Một nén tâm hương tưởng nhớ Người

19.05.2021
Nguyễn Đình Vĩnh
Từ việc tiếp cận tập thơ về Bác Hồ, tôi nghĩ rằng rất cần thiết để chúng ta tiếp tục lựa chọn nhiều hơn nữa những bài thơ, những bản nhạc hay, những bức tranh đẹp, những tấm ảnh gắn với cuộc đời của Bác Hồ kính yêu để giới thiệu với công chúng. Bởi như chúng ta biết, văn học nghệ thuật không có tác dụng nhanh và mạnh như nhiều lĩnh vực khác nhưng với sứ mệnh thiêng liêng của nó thì sức lan tỏa và xuyên thấm lại chắc chắn, bền lâu.

Một nén tâm hương tưởng nhớ Người

 Bác Hồ trong tâm thức mỗi người dân Việt không chỉ là niềm tự hào mà còn là điểm tựa cho mọi vẻ đẹp để hoàn thiện mình. Cuộc đời và nhân cách của Người đã chắp lên bao cảm xúc để các nhà thơ nhà văn kết dệt thành những tác phẩm để lại cho đời.
Gởi lòng con đến cùng Cha là tập thơ do Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp ấn hành gồm 62 bài thơ viết về Bác Hồ của 52 tác giả vốn là những cây bút từng công tác, chiến đấu ở Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu V trước đây cũng như các cây bút đang sống và công tác tại Đà Nẵng hiện nay, thể hiện “tấm lòng tưởng nhớ Bác của những đứa con ở khúc ruột miền Trung bao năm khắc khoải mong chờ ngày thống nhất để được Bác vào thăm nhưng mãi mãi chẳng bao giờ còn gặp…”
Tập thơ được lấy nhan đề từ tên một bài thơ của tác giả Thu Bồn viết vào tháng 9 năm 1969 khi vừa được tin Bác mất. Tập thơ cũng khá đa dạng về thể loại: ngũ ngôn có 05 bài, lục ngôn có 03 bài, thất ngôn có 05 bài, bát ngôn có 05 bài, song thất lục bát có 02 bài, lục bát có 09 bài, tự do và hợp thể có 33 bài. Và mỗi một thể loại lại có thế mạnh riêng trong việc phô diễn ý thơ và trải bày những mạch nguồn cảm xúc. Nếu ngũ ngôn phù hợp cho nhịp kể, thất ngôn và bát ngôn phù hợp cho điệu trầm thì lục bát lại hợp với giai điệu ngân nga, thể tự do thích ứng với những thay đổi của dòng cảm xúc nhanh, mạnh.
Những tác phẩm trong Gởi lòng con đến cùng Cha được gợi nguồn cảm xúc chủ yếu từ cuộc đời và nhân cách của Bác. Đó là quá trình ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng (Đại dương lòng Bác - Nguyễn Đức Chữ), trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam (Bên cột mốc 108 - Nguyễn Nho Khiêm), tham gia kháng chiến (Bác Hồ đi kháng chiến - Khương Hữu Dụng), dịch “Quốc tế ca” ra thơ lục bát, để nhân dân lao động dễ nhớ, dễ thuộc nhằm vận động cách mạng (Hồn đất nước - Nguyễn Văn Chương), đến khi ở cương vị Chủ tịch nước vẫn ở trong một ngôi nhà đơn sơ (Nơi Bác ở là một ngôi nhà sàn - Bùi Công Minh)…
Những câu thơ, đoạn thơ, bài thơ ở mảng đề tài này so bề dễ tiếp cận vì trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam, cuộc đời thực đã qua và những di tích, dấu ấn liên quan đến Bác thật gần gũi, thân thuộc.
Những không gian thân thuộc như nơi ngủ, nơi làm việc của Bác khi lãnh đạo đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp:
Đây nơi Bác ngủ. Bác ơi, gian khổ quá!
Một miếng ván gập ghềnh trên tảng đá…
Đây nơi Bác hằng ngày viết sách
Bàn: hòn đá cao, ghế: hòn đá thấp…
Đây bờ suối Bác nấu ăn. Rau măng cháo hẹ…
(Pác Bó - Tế Hanh)
 
