Phác thảo 90 chân dung văn hóa, văn chương Việt
GS. Phong Lê được nhiều người biết tới bởi ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian và tâm sức nghiên cứu các tác gia, tác giả văn học cận đại như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Bên cạnh đó, dấu ấn của ông còn khắc nét khá đậm với những tác giả nổi bật, làm nên một “thế hệ vàng” của văn chương Việt Nam thế kỷ 20 như: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Huy Thiệp...
Một đời nghiên cứu chỉ là hữu hạn
Giải thích lý do chọn 90 chân dung để làm nên cuốn sách dày hơn 800 trang khổ to chữ nhỏ nói trên, GS. Phong Lê bảo rằng, ông có hai bậc thầy đồng thời là hai nhà phê bình lớn: nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan và nhà phê bình Hoài Thanh. Nếu Vũ Ngọc Phan để lại dấu ấn nghiên cứu qua cuốn Nhà văn hiện đại với 79 nhà văn, thì Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đề cập 45 nhà thơ. “Còn tôi, ở sách này, tôi chọn 90 nhà văn, nhà văn hóa là đối tượng tôi hạnh phúc được đọc, được khảo sát, được chiêm nghiệm trong suốt hành trình nghề nghiệp, kể từ năm 1960 là năm tôi vào nghề, ở Viện Văn học”, GS. Phong Lê nói.
Mặc dù rất tâm huyết, thậm chí ông xác định đây có thể là một trong vài cuốn sách cuối đời, nhưng GS. Phong Lê tự nhủ rằng cuốn sách vẫn còn hạn chế nhất định. Chính con số 90 kia đã “phơi bày” điều đó. “Con số 90 chân dung vừa thể hiện sự hứng thú riêng, nhưng cũng bộc lộ sự giới hạn của tôi: chỉ có thể đến với 90 tên tuổi. Còn nhiều, rất nhiều tên tuổi khác cũng rất tiêu biểu, rất sáng giá, rất đáng tôn vinh nhưng tôi đành… lỡ hẹn”, GS. Phong Lê nói.
Trong những thập niên vừa qua, nhiều tên tuổi nhà văn đã được khẳng định với những tác phẩm mới, thậm chí đoạt giải thưởng quốc tế. Là nhà nghiên cứu văn học, GS. Phong Lê vẫn đều đặn quan sát và đồng hành với họ. Ông không chỉ đọc tác phẩm mới, mà còn gặp gỡ, chuyện trò, tham gia hội thảo… Thế nhưng, để viết về họ thì ông tự nhận mình “chưa đủ sức”. Sức ở đây có thể hiểu vừa là sức khỏe, vừa là thời gian. Đồng thời, điều đó cũng cho thấy sự khiêm tốn của ông, vì dẫu gì, một đời nghiên cứu chỉ là hữu hạn.
Theo GS. Phong Lê, trong cuốn sách của mình, ông chưa đề cập những tên tuổi tiêu biểu như: Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy… trong văn; Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu… trong thơ. Đồng thời, ông cũng đành phải để trống rất nhiều tên tuổi mới và trẻ, ở các thế hệ từ nửa sau 5X - đội ngũ đang đóng vai trò chủ lực làm nên gương mặt văn chương Việt thời đổi mới và hội nhập, mà chỉ mới lướt qua cũng đã đủ thấy sức nặng trong các đóng góp của họ, nét đặc sắc trong chân dung họ như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều… thuộc thế hệ 5X; Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Y Ban… thuộc thế hệ 6X; Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… thế hệ 7X.
Qua mỗi tác giả để nói về cuộc đời
Tuy vậy, qua 90 chân dung, GS. Phong Lê cho thấy dấu ấn nghiên cứu của mình. Ông viết không phải để xưng tụng, mà qua mỗi tác giả để nói về cuộc đời. Quan trọng không phải là đánh giá tác giả đó, mà điều ông chủ ý hoặc mong muốn là khai thác cho được một hoặc vài khía cạnh có ý nghĩa, trước hết đối với bản thân mình, nhằm qua họ mà thấu hiểu những bài học nhân sinh và nghề nghiệp trước các yêu cầu và thử thách của hoàn cảnh.
GS. Phong Lê cho rằng, ông may mắn được đồng hành với nhiều nhà văn, nhà văn hóa. Có những nhà văn, thậm chí thế hệ nhà văn, ông gần gũi, thân thiết. Chẳng hạn, với nhà văn Hoàng Trung Thông, ông được làm việc cùng suốt 10 năm ở Viện Văn học và ngót 50 năm biết Hoàng Trung Thông vì là đồng hương xứ Nghệ. Hay nhà văn Ma Văn Kháng cũng là người mà GS. Phong Lê thân thiết gần 30 năm nay. Theo ông, sự gặp gỡ tương giao rất quan trọng. “Chất lượng trí tuệ, cảm xúc trong bài viết là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố. Trước hết là đọc. Càng đọc khi còn trẻ thì càng nhớ rất lâu. Nhưng những người mình có duyên hạnh ngộ, có những kỷ niệm sống thì nó bồi đắp cho bài viết rất nhiều. Những kỷ niệm sống, kỷ niệm viết sẽ tụ lại thành một văn bản, mang tính riêng của anh chứ không phải của người khác”, GS. Phong Lê chia sẻ.
Bây giờ, tuổi đã cao nhưng hằng ngày GS. Phong Lê vẫn dành nhiều thời gian, đọc, đi, nghĩ, viết và nói. “Tôi đọc, rồi tôi phải đi, dù đi không nhiều lắm so với nhiều người, nhưng nghĩ là chính. Rồi viết và viết. Sau này còn nói nữa - nói tức là đi giảng”, ông giải thích.
GS. Phong Lê đang viết cuốn hồi ký Tôi chọn nghiệp viết để kể lại cuộc đời của mình. Đó là một người đàn ông tuổi Dần (1938) vất vả. Cả cuộc đời “lấy công làm lãi, không ít lần “lên bờ xuống ruộng” nhưng không đánh mất bản thân để luôn mình được là mình…”.
(baodanang.vn)