CHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Nhà thơ Ngân Vịnh: Thơ là tiếng nói từ tâm
Ngân Vịnh đến với thơ từ khi còn là một thiếu niên ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tình yêu thơ của chàng trai trẻ khi ấy giữ cho riêng mình, cháy bỏng mà thầm kín. Chỉ đến khi kinh qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, thơ Ngân Vịnh mới thực sự lên tiếng.
Sau khi tham gia trận Ba Gia - Vạn Tường nổi tiếng năm 1965, Ngân Vịnh được Quân khu điều động về Cục Chính trị làm phóng viên rồi biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Từ người lính cầm súng, Ngân Vịnh trở thành người lính cầm bút trên mặt trận văn nghệ. Thơ Ngân Vịnh lúc ấy được viết qua từng trận đánh, từng chiến dịch, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ Khu 5 lúc bấy giờ.
Nhưng phải đến năm 1977, sau khi đất nước thống nhất, Ngân Vịnh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay: Tình yêu nhận từ đất (in chung với nhà thơ Thanh Quế, Ngô Thế Oanh).
“Như mùi hương cỏ ấu miền quê”
Điều người ta nhớ nhất về Ngân Vịnh không phải là những vần thơ hùng hồn về chiến tranh hay về người lính mà là một cái gì đó nằm ngoài sự khốc liệt, chát chúa, gai góc. Tiếng thơ giản dị, tự nhiên và sâu lắng mới là cái tạng của ông. Ngân Vịnh thường nói rằng, mỗi người sáng tác có một cái tạng riêng, ông cũng không ngoại lệ. Thơ Ngân Vịnh đằm sâu, chất chứa, như: Chút nồng nàn đã cạn, Nỗi đau lẳng lặng, Đôi điều bày tỏ, Tìm nhặt, Tự cảm, Tự tình, Chiều một mình tôi biết…
Đọc các tập: Bóng rừng trong mưa (1984), Hoàng hôn mây bay (1991), Cõi lục bát (2002) hay Lặng lẽ tường đá ong (2007)…, có thể thấy xuyên suốt trong tiếng thơ khá đa dạng Ngân Vịnh là tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, từ miên man nỗi nhớ về làng Thạch Đà quê cũ với những Ngõ làng, Đêm quê, Lối xưa bước cỏ, Làng quê khuất phố…, đến những thổn thức về Đà Lạt phố xa, Bến Ngự mưa, Chiều Huế, Đêm Hồ Tây, Sơn Trà… Bằng cả nguồn cảm hứng chan chứa, đắm say, Ngân Vịnh vẽ ra trước mắt người đọc biết bao vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên con người cùng đất nước.
Điều đặc biệt ở Ngân Vịnh là dù viết về đề tài gì, những thể thơ truyền thống vẫn được ông chọn lựa nhiều nhất. Chẳng thế mà có người đã gọi Ngân Vịnh là nhà thơ lục bát thời hiện đại. Phải, ông yêu thơ lục bát, yêu tiếng nói dân tộc và tự hào về những sáng tạo của cha ông: “Tôi thấy tôi hạnh phúc là người được cất cao tiếng nói của dân tộc và đóng góp cho dân tộc một chút ấm nồng của tâm hồn mình ẩn giấu như mùi hương cỏ ấu miền quê”, Ngân Vịnh từng nói.
Số phận con người cần được tôn trọng, yêu thương
Có người nhận xét rằng, phải đến tập Lặng lẽ tường đá ong (2007), thơ Ngân Vịnh mới có bước đột phá từ nội dung đến hình thức. Ở đây không còn một Ngân Vịnh với những vần thơ lục bát truyền thống, tiếng thơ được bộc thoát mới mẻ, hiện đại với thể thơ tự do phóng khoáng. Nhưng với Ngân Vịnh, sự đổi mới về thể loại chỉ là bề mặt trong những cách tân thơ, thơ có mới hay không phải từ tâm trạng. Tâm trạng mới, tư duy mới thì mới mong tạo nên những tiếng thơ mới mẻ. Và dù thơ có được khoác trên mình chiếc áo sặc sỡ, tân thời đến đâu, thơ vẫn chỉ là thơ khi nó cất lên tiếng nói, tình cảm chân thực của con người, của đời sống. Ở đó, số phận con người cần được tôn trọng và yêu thương. Mọi tình yêu chỉ thiêng liêng, và thực sự có giá trị khi gắn với hai tiếng con người. Khi ngừng viết về con người thì thơ không còn là thơ nữa.
Đọc Ta tìm, Tôi người đàn ông, Ngày tóc bạc, Đàn bà, Gió đàn ông…, có thể thấy Ngân Vịnh lấy thơ để nhận diện mình và nhận diện người. Ông tâm sự, từng đi qua chiến tranh cùng những chiêm nghiệm quý giá về thời chiến, đặc biệt là thân phận con người trong chiến tranh đã cho ông những vần thơ đầy sức nặng trong thời bình khi viết về người mẹ, người vợ, về những được – mất, hạnh phúc – đau khổ, cả sự hy sinh muôn thuở của con người. Khi con người ta quay lại với những gì đã đến, họ sẽ nhìn mọi thứ với tấm lòng rộng mở, bao dung. Vậy nên một người thơ “hiền lành” như Ngân Vịnh đã khiến nhiều người bất ngờ khi lên tiếng bảo vệ Thị Mầu – nhân vật vốn bị những khuôn thước đạo đức truyền thống Việt Nam lên án: …Này em mắt cứ đong đưa/ cứ bôi trầu thắm bỏ bùa cho sư/ mấy khi đời được tương tư/ vầng trăng lẻ giữ khư khư làm gì… có chi là cái chính chuyên/ mà đem thân phận buộc duyên nợ vào… Thị Mầu em vắng một ngày/ đàn ông trên thế gian này ra sao? (trích Này em Thị Mầu)…
Ngân Vịnh luôn ý thức rằng, viết văn, làm thơ là công việc tự thân đầy khó nhọc nhưng đầy tự nguyện. Chỉ có đam mê, sự chân thành sâu sắc thì những tâm sự của một người sẽ đi thẳng vào trái tim triệu triệu người. Dù theo trường phái nào, thơ xuất phát từ cái tâm trong sáng, không thách đố, thì người làm thơ sẽ luôn tự tìm cho mình được con đường riêng để đi mà không sợ mình cũ hay mới.
***
Nhà thơ Ngân Vịnh tên thật là Phùng Ngân Vịnh; sinh năm 1942; quê quán: Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội; hiện sống tại Đà Nẵng.
Giải thưởng văn học: Giải B cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (1984). Giải nhì cuộc thi thơ báo Phụ nữ Việt Nam (1994); Giải thưởng văn học Quảng Nam – Đà Nẵng mười năm lần thứ nhất (1975-1985), lần thứ hai (1985-1995); Giải nhì cuộc thi thơ thành phố Đà Nẵng 1999-2000; Giải ba tác phẩm văn học 5 năm lần thứ nhất tỉnh Vĩnh Phúc (1995-2000) cho tác phẩm Ngày thường đam mê; Giải C văn học thành phố Đà Nẵng cho tác phẩm Phía hoàng hôn yên tĩnh (1997-2005).
(QNO)