Lối sống, cách ăn mặc giản dị đã kết tinh thành vẻ đẹp nhân cách của vị lãnh tụ, của con người Việt Nam:
Với chính mình
Người thanh cao giản dị
Ăn không cao lương mỹ vị
Ở chẳng gác tía lầu son
Mặc không xa hoa kiểu cách
Áo sờn cổ sờn vai chưa chịu may cái khác
Đôi dép cao su mòn vai quẹt gót
Xin Người thay, Người chẳng bằng lòng…
(Người là Hồ Chí Minh - Trương Đình Đăng)
 
Tính cách, hành động, tình cảm của Bác cũng được khắc họa khá rõ. Có những điều chúng ta như đã nghe từ lời kể của các đồng chí thư ký, các nhà báo và những người từng gặp Bác. Tất nhiên ở đây chỉ là những nét chính được lẩy ra từ các câu chuyện ấy và phổ vào đó bởi những chất liệu ngọt ngào, tươi mát của thi ca.
Chuyện Bác trải niềm lo và niềm yêu thương cho dân công, cho bộ đội:
Mưa đêm rừng lạnh Bác thương
Dân công bộ đội trên đường hành quân
Thà rằng Bác chịu gian truân
Người già, con trẻ khốn cùng Bác đau
(Tình Bác - Thành Chiện)
 
Bác kính người già và yêu thương em nhỏ, trọng thành quả lao động - dù nhỏ của nhân dân:
Bát cháo trứng
Những ngày gian khó ở rừng
Bác mang đến cho người cao tuổi
Quả táo ngon
Trong buổi tiệc trọng thể ở Pháp
Bác cầm tay trao cho em bé Paris
Một que diêm cũng ân cần bài học
Miếng cơm thừa để lại kia là nước mắt nhân dân…
(Những điều đơn giản - Nguyễn Kim Huy)
 
Chuyện Bác xuống đồng và cùng xắn tay kéo gàu với những người nông dân Thái Bình:
Nhát cuốc Bác bổ xuống mặt đất khô cằn
Mở ra công trình đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải
Bác kéo gàu dây với những người nông dân Thái Bình
Thái Bình bừng lên quê hương năm tấn
(Bác ở trong ta - Bác sống giữa đời - Bằng Giang)
 
Chuyện Bác chăm sóc cây vú sữa từ miền Nam gởi ra với một niềm yêu đặc biệt:
Cây miền Nam, Bác chăm từng gốc nhỏ
Mỗi sáng nghiêng mình bên cây vú sữa
Bác xoa từng lá, Bác nâng từng cành
Tay thương yêu làm biếc những chồi xanh…
(Xanh trong vườn Bác - Cao Phương)
 
Nổi bật ở tập thơ là tấm lòng của nhân dân đối với Bác. Lòng biết ơn của người Tây Nguyên được thể hiện một cách hình tượng, cụ thể:
Dân Tây Nguyên sống nên người
Nhờ Bôk Hồ, nhờ Đảng
Bôk Hồ là ngôi sao sáng
Trên đầu dân tộc Tây Nguyên
Đảng là mây đẹp Chò-rò
Bay trên trời cao nhất.
(Thương cụ Hồ, thương Đảng - Ngọc Anh)
 
Và cũng có khi khá trừu tượng, bao quát như cách thể hiện của Lưu Trùng Dương:
Ôi trời biển mênh mông lòng Bác
Nỗi xót đời, yêu nước, thương dân.
Bác đem những phút cuối cùng
Chăm lo cho mỗi dòng sông, mái nhà,
Cho tuổi trẻ thành hoa thơm ngát,
Cho tuổi già được mát bóng cây,
Cho quê hương đẹp từng ngày,
Cho bầu bạn lại kề vai chung lòng…
(Con nhớ rõ từng lời di chúc- Lưu Trùng Dương)
 
Có khi chỉ là một sự hình dung. Một hình dung rất thực mà cũng rất thơ. Trong cái cấu tứ chung của toàn bài rất lạ:
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn
(Cháu nhớ Bác Hồ - Thanh Hải)
 
