàng đươc cựa quậy, tái sinh.
Tại sao lại như là mâu thuẫn và cứ luôn bập bềnh như vậy?”. Mỗi người đều bị níu kéo bởi “chồng cũ” (Tiệp), “vợ cũ” (Đính), hơn thế còn biết bao nhiêu thứ được coi là truyền thống mỹ tục như một tấm lưới bủa vây bịt bùng. Con người dẫu thế nào cũng khó bề dứt hẳn khỏi cái hoàn cảnh mình được sinh ra, chìm đắm trong đó từ thưở ấu thơ. Gia đình thời hiện đại là như thế, nó luôn đứng trước nguy cơ bị “bắn phá” bởi những tình huống “phi truyền thống”.
Dạ Ngân là nhà văn tài năng và kiêu hãnh, tự tin trình câu chuyện của chính mình trước độc giả. Bà viết với nhiệt hứng bảo vệ phụ nữ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc vốn luôn khó khăn, mong manh và dễ vuột khỏi tay. Những dang dở của đời người dường như lại là một nhân tố khích lệ nó càng năng động và quyết tâm đi tìm hạnh phúc, dẫu cho đến bến bờ hạnh phúc lúc nào cũng xa lắc, xa lơ.
Thế giới xô lệch (tiểu thuyết, 2009) của Bích Ngân là “tiểu sử” của một gia đình thời hậu chiến với những trạng huống nhân tình thế thái không bình thường của kiếp người. Câu chuyện được kể từ nhân vât xưng “tôi” – một trong năm thành viên của gia đình (cha - mẹ - anh trai - chị gái và cậu Út). Cậu Út (người xưng tôi kể chuyện) từng là một trang thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú, từng cầm trong tay giấy báo đỗ vào đại học Hàng hải. Nhưng anh lại thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi bước vào giảng đường đại học với cuộc đời sinh viên đầy ước mơ, hoài bão và lãng mạn.
Trong thời gian tại ngũ, không may anh bị trúng bom mìn ngay trong thời bình khi đương thực hiện nhiệm vụ của người lính. Trở về nhà, khi cả hai chân bị cưa cụt, anh phải ngồi trên xe lăn với bao nỗi niềm của một người trẻ tuổi tràn nhựa sống, đang muốn bay nhảy giờ bị cầm chân, cầm tù. Cảm giác cô đơn rợn ngợp bủa vây chàng trai mới lớn nhưng chưa thực sự “trở thành đàn ông”.
Người cha là một cán bộ nhà nước gương mẫu, tốt tính, thương con nhưng giữa ông và các thành viên luôn có một khoảng cách. Người mẹ tảo tần công việc gia đình và đặc biệt ưu ái đứa con trai út bất hạnh. Người anh cả thì mải mê kiếm tiền làm giàu. Chị gái thì thương em trai nhưng chỉ là phận nữ nhi thường tình. Nhân vật cậu Út khúc xạ nhiều vấn đề nhân tâm thời đại, anh sống trong mặc cảm thân phận khi tuổi còn trẻ mà thân xác lại khiếm khuyết và tâm lý bị chấn thương.
Cuối cùng để giải thoát anh chấp nhận một cuộc hôn nhân do người mẹ sắp đặt (theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”). Người vợ của cậu Út mồ côi bố mẹ từ nhỏ, vốn xuất thân từ nông thôn, tính thuần phác, chạy giao hàng gia công may mặc. Buổi đầu cô thể hiện tốt vai trò của một người vợ, con dâu đúng mực trong gia đình chồng. Nhưng theo thời gian, khi có công việc và quan hệ mới thay đổi nhờ dựa vào vai vế của bố chồng, cô ta đã “lột xác”, đã trở nên ích kỷ và bất nhẫn với người chồng.
Nhưng nếu câu chuyện tiến triển theo “đà” ấy thì cuộc đời hóa ra quá tàn nhẫn và người đọc sẽ bị “sốc” trước thân phận của kiếp người. Câu chuyện vẫn có cái kết thúc có hậu sau một vài biến cố quan trọng đến với gia đình lớn. Mỗi người đã tự ý thức phải thay đổi để xích lại gần nhau hơn, để thế giới này khỏi bị xô lệch, méo mó. Triết luận nảy lên từ tác phẩm: thế giới luôn luôn ở trong trạng thái dễ bị xô đẩy, xô lệch kéo theo những bể dâu kiếp người. Văn chương sẽ làm được gì trong việc nâng đỡ, cứu rỗi con người?!
Bảo vệ gia đình – bảo vệ văn hóa Việt
Cõi Nhân Gian (tiểu thuyết, 2022) của Nguyễn Phúc Lộc Thành, có thể nói là một “trường thiên tiểu thuyết” (gồm 4 quyển, 8 tập, gần 2000 trang), vừa xuất hiện trên văn đàn, đã góp một tiếng nói nghệ thuật mới mẻ trong việc tái hiện nghệ thuật cơn vặn mình của xã hội Việt Nam chuyển từ cơ chế hành chính bao cấp sang thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) trong vòng hơn ba mươi năm qua (tính từ cột mốc Đổi mới, 1986).
Cõi Nhân Gian là một bức tranh đời sống được phác họa trên nền tảng cộng sinh của chúng sinh theo tinh thần hiện sinh. Trải dài suốt tác phẩm là những câu chuyện về kiếp người trong thời buổi kim tiền, cạnh tranh gay gắt của thị trường được coi như chiến trường (vì không chỉ có mồ hôi mà còn có cả máu). Con người trong bối cảnh ấy bị nhào nặn tứ phía, lên bờ xuống ruộng nhiều cung bậc, chìm đắm triền miên trong tham/ sân/ si/ ái/ ố/ hỉ/ nộ. Bức tranh đời sống muôn màu muôn vẻ trong Cõi Nhân Gian khúc xạ qua hình ảnh những “tế bào căn cơ” của nó - gia đình.
Những mô hình gia đình trong tác phẩm rất đa dạng cho đời sống xã hội hiện đại, đặc biệt trong giới kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp,... Đó là gia đình của vợ chồng Hương – Vy, ông bà Tám, ông bà Yên, ông bà Sinh – San, ông bà Vân – Thảo, vợ chồng Quang, vợ chồng cô Tú,... Không còn là thời của “gia đình thần thánh” nữa khi nó bị bắn phá liên tục và dữ dội bởi những dục vọng có sức mạnh của “hạt nhân”.
Gia đình đứng trước nguy cơ tan đàn sẻ nghé vì các ma lực: quyền lực, tiền tài và tình ái. Vấn đề đặt ra là: gia đình cần được bảo vệ khẩn cấp bằng pháp luật, đạo đức hay giáo dục và văn hóa? Tất nhiên giáo dục và văn hóa, đạo đức và pháp luật đều là những phạm trù vĩ mô, vĩnh cửu; sức mạnh của cái này chỉ có thể phát huy khi cùng lúc với cái khác theo luật tương hỗ. Nhưng trong thực tế thì các vấn nạn lại đang xảy ra khá nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực nêu trên. Ở đây, cần đến nghệ thuật (có nghệ thuật ngôn từ) như một sức mạnh điều chỉnh, điều hòa xã hội.
Khi thế giới công nhận một “quốc gia hạnh phúc”, tất nhiên dựa trên nhiều tiêu chí, song tiêu chí quan trọng nhất chính là trên lãnh thổ đó tồn tại hiện thực những “gia đình thần thánh” – gia đình hạnh phúc. Ở đó chan hòa bình đẳng, tôn trọng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt. Ở đó luôn vang lên giai điệu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”./.
(arttimes.vn)