Có khi là sự hồi tưởng:
Bác ngồi trên bậc thềm rêu
Kể chuyện xưa, vẫn nhắc nhiều chuyện nay
Ung dung Bác nói ngày mai
Con nghe mắt chớp chớp hoài rưng rưng
(Nhớ người - Thanh Quế)
 
Thơ được cho là tiếng nói của cảm xúc, vì thế không như truyện, cũng chẳng như ký. Sức mạnh của thơ không nằm ở những sự việc được kể, tả, luận bàn. Sức mạnh của thơ nằm ở sự gợi và độ truyền của cảm xúc. Có thể nói, điều đó thật đúng ở những câu thơ viết về Bác khi được tin Bác mất. Những câu thơ mà, theo chúng tôi, đã thể hiện niềm đau và cảm xúc mãnh liệt nhất.
Đó là những dòng thơ của Thu Bồn với lời đề từ Kính tặng hương hồn Bác vào tháng 9-1969:
Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi !
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng…
(Gởi lòng con đến cùng Cha - Thu Bồn)
 
Đó là bài viết của Khương Hữu Dụng vào ngày 8-9-1969, tức chưa đầy một tuần khi biết tin Bác mất:
Tin đau truyền vào Nam
Nửa quê hương sửng sốt:
- Bác chưa kịp vào thăm
Bác đi sao đột ngột!
Một khoảng trống mông mênh
Cho núi sông ngơ ngác…
(Đi tiếp con đường - Khương Hữu Dụng)
 
Là tác phẩm của Lê Huy Hạnh hình thành trong những ngày từ 3-9-1969 đến 10-9-1969, thể hiện niềm xót thương và biết ơn vô hạn của các dân tộc Tây Nguyên với Book Hồ:
Nhớ thuở Book Hồ đi
Tây Nguyên chưa biết mặt
Nay Book Hồ đi xa
Tây Nguyên không được gặp
Tây Nguyên chẳng muốn nghe
Tin truyền đi Book mất
Ai tin Book Hồ mất?
(Bài ca Book Hồ - Lê Huy Hạnh)
 
Đó còn là sự hồi nhớ của những người một thời đã trực tiếp cầm súng đấu tranh cho sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước non này:
Tin Bác qua đời con ở xa
Chiến trường khói lửa lắm phong ba
Miền Nam con nhớ đêm không ngủ
Cây cỏ buồn thương ướt lệ nhòa
(Bài thơ dâng Bác - Cao Hữu Chuyên)
 
Con vẫn chưa tin
Dù chính tai mình
Nghe rất rõ từng câu qua sóng điện…
Đột ngột nỗi đau
Phút-giây chết lặng
Ôi thiêng liêng.
Đất nước buồn tiễn biệt!
(Kính dâng Bác - Nguyễn Quân)
 
Ngày Bác đi xa
Con đang trong nhà tù của giặc
Không có được mảnh băng tang trước ngực tiễn đưa Người
Tận góc trời, trên hòn đảo chơi vơi
Con cúi mặt nghiêm trang quay về hướng Bắc
Mím chặt môi, không cho trào nước mắt
(Thưa Bác - Hoàng Thanh Thụy)
 
Giờ nhớ lại trời Long Biên đẫm nước
Sóng Hồng Hà cuộn đỏ trong mưa
Ngày Bác mất hai đứa mình lặng điếng
Lay ơn buồn ngơ ngác mấy giao thừa
(Cỏ Linh Tiên Hà Nội - Hoàng Minh Nhân)
 
Một nội dung cũng khá quan trọng ở tập thơ đó là những ảnh hưởng từ thơ văn và con người Bác. Trước hết là những ý gợi từ các vần thơ của Bác. Khương Hữu Dụng trong Bác Hồ đi kháng chiến đã tiếp thu những ý thơ Bác đã viết trong kháng chiến chống Pháp; Đinh Huyền nhân đọc Rằm tháng giêng của Hồ Chủ tịch mà viết Tháng giêng đọc thơ Bác; Ngân Vịnh cũng từ bài thơ Nguyên tiêu mà gợi hứng viết Rằm tháng giêng sông Đáy; Thứ nữa, là từ cuộc đời của Người đã toả những ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhận thức của nhân dân, của các thế hệ nhà thơ. Trinh Đường đã rất có lý khi chỉ ra một điều tưởng chừng hết sức đơn giản: tiếng gọi Bác Hồ.
Tên Bác giờ đã vào giữa chúng ta
Thành sức mạnh, thành niềm vui, sắc đỏ
Như câu hát thuộc lúc nào chẳng rõ
Giữa tâm hồn bỗng chốc thấy ngân nga.
(Bác Hồ - Trinh Đường)
 
Là ý thức biến đau thương thành hành động cách mạng. Thành nhận thức, quyết tâm của cá nhân mình:
Con xin gửi nắm đất nồng
Chắn đê giữ nước sông Hồng đương lên
Cho con làm một mũi tên
Xòe năm cánh nhọn giương trên Thành đồng
Việt Nam ơi! Giống Tiên Rồng
Bốn ngàn năm lấy máu hồng làm hoa!
(Gởi lòng con đến cùng Cha - Thu Bồn)
 
Thành lời hiệu triệu của buôn làng, của các dân tộc anh em:
Hỡi người Ê đê
Hỡi người Ba na
Hỡi người Gia rai…
Những người con trai
Những người con gái
Hãy đốt đuốc Lồ ô cho sáng khắp mọi nhà
Đánh tiếng kồng
Khuya tiếng chiêng ngàn xa
Chiêng rồng vàng ngàn năm còn đó
Cho con thú phải kinh
Cho thằng giặc phải chạy
(Bài ca Book Hồ - Lê Huy Hạnh)
 
Thành ý chí cho các chiến sĩ giải phóng quân đang trên đường chống giặc:
Tất cả quê hương một lòng giải phóng
Biến đau thương thành sức mạnh xung phong
Biến đau thương thành mồ chôn giặc Mỹ
Càng nhớ Bác nhiều càng gắng lập công
(Bác vẫn sống - Lê Ngọc Lan)
 
Ngày mai, tan lũ quân thù đế quốc
Chúng con về quanh Bác, Bác ơi!
Băng bó đau thương, xây dựng lại cuộc đời
Như muôn mạch máu li ti trở về tim vĩ đại
(Con viết bài thơ dâng Bác - Giang Nam)
 
Thành sức mạnh đoàn kết muôn người, muôn dân tộc anh em như một nhằm chống lại những mưu gian chước quỷ của kẻ xấu bụng:
Chúng ta thề trước thần linh, thề cùng trời đất
nguyện không để ai chia cắt đất thiêng này,
giữ lòng người như đá rừng nguyên khối;
không đưa dao cho ai cắt mối dây buộc chặt
mối tình ruột rà máu mủ
quyết không để kẻ xấu bụng hòng thay đá đổi đất,
phản bội ông bà mẹ cha,
quên nương quên rẫy…
(YBrơm - Bùi Công Minh)
 
Và là niềm tin yêu cho cuộc sống hôm nay:
Tôi cúi xuống nhặt viên sỏi nhỏ
Nghe ấm tình của Bác nước non xa
Giọt sương từ trời xanh sáng nay về treo trên lá biếc
Ánh sương soi mùa xuân bất tận quê nhà
(Bên cột mốc 108 - Nguyễn Nho Khiêm)
 
Ý thức ấy, niềm tin ấy đã và sẽ tạo nên những sức mạnh vững chải để chúng ta tiếp bước con đường mà Bác, mà Đảng đã chọn:
Ta đi tiếp con đường
Bác vì ta vạch sẵn
Cả Việt Nam trùng trùng
Dưới ngọn cờ của Đảng
(Đi tiếp con đường - Khương Hữu Dụng)
 
Tiếp cận tập thơ Gởi lòng con đến cùng Cha, chúng ta được hiểu hơn về con người và tấm lòng của Bác, hiểu hơn về niềm kính yêu vô hạn của nhân dân qua các thế hệ đối với một vị lãnh tụ kính yêu, một con người Chỉ biết quên mình cho hết thảy - Như dòng sông chảy nặng phù sa.
 
N.Đ.V
Bài viết năm 2010, có bổ sung, vi chỉnh năm 2020.